Thánh Thiện Là Gì?
Trên bàn
của tôi có cuốn MacBook, máy in, cây đèn, và có tấm hình vị thánh tôi yêu mến
là Thánh I-nha-xi-ô Lô-dô-la. Ngài mặc chiếc áo lễ màu đỏ, loại áo truyền thống
được sử dụng khi cử hành Thánh Lễ. Mắt ngài hướng lên trời, khuôn mặt rạng rỡ
và có hào quang trên đầu. Tay phải giơ lên trời, tay trái để trên trang sách có
ghi: “Ad Majorem Dei Gloriam” (Để Vinh Danh Chúa Hơn hoặc Vì
Vinh Quang Thiên Chúa). Đó là hình ảnh một thánh nhân, hình ảnh của sự thánh
thiện.
Tôi thích
tấm hình Thánh I-nha-xi-ô và cách mà tấm hình gợi hứng cho tôi sống tập trung
vào Chúa, nhìn tấm hình tôi có thể quên rằng ngài cũng là người bất toàn. Dĩ
nhiên, điều đó có thể là ý của họa sĩ: Hình các thánh được coi là thể hiện sự
thánh thiện chứ không thể hiện sự bất toàn của các thánh. Tuy nhiên, thánh
thiện có nghĩa là hoàn hảo, là chúng ta không bao giờ phạm tội chăng?
Hãy nghe
lời của ĐGH Benedict XVI: “Sự thánh thiện không bao gồm việc không sai lầm
hoặc không phạm tội. Sự thánh thiện làm tăng khả năng hoán cải, sám hối, sẵn
sàng bắt đầu lại, đặc biệt là hòa giải và tha thứ… Như vậy, điều đó không phải
là chúng ta không bao giờ sai lầm mà là có thể hòa giải và tha thứ, điều đó làm
chúng ta nên thánh. Chúng ta có thể học cách sống thánh thiện”.
Tôi không
biết bạn, nhưng có một số từ ngữ khuyến khích mà tôi đã đọc được về điều làm
chúng ta thánh thiện. Thánh thiện không có nghĩa là chúng ta hoàn hảo, không
phạm tội. Thánh thiện nghĩa là có thói quen bắt đầu lại và lại bắt
đầu lại trên hành trình chúng ta đồng hành với Chúa, thói quen hoán cải hằng
ngày. Thói quen này lại bắt đầu, thói quen này là cầu xin và lãnh nhận ơn
tha thứ của Chúa hằng ngày, cuối cùng thì thói quen này trở nên mạnh mẽ hơn
thói quen phạm tội. Khi chúng ta cứ bắt đầu lại rồi lại bắt đầu, khả năng lãnh
nhận ơn tha thứ và sống thân mật với Ngài sẽ mở rộng trong chúng ta. Chúng ta
bắt đầu ước muốn Chúa nhiều hơn ước muốn phạm tội.
Vâng, thực
sự đó là lời động viên. Chúng ta hoàn toàn có thể học cách sống thánh thiện.
Chúng ta hoàn toàn có thể kiên nhẫn và sống thân mật với Chúa.
Các thánh
gợi hứng cho chúng ta sống viên mãn, tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta có thể bị
đe dọa bởi cuộc sống của họ. Tôi nghĩ: Tôi không bao giờ như vậy. Khi
chúng ta đọc hạnh các thánh, có vẻ như không thể đạt được mức độ nhân đức như
họ. Phần vì một số tác giả viết hạnh các thánh phác họa một bức tranh đẹp về
cuộc đời các thánh; họ tập trung vào những chuyện anh dũng và mầu nhiệm nhất
trong cuộc đời các thánh. Khi chúng ta nhìn vào tấm hình hoặc bức tượng
các thánh, chúng ta chú ý tới hào quang trên đầu họ mà quên rằng các thánh
cũng đã từng là người bất toàn. Chúng ta nghĩ họ suốt ngày quỳ gối cầu
nguyện, không giải trí, luôn chịu đau khổ mà vẫn vui lòng!
Tuy nhiên,
các thánh cũng yếu đuối như chúng ta. Điều khác biệt là họ sống kết hiệp mật
thiết với Chúa và có khả năng bắt đầu lại để trở nên đặc tính trong cuộc đời
họ. Các thánh cũng sai lầm, cũng phạm tội. Nhưng các thánh tiếp tục phát
triển tình yêu dành cho Chúa, và cuối cùng tình yêu này trở nên sức mạnh trong
cuộc đời họ. Tình yêu này trở nên mạnh hơn xu hướng phạm tội. Các thánh biết
rằng tình yêu của Chúa và ước muốn của Chúa là tha thứ. Vâng, các thánh
luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa.
Chúng ta
được mời gọi cầu xin tha thứ các tội đã phạm trong ngày, đôi khi chúng ta không
đáp lại hồng ân của Chúa, nhưng cầu xin lòng thương xót của Chúa không có nghĩa
là tự ghê tơm mình vì tội đã phạm. Đây là lúc chúng ta đổi mới và vui mừng. Lúc
này, chúng ta nên nhớ rằng Chúa yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài muốn tha
thứ và đổi mới chúng ta để chúng ta có thể tiếp tục bước đi trong sự thánh thiện
hằng ngày. Đừng tập trung vào tội lỗi mà hãy tập trung vào tình yêu của
Chúa!
Chúng ta
có thể học cách sống thánh thiện, nhưng trước tiên chúng ta phải hiểu đúng về
sự thánh thiện. Thánh thiện không là hoàn hảo, thánh thiện là khả năng hoán cải
và và sống kết hiệp với Chúa. Chúng ta hoàn toàn có thể sống thánh thiện. Phấn
khởi biết bao!
Vậy chúng
ta có thể thực hành thế nào? Hôm nay, khi cầu nguyện, bạn thấy một số lĩnh vực
cần cải thiện, đừng cảm thấy buồn về mình, đừng nguyền rủa mình, đừng tiêu cực,
mà hãy vui lên, vui vì Chúa yêu thương bạn đến nỗi Ngài sẵn sàng tha thứ hết.
Hãy vui mừng vì Chúa yêu thương bạn không phải là bạn hoàn hảo, mà Ngài yêu
thương bạn vì bạn là con cái của Ngài, và Ngài nhận bạn là bạn thân của Ngài.
Chúng ta hạnh phúc biết bao!
LM.
NAJIM
TRẦM
THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét