Bao Giờ Chúa Đến ?
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn để mừng đón
Con Thiên Chúa giáng trần làm người, đem Ơn Cứu Độ đến cho nhân loại. Mùa Vọng
cũng là khoảng mong chờ Chúa đến riêng với mỗi người, đặc biệt là chung với mọi
người: Ngài Chúa Giêsu tái lâm, Ngày Cánh Chung.
TƯƠNG LAI XA HAY GẦN?
Ngôn ngữ nhân loại khá mơ hồ, không chính
xác, dù chỉ là tương đối chính xác. Ví dụ: Hẹn gặp nhau lúc 7 giờ, có ai đến
đúng 7 giờ chưa? Thì tương lai có tương lai gần và xa, nhưng thế nào là xa hoặc
gần? “Sẽ xảy ra” và “sắp xảy ra” đều là tương lai, nhưng “sẽ” và “sắp” là khi nào? Thật khó xác định!
Từ vài chục năm rồi, nhất là trong thời gian gần
đây, có nhiều “lời tiên tri” về cuối thời. Người ta có
nhiều cách “đồn thổi”, nhưng thường
liên quan “ba ngày, ba đêm”. Khi nghe
“tin đồn” về ba ngày tối thui, có
người gởi mail cho biết: “Lo thì có lo, nhưng lo vẫn hơn. Điều dự đoán có
thể xảy ra hoặc không, nhưng có thể thật đấy!”.
Đã có nhiều lần người ta rỉ tai nhau chuyện Chúa đến
hoặc tận thế. Có người nói rằng nghe tin “biến
động” mà người Maya dự báo xảy ra vào ngày 21-12-2012, hoặc đất trời tối
đen vào các ngày 23, 24 và 25-12-2012, thì “toát
mồ hôi hột”; có người lại cho đó là “tin
vịt”, không đáng tin. Mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống ai; kẻ nhát đảm thì
chết khiếp, người gan lì thì coi trời bằng… nắp bia! Chắc hẳn cũng có người thở
dài, bĩu môi, và nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.
Tôi đặt ra những cái “nếu”. Một thanh niên cho rằng người ta có những cái nuối tiếc, còn
tôi thì “không có gì để mất”, ý nói
tôi chỉ có cái “mạng cùi” thì có gì
phải tiếc (sic!). Tôi biết, dù là “mạng
cùi” thì người ta vẫn có loại “của
cải riêng” khiến người ta vẫn nuối tiếc và sợ chết. Tại sao? Ai cũng biết
mình không trường sinh bất tử, trước sau gì cũng chết, thế mà nghe nói đến sự
chết thì người ta cho là “xui xẻo”,
hoặc mới chợt “thấy” tử thần đứng nhìn từ xa mà người ta đã run còn hơn tử tội
ra pháp trường. Chưa chết thật nhưng đã chết khiếp!
Thật ra người ta chưa thực sự hiểu đúng ý tôi. Giả
sử “sự cố” xảy ra đúng như người ta
dự báo thì sao? Đặc biệt nếu đúng là tận thế thì sao? Cứ nghĩ cho cùng thì tiếc
có được không? Và như thế, chắc chắn người ta chỉ miễn cưỡng! Người ta chỉ tin
cái gì “hợp” ý mình, còn cái “không hợp” ý mình thì họ cương quyết
không tin.
Thông tin trên internet cũng có nhiều thứ “tạp pí lù”. Có những website đáng tin,
nhưng có những website không đáng tin. Lướt web cũng cần có khả năng chọn lựa
nhạy bén, vì nếu không khéo sẽ nguy hiểm! Kể cũng lạ, có những cái xạo thì
người ta dễ tin, có những cái thật thì người ta lại không tin hoặc không muốn
tin. Cũng có thể họ đang tự đánh lừa mình. Và rồi những lần “dự báo tận thế” đó lại qua đi, người ta
lại “vô tư” như xưa!
Tất nhiên, điều dự báo hoặc tiên đoán thì có thể
hoặc không thể xảy ra, không ai dám chắc chắn, dù chỉ 1%. Tuy nhiên, dù đó là “tin vịt”
hay “tin gà”, nếu bạn tin (chứ không
dị đoan hoặc cuồng tín) thì vẫn có lợi hơn là không tin (chứ không nhẹ dạ cả
tin, thiếu suy xét). Tin không phải để dao động, hoang mang hoặc run sợ, mà tin
để sẵn sàng “trực chiến”. Đó là mong
chờ Chúa đến, chờ đợi cả đời chứ không chỉ trong mùa Vọng hoặc trong một khoảng
thời gian nào đó.
Chúng ta cũng đã nghe Phúc Âm nhiều lần về lời cảnh
báo của Chúa Giêsu: “Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì
trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn
uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập
tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót:
thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi
Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt
tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. Ngày ấy,
ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở
ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ
mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ bảo tồn được
mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một
giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà
đang cùng nhau xay bột, một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai
người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ
lại” (Lc 17:26-36).
Quá rõ ràng! Thế nhưng “nghe để mà nghe”, có “nghe”
nhưng có “tin” hay không lại là
chuyện khác, vì có “tin” thì người ta
mới “hành động”.
Khi nghe Thầy mình nói vậy, các môn đệ cũng đã phải
lên tiếng hỏi: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?”. Ngài thản nhiên nói với các ông:
“Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Lc 17:37). Có lẽ Ngài thấy người ta
vẫn cứng lòng nên không thèm nói rõ nữa, vì có nói cũng như “nói với đầu gối”, chỉ là “nước đổ đầu
vịt” hoặc “nước đổ lá môn” mà
thôi.
Chúa vẫn thường nói: “Ai có tai thì nghe [ai có
tai nghe thì (hãy) nghe] (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc
7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; Kh 13:9). Tùy mỗi người, Chúa không hề ép buộc bất
kỳ ai!
TẠI
SAO NGƯỜI TA VẪN CỨNG LÒNG?
Các tin đồn về “biến động” nọ hoặc “sự cố”
kia, rốt cuộc không thấy gì xảy ra. Và đã nhiều lần như vậy. Rồi những lần Đức
Mẹ hiện ra, điển hình là Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em tại Fatima, nhưng rồi từ
đó tới nay gần trăm năm rồi, thậm chí từ thời Chúa Giêsu đến nay hơn 2000 năm
rồi, thế nên người ta lại cứ “vô tư”,
và tất cả cũng chỉ là… “chuyện nhỏ”!
Có lẽ người ta nghĩ Chúa và Đức Mẹ là những người thích đùa dai, chứ người ta
có thể không nghĩ đó là sự nhẫn nại của Lòng Chúa Thương Xót, chỉ muốn mọi
người được cứu độ, được Chúa Giêsu diễn tả qua hình ảnh người cha nhân hậu mong
ngóng đứa con hoang đàng trở về (Lc 15:11-32).
Thiên Chúa biết chúng ta vừa yếu đuối vừa cứng lòng,
nóng không nóng hẳn, mà lạnh cũng chưa nguội hẳn, chỉ dở dở ương ương (x. Kh
3:16), thế nên Ngài mới tiếp tục cho chúng ta cơ hội. Nước đến chân thì không
ai nhảy kịp. Lửa đã bốc cháy thì chỉ có nước khóc. Tất cả đã muộn! Thật vậy,
Thánh Phaolô nói: “Bạn lòng chai dạ đá, không chịu hối cải, và như vậy bạn
càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày
Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh” (Rm 2:5). Gậy
ông đập lưng ông. Tự mình hại mình mà thôi. Thánh Phaolô giải thích: “Tâm
trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá
khiến họ trở nên dốt nát” (Ep 4:8).
Nhiều lần Đức Mẹ hiện ra ở nhiều nơi với nhiều dạng,
kể cả nhiều mặc khải tư, đều cho biết rằng thời đại của chúng ta hiện nay là “cuối thời”. Chủ đề chung của những lần
Đức Mẹ hiện ra và các mặc khải tư: Thời của chúng ta sẽ chứng kiến Đức Kitô đến
lần thứ hai.
Khi hiện ra ở Rwanda (Phi châu), các thị nhân nhận
sứ điệp chuẩn bị cho lần đến thứ hai của Chúa Giêsu. Alphonsine cho biết: “Đức
Mẹ nói phải cầu nguyện nhiều – hiện nay chúng ta phải chuẩn bị cho lần đến thứ
hai của Chúa Giêsu”.
Chắc hẳn chúng ta không thể làm ngơ sứ điệp mà Chúa
Giêsu đã trao cho Thánh Maria Faustina Kowalska (Ba Lan, 1905-1938) về Lòng
Chúa Thương Xót: “Con chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của
Ta… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta.
Đó là dấu hiệu của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”. Và chúng ta
thấy trên cả thế giới, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót càng ngày càng được
lan rộng và được nhiều người dần dần nhận biết.
Khi hiện ra với nữ tu Agnes Katsuko Sasagawa ở Akita
(Nhật Bản, 1973), Đức Mẹ cũng nhắc đến ngày giáng lâm của Con Thiên Chúa. Thị
nhân Akita đã nói về “sự trừng trị
dữ dội bằng lửa” sẽ xảy ra nếu nhân loại không ăn năn.
Chắc chắn Chúa Giêsu sắp đến thế gian lần thứ hai,
nghĩa là sắp tận thế. Nhưng người ta không muốn tin đó là sự thật. Có tin cũng chỉ
là môi miệng! Chúng ta không thể biện luận bằng cách nào vì động thái của phàm
nhân đã và đang thể hiện rõ tư tưởng của mình. Chính miệng Chúa Giêsu nói mà
chúng ta còn chưa tin thì chẳng ai có thể làm chúng ta tin. Đó là động thái cố
chấp, mà cố chấp thì vô cùng nguy hiểm!
Qua lịch sử, Thiên Chúa luôn trao các sứ điệp
qua các “mặc khải tư”. Bụi cây cháy với tiên tri Mô-sê,
rồi từ các tiên tri Nô-ê, Đa-ni-en, tới Gioan Tông đồ (sách Khải Huyền), tất cả
các mặc khải tư đó không hề khác với những gì đã và đang xảy ra ngày nay. Sự
khác nhau giữa các mặc khải tư thời xưa và các mặc khải tư thời nay là các mặc
khải tư thời xưa được ghi lại trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta làm ngơ các mặc
khải tư, không chịu tìm tòi và không xin Chúa ban ơn hiểu biết, chúng ta sẽ
chẳng khác những người trong thời ông Nô-ê. Người ta đã chế diễu ông Nô-ê và
coi thường lời ông cảnh báo về Đại Hồng Thủy, cuối cùng thì họ phải “trả giá”.
Ngay cả cách đối xử của chúng ta với Lòng Chúa
Thương Xót cũng vậy. Thật ra Lòng Chúa Thương Xót có từ xa xưa, vì chính Đức
Maria đã nói: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ
Người” (Lc 1:50). Người ta không tin, rồi Chúa Giêsu lại mặc khải
cho Thánh Margarita Maria Alacoque (1647-1690) về Thánh Tâm, đặc biệt là tháng
6-1675, nhưng rồi người ta cũng chỉ tin một thời gian, cuối cùng Chúa Giêsu lại
đổi cách khác là mặc khải Lòng Thương Xót cho Thánh Faustina.
Khi mặc khải về Thánh Tâm với Trái Tim Chúa bị lửa
và vòng gai quấn quanh, Chúa Giêsu truyền cho cách cầu nguyện vắn tắt: “Lạy
Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”. Khi mặc khải về Lòng Chúa
Thương Xót, Chúa Giêsu truyền cho cách cầu nguyện vắn tắt: “Lạy Chúa Giêsu,
con tín thác vào Ngài!”. Chúng ta thấy rất giống nhau, dù hai cách sùng
kính mang tên gọi khác nhau. Mà Thánh Tâm Chúa hay Lòng Chúa Thương Xót cũng là
MỘT, vì cũng vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu như Thánh sử Gioan định nghĩa (1 Ga 4:8
và 16).
Vậy mà có những người vẫn cho rằng việc sùng kính
Lòng Chúa Thương Xót là thế này, thế nọ, thậm chí là ngăn cản. Tôn vinh và chúc
tụng Thiên Chúa là trách nhiệm và bổn phận, nghĩa là phải truyền bá (cũng như
loan báo Tin Mừng và truyền giáo), chứ không phải vui thì cho, mà buồn thì cấm.
Trong sách nguyện “Hồng Ân và Lòng Thương Xót” (Graces and Mercy), ĐGH Urbanô VIII
(1623-1644) đã viết: “Trong những trường hợp liên quan các mặc khải tư, nên
tin hơn là không tin, vì nếu bạn tin thì điều đó được minh chứng, và bạn sẽ
hạnh phúc vì bạn đã tin, vì Đức Mẹ đã yêu cầu như vậy. Còn nếu bạn tin mà điều
đó sai, bạn vẫn được chúc lành như thể điều đó đã xảy ra, vì bạn tin điều đó là
thật”. Quả thật, Chúa Giêsu đã xác định trong trường hợp đa nghi của Tông
đồ Tôma:
“Phúc thay những người không thấy
mà tin” (Ga 20:29).
Trường hợp mặc khải tư cho Lm Gobbi, các sứ điệp
được loan truyền khắp thế giới, đó là Phong trào Đức Mẹ của các Linh mục và
Giáo dân (Marian Movement of Priests and Lay People) mà ngày nay có hàng triệu
hội viên trên khắp thế giới, trong đó có hơn 300 giám mục và 60.000 linh mục.
Đức Mẹ gọi các linh mục của phong trào này là “Tông Đồ của Thời Cuối Cùng” (Apostles of the Last
Times). Trong sứ điệp ngày 24-12-1990, Đức Mẹ cho Lm Gobbi biết rằng Đức
Mẹ đặc biệt nhắc đến “cuộc trở lại
của Chúa Giêsu trong vinh quang”
đã gần: “Con đang đi vào thời cuối cùng. Như vậy, hãy nhận lấy những lời
tiên báo được trao cho con là Lần Sinh Thứ Hai của Chúa Giêsu đã gần kề. Với tư
cách là Mẹ của Mùa Vọng Thứ Hai, Mẹ đang chuẩn bị cho con về lần sinh mới này.
Vì vậy, ở khắp nơi trên thế giới, Mẹ đang quy tụ những người con bé nhỏ của Mẹ,
đó là những người nghèo khổ, những người khiêm nhường, và những người có lòng
trong sạch để chuẩn bị chiếc nôi quý giá cho Chúa Giêsu trở lại trong vinh
quang”.
Trong thông điệp ngày 31-12-1992 trao cho Lm Gobbi,
Đức Mẹ nói: “Mẹ đã nói nhiều lần rằng thời cuối cùng đang đến và việc Chúa
Giêsu đến trong vinh quang cũng đã gần. Bây giờ Mẹ muốn con nhận biết các dấu
chỉ đã được mô tả trong Kinh thánh, cho thấy việc trở lại trong vinh quang của
Con Mẹ gần lắm rồi... Mẹ muốn dạy cho con biết các dấu chỉ mà Chúa Giêsu đã nói
trong Phúc Âm, để chuẩn bị cho con về thời cuối cùng, vì các dấu chỉ này sẽ xảy
ra trong thời của con”.
Dấu chỉ thứ nhất: LAN TRUYỀN SỰ LẦM LẠC.
Trong thư thứ hai gởi giáo đoàn Thêxalonica, Thánh
Phaolô nói: “Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải,
hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng
vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em
bất cứ cách nào” (2 Tx 2:2-3). Thánh nhân gọi đó là “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành”
(2 Tx 2:7), và nói về việc xuất hiện của tên bịp bợm: “Tên gian ác
xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng,
và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón
nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ” (2 Tx 2:9-10). Như vậy, “tất
cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác thì sẽ bị kết án” (2
Tx 2:12).
Những sai lầm về đức tin cũng đang lan
tràn khắp thế giới, thậm chí ngay cả các thần học gia danh tiếng cũng bắt đầu
lệch lạc về Giáo lý và Giáo huấn về sự hiện hữu của Chúa Giêsu trong Bí tích
Thánh Thể, vai trò trung gian của Đức Mẹ, luật độc thân, và nhiều vấn đề khác.
Hậu quả chung là mất đức tin ở nhiều người trên thế giới ngày nay. Đúng như
Chúa Giêsu đã quan ngại: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng
tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8).
Dấu chỉ thứ nhì: CHIẾN TRANH, TAI ƯƠNG và
HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN.
Chiến tranh, loạn lạc, cha mẹ và con cái đối nghịch
nhau, anh chị em ruột hại lẫn nhau, nước này “gờm” nước kia, mọi người nghi ngờ
lẫn nhau, nhìn nhau bằng ánh mắt mang hình viên đạn hoặc gươm giáo, chỉ là xích
mích nhỏ mà người ta cũng có thể đâm nhau chết, tai ương hoành hành, bệnh dịch
nan y,… Những chuyện đó đã và đang xảy ra từng ngày, thậm chí là “chiến tranh lạnh” ngay trong các gia
đình và các cộng đoàn.
Dấu chỉ thứ ba: BÁCH HẠI CÁC KITÔ HỮU.
Chúa Giêsu nói cặn kẽ: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh
em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây là Đấng Kitô”,
và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc
giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là
tận cùng. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ
có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự
việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn. Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến
anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù
ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và
thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người.
Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào
bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 2:4-13).
Tại nhiều nước trên thế giới vẫn thường xảy ra những
cuộc đàn áp tôn giáo, không chỉ là người vô thần ghét người có đạo, mà thậm chí
là các tôn giáo vẫn đàn áp lẫn nhau. Trung quốc có hơn 1 tỷ người vô thần, Giáo
hội tại Trung quốc chủ yếu là Giáo hội thầm lặng. Thậm chí Trung quốc còn có
phe không hiệp thông với Tòa Thánh và bất tuân lệnh của giáo hoàng.
Dấu
chỉ thứ tư: TỘI PHẠM THÁNH.
Đó là những người phản Kitô. Kinh Thánh đã nói trước về việc xuất
hiện của những người xảo quyệt có quyền lực đối với thế giới, họ xuất hiện ngay
trước khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai, họ sẽ cai trị thế giới và lừa bịp nhiều
quốc gia trên thế giới.
Thánh Phaolô cho biết: “Tên đối thủ tôn mình lên
trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi
trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Khi tôi còn ở với anh em,
tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao? Anh em biết cái gì hiện
đang cầm giữ nó, khiến nó sẽ chỉ xuất hiện được vào thời của nó. Thật vậy, mầu
nhiệm của sự gian ác đang hoành hành. Chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một
bên, bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giêsu sẽ giết chết bằng hơi
thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm.
Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xa-tan, có kèm theo đủ thứ
phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ
phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế
Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như
vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị
kết án” (2 Tx 2:4-12).
Con người dễ ảo tưởng, thậm chí là tự đánh lừa mình
bằng những ảo giác. Thật thế, Thánh Phaolô nói: “Khi người ta nói: ‘Bình an
biết bao, yên ổn biết bao!’ thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn
đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát
được” (1 Tx 5:3).
Kinh Thánh còn tiên tri sẽ có “sự hy sinh vĩnh viễn” bị hủy bỏ, tức là Thánh Lễ. Điều này có
trong những lời tiên tri của Đa-ni-en, một trong những lời tiên tri về “thời cuối cùng” trong Kinh thánh: “Tiên
tri Đa-ni-en nghe tiếng nói của người mặc áo vải gai đứng trên mặt sông. Người
ấy giơ tay phải, tay trái lên trời mà thề nhân danh Đấng Hằng Sống: “Cho đến
một thời, hai thời và nửa thời. Khi nào sức mạnh của dân thánh hết bị bẻ gãy,
thì tất cả các điều ấy cũng sẽ hoàn tất”. Tôi nghe mà không hiểu. Tôi liền nói:
“Thưa ngài, cuối cùng những điều ấy sẽ như thế nào?”. Người đáp: “Không sao,
Đa-ni-en, những lời ấy được giữ kín và niêm phong cho đến thời cùng tận. Nhiều
kẻ sẽ được thanh luyện, tẩy trắng và thử bằng lửa. Ác nhân tiếp tục làm điều ác
và không ai trong họ sẽ hiểu, còn hiền sĩ thì sẽ hiểu. Từ thời lễ thường tiến
bị bãi và đồ ghê tởm khốc hại được đặt lên, sẽ có một ngàn hai trăm chín mươi
ngày. Phúc thay ai kiên tâm chờ đợi suốt một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày.
Phần ngươi, hãy đi cho tới cùng. Ngươi sẽ được an nghỉ, rồi sẽ đứng lên lãnh
phần dành cho ngươi khi thời gian chấm dứt” (Đn 12:7-12).
Đức Mẹ giải thích với Lm Gobbi rằng lời tiên tri
trên đây về việc bỏ “Hy Lễ Hằng
Ngày” bao gồm việc hủy bỏ Thánh Lễ bởi kẻ phản Kitô: “Bằng cách
chấp nhận giáo lý phản nghịch, người ta sẽ cho rằng Thánh Lễ không là Hy Lễ mà
chỉ là bữa ăn thánh, nghĩa là chỉ tưởng nhớ việc Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc
Ly. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ sẽ bị bỏ. Trong việc bỏ Hy Lễ hằng ngày như
thế là tội phạm thánh của kẻ phản Kitô, việc này sẽ kéo dài khoảng ba năm rưỡi,
tức là một ngàn hai trăm chín mươi ngày”. Điều này chưa xảy ra, nhưng khi
nó xảy ra, chúng ta có thể chắc rằng các sự kiện dẫn tới việc Chúa Giêsu đến
lần thứ hai đang dần tới cao điểm – phàm ngôn gọi là Giờ G.
Dấu chỉ thứ năm: DẤU LẠ.
Những hiện tượng lạ xuất hiện trên trời, chúng ta thường gọi là “điềm thiêng, dấu lạ”. Chúa Giêsu giải
thích những gì sẽ xảy ra ngay trước khi Ngài đến lần thứ hai: “Bấy giờ, dấu
hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ
đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến”
(Mt 24:30).
Dấu lạ Con Người xuất hiện là Dấu Thánh Giá xuất
hiện trên trời mà Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina được ghi trong Nhật
Ký: “Trước ngày công thẳng sẽ có dấu lạ trên trời: Mọi ánh sáng trên trời sẽ
tắt lịm, và sẽ có tối tăm bao trùm trái đất. Rồi Dấu Thánh Giá sẽ xuất hiện
trên trời, từ những lỗ đóng đinh chân và tay Đấng Cứu Thế sẽ chiếu tỏa ánh sáng
soi chiếu trái đất một lúc. Điều này sẽ xảy ra ngay trước ngày cuối cùng”.
KHI NÀO TẬN THẾ?
Chẳng ai biết trước: “Về ngày và giờ đó
thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng
không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:36; Mc 13:32).
Trong sứ điệp trao cho Lm Gobbi ngày 15-9-1991, Đức
Mẹ mô tả đó là tân kỷ nguyên (thời đại mới) của hòa bình và niềm vui xảy ra
đồng loạt với thời cuối cùng: “Tân kỷ nguyên xảy ra đồng loạt với sự hoàn
tất Ý Chúa... Từ việc hoàn tất Ý Chúa, cả thế gian đang trở nên mới, vì Thiên
Chúa thấy đó là Vườn Địa Đàng Mới, nơi Ngài có thể cư ngụ trong tình yêu thương
hài hòa với các thụ tạo... Tân kỷ nguyên mà Mẹ đang chuẩn bị cho con sẽ xảy ra
đồng loạt với sự sụp đổ của Satan và triều đại của nó. Mọi quyền lực sẽ bị hủy
diệt”.
Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng lo lắng gì
cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà
giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của
Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em
được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7). Sau hàng loạt biến động
xảy ra, “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24:13).
Và Chúa Giêsu kết luận: “Bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24:13-14).
TẬN
THẾ – VUI HAY BUỒN?
Trước bất kỳ sự kiện nào đó đều có những cách nhìn và cảm nhận khác nhau.
Có người vui, có người buồn, và cũng có người bàng quan – chẳng vui chẳng buồn.
Trước sự kiện trọng đại Tận Thế cũng không tránh khỏi “lẽ thường” ấy. Người Việt chúng ta có câu: “Thà chết một đống
hơn sống một mình”. Thế cũng hay đấy!
Dù biến động nào xảy ra thì chúng ta vẫn phải tiếp
tục cuộc sống đời thường, nhưng có điểm khác: Cầu nguyện nhiều hơn và thành tâm
hơn, tỉnh thức hơn và sẵn sàng hơn. Chúng ta tiếp tục sống theo cách sống của
một Kitô hữu đích thực: Sống mỗi ngày như ngày cuối cùng. Nghĩa là phải hành
động như mình bất tử, nhưng hãy sống như mình sắp chết. Chân thành yêu thương
mọi người như thể mình không còn cơ hội để thể hiện nữa, và hãy cầu nguyện như
thể mình cầu nguyện lần cuối với Chúa.
Chúng ta có sẵn những linh cụ là Ơn Chúa, Thánh Lễ,
Bí Tích Hòa Giải, Chuỗi Mân Côi, Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, và Ơn Toàn Xá. Nếu
chúng ta tận dụng các linh cụ đó thì ngày tận thế sẽ không làm chúng ta lo sợ,
mà đó là lúc vui mừng tận hưởng hạnh phúc. Khi một người qua đời, chúng ta
không nói là “hân hoan về Nhà Cha” đó sao? Về Nhà Cha sao lại buồn?
Nếu về Nhà Cha mà cảm thấy buồn thì vậy là bạn thích đi hoang!
Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cách cầu nguyện khi một trong các tông đồ
nói: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Và Ngài
đã dạy lời cầu nguyện “tiêu chuẩn”
nhất: Kinh Lạy Cha (Mt 6:7-13; Lc 11:2-4). Trong đó có mọi thứ con người mong
muốn. Lương thực hằng ngày, sự tha thứ và sống tốt lành là những vấn đề “nóng” của cuộc sống, Thiên Chúa biết
hết. Vì thế mà các Thánh luôn khôn ngoan: Phó thác cho Thiên Chúa quan phòng.
Quả thật, “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (x. Lc 6:43-45).
Dù có điều gì xảy ra, điều lớn hoặc nhỏ, điều bất
thường hay bình thường, hãy noi gương Đức Mẹ “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (x. Lc 2:19 và 51). Vì người khôn
là người nghe nhiều, nhìn nhiều và làm nhiều nhưng ít nói, không ngừng suy nghĩ
và cân nhắc vấn đề cho thấu đáo.
Thiên Chúa đã “tính
rất kỹ” khi tạo dựng con người: Hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, hai
tay, hai chân, thậm chí là hai bán cầu não, thế nhưng chỉ một miệng và một trái
tim. Hai con mắt để nhìn nhiều, hai lỗ tai để nghe nhiều, hai lỗ mũi để “ngửi” nhiều (hiểu theo nghĩa bóng), hai
tay để hành động nhiều, hai chân để đi nhiều, hai bán cầu não để suy nghĩ
nhiều. Ngược lại, một miệng để nói ít, một trái tim để chung thủy: Kính mến
Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn, đồng thời cũng yêu thương mọi người như
chính mình. Chúa quả là Đại Siêu Nhân. Bạn thấy kỳ diệu không?
Để không dao động và hoang mang trước mọi biến cố,
hãy áp dụng “bí quyết” mà Chúa Giêsu
đã truyền dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi
điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36). Thánh
Phaolô cũng cầu chúc: “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em
được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em” (2
Tx 3:16). Chắc chắn Chúa luôn ở với chúng ta, vì Đức Kitô đã hứa: “Thầy
ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Nói cho
cùng, có sợ cũng chẳng làm gì được, thế thì sợ làm gì cho “tổn thọ” chứ? Chuyện gì đến sẽ đến: “Sẽ có những điềm lạ trên
mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang
trước cảnh biển gào, sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những
gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy
giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây
mà đến” (Lc 21:25-27).
Chúa Giêsu
đã cho chúng ta biết trước như vậy, và Ngài căn dặn: “Khi những biến cố ấy
bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng
và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28).
Ai được chứng kiến giây phút tận thế là người diễm phúc. Không biết chúng ta có
được diễm phúc đó hay không, nhưng chắc chắn một điều là ai cũng chứng kiến
giây phút tận thế của chính cuộc đời mình: CHẾT. Đó là lúc tận thế thực tế nhất và minh nhiên nhất đối với mỗi chúng ta.
Mùa Vọng
lại về, nhắc mọi người phải luôn tỉnh thức mà chờ Chúa Giêsu đến, đó là lúc
Ngài gọi chúng ta ra khỏi thế gian để trình diện và báo cáo về cuộc đời mình
với Thiên Chúa Cha. Hãy tập trung vào Chúa Giêsu và tín thác vào Ngài, đừng chú
ý vào ngày tận thế, nếu “yếu bóng vía” sẽ hoang mang và có thể mất đức
tin!
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài nên như núi đá cho chúng con trú ẩn, và như
thành trì để cứu độ chúng con (Tv 31:3). Xin thêm Đức Tin cho chúng con để
chúng con an tâm, can đảm vững bước và kiên trì mong chờ Chúa đến. Chúng con
cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Giao thừa Năm Phụng Vụ – năm B qua
năm C