Vệ Sinh
( Chúa Nhật XXII TN, năm B)
(TRẦM THIÊN THU)
Vệ sinh (*) là “bài học” chúng ta được học từ những năm đầu đời, thậm chí ngay khi
chúng ta còn nằm nôi. Đơn giản là chính “cô
giáo” mẹ đã dạy chúng ta nên làm thế này, đừng làm thế kia.
Vệ sinh là vấn đề giản dị mà quan trọng,
liên quan nhiều vấn đề khác, thậm chí liên quan cả “chuyện sinh tử”. Câu “ăn bẩn
sống lâu” chỉ là nói đùa hoặc biện hộ cho thói ở bẩn của mình mà thôi.
Nói về vệ sinh, ai cũng chỉ nghĩ tới sự
sạch sẽ. Tuy nhiên, như vậy mới ĐÚNG và ĐỦ, ở dạng cơ bản, chứ chưa trọn vẹn.
Vệ sinh không chỉ là giữ SẠCH SẼ, như vậy vẫn là tiêu cực, mà phải giữ cho
KHÔNG BẨN, đó mới là tích cực. Vấn đề vệ sinh liên quan tình trạng SẠCH và BẨN,
bao gồm các quy tắc giữ gìn sạch sẽ cơ bản nhất của con người – như vệ sinh cá
nhân và môi trường xung quanh để đề phòng bệnh tật, bảo vệ và tăng cường sức
khỏe.
Người ta tắm rửa hằng ngày để loại bỏ chất
bẩn và vi khuẩn – các tế bào chết đó được chúng ta gọi là “ghét”. Vâng, chúng nó đáng “ghét” thật. Việt ngữ độc đáo quá
chừng! Không chỉ vậy, người ta còn phải giữ vệ sinh nhiều thứ khác như đánh
răng, cạo râu, đi vệ sinh đúng chỗ, ăn mặc sạch sẽ,... Việc giữ vệ sinh được
dạy từ rất sớm, điều đó dần dần trở thành một tập tính. Người ăn ở không vệ
sinh sẽ gây “dị ứng” với người khác,
và còn nguy hiểm là mắc bệnh – tự làm khổ mình.
Vệ sinh cần được giữ gìn trong nhiều dạng:
vệ sinh thể lý, nhà cửa, vệ sinh môi trường, vệ sinh xã hội, vệ sinh giáo dục,
vệ sinh âm nhạc, vệ sinh văn chương, vệ sinh tâm lý, vệ sinh tinh thần, vệ sinh
linh hồn,... Trái ngược với sạch sẽ là dơ bẩn, mất vệ sinh. Tương tự, bẩn cũng
có nhiều dạng và nhiều mức độ: Ô nhiễm môi trường là bẩn, ô nhiễm không khí là
bẩn, ô nhiễm thực phẩm là bẩn, ô nhiễm nguồn nước là bẩn, ô nhiễm quản lý là
bẩn, ô nhiễm tư tưởng là bẩn, ô nhiễm ánh mắt là bẩn, ô nhiễm lương tâm là bẩn,
ô nhiễm giáo dục là bẩn, ô nhiễm âm nhạc là bẩn, ô nhiễm văn chương là bẩn,… Ô
nhiễm nào cũng bẩn, cũng xấu, cũng có hại!
“Laudato Si’,
mi’ Signore! – Chúc Tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
là lời của Thánh Phanxicô Assisi, và cũng là lời mở đầu Tông thư
Laudato Si’ của ĐGH Phanxicô (ký ngày 24-5-2015; thông điệp thứ hai
của ngài sau Thông điệp Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin). Tông thư này
nhắc chúng ta về “ngôi nhà chung” là
Trái Đất, mệnh danh là “Hành Tinh Xanh”.
Gần 800 năm trước, Thánh Phanxicô Assisi đã khéo léo nhân cách hóa khi gọi Hành
Tinh Xanh là Chị Đất (Bài Ca Mặt Trời, Thánh Phanxicô Assisi sáng tác lời năm
1226, và được cố Nhạc sư Hùng Lân phổ nhạc năm 1982 với tựa đề “Bài Ca Vạn Vật”
(↤ click nghe).
Thông điệp này có sức ảnh hưởng đáng kể đến
các quốc gia và các tổ chức. Thật vậy, vì ai cũng đã và đang trải nghiệm về
tình trạng khủng hoảng môi trường – lũ lụt, động đất, sóng thần, el niño, la
niña,… Và kể từ năm 2015, ngày 1-9 trở thành Ngày Chăm Sóc Thiên Nhiên. Bảo vệ
thiên nhiên là bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là bảo vệ chính mình,
và đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta: Tạ lỗi Thiên Chúa và xin lỗi
thiên nhiên.
Sách Đệ Nhị Luật xác định rằng giữ luật
Chúa là khôn ngoan: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những
thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem rathực hành.
Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa,
Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi
truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức
Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Ðnl 4:1-2). NGHE và
THỰC HÀNH là “khoảng cách” vừa gần vừa xa. Thật vậy, khoảng xa nhất không phải
từ chỗ chúng ta đứng tới một nước khác, tới cung trăng hoặc sao Hỏa, mà “khoảng cách xa nhất là từ miệng tới tay”.
Lạ thật, mà cũng khó thật!
Kinh Thánh cho biết thêm: “Anh em
phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ
được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi
được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới
là một dân khôn ngoan và thông minh!’. Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần
minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta
kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công
minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Ðnl 4:6-8).
Những câu hỏi nhẹ nhàng mà vẫn đủ sức xoáy
sâu vào tâm khảm. NGHE rồi mà có HIỂU hay không, HIỂU rồi mà có LÀM hay không,
những “khoảng” rất nhỏ hẹp mà sao vẫn xa xăm và mông mênh quá, cứ “đi” rồi “đi” mãi mà vẫn chưa tới đích. Nói suông luôn dễ hơn làm thật, chỉ
tay ra lệnh bao giờ cũng dễ hơn làm trước để nêu gương!
Nghe và thực hành lời Chúa mới đích thực là
người khôn ngoan và thông minh, và có thể vào Nhà Chúa và lên Núi Thánh của
Ngài. Khó quá nhỉ! Vậy ai mới được vào ngụ trong Nhà Chúa và được ở trên Núi
Thánh? Kinh Thánh liệt kê danh sách rõ ràng: “Là kẻ sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không
làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi khinh phường gian ác, trọng ai
kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt
lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ” (Tv 15:2-5). Ui da! Nhưng biết sao
được, ai cũng phải rá… á… áng hết sức mà thôi! Không cố gắng vào Nhà Chúa
và lên Núi Thánh thì đi mô bi chừ – đi đâu bây giờ?
Muốn thì chắc chắn ai cũng muốn “được vào Nhà Chúa”, nhưng thiếu ơn Chúa
thì chúng ta cũng đành “bó tay” mà
thôi. Vâng, ơn Chúa vô cùng cần thiết, vì Chúa Giêsu đã xác nhận: “Không
có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thật vậy, Thánh Giacôbê
đã phân tích rạch ròi: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ
trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề
có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. Người đã tự ý
dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các
thọ tạo của Người” (Gc 1:17-18).
Về chuyện “nói và làm”, Thánh Giacôbê cho biết: “Hãy khiêm
tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ
linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe
suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1:21-22). Rõ ràng là hành động
luôn có giá trị hơn lời nói. Như một điều kiện ắt có và đủ, ở một chỗ khác,
Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết”
(Gc 2:17 và 26). Ai cũng ghét lời nói suông, nhưng có bao nhiêu người
chứng tỏ bằng việc làm?
Về lòng đạo đức, Thánh Giacôbê giải thích: “Có
lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng
cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế
gian” (Gc 1:27). Đến nhà thờ là điều tốt, nhưng đừng tưởng như vậy là đạo
đức, là thánh thiện, nếu không chú ý hành động. Đừng “ảo thuật” như David Copperfield, nghĩa là đừng “tàng hình”, đừng chỉ là con
chiên ngoan khi ở trong nhà thờ rồi hóa thành cọp
dữ khi ở ngoài nhà thờ.
Tin Mừng hôm nay đề cập vấn đề tranh luận
về những truyền thống của người Pharisêu. Họ chỉ chú trọng bề ngoài mà coi
thường bề trong, lấy cái PHỤ làm cái CHÍNH, hiểu nghĩa đen mà không hiểu nghĩa
bóng. Họ và một số kinh sư đến từ Giêrusalem. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng
bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Người Pharisêu và người Do-thái giữ
truyền thống của tiền nhân là nhất định “không
ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận”,
thức gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn. Họ còn giữ nhiều tập
tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Đúng là “hình thức áp bức nội tâm, ngoại tại làm hại
nội tại”. Sai bét nhè mà cứ tưởng
mình ngon lành. Dốt mà chảnh, thích khoe mẽ văn chương. Làm lớn mà làm láo.
Chết chắc!
Người Pharisêu và kinh sư hỏi vặn Chúa
Giêsu về chuyện các môn đệ không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô
uế mà dùng bữa. Đúng là ngu mà tưởng mình ngon, lo vệ sinh bề ngoài mà mất vệ
sinh tâm hồn. Bẩn hết sức mà vẫn mạo nhận là mình sạch sẽ, hôi rình mà ngỡ mình
thơm tho.
Nghe vậy, Chúa Giêsu thản nhiên trả lời họ: “Ngôn
sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi
viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng
thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý
chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên
Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:6-8).
Vậy cái gì làm cho con người ra ô uế? Cần
hiểu hai dạng ô uế cơ bản: ô uế thể lý và ô uế tinh thần. Tố cáo nhóm Pharisêu
và kinh sư xong, Chúa Giêsu gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người
nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con
người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người
xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:14-15). Ngài nói “toạc
móng heo” luôn, nhưng Ngài vẫn tế nhị dùng từ ngữ. Khi Đức Giêsu đã rời đám
đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Ngài về dụ ngôn ấy, Ngài nói: “Cả anh
em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu
sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con
người ra ô uế” (Mc 7:18-19). Ui da, các môn đệ bị Thầy rủa là “ngu tối”. Đau lắm, nhưng đáng lắm. Phải
nói thẳng, nói thật như vậy mới được “sáng
mắt, sáng lòng”.
Từ cái bẩn thể lý tới cái bẩn linh hồn, tức
là tội lỗi, Chúa Giêsu lý giải: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát
xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc
ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những
điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc
7:21-23). Quả thật, mất vệ sinh tinh thần và linh hồn mới thực sự đáng sợ,
chứ sự mất vệ sinh thể lý chỉ là “chuyện
nhỏ” mà thôi. Thể lý bẩn thì tắm rửa bằng nước và xà bông. Xong! Nhưng tâm
linh bẩn thì chỉ có thể “tắm” bằng
hồng ân, phải thành tâm dìm mình trong Biển Tình của Lòng Chúa Thương Xót.
KỂ CŨNG LẠ, CÓ NHỮNG NGƯỜI RẤT BẨN MÀ VẪN ẢO TƯỞNG CHO LÀ MÌNH SẠCH. CÓ
NHỮNG TƯ TƯỞNG BẨN THỈU VÀ HÔI THỐI MÀ VẪN ĐƯỢC LƯU TRUYỀN, PHÁT TÁN. DẠNG NÀY
NGUY HIỂM VÔ CÙNG, NGUY HIỂM THEO CẤP SỐ NHÂN, VÌ HỌ KHÔNG CHỈ “DUY TRÌ” CÁI
BẨN CHO CHÍNH MÌNH MÀ CÒN GÂY Ô NHIỄM CHO NGƯỜI KHÁC. NGƯỜI BẨN MÀ KHÔNG BẨN,
NGƯỜI SẠCH LẠI BẨN, ĐÔI KHI CÀNG CÓ CHỨC CÓ QUYỀN CÀNG BẨN!
Ô NHIỄM NHẤT VÀ BẨN NHẤT CHÍNH LÀ TỘI LỖI. THIÊN CHÚA VÔ CÙNG GHÊ TỞM DẠNG
Ô UẾ NÀY. THÁNH PHAOLÔ NHẮC NHỞ: “HÃY TẨY RỬA HỒN XÁC CHO SẠCH MỌI VẾT
NHƠ, VÀ ĐEM LÒNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA MÀ LO ĐẠT TỚI MỨC THÁNH THIỆN HOÀN TOÀN” (2
CR 7:1). TUY NHIÊN, CHÚNG TA KHÔNG THỂ TỰ RỬA SẠCH, MÀ PHẢI CẦU XIN ĐỂ ĐƯỢC
THIÊN CHÚA RỬA SẠCH: “XIN RỬA CON SẠCH HẾT LỖI LẦM TỘI LỖI CON, XIN
NGÀI THANH TẨY” (TV 51:4).
MAY THAY, CHÚNG TA ĐƯỢC PHÉP TẨY RỬA CHÍNH MÌNH TRONG MÁU VÀ NƯỚC TUÔN TRÀO
TỪ THÁNH TÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ NGAY TRÊN ĐỒI SỌ. HÃY CHÂN THÀNH SÁM HỐI:“PATER,
PECCAVI – THƯA CHA, CON ĐÃ PHẠM TỘI”. CHẮC CHẮN THIÊN CHÚA VẪN ĐẠI LƯỢNG VÀ
THA THỨ, VÌ CHÚA GIÊSU ĐÃ HỨA VỚI THÁNH NỮ MARIA FAUSTYNA KOWALSKA (1905-1938): “LÒNG
THƯƠNG XÓT CỦA TA LỚN HƠN TỘI LỖI CỦA CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI” (NHẬT KÝ, SỐ 1485).
XIN TẠ ƠN THIÊN CHÚA MUÔN ĐỜI! HÃY CÙNG NHAU BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG TÂM LINH: XIN CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA! – LAUDATO SÍ!
Lạy Thiên Chúa từ nhân chí thánh, xin thanh
tẩy hồn xác con nên trinh trong dù tội con đỏ như máu, xin giúp con thuộc lòng
bài học vệ sinh linh hồn và biết giữ vệ sinh tâm linh cho chính con và cho
người khác. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Khái niệm "vệ sinh" được xác
định dùng lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1677. Chữ “vệ sinh” (hygiene)
bắt nguồn từ tiếng Pháp “hygiène”, vốn là phiên bản của Tây phương từ Hy ngữ là ὑγιεινή (τέχνη)
– hugieinē (technē), nghĩa là “nghệ thuật của sức khỏe”. Từ ὑγιεινός (hugieinos)
là “khỏe mạnh”, chữ ὑγιής (hugiēs)
là “lành mạnh, có lợi”. Trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Hygeia (Ὑγίεια)
là nữ thần đại diện cho sức khỏe, sự sạch sẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét