Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Nov 15, 2015 - Chúa nhật 33 thường niên năm B

Nov  15,  2015 - Chúa  nhật  33  thường  niên  năm  B
 Thế  giới  mới  cho  nhân  loại



Các Bạn thân mến,
Chúa nhật tuần 33 thường niên này là chúa nhật cuối cùng của Phụng vụ năm B với Tin Mừng thánh Macco ghi lại sự việc Đức Giesu loan báo ngày chấm dứt sự sống trên mặt đất, tức là ngày tận thế. Ngài công khai báo trước từ hơn hai ngàn năm nay, với những dấu chỉ thật rõ ràng về tiến trình những sự việc xẩy ra, rồi thông báo đó cũng là ngày Ngài quang lâm, Ngài đến xét xử thế gian, nhưng không ai biết trước ngày giờ ấy, ngay cả chính Ngài.
Đây là dịp Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nghĩ đến ngày cùng tháng tận của thế giới cũng như của riêng từng người. Giúp chúng ta luôn cảnh giác rằng chẳng có gì thuộc về thế gian mà tồn tại mãi mãi. Chỉ có những gì thuộc về Thiên Chúa mới vĩnh cửu trường tồn.
Và hơn bao giờ hết, nhiều người ngày nay lo sợ về ngày tận thế. Bởi vì toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều dấu hiệu giống như những điều đã được tiên báo trong các sách Tin Mừng: thiên tai hoạn nạn, chiến tranh, khủng bố, tình trạng hỗn độn, nạn đói kém, các dịch bệnh, động đất và việc xuất hiện các ngôn sứ giả xẩy ra hằng ngày, khắp nơi; làm nhiều người đau khổ, hoang mang lo lắng, có cảm tưởng như ngày tận thế sắp đến. Đó là những dấu chỉ của những ngày sau cùng và chúng liên hệ đến các biến cố trong thời đại của chúng ta. Đây không phải là một giả định.
 Nên con người đã nhiều lần đoán gìa đoán non dựa trên hiện tượng này, biến cố nọ, điềm báo kia. Gần đây nhất là tháng 11 năm 2009 tại Mỹ có chiếu bộ phim nói về tận thế xẩy ra vào ngày 21/12/12 của đạo diễn Roland Emmerich, khai thác những lời đồn đoán dựa trên bộ lịch của người Maya cổ đại, đã thu hút được nhiều khán gỉa. Ở nước Anh, người ta lại dựa trên hiện tượng những hình dấu lạ kỳ xuất hiện nhiều lần trên các cánh đồng để suy đoán ngày tận thế. Chúng ta hãy chờ xem, thời điểm này rồi cũng sẽ qua đi, và thiên hạ lại chờ đợi thời cơ khác để suy đoán, chứng tỏ mình tài giỏi, biết được tương lai, biết trước được cả những việc Thiên Chúa làm.
Phần chúng ta, những Kito hữu đã được giáo dục dạy dỗ, và cả kinh nghiệm nữa, đừng dại khờ nghe theo, mày mò tìm kiếm, điên cuồng khám phá ngày giờ tận thế làm gì. Bởi sự thật ai cũng biết rằng chắc chắn phải có ngày ấy, ngày cuối cùng của mọi người và của cả vũ trụ thế gian, như vậy nó đến lúc nào thì có quan trọng chi đâu, có lẽ chúng ta cũng không gặp ngày tận thế chung ấy, nhưng ai cũng sẽ gặp một lần duy nhất ngày tận thế của đời mình.
Vậy điều cần thiết và tốt nhất là sống biết có Thiên Chúa ở trên đời và anh em ở  chung quanh, rồi để thời gian, công sức chuẩn bị ngày cuối cùng cho đời mình, bởi chắc chắc chúng ta sẽ phải rời thế gian, bỏ người thân, bỏ lại tất cả mọi sự để ra đi gặp Thiên Chúa. Nghĩ đến điều này, hiển nhiên chúng ta cũng đau buồn, lưu luyến, nhưng ngày sau cùng vẫn phải đến, đang đến, càng ngày càng gần, rất gần, không ai có thể tránh khỏi. Vậy chúng ta hãy nghĩ đến ngày tận thế của mình, đừng lo xa  ngày tận thế của địa cầu, tương lai để tương lai lo! Chúng ta chỉ cần nhớ lời Đức Giesu loan báo về nó. Và những cách Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta với những điềm báo trước ngày tận thế, bằng những dấu chỉ, những tin tức xấu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đặt ra trước mắt chúng ta hai vấn đề: thứ nhất là cuộc sống của chúng ta sẽ kết thúc bất chợt; và thứ hai, sự chuẩn bị cho kết cuộc đó:

1. Ngày tận thế:
 -    Đức Giesu phán cùng các môn đệ: "Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chyển…"
-    Theo khoa học thì mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú hợp lại thành một thái dương hệ. Trong đó mặt trời là tâm điểm, là chủ chốt, phát ra ánh sáng và những lực tác dụng vào các hành tinh chung quanh, để thái dương hệ chuyển động không ngừng theo một quĩ đạo nhất định, trật tự hệ thống chặt chẽ liên kết nhau từ ngày được tạo dựng cho đến ngày sau hết.
-    Vì lý do nào mà hoạt động của mặt trời không còn, lực tác dụng bị triệt tiêu, thì hệ thống trật tự đó sẽ tan rã, quyền lực trên trời dưới đất bị lay chuyện, rối loạn.
-    Khi thiên nhiên bị xáo trộn, vũ trụ rời rạc, thế giới hỗn loạn, ắt sẽ có những sự va chạm thật kinh khủng, hậu quả là vô vàn vô số tai nạn khủng khiếp xẩy ra, mọi nơi mọi chỗ đều tối mù, không còn ánh sang; đổ vỡ, chết chóc, sẽ liên tiếp mang đến đau thương khốn khó, con người vô cùng bối rối lo sợ.
-    Tuy nhiên những điều ấy Đức Giesu không tự đưa ra, mà dùng ngôn ngữ phổ thông và các hình ảnh mà người Do Thái đã từng biết trong Cựu Ước, và các tiên tri xử dụng tự nhiều thế kỷ trước cũng như thời của Ngài, ai cũng hiểu, để báo trước về ngày tận thế kinh hòang đó.
-    Lời nói thuộc văn thể Khải Huyền, loại văn bóng gió, không nói thẳng ý tưởng, mà diễn tả ý tưởng cách gián tiếp qua trung gian những hình ảnh. Bởi thế hình ảnh không quan trọng, mà chính ý tưởng nó diễn tả mới quan trọng.
-    Rõ ràng các tiên tri và cả Đức Giesu đều không quan tâm đến sự gì sẽ xẩy ra và xẩy ra như thế nào trong ngày tận cùng của thế giới, chỉ quan tâm đến sự kiện quan trọng nhất là Chúa đến để kiểm điểm, đánh gía đời sống mỗi người xem đã xử dụng ân sủng, thời gian Ngài ban ra sao mà thôi.
-    Ngài không hề cho chúng ta một bản đồ về cõi đời đời hay một thời gian biểu cho tương lai.
-   Chỉ nói: "Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến."
-    Đức Giesu trở lại thế gian sau những khủng khoảng dữ dỗi như thế, chẳng ai biết ngày giờ nào việc ấy xẩy ra, Ngài còn nói chính Ngài cũng không biết ngày giờ nào Ngài tái lâm, chỉ có Chúa cha biết mà thôi.
-    Đây là một lời nói khó hiểu, phải chăng Ngài muốn nói về mặt nhân tính của Ngài.
-    Tuy nhiên nhìn lại, chúng ta thấy nhiều điều Ngài đã bằng lòng không tìm biết để trao trọn vào tay Chúa cha mà không thắc mắc.
-    Còn con người bùn đất mỏng giòn, hèn kém, lại luôn tò mò muốn biết hết mọi sự, không an tâm, an phận, phó thác.
-    Vì vậy không thể có lời cảnh cáo và qui trách nào nghiêm trọng hơn cho những ai muốn tính toán ngày giờ cho việc trở lại của Đấng Cứu Thế.
-    Hãy nhớ, điều duy nhất chúng ta cần biết, đó là Đức Giesu sẽ trở lại để tổng kết toàn bộ thế gian.
-   Đối với Kitô hữu chúng ta, sự kiện tận thế không phải là sự hủy diệt trái đất mà chúng ta đang sống, như một số nhà khoa học tin như thế, nhưng là việc Đức Giêsu đến lần thứ hai. Đó là lúc kẻ chết sống lại và mọi người đều phải trình diện trước Đức Kito để chịu phán xét. Chúng ta gọi biến cố này là ngày của Chúa, bởi vì ngày đó chấm dứt sự hoành hành của thần dữ.
-   Vì thế, đừng lo lắng chuyện tận thế, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta phải giữ vững đức tin của mình. Sống đúng tư cách là người Kitô hữu trong hiện tại.

2. Ngày Chúa quang lâm:
-    Tiên báo về ngày tận thế cũng là lúc Đức Giesu nói về ngày Ngài quang lâm trở lại. Ngài không mô tả ngày đó nhưng cho biết những nét chính.
-    Là ngày bắt đầu một cuộc tạo dựng mới.
-    Nên chúng ta cũng phải chuẩn bị cho ngày ấy bằng chính cuộc sống hằng ngày của mình, cuộc sống của một Kito hữu đích thực”Kính Chúa yêu người”: chu toàn mọi bổn phận với Thiên Chúa, với bản thân, với gia đình, với mọi người chung quanh cũng như xã hội, đất nước.
-    Có như thế chúng ta mới an tâm, đón chờ ngày Chúa quang lâm để cùng được hân hoan vui sống với Ngài.
-    Đó cũng là ngày Thiên Chúa đã dọn sẵn thế giới mới cho nhân loại. Ngày khởi đầu của vĩnh cửu, nơi đó công bằng, hạnh phúc, với niềm vui trọn vẹn mãi mãi.
-    Khi vũ trụ đầy gian tà sụp đổ thì cũng là lúc quyền lực của Thiên Chúa lên ngôi. Những kẻ lành được Ngài tuyển chọn sẽ làm thành nhân loại mới.
-    Khi mọi nơi mọi chỗ trên trời dưới đất náo loạn, chìm đắm trong đau thương chết chóc thì Đức Giesu: "Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời."
-    Tin Mừng thánh Macco không nói gì đến những kẻ gian ác trong ngày Đức Giesu quang lâm, được hiểu như là những người không được tuyển chọn, bị loại, thì có thể không cần nói tới, không được tập hợp lại và hiển nhiên họ sẽ bị luận phạt.
-    Còn chúng ta, những người được chọn từ thuở đời đời, đã được sinh ra trên thế gian, đang sống trong bóng của cõi đời đời, với niềm tin, hãy nhắc nhở mình không có lý do nào để sợ hãi, điều có ý nghĩa nhất là hằng ngày làm tròn phần việc của mình, tích cực xây dựng yêu thương, với tâm tình phó thác để việc Ngài tái lâm lúc nào cũng là việc bình thường.
-    Đừng điên dại chìm đắm trong thế gian, hãy như người khôn ngoan, luôn biết mình sống thế nào, chuẩn bị đến đâu để sẵn sàng nghe tiếng Ngài kêu gọi.
-    Dù đời sống hiện nay có quá nhiều khó khăn:
     . chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh: mọi người đều muốn thăng tiến, lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản thân và gia đình của mình. Nên phát sinh cạnh tranh, ngày càng khốc liệt. Nhu cầu của bản thân ngày càng tăng, càng ngày người ta càng phải kiếm nhiều tiền hơn, nhiều tiện nghi hơn. Nhưng chẳng thỏa mãn. Vì thế người ta càng lo cho bản thân hơn nữa, không còn nghĩ đến người khác. Nên những người nghèo bệnh, khổ đau thì càng nghèo khổ hơn. Họ bị đẩy lùi về phía sau, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Để sống theo Tin Mừng, chúng ta phải nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn ấy. Dù phải hy sinh phần nào quyền lợi cá nhân. Đó là điều không dễ, nhưng là điều phải làm.
     . kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Chủ nghĩa cá nhân phát triển dẫn đến  kinh tế phát triển. Đồng tiền trở thành thước đo gía trị con người, thành quyền lực chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Ai cũng muốn có nhiều tiền, nên không từ chối được những cám dỗ, không loại bỏ một phương cách nào: phạm pháp, lường gạt, lừa đảo, trộm cướp, buôn bán ma túy, tham nhũng, hối lộ, ám hại nhau … Tiền của  quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất của con người.
-   Đứng trước tình thế này, Tín hữu bắt buộc phải sáng suốt, can đảm lựa chọn cách sống chân chính theo đức tin. Dù luôn phải hy sinh chịu đựng bỏ ý riêng, nghèo khổ thiếu thốn, lao động cực nhọc, kém mặt này, thiệt mặt kia… làm chúng ta đau buồn. Đó là những khổ hình, sự tử đạo liên tục, chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau.  Sống vì đạo như thế, chúng ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Tin Mừng như chết vì đạo vậy.
-    Do đó chúng ta hãy an tâm chờ ngày Chúa quang lâm, sẽ được các thiên sứ kêu gọi tập họp về với Thiên Chúa trong ngày sau hết của địa cầu, khi ấy Ngài sẽ đền bù cho tất cả.

3. “Những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”:
 -    Đức Giesu khẳng định khi những sự việc xẩy ra như lời Ngài loan báo là những dấu hiệu Ngài đã đến rất gần với thế gian.
-    Nên đừng tưởng mọi sự ở đời này không bao giờ qua đi, mà bám bíu, cậy dựa  vào nó, làm như nó có quyền thế cho mình không bao giờ chết!
-    Hãy thường xuyên nghĩ đến những người thân quen đã ra đi trước chúng ta để giúp chúng ta tỉnh táo, thực tế, mà chuẩn bị cho cuộc sống gần và sau cái chết.
-    Ai cũng thấy rằng thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định, nó luôn biến đổi cách tự nhiên hay do khủng hoảng này, tai nạn khác bởi thiên tai hoặc do con người gây ra.
-    Tình trạng ấy khiến mọi người luôn sợ hãi lo âu, nên người ta luôn cần và ao ước một cái gì đó vững chắc để dựa vào.
-    Đối với Kito hữu chúng ta, chỗ dựa vững chắc và cần đó là Thiên Chúa và chỉ duy nhất một mình Ngài mà thôi, vì Đức Giesu đã phán: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."
-    Vậy chúng ta hãy nhớ rằng mọi sự đều nằm trong tay Ngài, mọi chương trình đã được Ngài vạch sẵn cho cuộc đời chúng ta cũng như cho toàn thế giới, không có gì ngoài sự thống trị của Ngài. Có như vậy chắc chắn chúng ta sẽ cùng được ngự trị với Ngài mãi mãi trong Nước Hằng Sống của Ngài.
-   Đất nước chúng ta cũng có rất nhiều người đã được như vậy, đó là những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu. Chúng ta hân hoan, hãnh diện và tự hào vì các ngài là tổ tiên ông bà chúng ta.
-   Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.
-   Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm. Đọc lại tiểu sử các Ngài, chúng ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài.
-   Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin như thánh Hồ đình Hy, Lê thị Thành, Tôma Thiện, Phaolô Bột…

 Lạy Chúa, thế giới ngày nay có nhiều dấu chỉ cho biết Chúa đang đến, đến rất gần với từng người và cả với thế gian. Dấu chỉ đó là những khó khăn thử thách và cả những thuận lợi nữa.
Chúng con là những người Chúa đã đưa vào thế gian với vốn liếng là ân sủng và thời gian Chúa trao, như những nén bạc để sinh lợi tối đa theo ý Ngài. Xin cho chúng con biết qúi trọng cùng lợi dụng ân sủng và từng giây phút đang trôi qua mà chúng con không sao giữ lại được.
Và hơn lúc nào hết, xin cho chúng con biết thức tỉnh đón Chúa cùng vâng phục thánh ý Ngài, vì Chúa là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Thân mến,
duyenky
                                                                                                                   




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét