Bánh Thiêng
(Chúa Nhật XIX TN, năm B)
Với người
Việt Nam, bánh chỉ là “món ăn chơi”, ít khi là thực phẩm chính. Nhưng với nhiều
dân tộc trên thế giới, bánh là thực phẩm chính – như cơm là thực phẩm chính của
Việt Nam vậy.
Tác giả
Thánh Vịnh cầu nguyện: “Thân phận bồ câu, xin đừng trao cho thú dữ, đừng mãi
mãi quên đi mạng sống dân nghèo khổ của Ngài” (Tv 74:19). Người nghèo
bao giờ cũng khổ. Khổ tư bề, khổ đủ thứ, khổ đủ kiểu, khổ đủ mức, từ thể lý đến
tinh thần, lao tâm khổ tứ suốt ngày thâu đêm. Đói thể lý có thể đẫn tới đói
tinh thần. Tục ngữ Việt Nam thâm thúy lắm: “Một miếng khi đói bằng một gói
khi no”.
Ẩm thực
Việt Nam luôn đậm đà hương vị, mang tính cộng đồng như chấm chung một chén nước
mắm, dùng đôi đũa chứ không dùng một chiếc muỗng để ăn. Đến bữa, cả nhà cùng
quây quần chứ không mạnh ai nấy ăn. Gia đình rất quan trọng, không chỉ cùng
chia sẻ lương thực vật chất mà còn chia sẻ lương thực tinh thần, thể hiện tình
yêu thương bao dung: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Đó là một dạng Tân Phúc
Âm hóa.
Trình
thuật 1 V 19:4-8 cho biết: Một mình ông Êlia đi một ngày đường trong sa mạc,
rồi ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước (1). Mệt mỏi vì đường xa, lại vừa
đói vừa khát, có lẽ ông nản lòng nên ông cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi!
Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”.
Nói rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi.
Nhưng một
thiên sứ đến đánh thức ông và bảo ông dậy mà ăn. Ông nhìn thấy ở phía đầu ông
có một chiếc bánh nướng và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước,
rồi lại nằm xuống chờ... chết! Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào
người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa”. Ông lại
dậy, ăn bánh và uống nước. Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi
ngày đêm tới Khô-rếp – tức là núi Si-nai, núi của Thiên Chúa.
Quá đỗi lạ
lùng, vì ông Êlia ăn có một bữa với món bánh đó mà cầm cự được bốn mươi đêm
ngày. Thần lương có khác. Con số bốn mươi là con số quen thuộc nhưng khá đặc
biệt, được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh (2). Bốn mươi cũng là khoảng thời
gian kỳ lạ – dù là ngày, tháng, hoặc năm. Với con người, bốn mươi năm là độ
tuổi trung niên, cần phải thực sự trưởng thành toàn diện tâm sinh lý.
Thần lương
chỉ có thể là bánh do Thiên Chúa ban tặng. Bánh thường mà hóa Thần lương. Thần
lương nhắc nhớ tới Bánh Thiêng là Thánh Thể Đức Giêsu Kitô. Có Thần lương nuôi
dưỡng phần xác thì cũng có Thần lương nuôi dưỡng phần hồn.
Được nuôi
dưỡng cả xác cả hồn, tác giả Thánh Vịnh vô cùng biết ơn: “Tôi sẽ không ngừng
chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34:2). Không
chỉ vậy, tác giả Thánh Vịnh còn phải lên tiếng xác nhận và chia sẻ chân thành: “Linh
hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng
tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người” (Tv 34:3-4).
Chứng cớ
được viện dẫn và lý giải rạch ròi: “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu
cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải
thoát những ai kính sợ Người” (Tv 34:5-8). Thánh Vịnh 34 [33] là một
Thánh Vịnh “đẹp” – đẹp cả ngôn từ và ý nghĩa. Đọc Thánh Vịnh này khiến người ta
cảm thấy ấm lòng. Ước gì mỗi chúng ta cũng khả dĩ cảm nghiệm ân tình của Thiên
Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, và luôn biết nhắn nhủ lẫn nhau: “Hãy nghiệm
xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9).
Cảm nhận
được điều tốt lành thì phải thực hành điều tốt lành. Không thể hành động cách
khác. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần
của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày
cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay
la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4:30-31).
Cái “tôi” là cái tồi tệ, nó luôn muốn vùng lên bất cứ lúc nào, vì ai cũng cho
mình là “số dzách” (số một, đệ nhất, number one). Có biết yêu mình thì mới biết
yêu người khác. Đúng. Không sai. Nhưng yêu mình quá hóa tự ái, tự ái dẫn tới
ích kỷ, ích kỷ dẫn tới “tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”.
Chính
Saolô đã hung hăng, hiếu chiến, háo thắng, tự tin là mình “ngon lành” nên tìm
mọi cách chống lại danh Đức Giêsu. Ông đã từng giận dữ mà rảo khắp các hội
đường, cưỡng bức người ta phải nói lộng ngôn, sang cả nước ngoài mà bắt bớ
những người tin theo Đức Kitô (x. Cv 26:11), nhưng chính ông đã khốn khổ vì
“châu chấu mà muốn đá voi”, thậm chí còn dám “giơ chân đạp vào mũi nhọn”
(Cv 26:14). Tội to lắm, nặng lắm, nhưng Thiên Chúa đã “triệt buộc” ông. Và
rồi một Saolô ngang ngược đã biến thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng về
danh Đức Kitô. Với kinh nghiệm “xương máu” như vậy, Thánh Phaolô chia sẻ: “Đừng
phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4:26). Không làm
điều xấu vẫn là tiêu cực, cũng chưa xong bổn phận, mà còn phải tích cực làm
điều tốt, nghĩa là “phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót
và biết tha thứ cho nhau, NHƯ Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong
Đức Kitô” (Ep 4:32).
Thánh
Phaolô kết luận: “Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái
được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã
yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng
lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5:1-2). Bác ái là đức ái, một
trong ba nhân đức đối thần, cần thiết cho cả đời này và đời sau. Đó là một loại
Bánh Thiêng nuôi dưỡng tinh thần mà ai cũng cần sử dụng để khả dĩ duy trì sự
sống tâm linh. Bác ái cần lắm: Yêu và được yêu là hạnh phúc nhất!
Từ bánh
vật chất đời thường, chúng ta đi tới bánh tinh thần cần cho đời sống tâm linh,
và còn cần hơn nữa là Bánh Thánh – loại Bánh Trường Sinh chỉ có được từ Đức
Giêsu Kitô.
Trình
thuật Ga 6:41-52 cho chúng ta biết rõ về loại Bánh “đặc sản” duy nhất này: Bánh
Trường Sinh. Sau khi nghe Chúa Giêsu nói chính Ngài là Bánh Trường Sinh,
người Do-thái liền xầm xì phản đối, họ “chói tai” vì Ngài đã xác nhận: “Tôi
là bánh từ trời xuống”. Chắc chắn rằng, từ cổ chí kim, cả hiện tại và tương
lai, hoặc bất cứ dân tộc nào, không ai dám nói như vậy, và cũng chẳng ai dám tự
xưng là Thiên Chúa. Quả thất, rất “khó lọt lỗ tai” vì chúng ta chỉ là phàm
nhân, không thể hiểu nổi những gì cao hơn vầng trán bé nhỏ của mình.
Và rồi
người Do-thái bàn tán với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông
Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói:
Tôi từ trời xuống?”. Ngày nay chúng ta không còn tranh luận về “sự lạ”
Thánh Thể vì chúng ta đã thừa kế di sản đức tin tông truyền, nếu chúng ta sống
thời đó và lần đầu nghe Chúa Giêsu nói vậy, chắc chắn chúng ta không chỉ nổi da
gà, nổi gai óc, mà còn nổi nóng như ngọn lửa bùng cháy. Tuy nhiên, dù đã hơn
hai ngàn năm qua, những người vô thần hoặc theo tôn giáo khác, kể cả một số hệ
phái thuộc Kitô giáo, người ta vẫn không chấp nhận Bí tích Thánh Thể, cho rằng
người Công giáo ảo tưởng. Sự thật vẫn mãi mãi là sự thật mà thôi, dù người ta
không tin sự thật là sự thật thì sự thật cũng không thể biến thành điều gì
khác.
Chúa Giêsu
biết người Do Thái đang lùng bùng lỗ tai và máu đang bốc lên tới chỏm đầu, nên
Ngài bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được,
nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho
người ấy sống lại trong ngày sau hết”. Hết cú sốc này tới cú sốc khác,
họ muốn điên lên được. Thế nhưng Chúa Giêsu không thể chuyển hướng khác, và
Ngài dẫn chứng: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ
được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn
của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu,
nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”.
Chả hiểu gì, cứ nghe ông Giêsu này nói thì điên thật mất thôi!
Mặc kệ. Ai
điên thì điên. Sự thật không thể che giấu. Chúa Giêsu “sang số” và “tăng ga”
tiến tới: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi
là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã
chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống” (Ga 6:51). Nghe những lời này, người Do-thái liền tranh luận sôi
nổi với nhau. Họ tức giận lắm, nhất là mấy “ông lớn” – mặt to, tai to, miệng
to, quyền to, lực to – thế nhưng họ vẫn không thể làm gì được Ngài. Rất có thể
hôm đó có xảy ra ẩu đả nhau vì ai cũng muốn theo lý luận của mình, còn một số
người đã theo Ngài một thời gian, nay họ rút lui, chấp nhận về quê cắm câu vậy.
Trước mắt
người Do Thái, kể cả chính quyền và những người lãnh đạo tôn giáo, Chúa Giêsu
đúng là “cái gai” cần phải nhổ càng sớm càng tốt.
Lạy Thiên
Chúa, xin đừng bỏ mặc con khi đức tin của con bị lung lay. Xin Chúa Thánh Thần
soi sáng để con đủ sức hiểu những gì siêu nhiên. Xin ban cho mọi người đủ bánh
nuôi phần xác và biết đón nhận Bánh Thiêng là Lời Chúa và Thánh Thể, để có đủ
sức mạnh mà ngoan cường trong cuộc chiến tâm linh hằng ngày trên đường lữ thứ
trần gian này. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
Amen.
TRẦM
THIÊN THU
(1) Cây
Kim tước thuộc họ đậu, hoa màu vàng ươm, nở vào mùa Xuân, còn gọi là “cây
hoa chuỗi vàng” (Golden Chain Flowers). Tất cả các bộ phận của cây kim tước đều
độc, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, cây cũng được dùng để làm giảm nhịp tim và
kích thích lợi tiểu.
(2) Một số
câu Kinh Thánh đề cập con số bốn mươi: – Sau 40 ngày lụt Đại Hồng Thủy (St
7:17), có nhân loại mới, tượng trưng bằng gia đình ông Nô-ê. – Khi 40 tuổi, ông
Môsê đã đến thăm dân đang sống kiếp nô lệ ở Ai-cập (Cv 7:23); sau 40 năm ở tại
Mađian, ông được Thiên Chúa kêu gọi đi giải phóng dân Ít-ra-en (Cv 7:30), ông
đã hướng đạo dân Ít-ra-en đi trong sa mạc suốt 40 năm. – Sau hai lần ở trên núi
Sinai 40 ngày đêm cầu nguyện (Xh 24:18; Xh 34:28), ông Môsê nhận được Luật Giao
Ước để tổ chức đời sống cho Dân Chúa. – Sau 40 năm đi trong sa mạc (Ds 14:22;
Đnl 1:3), đoàn dân vào Đất Hứa, thoát kiếp nô lệ, được sống tự do. – Sau 40
ngày đêm đi trong sa mạc (1 V 19:8), ngôn sứ Êlia dến núi Khô-rép (Sinai) để
gặp Thiên Chúa và được Người củng cố trong sứ mạng. – Sau 40 ngày ăn chay hãm
mình đền tội, dân thành Ninivê được Thiên Chúa tha thứ (Gn 3:10). – Sau 40
ngày ăn chay trong sa mạc (Mt 4:2), Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ. – Sau
khi sống lại 40 ngày, Đức Giêsu dạy dỗ các tông đồ, chuẩn bị cho các ông đón
nhận Chúa Thánh Thần, Hội Thánh được thiết lập, và các ông can đảm ra đi truyền
giáo (Cv 1:3).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét