Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Ăn nấm giúp tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc ung thư


Ăn  nấm  giúp  tăng  khả  năng  miễn  dịch,  giảm  nguy  cơ  mắc  ung  thư

Thanh Trúc • Thứ Hai, 02/08/2021

Nấm là loại thực phẩm được nhiều người yêu thích, mềm mại và tươi ngon. Thường xuyên ăn các loại nấm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, không chỉ vậy, nấm còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành hiện nay.

Các loại nấm chứa nhiều axit amin Ergothioneine giúp ngăn ngừa ung thư

Trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí “Advances in Nutrition” của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, trường Đại học bang Pennsylvania đã chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn nấm có nguy cơ mắc bệnh ung thư khá thấp. So với những người không ăn nấm, những người ăn 18 gam nấm mỗi ngày có thể giảm 45% nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều chất ô nhiễm và thói quen không lành mạnh sẽ sản sinh ra các gốc tự do trong cơ thể, dẫn đến tình trạng oxy hóa bất thường và các chứng viêm mãn tính, từ đó làm hủy hoại các tế bào, đẩy nhanh tốc độ lão hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như dẫn đến ung thư.

Các loại nấm có chứa axit amin Ergothioneine mà cơ thể người không thể tự tổng hợp được. Các nhà nghiên cứu cho biết, nấm là nguồn cung cấp Ergothioneine cao nhất trong số các loại thực phẩm, giúp chống oxy hóa và bảo vệ tế bào, giảm quá trình oxy hóa, các phản ứng viêm cũng như giảm nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư.

Nồng độ Ergothioneine trong các loại nấm không giống nhau. Nấm hương, nấm bào ngư, nấm Maitake và nấm đùi gà có chứa nồng độ Ergothioneine cao hơn so với nấm kim châm, nấm mỡ trắng và nấm mỡ nâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng ăn bất cứ loại nấm nào cũng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.

Axit amin Ergothioneine không chỉ có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chống viêm và tăng cường khả năng miễn dịch, chuyên gia dinh dưỡng Hạ Tử Văn cho biết, Ergothioneine còn có khả năng trì hoãn sự suy giảm trí nhớ, ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, cải thiện tình trạng kháng insulin và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Tại Singapore có nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lớn tuổi ăn hơn 300 gam các loại nấm mỗi tuần có thể giúp trì hoãn lão hóa não, giảm phân nửa nguy cơ suy giảm nhận thức ở những người bệnh nhẹ.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cho thấy hàm lượng Ergothioneine trong máu cao có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong. 

Thường xuyên ăn nấm giúp tăng khả năng miễn dịch và kiểm soát đường huyết

Các loại nấm có giá trị dinh dưỡng phong phú, ngoài Ergothioneine, trong nấm còn có chứa khá nhiều vitamin nhóm B và protein. Ngoài ra, ß-glucan, Triterpenoids, chất xơ hòa tan cũng là những chất dinh dưỡng có nhiều trong các loại nấm.

ß-glucan: trong số các thành phần dinh dưỡng của nấm, chất được nhiều người biết đến nhất là ß-glucan, chuyên gia dinh dưỡng Hạ Tử Văn cho biết ß-glucan một loại polysaccharide, có thể làm giảm độc tính tế bào và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. 

Triterpeniod: có khả năng ức chế sản sinh tế bào ung thư, thúc đẩy chức năng gan.

Chất xơ hòa tan: được xem là một nguồn thức ăn cho men vi sinh đường ruột, có thể điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột, giảm sự bài tiết các chất gây viêm của vi khuẩn có hại và giảm phản ứng viêm cũng như giúp tăng độ nhạy insulin, giảm kháng insulin và kiểm soát đường huyết.

Hơn 70% tế bào miễn dịch của cơ thể tập trung ở ruột, khi vi khuẩn đường ruột trở nên tốt hơn cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

Các loại nấm nên ăn chín và 2 kiểu người không nên ăn nhiều nấm

Có nhiều người thích ăn nấm sống. Hiện nay đa phần các loại nấm đều được trồng nhân tạo nên khá an toàn, tuy nhiên vẫn nên nấu chín. Bởi vì bản thân các loại nấm thuộc họ khuẩn nên cũng có chứa nhiều Polysaccharide, phản ứng của mỗi người đối với việc ăn nấm sống khác nhau, có thể sẽ gây khó chịu đường ruột, thậm chí là tiêu chảy.

Chuyên gia dinh dưỡng Hạ Tử Văn chỉ ra rằng trong quá trình nấu chín các loại nấm sẽ khó tránh mất đi một số các chất dinh dưỡng, chỉ cần đừng nấu quá lâu là được.

Ngoài ra, khi mua các loại nấm khô được bán trên thị trường nên lưu ý mua nấm được phơi nắng sẽ có chứa vitamin D, nếu phơi gió thì hàm lượng vitamin D sẽ rất thấp vì ergosterol là tiền chất của vitamin D2 và có thể được chuyển đổi thành vitamin D khi nhận được tia cực tím. 

Trong đó, nấm đông cô càng nhăn thì hàm lượng vitamin D càng cao. Cô Hạ Tử Văn giải thích rằng vì ergosterol chủ yếu tồn tại ở dạng nếp gấp. Ví dụ như nấm kim châm có ít nếp nhăn hơn nên chứa ít vitamin D hơn.

Nấm hương khô chứa nhiều vitamin D hơn so với nấm hương tươi.

Các loại nấm đều có thể ăn nhiều, nhưng có 2 kiểu người cần lưu ý lượng hấp thụ:

Người bị bệnh thận: Các loại nấm khác nhau đều có chứa hàm lượng kali khá cao, những ai có vấn đề về chức năng thận cần nấu chín trước khi ăn.

Người bệnh gout: Nấm có hàm lượng purin cao, các bệnh nhân dễ bị gút vẫn nên ăn nấm với một lượng vừa phải.

Thanh Trúc (Theo Epoch Times)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét