Phận Hèn Cao Trọng
(Lễ Mông Triệu, lễ trong ngày)
(Wed,
12/08/2015 - Trầm
Thiên Thu-thanhlinh.net)
Lên trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão
cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Lên trời không là chuyện viễn
vông như chú Cuội lên cung trăng, cũng không chỉ là “tham quan” mặt trăng, là “khám
phá” sao Hỏa, một hành tinh nào đó, hoặc khám phá “lỗ đen” trong vũ trụ. Lên trời là để sống đời trường sinh và đồng
hưởng thiên phúc với Thiên Chúa, sau khi thân xác chúng ta được sống lại.
Mừng lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác là nhắc nhớ
chúng ta về niềm xác tín: “Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại” (Kinh
Tin Kính). Niềm tin này được củng cố bằng tín điều Đức Mẹ mông triệu. Ngày
1-11-1950, ĐGH Piô XII ban hành Thông điệp “Munificentissimus
Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại), long trọng công bố tín điều Đức Maria lên
trời cả hồn và xác. Tín điều nghĩa là buộc mọi Kitô hữu phải tin.
Đại lược thông điệp bất hủ này là: “Sau khi chúc
tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu
những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự
kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức,
vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ
vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời,
Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà
Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành
riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời”.
Nói đến việc “lên
trời” là ngụ ý sự chết, liên quan Ngày Cánh Chung. Có chết rồi mới sống lại
và lên trời. Mà muốn làm công dân Nước Trời thì phải sống trọn vẹn các Giới Răn
của Thiên Chúa một cách ngoan cường và anh dũng. Đó là điều chắc chắn!
MẶC KHẢI
Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và rồi có điềm
lớn xuất hiện trên trời: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp
mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1). Thật uy
nghi và vinh hiển, nhưng cũng đầy gian khổ: “Bà có thai, đang kêu la đau đớn
và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12:2). Đó là điều chắc chắn, vì không có
vinh quang nào lại không có đau khổ. Chính Đức Kitô cũng đã chịu đau khổ tột
cùng rồi mới phục sinh vinh thắng.
Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: “Một Con
Mãng Xà đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện.
Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con
Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong
là nó nuốt ngay con bà” (Kh 12:3-4). Nhưng “người con trai này sẽ dùng
trượng sắt mà chăn dắt muôn dân” (Kh 12:5a). Sau đó, “Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người” (Kh
12:5b), còn “người Phụ Nữ thì trốn vào sa
mạc”, nơi mà “Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi
dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai
trăm sáu mươi ngày” (Kh 12:6). Khi đó, Thánh Gioan nghe có tiếng hô to trên
trời: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy
lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị
tống ra ngoài” (Kh 12:10). Đó chính là Giờ Cứu Độ, là khoảnh khắc cuối
cùng, là buổi cánh chung, là ngày tận thế, là lúc Chúa Giêsu giáng lâm.
Cựu ước cũng đã tiên tri về Đức Mẹ: “Hoàng hậu
đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy” [Tv 44 (45):10].
Có lời ca vang: “Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng
tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ” [Tv 44 (45):11]. Một khi đã có
Thiên Chúa rồi, được diện kiến Thánh Nhan, thì người ta vô cùng hạnh phúc, thế
nên không còn cần gì khác nữa: “Người là Chúa của bà” [Tv 44 (45):12].
Và người đó thể hiện niềm hạnh phúc tuyệt vời cùng những người khác: “Lòng
hoan hỷ, đoàn người tiến bước, vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung” [Tv 44
(45):16].
ỨNG NGHIỆM
Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người
chết. Thánh Phaolô xác định: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho
những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15:20). Tại sao? Vì “nếu tại một người mà nhân loại phải chết,
thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống
lại” (1 Cr 15:21). Thánh Phaolô giải thích: “Như mọi người vì liên đới
với Ađam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên
Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi
khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều
hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng
thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:22-24). Thật
vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới
chân Người: Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (1 Cr 15:25), nghĩa là
Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Theo Thánh Phaolô, khi nói muôn
loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Vì “lúc
muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục
Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền
trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Lý luận của Hiền triết Phaolô thật là
mạch lạc và tuyệt vời!
Thánh sử Luca kể: Hồi ấy, cô Maria vội vã lên đường,
đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào
hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Em Maria chào thì đứa con trong
bụng nhảy lên, và Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền nói: “Em được
chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc
phúc” (Lc 1:42). Chị Êlisabét nói tiếp: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa
tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con
trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:43-45).
Vấn đề là đức tin, mà phải tin vững vàng chứ không
thể mơ hồ. Đức Mẹ diễm phúc nhờ đức tin kiên vững. Điều này nhắc chúng ta phải
xem lại đức tin của chính mình!
Nghe Chị Êlisabét “khen” vậy, Đức Maria hân hoan dâng lời ca ngợi Chúa mà y như thơ
vậy (Lc 1:46-55):
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì
Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái
thương nhìn tới;
Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi
diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết
bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng
thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của
Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.
Những lời Đức Mẹ nói chứa đầy sự khiêm nhường, lòng
tín thác và lòng yêu thương. Đó cũng là lời kinh Magnificat mà Giáo hội vẫn
dùng để cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt trong giờ kinh Thần vụ (kinh Nhật tụng).
Thánh sử Luca kể: “Đức Maria ở lại với bà
Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56). Đức Mẹ không chỉ đi thăm
chị họ theo phép xã giao mà còn là để “báo
tin mừng”, nhất là để phục vụ bà chị đang mang thai bé Gioan Tẩy giả. Đức
Mẹ là một nữ-tu-không-áo-dòng, không đi tu ngày nào, cũng chưa một lần tiên
khấn, đơn khấn hoặc vĩnh khấn, nhưng Đức Mẹ đã anh dũng và kiên cường sống trọn
vẹn ba lời khấn: Thanh tuân, thanh bần, và thanh khiết. Trên cả tuyệt vời. Một
tấm gương chói ngời mà mọi người đều phải “soi”
vào.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài đã ban
cho chúng con một người Mẹ Thánh tuyệt vời. Xin thương giúp chúng con biết
khiêm nhường phục vụ và “xin vâng”
như Mẹ trong mọi hoàn cảnh, để chúng con chắc chắn được cùng Mẹ vui hưởng phúc
trường sinh. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của
Mẹ, Sư Phụ và Đại Huynh Trưởng của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét