Muốn con tự giác học, bố mẹ đừng ngồi kèm
(Thứ
ba, 18/8/2015 –VnExpress.net)
Ảnh
minh họa: Ashcanartstudio.
Bạn có muốn làm việc mà sếp cứ chăm
chăm ngồi nhìn bên cạnh? Đừng bắc ghế ngồi cạnh chỉ bảo con làm bài nếu muốn
rèn trẻ cách tự học.
Bước vào
tiểu học là trẻ bắt đầu tập làm quen với việc đi học. Nhiều gia đình thường
dành thời gian buổi tối để "kèm
thêm" con, để đảm bảo rằng con đã hoàn thành tốt mọi bài tập về nhà
được giao. Tuy nhiên, việc này có thể gây nên hai hậu quả sau:
1. Trẻ
thấy bố/mẹ luôn nhắc nhở để đảm bảo mình hoàn thành bài tập đầy đủ, đúng hạn,
như vậy mình không cần phải lo gì cả. Việc học sẽ là trách nhiệm của người lớn.
Nếu bố mẹ không nhắc thì trẻ không ngồi vào bàn.
2. Việc bố
mẹ luôn bắc ghế ngồi cạnh để đảm bảo con tập trung làm bài khiến trẻ “tranh thủ xả hơi” khi ta đứng dậy. Lâu
dần trẻ hình thành thói quen lơ đãng khi không có người ngồi kèm.
Ở tuổi
này, học giỏi không cần là mục tiêu số một của việc học. Niềm yêu thích, sự tự
giác học và học tập hiệu quả mới là thứ phụ huynh cần rèn cho con. Bởi càng lên
cao, sự học vì nỗ lực bền bỉ của chính bản thân con mới là nhân tố chính giúp
con đi lâu dài trên con đường học hành, nghiên cứu.
Vậy phải
làm thế nào? Rất đơn giản: để trẻ tự làm bài về nhà trong một khoảng thời gian
cố định (ví dụ, trẻ có tối đa hai tiếng buổi tối để hoàn thành bài tập). Quá
thời gian đó mà chưa xong bài, trẻ cũng không được phép làm thêm mà phải đi ngủ
để đảm bảo thời gian ngủ (nên nhớ ở tuổi này ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng
cho sự phát triển thể chất, trí não và sự tập trung học tập ở trẻ). Cái gì hiếm
thì con người ta mới trân trọng nó. Việc không có nhiều thời gian học khiến trẻ
học hăng say hơn, hiệu quả hơn.
Bạn hỏi
rằng, thế nếu trẻ không hoàn thành bài thì sao? Câu trả lời là: một vài hôm như
thế cũng chẳng sao cả. Thông thường trẻ nào cũng sợ giáo viên và không muốn mình
thua kém bạn bè. Bạn có thể nói trước với cô giáo về cách rèn trẻ ở nhà của
bạn, và nhờ cô kiểm tra bài của con bạn. Bạn cũng nên nhờ cô giáo nhắc nhở con
nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc rằng: “Lần sau
con cần phải hoàn thành bài tập trước khi đến lớp!”. Cô giáo, trong trường
hợp này, nên ngồi xuống, nhìn sâu vào mắt con, và hỏi: “Con có hứa với cô là hôm sau con sẽ hoàn thành bài tập không?” để gieo vào tâm trí con khái
niệm về lời hứa và một quyết tâm thực hiện lời hứa.
Một thắc
mắc nữa: thế nếu trẻ chỉ làm bài cho xong mà không quan tâm tới chất lượng bài
thì sao? Câu trả lời cũng như ở câu hỏi trên: chẳng sao cả. Hãy để chuyện đó
xảy ra để giáo viên có cơ hội nhận xét và yêu cầu trẻ có ý thức làm bài cẩn
thận.
Bạn có thể
vẫn thấy không yên tâm nếu giao toàn bộ việc học cho con. Đừng lo, vẫn có những
việc ta có thể giúp con: Ở giai đoạn đầu, bạn có thể giúp trẻ tổng hợp các yêu
cầu bài tập trong ngày vào đầu giờ tự học. Bạn giao hẹn khi nào con cần hỏi gì
thì con có thể ra đâu để hỏi bố mẹ. Sau khi con học xong, con ra bố mẹ kiểm tra
để xem kết quả tự học của con ra sao, con có cần giúp đỡ hay điều chỉnh gì
không.
Nếu hết
giờ tự học mà con vẫn chưa xong bài, con vẫn phải gấp sách vở để đi ngủ (nếu
bài thực sự nhiều, con chưa xong thì thêm cho con tối đa là 15 phút để hoàn
thành, sau đó sẽ điều chỉnh lượng thời gian vào ngày hôm sau sao cho hợp lý).
Làm cách
này không có nghĩa là bố mẹ không quan tâm tới việc học của con. Trái lại, bạn
cần quan tâm nhiều hơn, hiểu trẻ nhiều hơn, và cần phối hợp với giáo viên của
con chặt chẽ hơn. Sau một thời gian, trẻ sẽ học được cách sắp xếp kế hoạch học
tập hợp lý; và rèn thói quen làm việc tập trung, nghiêm túc dù không có ai giám
sát.
Nhà giáo Ngô Bích Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét