Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

NGƯỜI CAO NIÊN CÓ KHÔN NGOAN HƠN?

 

NGƯỜI  CAO  NIÊN  CÓ  KHÔN  NGOAN  HƠN?

Mon, 04/10/2021 - Trầm Thiên Thu


Tôi bị ám ảnh với cách nói: “Người đầu bạc thì khôn ngoan.” (Kn 4:8-9) Nghĩa là người ta càng lớn tuổi càng khôn ngoan. Nhưng tôi nghĩ rằng tuổi tác và khôn ngoan không nhất thiết có liên quan. Có nhiều trường hợp tuổi tác không cân bằng với khôn ngoan, chắc chắn vậy, nhưng cũng có nhiều người cao niên vẫn không khôn ngoan hơn người trẻ. Có thể đó là lý do mà có câu nói khác: “There's no fool like an old fool.” (Già còn chơi trống bổi.)

Khi tôi lớn hơn, tôi nghĩ về điều này là lý tưởng, và về “những thành tựu” trong đời tôi. “Những thành tựu” đặt trong ngoặc kép vì có một vài thành tựu tích cực và đáng khen, nhưng nhiều thành tựu không đáng khen. Có thể bạn hiểu điều này!

Khi tôi ngoài 20 tuổi, tôi không thể chịu được. Dĩ nhiên tôi biết mọi thứ, và tôi quyết định dựa trên những điều tôi muốn. Tôi không quan tâm việc quyết định của tôi có ảnh hưởng người khác hay không, hoặc có ảnh hưởng tôi lâu hay không, cuộc đời tôi và tính cách của tôi mà. Đó là cách của trẻ con: Tôi muốn cái tôi muốn, và tôi muốn nó ngay! Và đó là cách của tôi.

Tôi đã đọc một bài viết của CNN về một vấn đề trong vài thập niên qua ở xã hội Mỹ: Nhiều thanh niên không muốn trở thành người lớn. Họ từ chối trưởng thành vì không muốn chịu trách nhiệm. Họ tiếp tục sống cho mình. Họ sống như tôi đã sống. Nhưng tôi không còn là thanh niên nữa. Chưa đầy một năm nữa, tôi sẽ ở tuổi “thất thập cổ lai hy.” Như vậy rõ ràng tôi không còn là thanh niên nữa, cả về cảm xúc lẫn tâm sinh lý. Tôi đã trưởng thành.

Khi tôi nhìn lại và hướng về phía trước, vấn đề là cho tới nay tôi vẫn chưa thành công, cuộc đời đã để lại cho thế giới một ít đắng cay vì tôi đã hiện diện ở đó. Cân nhắc điều đó, tôi nên làm gì trong tương lai và tôi còn sống bao lâu nữa? Tôi muốn người ta nhớ đến mình thế nào, và bây giờ tôi nên làm gì để điều đó xảy ra?

Một phần trả lời cho câu hỏi này là xác định thành công. Nói chính xác, tôi xác định thành công – cho tôi, cho người khác, cho các tổ chức, hoặc mọi thứ – như tôi làm tốt vì những gì tôi đã phác thảo và trù tính. Giả sử của tôi là ai đó đã thiết lập và tạo cách cho tôi. Đó là một dự tính đáng tin cậy “vừa xảy ra.” Như vậy, Tôi có sống cuộc đời thỏa mãn tiêu chuẩn của Chúa về việc tôi làm tốt với những gì tôi được tiền định?

Trước hết, chúng ta phải cân nhắc điều chúng ta phải làm. Cân nhắc rằng Chúa là “nhà thiết kế” của tôi, và Ngài làm công việc cứu độ, tôi được gợi ý làm theo mục đích đã được tiền định. Thiên Chúa ở trong công việc của mọi người, Ngài nói rằng Ngài muốn tôi giới thiệu Ngài trong việc quan tâm và hòa giải thế giới với Ngài. (x. St 2 và 2 Cr 7) Ngài muốn tôi làm những điều mà Chúa Giêsu sẽ làm nếu Ngài hiện diện ở đây. (x. Ga 20)

Như vậy, tôi đã làm điều đó chưa? Tôi đã hành động như người đại diện của Chúa Giêsu? Tôi có hành động như thể cuộc đời tôi được Thiên Chúa ủy thác nhân Danh Ngài? Chưa. Tôi đã viết về giai đoạn đầu cuộc đời trưởng thành của tôi.

Nhưng tôi không như vậy nữa. Tôi không khó chịu như hồi thanh niên nữa. Và tôi không sống cho tôi như tôi từng sống trước đây. Tôi đã lớn khôn hơn, tôi nhận ra rằng tôi không sống theo ý mình nữa. Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đã chết cho tôi. Ngài kêu gọi tôi hoàn tất bổn phận, đó là CỨU ĐỘ NGƯỜI KHÁC và XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA. Và điều đó tạo sự khác biệt.

Có lần một học giả nói về việc nghiên cứu các nhà lãnh đạo – cả đạo và đời, ông thấy rằng khoảng 2/3 số nhà lãnh đạo đều không hoàn tất tốt nhiệm vụ của mình. Nghĩa là, sau khi lãnh đạo, họ đã làm điều gì đó thay đổi cuộc đời của họ, để rồi cuối cuộc đời họ, đó lại là điều xấu hổ của họ!

Trường hợp của tôi, phần đầu cuộc đời là giai đoạn xấu hổ. Nhưng Thiên Chúa quá kiên nhẫn, cuối cùng Ngài lại ban cho tôi nhiều ân sủng hậu hĩnh. Ngài cho tôi nhận ra sự ngu xuẩn trong cách chọn lựa và quyết định của tôi. Và từ đó cuộc đời tôi đã thay đổi.

Bây giờ tôi hưu trí. Nhưng tôi không hưu trí. Tôi bận rộn với Chúa trong việc cứu độ và chứng tỏ ân sủng của Chúa Giêsu cho những người chưa hiểu biết. Thật tuyệt vời. Thực sự như vậy mới đúng là càng cao niên càng khôn ngoan. Tôi mong bạn cũng sống khôn ngoan như vậy!

LARRY BADEN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheologyWebsite.com)

 

***************

YÊU  MẾN  MẸ  MÂN  CÔI

Tháng Mười biệt kính Đức Mẹ Mân Côi. Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là một cách chứng tỏ yêu mến Đức Mẹ. Thánh Pio Năm Dấu khuyên: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi Mân Côi, vì chuỗi Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay. Mọi ân sủng đều được Thiên Chúa trao ban qua Đức Mẹ.”

Thánh Gioan Phaolô II cho biết: “Kinh Mân Côi là mầu nhiệm của các mầu nhiệm. Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ.”

Đặc biệt là khi hiện ra lần cuối cùng với ba trẻ tại Fátima (Bồ Đào Nha), Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày... Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân... Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. ...Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng.” Tháng Mười là lời nhắc chúng ta nhớ lại ba mệnh lệnh Fátima: [1] Ăn năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Chữ Rosary (Chuỗi Mân Côi) nghĩa là “Triều Thiên Hoa Hồng” – Crown of Roses. Đức Mẹ đã mặc khải cho một số người biết rằng mỗi lần đọc kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp và lần xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng.

Hoa hồng là hoa của các loài hoa, chuỗi Mân Côi là hoa hồng của mọi lòng sùng kính, do đó mà hoa hồng quan trọng nhất. Chuỗi Mân Côi được coi là lời cầu nguyện hoàn hảo vì trong đó có câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Qua chuỗi Mân Côi, chúng ta suy niệm các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện khiêm nhường, khiêm nhường đến nỗi như Đức Mẹ. Đó là lời cầu nguyện chúng ta cùng đọc với Mẹ Thiên Chúa. Với kinh Kính Mừng, chúng ta mời Đức Mẹ cùng cầu nguyện cho chúng ta. Đức Mẹ luôn ban cho chúng ta những điều cần. Đức Mẹ nối kết lời cầu nguyện của Mẹ với lời cầu nguyện của chúng ta. Do đó lời cầu nguyện ấy hữu ích hơn bao giờ hết, vì điều Mẹ xin thì Mẹ đều nhận được, Chúa Giêsu không bao giờ từ chối Mẹ điều gì.

Trong mỗi lần hiện ra, Mẹ luôn mời gọi chúng ta lần chuỗi Mân Côi vì đó là vũ khí mạnh để chống lại ma quỷ, đem bình an thực sự đến cho chúng ta. Qua lời cầu nguyện cùng với Mẹ, chúng ta có thể nhận được tặng phẩm giá trị là biến đổi tâm hồn và hoán cải. Qua lời cầu nguyện hằng ngày, chúng ta xua đuổi nguy hiểm và ma quỷ xa chúng ta và quê hương chúng ta. Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện lặp đi lặp lại như hai người yêu nhau lặp lại nhiều lần với nhau: “Tôi yêu bạn.”

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917 tại Fátima, Đức Mẹ dạy cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu các linh hồn cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn.” (O my Jesus, forgive us our sins, save us from the fires of hell, and lead all souls to Heaven, especially those in most need of Your Mercy.)

Phanxicô (Francisco) qua đời ngày 4-4-1919 và Giaxinta (Jacinta) qua đời ngày 20-2-1920. Trước khi giả từ cõi thế, Giaxinta cho biết một ít nhưng đó là những câu quan trọng. Đây là những lời của Đức Mẹ:

Nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì tội xác thịt hơn là vì các lý do khác. Những tội đó xúc phạm Chúa rất nặng. Nhiều cuộc hôn nhân không tốt, họ không làm vui lòng Chúa và không thuộc về Thiên Chúa. Các linh mục phải khiết tịnh, rất khiết tịnh. Họ không được bận rộn với bất cứ thứ gì khác ngoài việc quan tâm Giáo hội và các linh hồn. SỰ BẤT TUÂN CỦA CÁC LINH MỤC ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ RẤT LÀM MẤT LÒNG CHÚA. Đức Mẹ không thể ngăn cản bàn tay của Chúa Con khỏi trừng phạt thế giới vì nhiều tội trọng.

Hãy nói với mọi người rằng Thiên Chúa ban ân sủng qua Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Hãy bảo họ cầu xin ân sủng từ Mẹ, và Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn được tôn kính cùng với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria.

Luxia (Lucia) vào Dòng Tiểu muội Thánh Dorothy để học đọc và học viết, sau đó vào Dòng Coimbra và ở đây cho đến cuối đời.

Ngày 10-12-1925, nữ tu Luxia được thấy Chúa Giêsu Hài Đồng và Đức Trinh Nữ Maria trong phòng riêng ở tu viện. Đức Mẹ cho bà thấy Trái Tim Mẹ bị gai quấn xung quanh, rồi Đức Mẹ nói với nữ tu Luxia:

uấn xung quanh, đó là những người vô ơn đã đâm vào mỗi khi họ phỉ báng và vô ơn... Con hãy nói với mọi người thế này:

1. Hãy xưng tội ngày thứ Bảy đầu tháng trong 5 tháng,

2. Rước lễ,

3. Lần chuỗi Mân Côi,

4. Và dành cho Mẹ 15 phút mà suy niệm về 15 Mầu nhiệm Mân Côi, với tâm tình đền tội, Mẹ hứa giúp họ trong giờ lâm chung bằng những ơn cần thiết để được rỗi linh hồn.

Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917, Đức Mẹ nói: “Mẹ sẽ đến xin thánh hóa nước Nga.” Và Đức Mẹ đã làm điều đó vào ngày 13-6-1929, khi hiện ra với Luxia tại nhà nguyện Dòng Thánh Dorothy, thuộc thành phố Tuy. Luxia nói: “Con đã xin được phép của bề trên và linh mục giải tội cho làm Giờ Thánh từ 11 giờ trưa đến nửa đêm, vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu.”

Đức Mẹ nói với Luxia: “Thời giờ đã đến, điều mà Thiên Chúa yêu cầu Đức thánh cha, cùng với các giám mục trên thế giới, là dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, hứa cứu nước Nga bằng cách này. Cũng có nhiều linh hồn mà công lý của Thiên Chúa kết án vì phạm tội xúc phạm đến Mẹ, và Mẹ đã đến yêu cầu đền tội: Hãy hy sinh vì ý này và hãy cầu nguyện.”

Ngày 13-10-1917, khi ba trẻ được bao quanh với khoảng 70.000 người dù trời mưa như trút, Luxia hỏi Đức Mẹ: “Mẹ muốn gì ở con?” Đức Mẹ trả lời: “Ta là Mẹ Mân Côi. Mẹ muốn có một nhà nguyện tại đây để tôn kính Mẹ, và để mọi người cùng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Chiến tranh hết thì các binh sĩ sẽ trở về gia đình.” Luxia hỏi: “Con có thể xin Mẹ chữa lành và hoán cải, được không Mẹ?” Đức Mẹ nói: “Một số người thì được, một số người khác thì không. Điều cần là họ phải xin lỗi vì tội của họ, họ đừng xúc phạm Thiên Chúa nữa, vì họ đã xúc phạm quá nhiều.” Luxia hỏi: “Mẹ còn muốn gì khác ở con không?” Đức Mẹ nói: “Mẹ không muốn gì nữa.”

Những lời đối thoại thật giản dị và dễ thương, nhưng những lời đó như đang xoáy vào tận đáy lòng chúng ta!

ĐGH Piô XI đã không dâng nước Nga như lời Đức Mẹ yêu cầu Luxia làm, nhưng ngài đã dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, cách riêng nhắc tới nước Nga. ĐGH Piô XII đã làm điều tương tự vào năm 1942, và sau đó dâng hiến dân tộc Nga vào năm 1952.

Ngày 13-5-1982, sau 1 năm bị ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981, cũng là dịp kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fátima, ĐGH Gioan Phaolô II đã tới linh địa Fátima để tạ ơn Đức Mẹ và gặp nữ tu Luxia (một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra). Ngài tin mình sống sót nhờ sự can thiệp trực tiếp của Đức Mẹ Vô nhiễm.

Ngày 16-10-2002, qua Tông thư Rosarium Virginis Mariæ (đề cập chuỗi Mân Côi), Thánh GH Gioan Phaolô II đã chính thức thêm 5 mầu nhiệm mới vào chuỗi Mân Côi: Mầu Nhiệm Sáng. Như vậy, Kinh Mân Côi có bốn mùa: VUI – SÁNG – THƯƠNG – MỪNG. Đó là mầu nhiệm của cuộc đời từ khi sinh ra cho đến lìa trần. Thật là kỳ diệu!

Dây là niềm an ủi và hạnh phúc đối với những ai yêu mến Đức Mẹ: “Tôn sùng Đức Mẹ là dấu chỉ linh hồn có ơn thánh, hay ít nhất cũng sắp được ơn thánh. Con người còn thở chứng tỏ họ còn sống, tôi tớ Đức Mẹ còn kêu tên Mẹ cũng chứng tỏ họ còn sống, còn hoạt động và còn được ơn Chúa phù hộ.” (Thánh Germanô)

TRẦM THIÊN THU (viết theo TheHolyRosary.org)

Tháng Mân Côi – 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét