Tại sao Kitô Giáo phát triển nhanh tại Trung Hoa Cộng Sản ?
(Wed,
19/08/2015 - Vũ Văn An –Vietcatholic.net)
Kitô giáo
đang phát triển rất nhanh tại Trung Hoa Cộng Sản. Nguyên nhân rất có thể là vì
đức tin phù hợp với kỹ thuật khoa học hiện đại.
Theo nhà xã hội học Rodney Stark, con số Kitô hữu tại Trung Hoa đang gia tăng ở mức 7 phần trăm mỗi năm.
Rodney
Stark và Xiuhua Wang là tác giả một cuốn sách xuất bản năm 2915 tựa là A
Star in the East: The Rise of Christianity in China (Ngôi Sao Phương Đông:
Sự Gia Tăng Kitô Giáo tại Trung Hoa). Stark tự coi mình là nhà sử học xã hội và
hiện là đồng giám đốc của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tại ĐH Baylor.
Hai tác
giả trên ước tính rằng năm 1980, tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chỉ có 10
triệu Kitô hữu, nhưng đến năm 2007, con số ấy là 60 triệu người, nghĩa là tính
trung bình, mỗi năm sự gia tăng lên tới 7%. Như thế có nghĩa năm 2014, tổng số
Kitô hữu tại Cộng Hòa này lên tới 100 triệu người.
Họ cho
rằng sự gia tăng đáng kể trên do sự trở lại của những người được học hành nhiều
hơn. Đây là lớp người đang cảm nghiệm một thứ bất tương hợp nào đó giữa nền văn
hóa Á Châu cổ truyền và tính hiện đại trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, một bất
tương hợp đang tạo ra lỗ hổng tâm linh mà chỉ có Kitô Giáo mới lấp đầy.
Stark nói
với hãng tin CNA ngày 14 tháng Tám vừa qua rằng các nhà trí thức Trung Hoa xác
tín cao độ rằng họ phải hướng về Tây Phương mới có thể hiểu được thế giới họ
đang sống… và họ xác tín rằng các tôn giáo Đông Phương không tương hợp với thế
giới hiện đại, do đó họ cần hướng về Tây Phương để tìm triết lý và tôn giáo.
Theo
Stark, các tôn giáo Đông Phương như Lão Giáo, Khổng Giáo và cả Phật Giáo nữa,
đều phản tiến bộ; tất cả đều cho rằng thế giới đang đi xuống so với dĩ vãng
vàng son, nên ta phải nhìn lại đàng sau, chứ không nhìn về đàng trước. Không
tôn giáo nào trong số này thừa nhận rằng ta có khả năng hiểu được bất cứ điều
gì đó về vũ trụ: vũ trụ này là một điều để ta chiêm niệm, chứ không phải là một
điều để chúng ta thử nghiệm và lên lý thuyết về, vốn là việc thông thường của
các nhà vật lý và hóa học. Quan điểm ấy không phù hợp với thế giới mà Trung Hoa
hiện đại đang cảm nghiệm.
Stark tin
rằng xã hội kỹ nghệ không có chỗ đứng thích hợp trong các quan điểm tôn giáo
như trên. Và đây là động lực chính của việc Kitô giáo hóa Trung Hoa. Nó giải
thích tại sao những người Trung Hoa có học nhất đã hăng say nhất trong việc gia
nhập tôn giáo này.
Ông cũng
cho rằng việc phát triển Kitô Giáo tại Trung Hoa sở dĩ đã diễn ra ngay cả thời
kỳ bách hại dữ dằn nhất thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, là vì “diễn trình trở lại này là một diễn trình vô
hình; chính phủ không thể nhìn thấy nó”.
Theo
Stark, việc trở lại đạo chủ yếu diễn ra nhờ các mạng lưới xã hội, nên nó vô
hình đối với chính phủ. Ông cho rằng người Trung Hoa sống tại các khu vực nông
thôn trở lại Kitô Giáo nhiều hơn người thị thành vì các nối kết xã hội của họ
mạnh mẽ hơn, và nhờ thế, Kitô Giáo được truyền ở đó dễ dàng hơn.
Những cuộc
gặp gỡ theo kiểu dựng lều của phong trào phục hưng (Revivalist tent meetings)
không phải là cách ở đây, vì ở đây, người ta tụ tập cách thân mật hơn, âm thầm
hơn.
Các nhà
truyền giáo Công Giáo đã từng có mặt ở Trung Hoa từ thế kỷ 16, và tới năm 1949,
khi Cộng Sản kiểm soát toàn bộ đất liền, số người Công Giáo là gần 3.3 triệu
với hơn 5 nghìn nhà truyền giáo ngoại quốc. Nay con số ấy khoảng trên dưới 13
triệu người.
Chính phủ
Cộng Sản trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc và lập ra Hội Công
Giáo Ái Quốc Trung Hoa, một thứ Giáo Hội Công Giáo do chính phủ kiểm soát. Giáo
Hội này hiện hữu đối nghịch với Giáo Hội hầm trú hiệp thông với Tòa Thánh. Giáo
Hội hầm trú này bị bách hại nặng nề và việc đề cử giám mục thường không được nhà
cầm quyền Trung Hoa nhìn nhận.
Tuy nhiên,
theo Stark, việc tấn phong giám mục phụ tá Joseph Zhang Yinlin ngày 4 tháng Tám
vừa qua là tin quan trọng nhất, theo viễn tượng Công Giáo, phát xuất từ Trung
Hoa trong nhiều năm qua.
Đức Cha
Zhang được cả chính phủ Trung Hoa lẫn Tòa Thánh công nhận, một việc rất đáng
chú ý, vì việc đề cử giám mục từng là phạm vi tranh chấp nổi bật nhất giữa đôi
bên trong suốt 60 năm qua.
Stark cho
rằng đây là một thỏa thuận rất lớn vì suốt từ năm 1950, nhà cầm quyền Trung Hoa
vẫn bác bỏ sự dính líu của bất cứ tôn giáo nào có mối liên kết với ngoại bang.
Ông cũng cho rằng người Thệ Phản dễ dàng chấp nhận chính sách này, nhưng người
Công Giáo thì không. Đối với họ, không có chuyện bác bỏ Rôma được.
Stark nhắc
lại vụ tấn phong giám mục đầy sóng gió cho Đức Cha Thaddeus Ma Daqin năm 2012:
ngài vốn thuộc Hội Công Giáo Ái Quốc nhưng khi được tấn phong, đã long trọng
tuyên bố từ bỏ Hội này, khiến bị giam tại nhà cho tới nay.
Dựa vào
trường hợp trên, Stark cho rằng vì đã có sự thoả thuận giữa Bắc Kinh và Vatican
về việc cử nhiệm Đức Cha Zhang, nên không còn lý do gì khiến người Công Giáo cứ
tiếp tục hầm trú nữa. Ông cho rằng phần lớn người Công Giáo Trung Hoa, kể cả
những người Công Giáo Ái Quốc, đều là những người Công Giáo đích thực, họ chỉ
giả vờ “ái quốc” mà thôi.
Sự thay
đổi trong ba năm nay, từ ngày tấn phong Đức Cha Ma tới ngày tấn phong Đức Cha
Zhang, quả là lớn lao: “Tôi hết sức ngạc
nhiên trước sự thay đổi này”.
Stark có
phần thái quá khi cho rằng tại nhiều ngôi làng, các lãnh tụ Cộng Sản địa phương
công khai tuyên xưng đức tin Kitô Giáo của mình bằng cách đặt Thánh Giá ở cửa
ra vào, trên tường nhà. Ông cũng cho hay, tại các thành phố, Kitô hữu kín đáo
hơn, nhưng rất đông con cái nam nữ của các viên chức Cộng Sản trở lại Kitô
Giáo. Và nếu tới khuôn viên các đại học ưu tú, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên trước
hiện tượng các Kitô hữu cảm thấy như ở nhà, theo cách mà “bạn không thấy tại các cao đẳng Kitô giáo Hoa Kỳ”.
Thậm chí
ông cho rằng có rất nhiều giáo sư Kitô Giáo, và Kitô Giáo mạnh nhất tại các đại
học nơi các đảng viên tương lai của Đảng Cộng Sản theo học. Đây có thể là thành
phần của điều đang xẩy ra ở hậu trường: càng ngày người ta càng cảm thấy khó
chịu khi phải đẩy lui Kitô Giáo.
Tiếp
tục triệt hạ thánh giá
Nhiều
người nhắc tới sự kiện mới đây: Đài Truyền Hình Trung Hoa, hôm thứ Bẩy, 15
tháng Tám vừa qua, đã dành một chương trình đặc biệt về Đức Phanxicô khi tường
thuật lời lẽ hiệp thông của ngài đối với thảm họa nổ hóa chất tại Thiên Tân
khiến hơn 100 người chết và rất nhiều người bị thương.
Chương
trình truyền hình trên cộng với việc tấn phong Đức Cha Zhang mới đây được nhiều
người chào đón như một dấu chỉ tích cực. Tuy nhiên, không ai quên được sự kiện
này: Chủ Tịch Trung Hoa, Xi Jinping, tiếp tục chính sách bài Kitô Giáo của ông
ta: các lực lượng an ninh nhà nước đục bỏ thánh giá khỏi các tháp cao, vòng
cung, mái nhà của gần 4,000 ngôi nhà thờ ở tỉnh Zhejiang.
Thành thử
nhà báo John Allen cho rằng cần phải thận trọng trước sự cởi mở của Trung Hoa
đối với Đức Phanxicô, không nên giải thích quá lạc quan đối với một câu truyện
đã kéo dài cả 60 năm nay. Allen ngầm cho hiểu: đây có thể chỉ là chiến lược “lùi một bước tiến hai bước” cũ mèm của
Trung Hoa.
Về việc
Đài Truyền Hình Trung Hoa dành chương trình đặc biệt nói về Đức Phanxicô một
cách có thiện cảm, theo Allen, chỉ là để phục vụ mục tiêu chính trị ngắn hạn
chứ không hẳn để khai quang nẻo đường tiến tới bang giao trọn vẹn.
Mục tiêu
ấy là cố gắng của Chủ Tịch Jinping trong việc làm tịt ngòi các chỉ trích nội bộ
cho rằng vụ nổ là do luật lệ an toàn kỹ nghệ không thỏa đáng. Trong bối cảnh
này, việc làm nổi lời hiệp thông đáng kính của các nhà lãnh đạo thế giới, nhất
là của giáo hoàng, sẽ làm dân Trung Hoa tin rằng đây là việc làm của Ông Trời,
chứ không hẳn do sơ xuất của con người.
Allen cho
biết thêm rằng việc tấn phong Đức Cha Zhang cũng nhằm mục tiêu chính trị ngắn
hạn, tức làm dịu sự chống đối của người Công Giáo tại Tỉnh Zhejiang trước việc
các lực lượng an ninh chính phủ được huy động triệt hạ các thánh giá khỏi gần
4,000 nhà thờ.
Chứ nếu
nới rộng gọng kìm kiểm soát tôn giáo, tại sao họ không trả tự do cho Đức Cha Ma
Daqin bị giam đã hơn 3 năm qua?
Cho tới
nay, vẫn còn ít nhất 2 vị giám mục Công Giáo khác và 6 vị linh mục đang ngồi tù
tại Trung Hoa từ năm 1997. Mới tháng Hai vừa qua, thân nhân của Đức Cha Cosmas
Shi Enxiang, 94 tuổi, được nhà cầm quyền thông báo là ngài đã qua đời. Đó là
tin tức đầu tiên về vị giám mục này kể từ ngày ngài bị bắt cách nay 14 năm,
đúng vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2001; hết phân nửa thời gian này, ngài phải lao
động khổ sai ở tuổi trên 80!
Chính vì
thế, các chuyên gia lâu đời về tự do tôn giáo khó có thể vội kết luận rằng các
dấu hiệu cởi mở trên có tính quyết định.
Riêng đối
với Vatican, phương thức lâu nay vẫn là hướng về hòa giải với Bắc Kinh qua việc
nhấn mạnh rằng: người ta có thể vừa là người Công Giáo tốt vừa là một công dân
Trung Hoa hết dạ trung thành. Điều này có nghĩa tránh né bất cứ tuyên bố hay cử
chỉ công khai nào xem ra khiêu khích và tìm đủ dịp để chứng tỏ thiện chí.
Phương thức này có thể được coi như một phán đoán tốt, nhưng cũng có thể bị coi
như một thiếu gân cốt, tùy theo quan điểm từng người. Dù sao, theo Allen, không
nên vội vã ngả theo một trong hai suy đoán vừa kể.
Stark cũng
tường trình về vụ triệt hạ thánh giá tại tỉnh Zhejiang nhưng lại cho rằng thứ
bách hại có tính địa phương hóa này có thể vì người đứng đầu tỉnh ấy tỏ ra phẫn
nộ trước việc nới lỏng tại các nơi khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét