CHA MẸ SINH CON, AI SINH TÍNH?
Tâm
lý giáo dục theo Ca dao, tục ngữ
Trần
Mỹ Duyệt
Trên những chương trình,
những diễn đàn xã hội, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy đề cập đến các đề tài như
thai giáo, dưỡng nhi, sinh con ra và nuôi con làm sao cho hợp với khoa học. Thí
dụ, cho con bú mấy lần trong ngày, sữa mẹ tốt hay không tốt, thay tã lót, và
cách chọn lựa dinh dưỡng làm sao cho con chóng lớn, phát triển, và khỏe mạnh.
Nhưng ít thấy những đề tài đề cập đến giáo dục dựa trên ảnh hưởng tâm lý phát
triển nơi các em. Hậu quả là tuổi thơ, tuổi trẻ được lớn lên, phát triển theo một
chiều hướng tích cực về thể lý, trí óc, mà thiếu những hướng dẫn về tâm lý, đặc
biệt, tâm lý giáo dục.
Trong văn chương bình dân
của người Việt có những câu bao gồm kinh nghiệm sống của những người đi trước rất
tâm lý, rất hay và ý nghĩa. Thí dụ, trong lãnh vực giáo dục chẳng hạn, mỗi khi
ngụ ý so sánh con cái giống cha hoặc mẹ, người ta thường ví: “Cha nào con nấy.”
Người Mỹ cũng có câu: “Like father like son.” “Like mother like daughter.” Hoặc
khi muốn nhấn mạnh đến những thành đạt, những kết quả mà con cái gặt hái đem lại
vinh dự cho cha mẹ, thì người ta bảo: “Hổ phụ sinh hổ tử.” Trong những trường hợp
như vậy, người làm cho cha mẹ thường cảm thấy mát lòng, hãnh diện.
Nhưng nếu ngược lại thì
sao? Có những trường hợp mà con cái làm cho cha mẹ ăn không ngon, ngủ không
yên, phải bán nhà, bán đất để chạy chữa, lo lót cho chúng tránh ngồi tù vì những
việc làm phạm pháp, vì cờ bạc, ma túy, và vì những thói hư, tật xấu khác. Đối với
những đứa con này, để làm giảm bớt sự phiền muộn đang xét nát tim can, phần
đông cha mẹ hoặc phụ huynh phải tự an ủi: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.”
Còn trong những trường hợp
mà cha mẹ ăn ngay, ở lành, làm nhiều điều đức hạnh mà con cái vẫn hư thân mất nết,
vẫn đem lại những phiền toái, buồn khổ, bất hạnh cho cha mẹ thì sao? Ông trời
có sinh ra cái “tính” của những đứa con này không? Tuyệt đối là không. Trong niềm
tin dân gian, Ông Trời vẫn là Đấng thiện hảo, tốt lành tuyệt đối, nên không thể
làm ra cái xấu, tội lỗi, hoặc khuyết điểm.
Như vậy, nếu một đứa trẻ
sau này lớn lên có những hành vi vô đạo, thiếu giáo dục, hoặc đi vào con đường
hư hỏng thì cha mẹ liệu có vô can, hoặc hoàn toàn là người không có một phần
trách nhiệm? Tiếp theo đây là một số hình ảnh mà người xưa đã kinh nghiệm trong
ứng dụng thực hành việc giáo dục, tạm gọi là tâm lý giáo dục nhân gian.
“Rau nào sâu nấy”: Người
xưa khi nói câu: “Rau nào sâu nấy,” mục đích ám chỉ mối liên quan huyết thống
giữa cha mẹ và con cái. Câu nói này nếu hiểu theo khía cạnh khoa học, là hậu quả
di truyền. Theo đó, đứa trẻ sinh ra thừa hưởng một số những yếu tố di truyền về
thể lý, tâm lý, và trí khôn ngoan của cha mẹ. Nhưng những yếu tố này cần được
hướng dẫn để chúng phát triển nhờ vào giáo dục gia đình, học đường, cũng như xã
hội, trong đó cha mẹ, phụ huynh là người giữ nhiệm vụ chính yếu và quan trọng
nhất.
Giống như hầu hết các
lãnh vực khác, tư cách, nhận thức, và trí thông minh của con người là một cấu
trúc phức tạp bị ảnh hưởng bởi di truyền và những yếu tố của môi trường.
Nhưng theo các nhà khảo cứu
thì di truyền của người mẹ xác định sự khôn ngoan của một đứa trẻ chứ không phải
là do người cha. Điều này xảy ra vì người mẹ mang hai X chromosome, trong khi
người cha chỉ có duy nhất một X chromosome. Khám phá này có thể làm cho những
người cha không vui. Bù lại ông trời lại cho họ được quyền quyết định về việc
sinh con trai hay con gái.
Tuy nhiên, khảo cứu cũng
chỉ rõ rằng di truyền không chỉ là xác định sự khôn ngoan - chỉ có 40-60% trí
thông minh đến từ di truyền, còn lại tùy thuộc ở môi trường. [1]
“Gieo gì gặt nấy”: Nếu
trí thông minh của người con không thừa hưởng bởi di truyền từ người cha, thì
những việc làm của họ lại ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của con cái, vì vai
trò và tiếng nói của họ trong gia đình. Một người cha nhậu nhẹt, say sưa, bài bạc,
ngoại tình, thì không thể đòi hỏi người con là người đàng hoàng, lương thiện,
có tư cách và trách nhiệm. Đứa trẻ học chửi thề, văng tục từ trong gia đình trước
khi chúng bắt chước bạn bè ngoài xã hội. Những thói xấu khác cũng nảy sinh
tương tự như vậy. Về phía người mẹ, những hành động như bừa bãi, lười lĩnh, keo
kiệt, chanh chua, bốp chát với chồng, ghen tỵ, cũng rất ảnh hưởng đến lối sống
của con cái sau này.
Trong tâm lý giáo dục có
một nguyên tắc tuy khó thực hiện, nhưng rất hữu hiệu: “Giáo dục đứa trẻ 20 năm
trước khi nó chào đời”. Tại sao? Điều này được giải thích rằng người cha, người
mẹ phải tự giáo dục mình trước để có khả năng giáo dục con mình khi chúng được
sinh ra.
“Dạy con từ thuở lên
ba”: Kinh nghiệm giáo dục của người xưa,
nếu đem vào ứng dụng theo tâm lý giáo dục thời nay thì rất hợp thời, và rất
đúng. Theo các nhà tâm lý giáo dục, thời gian tốt nhất để giáo dục một đứa trẻ
là khi nó lên ba. Ở thời điểm này trí óc đứa trẻ bắt đầu hoạt động như một chiếc
máy ghi âm cực tốt, có khả năng ghi lại tất cả những gì chúng thấy, chúng nghe
từ chung quanh cuộc sống. Các em bắt đầu:
-Tò mò, khám phá qua sách
vở.
-Thích nghe đọc sách.
-Kể lại một câu truyện
quen thuộc.
-Hát một bài hát bằng chữ
cái.
-Làm những dấu hiệu như
chữ viết.
-Nhận ra chữ cái đầu của
tên mình.
-Biết là viết thì khác với
vẽ.
-Bắt chước đọc to tiếng một
cuốn sách. [2]
Kinh nghiệm thực tế đã chứng
minh điều này. Khi lên 3, đứa trẻ có thể hành động và nói năng, cũng như có những
câu hỏi khiến bố mẹ phải ngỡ ngàng. Nhưng nếu để ý suy nghĩ, thì hầu hết những
ngôn ngữ và hành động đó, chúng đã nghe, đã thấy cha mẹ nói hoặc làm trước đó.
Nếu thời gian từ lúc đứa
trẻ sinh ra đến khi lên ba là thời gian chúng quan sát, ghi nhận và cảm nghiệm
được tình thương, sự âu yếm, chiều chuộng của cha mẹ, thì lúc này khi lên ba
cũng là thời gian chúng phát triển về con người tự nhiên bằng những gì mà người
thân nhất của chúng đã cho chúng. Cha mẹ đừng tưởng mình có thể hành động, cãi
vã, hoặc nói năng bừa bãi trước mặt con cái ở tuổi này mà nghĩ rằng chúng không
biết gì.
Đây là tuổi mà học đường
là cái đầu gối của người mẹ.
“Bé không vin cả gẫy
cành”: Kinh nghiệm giáo dục này ứng dụng với kinh nghiệm thực tế trong việc trồng
và chăm một cây cảnh. Nếu muốn uốn cây phải uốn khi còn mềm, còn non. Khi cây
hoặc cành đã lớn, đã ươn xa, vươn cao mà uốn chắc chắn sẽ bị gẫy. Trong tâm lý
giáo dục, đây là thời gian cây non của những đứa trẻ.
7 tuổi, em bé có thể nói
dối, và nói dối rất chuyên nghiệp. Nếu cha mẹ là người ưa hứa mà không làm đối
với con cái, hoặc nếu cha mẹ dùng roi vọt mà áp chế đứa trẻ, nó sẽ cho cha mẹ
biết cái tài nói dối của nó.
10 tuổi, em bé không còn
thích được vuốt ve, âu yếm, ôm ấp nữa. Chúng muốn chứng tỏ rằng chúng đã lớn hoặc
bắt đầu lớn. Điều này đồng nghĩa với cá tính và con người tự nhiên của chúng bắt
đầu phát triển. Cành cây đã bắt đầu vươn dài và cứng cáp. Những gì cha mẹ làm,
hoặc chúng học được khi còn bé sẽ từ từ thành tập quán và trở thành cá tính. Do
đó, đây cũng chính là thời điểm giáo dục mà cha mẹ phải đầu tư và bỏ nhiều thời
gian.
13 tuổi, tuổi bước vào thời
gian nổi loạn, và ngương ngạnh. Thời gian đứa bé muốn thách thức cha mẹ, thách
thức luật lệ của gia đình, và muốn chứng tỏ cái tôi của mình. Lúc này cha mẹ,
phụ huynh không còn dùng việc chửi mắng, đánh đòn, la lối, ngay cả khóc lóc để
giáo dục một đứa trẻ. Tất cả là do gương sáng, tình yêu thương, và sự gần gũi của
cha mẹ để ảnh hưởng đến một thời điểm quan trọng trước khi cái tôi và cá tính của
đứa trẻ thành hình.
“Gái 17 bẻ gẫy sừng
trâu”: Thời điểm của một cành cây đã khó lòng uốn, và khó lòng bẻ. Nếu người
làm vườn - cha mẹ hay phụ huynh - mạnh tay hoặc thiếu kiên nhẫn sẽ làm gẫy cành
cây.
Nhưng đây cũng là thời điểm
mà cha mẹ hay phụ huynh bắt đầu nhìn thấy hậu quả giáo dục của mình bằng cách
quan sát cách đứa trẻ sống, nói năng, và đối xử với mình, cũng như với những
người chung quanh. Nếu bình tâm, cha mẹ sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình, sẽ nghe
được tiếng mình, và sẽ nhận ra cung cách sống của mình.
Đứa trẻ bẻ gẫy sừng trâu
cũng có nghĩa là nó bắt đầu thoát ra khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, mặc dù chúng
còn ở chung một mái nhà, nhưng thế giới suy nghĩ, và hành động của chúng là thế
giới riêng biệt. Nếu cha mẹ đợi đến lúc này mới giáo dục, mới la mắng, mới khóc
lóc, mới than thở thì e là đã muộn.
Nhiều phụ huynh đã thấy sợ
hãi, lo lắng và buồn bã khi con cái ở tuổi này bắt đầu vướng vào những tệ nạn
xã hội như rượu, bia, xè ke, ma túy, cờ bạc, băng đảng, hoặc bỏ đạo. Không cha
mẹ nào muốn những điều này xảy ra cho con cái, nhưng đó cũng là kết quả do những
thiếu sót trong việc giáo dục khi con cái còn trẻ, cộng thêm những gì mà các
chúng đã học được từ môi trường gia đình, môi trường học đường, và xã hội.
“Tam thập nhi lập”: Về học
vấn và kiến thức, con người có thể học đến già, nhưng giáo dục thì phải tùy thuộc
vào thời gian được dành riêng cho việc này. Bàn về sự trưởng thành tâm sinh lý,
kinh nghiệm người xưa đã nói: “Tam thập nhi lập”. Như vậy, ở tuổi này con người
đã được coi là thành nhân và trưởng thành đủ. Và theo tâm lý, các tính nết, bản
chất một người coi như đã thành nếp.
Nhưng trong thực tế có mấy
người con ở với cha mẹ đến 30 tuổi? Xã hội hôm nay, con cái chỉ mong sao đến 18
tuổi là ra ở riêng, tự tạo cho mình một cuộc sống riêng tư. Do đó, có thể nói
giáo dục gì, giáo dục như thế nào, cha mẹ hay phụ huynh cũng chỉ có 18 năm để
hoàn tất công việc này. Đây là những năm con cái còn ở với mình, hoặc gần gũi
thân mật với mình.
Tóm lại, cũng theo kinh
nghiệm của tiền nhân, thì tuổi thơ, “Nhân chi sơ, tính bản thiện.” Tuổi trước vị
thành niên, hoặc muộn lắm bước vào tuổi thành niên, là thời gian thuận tiện cho
việc giáo dục đức tính và tư cách của một đứa trẻ. Ít nhất, trong thời gian này
đứa trẻ còn trong trắng, ngây thơ, và dễ uốn nắn. Phụ huynh đừng để thời gian
này vượt quá khỏi tầm tay, rồi nhìn lại đổ thừa cho ông trời!
_________
1.
https://www.independent.co.uk › Science
2. Reading Milestones
(for parents). Duyệt lại do Cynthia M. Zettler-Greeley, Ph.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét