Cái Gì Đây?
(Chúa Nhật XVIII TN, năm B)
(Mon,
27/07/2015 - Trầm
Thiên Thu – thanhlinh.net)
Khi chưa
biết về vật gì, người ta sẽ thắc mắc: “Cái gì đây?”. Rồi tìm hiểu,
nghiên cứu, nhờ đó mà có thể biết đó là cái gì và để làm gì. Khi dân Ít-ra-en
đi qua sa mạc để đến Đất Hứa, người ta cũng đã từng thắc mắc khi thấy “vật lạ” từ trời rơi xuống như mưa: “Cái
gì đây?”.
Manna hoặc
Mana là loại thực phẩm đặc biệt, ăn được, nhìn trắng như sương muối, rơi xuống
từ trời vào ban đêm, trong như pha lê hoặc giọt sương, rồi cứng dần và dính,
biến thành màu trắng, vàng, hoặc hơi nâu, giàu chất carbohydrates (chất cần
thiết để cơ thể hoạt động), nhưng manna sẽ tan biến khi nắng lên. Từ ngữ manna
được đề cập 5 lần trong sách Xuất Hành (Xh 16:26-35), được đề cập 3 lần trong
Kinh Koran.
Một số học
giả cho rằng manna do tiếng Ai Cập là mennu, nghĩa là “đồ ăn”. Theo Kinh Thánh,
manna là “man hu”, có nghĩa là “cái gì đây?” – tương tự Anh ngữ là “what is it?”, hoặc Pháp ngữ là “qu'est-ce que c'est?”. Nhưng người ta cho rằng từ “man hu” có thể có từ nguyên là tiếng A-ram chứ không phải là tiếng
Do Thái.
Trình
thuật Xh 16:2-4. 12-15 cho biết: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái
Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Họ nói: “Phải chi chúng tôi
chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh
thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này,
để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!”. Khổ gì thì khổ, chứ khổ vì
đói khát thì khổ lắm. Vì miếng ăn người ta có thể dám làm bất cứ điều gì, thậm
chí không ngần ngại bán rẻ danh dự hoặc lương tâm. Bất chấp hết! Vì miếng ăn mà
xảy ra tranh chấp, chiến tranh, ngay cả tình thân cũng có thể mất chỉ vì miếng
ăn. Khốn nạn thật!
Nhà ngụ
ngôn La Fontain (1621-1695, Pháp) nói: “Cái bụng đói không thể lắng nghe”.
Và rồi, cũng chỉ vì cái bụng đói cồn cào, thằng Bờm chứ không cần thứ gì quý
giá mà không thể ăn ngay, chỉ cần nắm xôi ăn ngay, thực tế là thế đó! Danh y
Anthony: “Thực phẩm là cội rễ của vạn vật. Chính thực phẩm và chỉ có thực
phẩm mới là thuốc chữa bách bệnh”. Ăn không chỉ để no bụng mà còn để duy
trì sức khỏe. Chế độ ăn uống tốt khả dĩ ngăn ngừa bệnh tật.
Thiên Chúa
cũng rất thực tế, Ngài thấu hiểu nỗi khổ của dân nên Ngài phán với ông Mô-sê: “Này,
Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu
phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng
có tuân theo Luật của Ta hay không”. Và Ngài cho ông Mô-sê biết: “Ta đã
nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi
chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả
thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi”.
Thật vậy,
vào buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Buổi sáng có lớp sương phủ quanh
trại. Rồi khi sương tan đi, trên mặt hoang địa có một thứ gì nho nhỏ mịn màng,
nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi
nhau: “Man hu? – Cái gì đây?”. Ông Mô-sê bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa
ban cho anh em làm của ăn!”. Thật hay mơ? Nếu thật như thế thì đỡ khổ, khỏi
lo đói khát nữa, vì đã có thịt chim cút và bánh để ăn. OK lắm!
Thiên Chúa
thử thách chúng ta không phải vì Ngài không biết nên phải “dò sóng”, mà Ngài biết trước cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới.
Ngài thử thách để tôi luyện niềm Tin Cậy Mến của chúng ta mà thôi. Một khi nhận
ra phép lạ của Thiên Chúa thì người ta không thể lặng im: “Điều chúng tôi đã
từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với
những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 78:3-4).
Với Thiên
Chúa, tất cả chỉ là “chuyện nhỏ”, một
lời tuyên phán là có cả trời đất và muôn loài trong đó, nói chi chuyện rẽ nước
cho dân Ít-ra-en băng qua và vùi lấp quân Ai Cập trong biển nước (Xh 14:15-31).
Manna và chim cút chỉ là “chuyện nhỏ của
chuyện nhỏ” mà thôi: “Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm, lại truyền mở
rộng cánh thiên môn; Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi
trời nuôi dưỡng họ. Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa
gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 78:23-25). Manna được gọi là “bánh thiên thần”, nhắc chúng ta nhớ tới
Bí tích Thánh Thể – bánh thiên thần đặc biệt mà chúng ta được tận hưởng, còn
dân Ít-ra-en xưa không hề biết đến. Chúng ta hạnh phúc hơn họ mà không biết tạ
ơn Chúa đấy!
Thánh
Phaolô nói: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi
khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng
phù phiếm của họ” (Ep 4:17). Lời khuyên dành cho dân Êphêsô ngày xưa
nhưng vẫn “nóng hổi” với chúng ta
ngày nay, vì chúng ta vẫn chưa loại bỏ được sự ảo tưởng trong nhiều lĩnh vực
của cuộc sống – cả đời và đạo. Nói hay, muốn nhiều, làm chẳng bao nhiêu!
Chẳng oan
ức gì đâu, như Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Còn anh em đã chẳng học biết về
Đức Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và
được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế,
anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư
nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí
anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo
theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”
(Ep 4:20-24). Quả thật, phàm nhân chúng ta vẫn mê muội, ù lì, viện nhiều cớ
nên vẫn giậm chân tại chỗ – đôi khi còn thụt lùi mới đáng sợ. Bao Mùa Vọng, bao
Mùa Chay, bao kỳ tĩnh tâm, bao lần xưng tội, bao lần quyết tâm,... Tất cả cứ
theo nhau qua đi, con người cũ vẫn chẳng đổi mới được bao nhiêu! Đúng như tiền
nhân ví von: “Chó đen giữ mực. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”. Chắc hẳn đã
nhiều lần chúng ta tự nhủ : “Tại sao vậy?”. Lý do thực tế và đơn
giản lắm, vì “chiến thắng một đạo quân
còn dễ hơn chiến thắng chính mình”
(Đại đế Napoléon), và “sự thiện tôi muốn
thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19).
Khốn nạn thân tôi!
Thấy
manna, dân Ít-ra-en lấy làm lạ, vì chưa hề thấy bao giờ, thế nên họ hỏi nhau: “Cái
gì thế nhỉ?”. Tương tự, khi thấy người lạ, chúng ta thường hỏi: “Ai
đây?”. Và còn nhiều câu hỏi tương tự như vậy trong cuộc sống đời thường
này. Thắc mắc không chỉ vì tò mò mà để tìm hiểu. Biết thắc mắc đúng sẽ dẫn tới
sự khôn ngoan.
Một hôm,
khi dân chúng thấy Đức Giêsu và các môn đệ cũng không có ở đó, thế là họ xuống
thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Ngài. Khi gặp thấy Ngài ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa
Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6:25). Ngài trả lời nhưng có ý trách
họ: “Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông
đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các
ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ
ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác
nhận” (Ga 6:26-27). Khi cầu nguyện, chúng ta cũng thường chỉ muốn xin là
chính, nhất là muốn “xin như ý mình”,
mà lại quên chúc tụng và tạ ơn! Chúng ta có đáng trách không nhỉ? Chắc
chắn ngại trả lời ghê đi!
Nghe Chúa
Giêsu nói vậy, họ liền hỏi Ngài: “Chúng tôi phải
làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa
muốn?” (Ga 6:28). Thật lòng mà hỏi như vậy thì tốt lành biết bao, vì
muốn vâng ý Chúa chứ không theo ý mình. Và Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6:29). Thế nhưng họ lại hỏi: “Vậy chính
ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?
Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ
ăn bánh bởi trời” (Ga 6:30-31). Thì ra họ chẳng thành tâm chi cả, mà họ chỉ
muốn “bắt bẻ” Chúa Giêsu mà thôi.
Đúng là họ dốt mà chảnh. Và chúng ta cũng thế!
Đức Giêsu
vẫn thản nhiên và nói thẳng: “Thật,
tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu,
mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên
Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga
6:32-33). Có lẽ lúc này họ đã “sáng
mắt” nên họ liền xin Ngài cho họ được ăn mãi thứ bánh ấy. Biết xin như vậy
là tốt. Và Chúa Giêsu xác định: “Chính tôi là
bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Và
họ lại xì xầm với nhau, cho rằng Chúa Giêsu nói những lời “khó lọt lỗ tai”.
Tuy nhiên,
đó là sự thật, thật hơn cả sự thật. Ngày nay, chúng ta may mắn hơn họ vì đã
được hưởng di sản quý báu vô cùng: Đức tin Công giáo, đức tin tông truyền. Và
chúng ta không phải thắc mắc như dân Ít-ra-en xưa: “Cái gì thế nhỉ?”.
Vâng, chúng ta thực sự vô cùng may mắn!
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp con biết thắc mắc đúng và tìm hiểu cho thấu đáo, nhờ đó mà có
thể duy trì ba nhân đức đối thần trong mọi hoàn cảnh. Vâng, lạy Thiên Chúa, xin
thêm đức tin cho con, để nhờ vững tin mà con có thể trông cậy nơi Ngài, và yêu
mến Ngài qua tha nhân. Xin cho con được no thỏa ân tình Thiên Chúa và Thánh Thể
Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Thiên Chúa Cha,
hiệp nhất với Thiên Chúa Thánh Linh, đến muôn đời. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét