Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Hôn nhân đồng tính và đường tới hạnh phúc

Hôn  nhân  đồng  tính  và  đường  tới  hạnh  phúc

(Vũ Van An - 8/5/2015 – Vietcatholic)


Từ ngày 10 tới ngày 12 tháng Tám này, tại St John Inn ở Plymouth, Michigan, sẽ có một hội nghị với chủ đề “Chào Đón và Đồng Hành: Các Tiếp Cận Mục Vụ Đối Với Các Vấn Đề Đồng Tính”, dưới sự bảo trợ của Tổng Giáo Phận Detroit và Hiệp Hội Courage International. 


Trong một cuộc phỏng vấn của Cha David Meconi, Dòng Tên, với Nữ Tiến Sĩ Janet E. Smith, Ph.D., giáo sư đạo đức học đời sống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, người chủ trì hội nghị này, ta biết thêm nhiều điều hữu ích liên quan tới phán quyết mới nhất của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về hôn nhân đồng tính, đồng thời thái độ cần có đối với những người bị lôi cuốn bởi người đồng tính.



Nữ Tiến Sĩ Smith cho hay Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo cũng là người bảo trợ của hội nghị, và có khoảng 30 diễn giả sẽ lên tiếng trong hội nghị, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Đức HY Collins từ Toronto, Đức TGM Vigneron từ Detroit, Ralph Martin, Mary Healy, Peter Herbeck, Teresa Tomeo, Jennifer Roback Morse, Cha John Riccardo, Bob Schuchts, Tiến Sĩ Tim Flanigan, Dan Mattson… nhằm đưa ra một nền nhân học Kitô Giáo vững mạnh. Hội nghị cũng sẽ đề cập tới các cách tiếp cận triết học theo luật tự nhiên và quan điểm nhân vị. Nhiều chứng từ cảm động và gợi hứng cũng được trình bầy bởi các nhân vật trước đây từng tích cực sinh hoạt đồng tính nhưng nay đã hoàn toàn từ bỏ lối sống này để theo con đường trong lành. Hội nghị cũng sẽ được nghe nhiều huấn đạo viên từng giúp những người đồng tính biết cách đương đầu với các thương tích do sự lôi cuốn đồng tính gây nên. 



Các tài liệu của hội nghị sẽ được phổ biến qua hai phương tiện truyền thông sau đây: 1) cuốn “Living the Truth in Love: Pastoral Approaches to Same Sex Issues”, sẽ bao gồm phần lớn các bài tham luận và sẽ do Nhà Ignatius Press ấn hành; 2) các hình thức thính thị và video phổ biến qua trang mạng của Courage.



Người Công Giáo cũng yêu người đồng tính


Về chủ đề của hội nghị, Nữ Tiến Sĩ Smith cho rằng đây là âm vang những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng lên tiếng giảng dậy. Ngài muốn chúng ta phải bước vào liên hệ với những người ở bên lề. Dù việc cổ vũ các liên hệ đồng tính vốn được quảng bá trong mấy năm qua, hầu như người đồng tính nào cũng cho thấy những thời khắc lâu dài và đau đớn trong cuộc đời họ trong đó họ cảm thấy bị đẩy qua bên lề, bị hất hủi. 



Theo bà, quả là lầm lẫn khi cho rằng người Công Giáo “bảo thủ” không yêu hay không muốn yêu người đồng tính. Giống mọi người khác, họ cũng có thành viên trong gia đình hay bè bạn sống với khuynh hướng lôi cuốn đồng tính, và muốn bày tỏ lòng yêu thương đối với những người này. Tuy nhiên, họ thường giữ một khoảng cách không thoái mái lắm với những người họ muốn yêu thương này chỉ vì họ không biết phải hành xử sao cho thích đáng. Một số sợ rằng tỏ bày bất cứ yêu thương hay âu yếm nào cũng sẽ bị giải thích sai là mình ủng hộ tác phong đồng tính, và không chịu làm chứng cho sự thật. Hội nghị này, theo bà, sẽ giúp người nào muốn bày tỏ lòng yêu thương với những ai đang sống với khuynh hướng đồng tính sẵn sàng làm thế và làm một cách thích đáng. 



Tình yêu và sự thật


Về tựa đề cuốn Living the Truth in Love…, Nữ Tiến Sĩ Smith cho rằng có nhiều tình huống trên thế giới khiến người ta nghĩ rằng sự thật và tình yêu không tương hợp với nhau. Nhưng các Kitô hữu biết rằng xâm hại tới sự thật không hề là yêu thương. Chúng ta quan tâm không những tới “hạnh phúc” của người ta ở đời này, mà còn tới hạnh phúc đời đời của họ nữa. Chúa Kitô nói rất rõ rằng ta sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đời đời nếu không sống theo sự thật. Cuộc đời của Người chứng tỏ điều này: thách thức những người sống cuộc sống không tương hợp với sự thật là điều không dễ dàng: người ta rất dễ dàng bác bỏ những người nói sự thật, thậm chí thù ghét người nói sự thật, vì họ không muốn biết sự thật, vì biết sự thật họ phải thay đổi lối sống. 



Hai đáp ứng thông thường đối với khó khăn tỏ lòng yêu thương, và đồng thời trung thành với sự thật là: một số người hoàn toàn bỏ qua việc nói sự thật để cố gắng làm yên lòng những người tỏ ra không muốn nghe sự thật. Kết quả, họ không nói sự thật cho những người tha thiết làm những điều ta biết chắc là có hại. Cha mẹ đem con gái của mình tới các bệnh xá phá thai, chẳng hạn, là điển hình của thái độ này. Ta ngờ rằng thái độ này cũng là thái độ đứng đàng sau phán quyết công nhận “hôn nhân” đồng tính của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. 



Đáp ứng thứ hai là thẳng thừng đưa ra luận điểm mà mình nghĩ là có thể thuyết phục được người “hữu lý”. Nhưng Nữ Tiến Sĩ Smith cho rằng phương thức này hiếm khi thành công, cả đối với người cần biết sự thật lẫn người nói sự thật. Ai trong chúng ta muốn nói sự thật một cách hữu hiệu cần phải hết sức thận trọng trong việc khai triển và sử dụng các phương pháp thích đáng. Xây dựng mối liên hệ tin cậy mạnh mẽ với người khác hầu như lúc nào cũng là người tiền phong cần thiết cho việc chia sẻ trung thực các quan điểm tế nhị, nhất là khi người nghe cảm thấy bị quan điểm của người nói kết án. Và dù ta có trình bày sự thật cách mẫn cảm và đầy yêu thương như thế nào đi nữa, vẫn luôn có điều nguy hiểm này: người nghe sẽ phản ứng cách tiêu cực. Thành thử ta cần thận trọng trong vấn đề này, cần sẵn sàng tiếp tục sống liên hệ với người khác. 



Tham vọng của hội nghị


Theo Nữ Tiến Sĩ Smith, không thể bàn mọi khía cạnh của vấn đề đồng tính ở hội nghị này. Đây chỉ là bước đầu của việc biết cách đồng hành và chào đón những người có khuynh hướng đồng tính mà thôi. Muốn thế, lắng nghe kinh nghiệm của người đồng tính và những người thành công trong việc mục vụ họ là điều không thể miễn chước. Hội nghị cung cấp điều vừa nói. Thiết lập một cái hiểu chính xác về nhân học Kitô Giáo, về thuật ngữ Công Giáo, cũng là điều không thể không có được. 



Hội nghị nhằm lôi cuốn số lượng người đông đảo với các kinh nghiệm đa dạng. Họ sẽ đàm đạo với nhau, chia sẻ với nhau, thách thức nhau, và học hỏi nhau. Hội nghị cũng hy vọng sẽ có nhiều người trẻ tham dự. Các thế hệ cao niên có rất nhiều điều để học hỏi từ thế hệ trẻ, là thế hệ kết thân dễ dàng với những người không dấu diếm gì khuynh hướng đồng tính của họ. Nhiều người thuộc các thế hệ cao niên không bao giờ có được mức thoải mái trong việc cư xử với người đồng tính, một phần vì người đồng tính thuộc thế hệ họ luôn cố gắng che dấu khuynh hướng của mình. 



Nhờ lắng nghe, các thính giả sẽ được trang bị tốt hơn để chào đón và đồng hành với người đồng tính. Tuy nhiên, không hề có các công thức. Đạt được cái hiểu sâu sắc hơn đối với một nền nhân học Kitô Giáo chân chính, và đối với người có khuynh hướng đồng tính sẽ giúp những ai muốn trở thành bằng hữu tốt với người đồng tính sẵn sàng làm thế trong yêu thương và tôn trọng sự thật. 



Thách thức của phán quyết công nhận “hôn nhân” đồng tính


Theo Nữ Tiến Sĩ Smith, một trong các lý lẽ chính được đưa ra để công nhận quyền hiến định của “hôn nhân” đồng tính là niềm lo âu rằng những người không kết hôn chắc chắn sẽ phải sống một cuộc sống lẻ loi. Trong đoạn kết thúc vụ Obergefell v. Hodges, chánh án Kennedy nói rằng:



“Không kết hợp nào sâu xa hơn hôn nhân, vì sự kết hợp này hiện thân cho các lý tưởng cao cả nhất của tình yêu, của lòng chung thủy, của tận tụy, hy sinh, và của gia đình. Nhờ tạo lập sự kết hợp vợ chồng, hai con người trở nên một điều gì đó lớn hơn con người của họ trước đây. Như một số thỉnh nguyện viên trong các vụ án này chứng minh, hôn nhân hiện thân cho một tình yêu kéo dài sau cả cái chết. Sẽ là một hiểu lầm đối với những người đàn ông và đàn bà này nếu nói rằng họ không tôn trọng ý niệm hôn nhân. Lời biện hộ của họ cho thấy họ tôn trọng ý niệm này, tôn trọng nó cách sâu xa đến nỗi họ tìm cách thể hiện nó cách trọn vẹn cho chính họ. Họ hy vọng không bị kết án phải sống trong lẻ loi, bị loại ra ngoài một trong các định chế lâu đời nhất của văn minh. Họ yêu cầu địa vị bình đẳng trước pháp luật. Hiến Pháp ban cho họ quyền đó”. 


Quả thực, Thiên Chúa đưa ra kế sách hôn nhân nhằm giải quyết điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “sự lẻ loi nguyên tổ” từng đánh dấu cuộc hiện sinh ban đầu của Ađam. Thánh GH Gioan Phaolô II dẫn khởi hạn từ “phu thê” (spousal) vào ý nghĩa thân xác, nhằm nói rằng bản chất thân xác ta là sống trong liên hệ với người khác. Thực vậy, ngài dạy rằng theo yếu tính nhân bản, ta là người để yêu và được yêu. Nhưng ngài không nghĩ rằng những người không kết hôn là những người buộc phải sống trong lẻ loi. Ngài không tin rằng hôn nhân trần thế là giải đáp trọn vẹn, hay là giải đáp duy nhất cho nhu cầu của con người muốn có mối liên hệ lâu bền, yêu thương và thân mật. Thực thế, ngài nói về hôn nhân như yếu tố “làm dịu sự lẻ loi hiện sinh của con người”, “làm dịu” chứ không “xóa sạch”. Ngay các cặp vợ chồng hạnh phúc nhất cũng không thấy hôn nhân loại bỏ được hết sự lẻ loi trong đời sống họ. Như Thánh Augustinô đã nói, “trái tim chúng con sẽ không thảnh thơi cho tới ngày được an ổn trong Chúa”. 



Sự thật là tất cả chúng ta đều nhằm mục tiêu tìm hạnh phúc tối hậu trong mối liên hệ “phu thê” với Thiên Chúa, một sự thật Kitô Giáo mà rất ít Kitô hữu nắm được, dù một cách nhỏ nhoi. Đây là một sự thật tuyệt vời, lạ lùng, trái với lẽ thường. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã cổ vũ ý tưởng lầm lạc này: hạnh phúc của con người là một điều phải tìm ở đời này, và hôn nhân phải là thành phần của cuộc tìm kiếm này. Dù con số ly dị hết sức lớn lao hiện nay chứng tỏ rằng hôn nhân không phải là con đường chắc chắn nhất dẫn tới hạnh phúc, con số những người tái hôn và thậm chí đòi phải thừa nhận “hôn nhân” đồng tính cho thấy nền văn hóa hiện nay vẫn tin rằng con đường chắc chắn dẫn tới hạnh phúc là hôn nhân. 



M. Scott Peck, trong cuốn The Road Less Travelled, bắt đầu bằng câu: “đời sống là điều khó khăn”. Những người đi tìm con đường dễ dãi, có bảo đảm dẫn tới hạnh phúc sẽ không tìm thấy nó trong hôn nhân hay bất cứ nơi nào khác. Điều làm cho hôn nhân thành nguồn hạnh phúc là nó đòi người ta phải rộng lượng, biết hy sinh, nhẫn nại, tự hiến thân, và biết tha thứ. Như bất cứ con người bán ý thức nào cũng thấy, hôn nhân là cách sống có tính thách thức hơn cả, chứ không hẳn là một đảm bảo có hạnh phúc. 



Đàng khác, ta phải nhìn nhận rằng, sống trên đời, phần lớn người ta đều có thánh giá để vác, bất kể đó là bất ổn tài chánh, bị cái chết hay chính người thân yêu bỏ rơi, bị bệnh tâm thần hay ngoài thể xác, thiếu tự tin, bị kẻ thù hãm hại, bị ly gián, gánh nặng chăm sóc con cái, anh chị em hay cha mẹ bị lệ thuộc nghiêm trọng, v.v… Giữa những thánh giá này, hạnh phúc vẫn có thể tìm thấy và thực sự chỉ có thể tìm thấy ở những chỗ như thế. 



Theo Nữ Tiến Sĩ Smith, khuynh hướng đồng tính là thánh giá khó vác hơn cả. Nhưng nó không phải là một trở lực không thể vượt qua để tiến tới hạnh phúc, cũng không phải là bản án buộc ta phải sống lẻ loi. Những người có khuynh hướng đồng tính vẫn đáng yêu và có khả năng yêu thương triệt để. Hôn nhân không là điều đòi phải có, họ mới có khả năng yêu và được yêu. Trong nhiều nền văn hóa, kể cả nền văn hóa Tây Phương, nhiều người vẫn quyết định không kết hôn hay sống trong bất cứ liên hệ tính dục nào, nhiều người không kiếm được người thích hợp để yêu, nhiều người bị bỏ rơi, và sống không có bạn đời. Dù các cuộc sống như thế thường là đầy thách thức, nhưng những ai tìm cách vươn tay ra với người khác, xây dựng các mạng lưới hỗ trợ, cả cho đi lẫn nhận lãnh hỗ trợ, đều thấy đời sống họ phong phú và thoả mãn và, thực sự, được coi một cách chính đáng là hạnh phúc sâu xa. Có thể họ không bao giờ hy vọng tìm được hạnh phúc ở đó, nhưng thực tế, họ đã tìm thấy nó ở chính đó. 



Thành thử, tất cả những điều trên có liên hệ chi tới phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ? Theo Nữ Tiến Sĩ Smith, quyết định này trường cửu hóa điều gian dối sau: những ai không kết hôn chắc chắn không tìm thấy hạnh phúc, mà mãi mãi sống trong lẻ loi, cô đơn một cách đáng thương. Rất nhiều người dị tính tin sự gian dối này nên đã bước vào những cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ thất bại. Những người có khuynh hướng đồng tính chắc chắn cũng theo gót chân những người này đi vào ngõ cụt. 



Nữ Tiến Sĩ Smith cho rằng ta cần tìm ra các cách thế giúp người ta thấy ra rằng hạnh phúc của họ không hệ ở bất cứ bậc sống đặc thù nào, mà hệ ở việc sống cuộc sống hoàn toàn hiến thân. Tập chú vào những điều khác hơn là vào việc thoả mãn các nhu cầu của mình. Dĩ nhiên, không nên quên khuấy cả mình, nhưng nếu nghĩ rằng chỉ có một con đường tiến tới hạnh phúc thì quả là điều bế tắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét