Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Bướng Bỉnh

Bướng  Bỉnh  Bướng  Bỉnh
(TRẦM THIÊN THU, 8-10- 2015)


Đứa con bướng bỉnh là đứa con ngang ngạnh, không vâng lời cha mẹ và người lớn. Học trò bướng bỉnh là “ngựa chứng trong sân trường”, khó dạy. Người bướng bỉnh là người bảo thủ, chỉ thích theo ý mình, luôn cho ý mình là đúng, không chịu cân nhắc ý kiến của người khác. Thật là tai hại!
Những người bướng bỉnh là loại người không thể hợp tác, dù trong chuyện lớn hoặc nhỏ. Vì thế, S. Saplin đã lắc đầu ngán ngẩm mà nói: “Chỉ có những kẻ ngu và người chết mới chẳng bao giờ chịu thay đổi ý kiến”. Nói đơn giản, người bướng bỉnh là người luôn cãi lại – dù “cãi” bằng lời, bằng thái độ hoặc cử chỉ. Tính ngang tàng thì làm sao hợp tác được! Vân Trung Tử khuyên: “Không nên mưu việc lớn với kẻ nói nhiều, không nên ở chung với người sinh sự”. Chí lý!

Trong Cựu ước có một người rất bướng bỉnh: Ông Giôna. Ôi, thật vậy ư? Thật vậy, vì ngôn sứ Giôna chỉ muốn theo ý mình, với cách suy nghĩ riêng, nên ông đã dám cãi lệnh Chúa và cưỡng lại Ý Chúa. Và chính chúng ta cũng thường xuyên như vậy, đừng vội trách ông Giôna!
Chính Chúa đã trực tiếp bảo ông Giona: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1:2). Ông Giôna đứng dậy ngay, nhưng không phải để mau mắn vâng lời, mà là để  trốn đi Tácsít và tránh nhan Đức Chúa (Gn 1:3). Ông xuống Gia-phô và tìm được một chiếc tàu sắp đi Tác-sít. Ông trả tiền, xuống tàu để cùng đi Tác-sít với họ, tránh nhan Đức Chúa (Gn 1:3). Gan ông Giôna to thật, to bằng cái nia ấy chứ! Ông đã bướng bỉnh mà cưỡng lại sứ mạng Chúa giao. Đúng là gan cóc tía mà! Nhưng kể ra ông cũng “can đảm” đấy, dám “liều mạng” vậy thì đúng là “ngon” lắm chứ chẳng phải tay vừa!
Nhưng làm sao “qua mặt” được Chúa, như người đời cũng nói: “Lưới trời lồng lộng”. Quả thật, Chúa tung ra một cơn gió to trên biển và liền có một trận bão lớn ngoài khơi, khiến tàu tưởng chừng như sắp vỡ tan. Thuỷ thủ sợ hãi và kêu cứu, mỗi người kêu thần của mình và ném hàng hoá trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt. Còn ông Giôna trốn xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say. Chắc cú!
Nhưng không, viên thuyền trưởng lại gần và nói với ông: “Sao lại ngủ thế này? Dậy! Kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng” (Gn 1:6). Có lẽ ông không chịu dạy cầu thần của mình, vì ông còn mặt mũi nào mà cầu với khấn khi ông cãi lệnh Chúa và chạy trốn Ngài? Thấy ông nằm lì, thế là họ bảo nhau: “Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại ai mà chúng ta gặp tai hoạ này” (Gn 1:7). Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Giôna. Có vẻ dị đoan đấy, nhưng không, chính Chúa làm cho họ hành động như vậy. Rồi họ đổ tội cho ông Giôna: “Vì ông là người đã đem tai hoạ này đến cho chúng ta, thì xin ông cho chúng tôi biết: Ông làm nghề gì? Ông từ đâu đến, quê ở nước nào, và thuộc dân nào?” (Gn 1:8).
Ông nói với họ: “Tôi là người Híp-ri, Đấng tôi kính sợ là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền” (Gn 1:9). Sợ người ta hành hạ nên ông phải tuyên xưng Chúa. Cũng tốt. Nghe đến danh Chúa, bọn họ sợ lắm. Họ biết hẳn phải có chuyện gì bất thường với ông Giôna nên họ nói với ông: “Ông đã làm gì thế?” (Gn 1:10). Tới nước này thì ông Giôna đành thú thật, ông kể lại khúc nhôi, rạch ròi đầu đuôi sự thể. Thì ra tay này đang làm điều khuất tất, dám trốn đi để tránh nhan Đức Chúa. Gan thật!
Biển càng lúc càng động mạnh, họ biết không ổn, khó thoát nguy hiểm, và có thể chết đến nơi. Rồi họ hỏi ông: “Chúng tôi phải xử với ông thế nào để cho biển lặng đi, không còn đe doạ chúng tôi nữa?” (Gn 1:11). Kể ra họ cũng còn nhân từ và đàng hoàng. Chắc hẳn ông Giôna đã biết lỗi nên bảo họ: “Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này” (Gn 1:12).
Họ cố chèo vào đất liền nhưng không thể được, vì biển mỗi lúc một động thêm, uy hiếp họ. Họ kêu cầu Đức Chúa và thưa: “Ôi, lạy Đức Chúa, ước gì chúng con không phải chết vì mạng sống người này, và xin đừng đổ máu vô tội trên đầu chúng con; vì lạy Đức Chúa, chính Ngài đã hành động tuỳ theo sở thích” (Gn 1:14). Cuối cùng, họ đành ném ông Giôna xuống biển. Lạ thay, biển dừng cơn giận dữ. Họ càng sợ Đức Chúa, sợ lắm, nên họ dâng hy lễ lên Đức Chúa và khấn hứa.
Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giôna, và ông ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Từ trong bụng cá, ông Giôna có dịp sám hối, và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Từ cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa, Ngài đã thương đáp lời. Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con. Ngài đã ném con vào vực sâu, giữa lòng biển, làn nước mênh mông vây bọc con, sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này” (Gn 2:3-4). Thật may mắn là ông Giona đã bớt bướng bỉnh và còn tin tưởng Thiên Chúa, ông thành thật thân thưa như lời tự thú: “Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi! Nhưng con vẫn hướng nhìn về thánh điện của Chúa” (Gn 2:5).
Sau ba ngày ba đêm, Chúa bảo con cá mửa ông Giôna ra trên đất liền. Rồi Chúa lại nói với ông Giôna lần thứ hai: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Lần này ông Giôna không dám trốn chạy như trước. Ông đứng dậy và đi Ninivê theo lệnh Chúa truyền. Kinh Thánh cho biết: “Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường” (Gn 3:3).
Ông Giôna vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Phúc thay, dân Ninivê không cứng đầu cứng cổ. Họ tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vua Ninivê được tin báo, vua liền rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua còn cho rao tin khắp thành Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết” (Gn 3:7-9). Từ vua tới thần dân, cả thành Ninivê đều tốt lành, họ đã sám hối chân thành và ra sức ăn chay đền tội – kể cả súc vật.
Thiên Chúa thấy việc họ làm, dứt khoát bỏ đường gian ác mà trở lại, Ngài hối tiếc về tai hoạ Ngài đã tuyên bố sẽ giáng trên họ nên Ngài đã không giáng xuống nữa. Quả thật, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta đến để cho con người được sống và được sống dồi dào” (Ga 10:10). Đúng vậy, vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không là Thiên Chúa của kẻ chết.
Thế nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây. Ông Giôna vẫn tiếp tục ngang bướng. Thấy Chúa không phạt dân thành Ninivê, ông Giôna bực mình lắm, và ông nổi giận. Dám bực mình và nổi nóng với Chúa. Gan quá cỡ thợ mộc, liều hết nước nói! Ông còn phân trần với Chúa: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” (Gn 4:1-3). Đức Chúa thản nhiên hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” (Gn 4:4).
Ông Giôna vô lý hết sức, thế mà ông còn bỏ ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi trong đó cho mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giôna để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giôna vui, vui lắm vì có cây thầu dầu. Thế nhưng ngay sáng tinh mơ hôm sau, Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo, rồi lại còn có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giôna.
Chịu hết nổi, ông ngất xỉu và xin cho mình được chết: “Thà con chết còn hơn là sống” (Gn 4:8). Chúa hỏi: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” (Gn 4:9a). Ông vẫn cho mình là đúng mà ngang bướng lý luận: “Con có lý để nổi giận đến chết được!” (Gn 4:9b).
Đức Chúa phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4:10-11). Chắc hẳn ông Giôna phải câm như hến mà không dám cãi lại, không dám bướng bỉnh nữa!
Kinh Thánh nói: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22 & Tv 50:8-9). Thiên Chúa muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế, vì Chúa Giêsu không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9:13; Mt 12:7).
Ngôn sứ Giôna từ một kẻ bướng bỉnh hóa thành một kẻ ngu ngơ. Cờ ở thế bí. Hết nước gỡ. Domino bị triệt buộc. Chuyện ngôn sứ Giôna cũng là chuyện riêng của chính mỗi chúng ta, phải suy nghĩ thật nhiều!
Ước gì mỗi người đều làm mọi thứ để vinh danh Chúa hơn và sống tuyệt vời cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, luôn biết thân thưa: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”, đồng thời thề hứa: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10:7 & 9).
TRẦM THIÊN THU


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét