Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Nhân kỷ niệm 70 năm thảm họa nguyên tử Hiroshima

Nhân  kỷ  niệm  70  năm  thảm  họa  nguyên  tử  Hiroshima
(Vũ Van An-8/8/2015-Vietcatholic.net)






Tuần này, người dân Nhật tưởng niệm 70 năm thảm họa nguyên tử Hiroshima sát hại cả hàng trăm nghìn người và nhiều di hại về sau.

Clara Moskowitz, trong bài tường thuật các phát biểu gần đây của một số người Nhật sống sót thảm họa, không nói gì tới tâm tư của những người này, mà chỉ đề cập tới các mô tả của họ về hậu quả thể lý của vụ nổ mà thôi.

J. Samuel Walker thì cho rằng quyết định dội bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagazaki của Tổng Thống Harry Truman năm 1945 gây nên nhiều phản ứng khác nhau đi từ xác quyết cho rằng nó hoàn toàn được biện minh về phương diện quân sự và luân lý cho tới chủ trương cho rằng đây là tội ác chiến tranh vô lương tâm.

Câu hỏi chưa có câu trả lời

Cho đến nay, năm 2015, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy 56% người Mỹ được thăm dò, trong đó có 76% những người 65 tuổi trở lên, cho hay việc dội bom trên là chính đáng; 34% cho là không chính đáng.

Chắc những người Mỹ ủng hộ việc dội bom này chưa đọc tác phẩm cổ điển của nhà báo John Hersey xuất bản năm 1946, tựa là Hiroshima. Về cuối tác phẩm này, Hersey trích dẫn câu hỏi của một linh mục Công Giáo mà cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời:

“Một số người trong chúng ta coi quả bom cùng loại như hơi độc và chống việc sử dụng nó trên thường dân. Một số khác nêu ý kiến cho rằng trong chiến tranh toàn diện, như cuộc chiến chống Nhật Bản, không hề có sự khác nhau nào giữa thường dân và binh sĩ, và quả bom tự nó là sức mạnh hữu hiệu nhằm chấm dứt việc đổ máu, cảnh cáo Nhật phải đầu hàng và nhờ thế tránh được việc hoàn toàn bị hủy diệt. Rõ ràng người ủng hộ chiến tranh toàn diện, trên nguyên tắc, không thể than phiền đối với cuộc chiến chống lại thường dân. Đỉnh cao của vấn đề là liệu chiến tranh toàn diện, trong hình thức hiện thời, có thể được biện minh hay không, ngay cả khi nó phục vụ một mục đích chính đáng. Há nó không có các hậu quả xấu xa về vật chất và tinh thần vượt xa bất cứ hậu quả tốt nào đó hay sao? Lúc nào thì các nhà luân lý của ta mới cho ta câu trả lời rõ ràng đối với câu hỏi này?”.

Himmler, Hiroshima và kỹ nghệ phá thai

Năm 2015, năm kỷ niệm lần thứ 70 thảm họa nguyên tử trên, Mark Shea đem so sánh biến cố Hiroshima với tên đồ tể Himmler của Đức Quốc Xã và kỹ nghệ phá thai Hoa Kỳ trong bài “Can đảm giả và can đảm thật” (False Courage and True Courage).

Mark Shea trích bài diễn văn bí mật hồi tháng Mười năm 1943 của Heinrich Himmler với binh đội SS về việc sát hại hàng loạt người Do Thái. Tên đồ tể này nói với họ:

“Tôi cũng muốn nhắc đến một chủ đề rất khó nói trước mặt anh em ở đây, nhắc một cách hoàn toàn công khai.

“Chủ đề này nên được thảo luận giữa chúng ta, tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ nói về nó nơi công cộng.

“Hệt như ngày 30 tháng Sáu, chúng ta đã không do dự thi hành bổn phận, như đã được ban bố, là buộc các đồng chí sai phạm đứng trước tường và bắn bỏ họ.

“Về việc ấy, chúng ta đã không bao giờ đề cập tới, và sẽ không bao giờ đề cập tới.

“Cám ơn Thượng Đế, đó là loại chiến thuật rất tự nhiên đối với chúng ta, một kết luận đã định trước về chiến thuật này, là giữa chúng ta, chúng ta đã không bao giờ đàm đạo về nó, không bao giờ nói về nó, mọi người đều nhún vai, và mọi người đều biết rõ: lần sau, anh ta cũng sẽ làm cùng một điều như thế nữa, nếu được lệnh và cần thiết.

“Tôi đang nói về việc “di tản người Do Thái”: tận diệt dân Do Thái.

“Đó là một trong những điều nói thì dễ. ‘Dân Do Thái đang bị tận diệt’, đảng viên nào cũng nói với anh em như thế, ‘hoàn toàn rõ, đó là một phần trong kế hoạch của chúng ta, chúng ta đang loại bỏ người Do Thái, tận diệt chúng, đúng! chuyện nhỏ’.

“Nhưng rồi ai cũng thế cả, tất cả 80 triệu người Đức chính trực, mỗi người đều có một người Do Thái đứng đắn. Họ bảo: mọi người khác đều là heo, nhưng đây là một người Do Thái hạng nhất.

“Và không ai trong họ thấy điều này, chịu điều này. Phần lớn anh em sẽ biết nó có nghĩa gì khi 100 cái xác nằm cạnh nhau, khi 500 cái xác hay khi 1,000 cái xác (nằm cạnh nhau). Và sau khi nhìn thấu cảnh này, mà vẫn còn tề chỉnh, thì điều này khiến chúng ta ra cứng cỏi và là một trang oai hùng chưa bao giờ được nhắc tới và sẽ không bao giờ được nhắc tới”.

Còn P.Z. Myers thì “can đảm” bênh vực hành vi phá thai như sau:

“Các chiến thuật bắt nạt cổ điển vẫy các bào thai đẫm máu có thể làm những anh chàng mềm yếu nhát sợ, nhưng tôi là một nhà sinh vật học. Tôi từng chặt đầu những con chuột. Tôi đã nắm nhiều nhãn cầu trong tay và lột chúng ra bằng kéo. Tôi đã dùng máy hút để làm sạch những vũng máu đã gần đông của một con chó đã mất máu. Tôi đã mổ nhiều xác chết và ngắm những bộ ruột của họ múa những điệu múa uốn éo chậm chạp, tôi đã từng thọc cánh tay sâu vào máu, tôi đã từng phanh thây mấy con mèo và đâm kim truyền dịch thẳng vào tim chúng. Tôi đã lấy não mấy con chuột bằng chiếc kìm. Tôi đã từng lấy muỗm múc óc ra khỏi chậu, tôi đã đếm các nhánh cắt từ óc các hài nhi đã chết.

“Các anh muốn tôi rút lui bằng cách gợi nỗi sợ trước hình ảnh thai nhi đã chết ư? Tôi nhìn những hình ảnh này không do dự và chỉ thấy thịt. Và thịt đâu có làm tôi sợ”.

Hay câu truyện sau đây của một người Croat tên Vladko Macek, người đã mục kích các kinh hoàng của trại tử thần Jasenovac, trong tư cách một người tù ở đấy. Trong cuốn hồi ký của mình, anh kể lại:

“Trại này trước đây là một xưởng gạch và nằm trên bờ Sông Sava. Giữa trại là căn nhà hai tầng, nguyên thủy được dựng lên làm văn phòng cho cơ xưởng… Những tiếng la thét vì tuyệt vọng và đau đớn cùng cực, những tiếng thét vì bị tra tấn của các nạn nhân, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng súng bắn, cứ song hành với những giờ khắc còn tỉnh của tôi và theo tôi vào giấc ngủ đêm”.

Macek ghi lại câu nói của một trong các vệ binh có nhiệm vụ canh chừng anh suốt ngày:

“…Các hành vi của anh ta nhuốm đầy tính ác thú. Tôi hỏi xem liệu anh ta có sợ bị Chúa trừng phạt hay không. Anh ta bảo: ‘đừng nói với tôi chuyện đó, vì tôi hoàn toàn biết rõ những gì dành cho tôi. Vì các việc làm trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai của mình, chắc chắn tôi sẽ bị thiêu trong hỏa ngục, nhưng ít ra cũng bị thiêu vì Croatia”.

Và đây là các mỹ từ của những người cổ vũ việc thiêu rụi hàng nghìn thường dân vì sự thiện lớn hơn. Nhân bài của Jimmy Akin về ngày thả bom nguyên tử lên Hiroshima, một độc giả viết: “Nếu ném bom nguyên tử lên các thành phố này là một tội ác chiến tranh lớn của Hoa Kỳ, bất hợp pháp theo luật quốc tế và giáo huấn Giáo Hội, thì ta buộc phải đòi hỏi một giá máu cao hơn để làm dịu lương tâm ta. Trong đời thực, có những lúc buộc phải làm điều trái để tránh một điều trái lớn hơn. Những thí dụ này rất hay xuất hiện trong thời chiến. Một thí dụ khác: tên khủng bố phải bị 'tra tấn' mới có thể khám phá ra các trái bom đang nằm ở đâu.

“Thưa ông Akin, ông rất đúng khi ông bảo rằng lúc dội bom, chúng ta đã chính thức tham dự vào sự ác. Điều bất hạnh là ta đã tham dự vào sự ác gần cả bốn năm trước đó khi chúng ta tham dự chiến tranh. Bản chất của chiến tranh là thế. Có nhiều, nhiều sự ác trong đó, và chúng ta chỉ làm hại mình, vì khi dựa vào các cố gắng đầy thiện ý nhưng hoàn toàn vô dụng để giảm thiểu cái ác của nó, ta chỉ tổ kéo dài và làm cái ác ấy tồi tệ thêm”.

Chính vì thế, Michael Graham, nhân ngày Hiroshima, đã cầu chúc các độc giả của anh “Hòa bình hạnh phúc nhờ ngày chiến thắng” như sau:

“Hôm nay đánh dấu kỷ niệm hành động đơn độc vĩ đại hơn cả vì chính nghĩa hòa bình mà Hiệp Chúng Quốc thực hiện xưa nay đó là:

“Thả bom nguyên tử lên Hiroshima năm 1945. Chỉ một quyết định ấy, một khí cụ ấy, cứu được nhiều sinh mạng, làm nhiều để chấm dứt chiến tranh, và tạo ra nhiều công lý trên thế giới ngay tức khắc hơn bất cứ điều gì khác. Nó được Hoa Kỳ thực hiện, cho người Hoa Kỳ. Nó cứu được sinh mạng của hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói của hàng triệu, binh sĩ và thủy thủ Hoa Kỳ”.

Theo Mark Shea, dây nối kết đồ tể Himmler, hội chứng hãnh tiến Hiroshima và bàn tay không ngừng sát hại của kỹ nghệ phá thai là lòng can đảm sa đọa. Hãy nhìn lại luận lý học bệnh hoạn của Himmler: ý muốn sẵn sàng phạm tội sát nhân đã được chuyển hóa thành hành vi gan dạ của hy sinh. Hắn khuyến khích binh đội SS bằng cách tâng bốc chúng là những kẻ cứng cỏi sẵn sàng thực hiện những công việc bẩn thỉu của chiến tranh. Chúng không bác bỏ việc thực thi những hành động chắc chắn sẽ đưa chúng xuống hỏa ngục, nhưng mạnh dạn đảm nhiệm việc phạm tội trọng vì một “chính nghĩa” cao hơn. Chúng có cái gan dạ mà những người dịu dàng hơn không có được để sát hại hàng nghìn người Do Thái vô tội và sẵn sàng chịu đựng cơn chấn thương tâm lý vốn song hành với việc làm điều ác, chỉ vì “lòng yêu” quê hương mà không chịu tìm hiểu bất cứ lỗ hổng có thể có nào khác.

Myers cũng sử dụng cùng một mỹ từ gan dạ để hỗ trợ việc anh ta bênh vực quan điểm về sự sống của Kermit Gosnell (nhà phá thai dã man nổi tiếng của Hoa Kỳ), và đồng thời cũng bênh vực cho cả quan điểm của Bác Sĩ Josef Mengele (y sĩ tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã) về sự sống. Giống Myers, những y sĩ này không hề “sợ sệt” biến hàng triệu những con người khác, có tuổi hơn, thành “những mảnh thịt”. Một lần nữa, những chữ như gan dạ và can đảm đã được sử dụng để mô tả việc sẵn sàng thực hiện các hành vi tàn ác nặng nề.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Tên đồ tể Croat, cũng thế, nói tới các tội ác dã thú của mình đúng theo cung giọng tên Satan của Milton. Như thể cái lò sát sinh bẩn thỉu mà anh ta phục vụ là một hành vi nổi loạn hào hùng chống lại một Thiên Chúa bất công, Đấng mà anh ta không còn chọn lựa nào khác ngoài việc thách thức bằng ý niệm giản dị “chiến tranh chính nghĩa” theo nghĩa làm bất cứ điều gì cần làm để chiến thắng. Anh ta nói tới sự tham gia của mình vào việc sát hại như là một hành vi ái quốc đẹp đẽ mà chỉ có kẻ gan dạ nhất mới làm được. Chắc chắn, anh ta sẽ xuống hỏa ngục, với ý niệm chắc mẩm này: mình đã làm điều đúng!

Đó cũng là nhận định của độc giả người Mỹ được trích dẫn trên đây khi anh ta cho rằng Thiên Chúa đòi hỏi quá đáng khi áp đặt tiêu chuẩn chiến tranh chính nghĩa lên Hoa Kỳ rồi lại nghiêm túc chờ mong Hoa Kỳ đừng có ý định sát hại hàng loạt thường dân vô tội. Độc giả này ngầm cho hiểu biến cố Hiroshima và Nagasaki không hề vi phạm giáo huấn chiến tranh chính đáng. Thay vào đó, anh ngầm cho hiểu Thiên Chúa sai lầm, người Hoa Kỳ đúng và họ cần có “can đảm” cứ thế tiến lên làm điều ác vì đó là điều đúng cần làm và Thiên Chúa sẽ sai lầm nếu nói ngược lại. Bạn phải “làm điều trái để tránh điều trái lớn hơn”.

Theo Mark Shea, can đảm thật có khác. Thiên Chúa đôi khi đòi ta làm những điều khó, khó đến độ ta cảm thấy sai lầm, mà thực ra chẳng sai lầm chút nào. Đó là câu truyện Phêrô bị quở là “Satan”. Nghe chuyện Chúa muốn lên Giêrusalem để chịu đóng đinh, Phêrô liền bảo: trời đất ơi, thầy không bao giờ nên làm thế. Ông nói vậy chắc chắn vì yêu thầy, nhưng Chúa quở ông ngay lập tức: xéo khỏi thầy, đồ qủy! con gây trở ngại cho thầy, vì con không đứng về phía Thiên Chúa mà đứng về phía con người… ai muốn theo thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình và theo thầy. Ai cứu mạng sống mình sẽ mất nó, ai mất mạng sống mình vì thầy sẽ tìm thấy nó (xem Mt 16: 21-25).

Can đảm thật là hy sinh mạng sống mình, không hy sinh mạng sống người vô tội. Himmler can đảm “hy sinh” mạng sống người, nhưng bảo vệ sự sống mình. Myers không dùng thân xác mình để biến nó thành những “miếng thịt” cho khoa học, mà “can đảm” dùng kéo đâm chết một đứa bé không tự bảo vệ được mình. Tên vệ binh Croat “mạnh dạn” giết người vô tội, không đủ “mạnh dạn” giết chết chủ nghĩa duy quốc gia của hắn. Người ủng hộ hai biến cố Horoshima và Nagasaki hy sinh chính khả thể công lý trong chiến tranh trên bàn thờ sự ác bằng cách đơn thuần bỏ rơi bất cứ khả thể Chiến Tranh Chính Đáng nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét