NHỎ mà TO
(Chúa Nhật XXXII TN, năm B)
Cuộc sống
có nhiều thứ không như chúng ta tưởng. Có những thứ nghịch mà thuận, nhỏ mà vĩ
đại, ít mà dồi dào, thấp mà ai cũng phải ngước nhìn,…
Thật vậy,
toán học trên Nước Trời hoàn toàn khác với toán học ở thế gian, cách tính của
Chúa Giêsu trái ngược với cách tính của chúng ta. Có một ví dụ thú vị mà
các triết gia đã tốn nhiều công sức để phân định xem một ly nước “BỊ cạn một nửa” hay “ĐƯỢC đầy một nửa”.
Đối với
người bi quan, ly nước bị cạn một nửa và họ lo sợ ly đó sẽ
tiếp tục cạn nữa. Đối với người lạc quan, ly nước được đầy một
nửa và họ hy vọng ly đó sẽ được đổ thêm cho đầy hơn. Quan điểm hay
thế giới quan là điều khó thay đổi vì nó chính là lăng kính mà chúng ta qua đó
nhìn mọi sự vật, sự kiện xảy ra xung quanh. Cái cốc trong mắt người bi
quan sẽ không bao giờ đầy và cái cốc trong mắt người lạc quan sẽ không bao giờ
cạn.
Góa là
tình trạng của một người đã lập gia đình nhưng chết vợ hoặc chết chồng – góa
bụa. Nhưng người ta thường nói về phụ nữ: Bà góa, góa phụ, quả phụ. Góa phụ và
quả phụ đều là phụ nữ chết chồng – có thể có con hoặc không, và có khác một
chút xíu: Quả phụ là người còn trẻ, Góa phụ là người đã luống tuổi. Kể cũng lạ,
“gà trống nuôi con” thì người ta thấy thương cảm, còn “gà mái nuôi con” thì người ta lại thấy… bình thường! Loại phụ nữ
góa bụa thường bị xã hội coi thường, xưa cũng như nay, vì vậy mà họ cũng thường
cảm thấy cô độc và tự ti mặc cảm. Thế nhưng hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa lại đề
cao con người khốn khổ này.
Trình
thuật 1 V 17:10-16 kể về một bà góa tốt bụng đã nuôi ngôn sứ Ê-li-a.
Sau một
thời gian hạn hán, Đức Chúa bảo ông Ê-li-a đi Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn, và ở lại
đấy, rồi sẽ có một bà goá ở đó nuôi ông. Thế là ông đi ngay. Khi đến cổng
thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và xin nước uống. Bà
ấy liền đi lấy nước cho ông uống, xong rồi ông bảo bà cho ông xin miếng bánh.
Bà lấy danh Thiên Chúa mà thề thật lòng là bà không có bánh, chỉ còn nắm bột và
chút dầu trong vò, bà đi lượm vài thanh củi về nhà nấu nướng cho mẹ con bà ăn
bữa cuối rồi chờ chết. Ông Ê-li-a bảo bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói,
nhưng trước tiên bà phải làm một chiếc bánh nhỏ cho ông ăn trước, rồi sau đó bà
sẽ làm cho mẹ con bà. Ông cho biết rằng Thiên Chúa đã hứa là hũ bột sẽ không
vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Ngài đổ mưa xuống trên mặt đất.
Bà góa đã
và làm như ông Ê-li-a nói. Thế là mẹ con bà và ông Ê-li-a có đủ ăn lâu ngày vì
hũ bột không vơi và vò dầu chẳng cạn đúng như lời Đức Chúa đã hứa.
Chỉ có
Thiên Chúa làm được như vậy, vì Ngài là Tạo Hóa duy nhất, chẳng có thần thánh
nào khác. Người Việt chúng ta, kể cả những người không tin vào Thiên Chúa,
thường cầu xin khi trời nắng lâu ngày: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi
uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm”. Quả thật, El
Niño hay La Niña thì chúng ta cũng đều phải chịu khổ (1), vì khô quá
hoặc ướt quá cũng “mệt mỏi” lắm!
Có những
hiện tượng bất thường, chúng ta gọi đó là thiên tai, nhưng thực ra chỉ là nhân
tai. Vì chính chúng ta phá hại môi trường nên mới có những hiện tượng bất
thường, chứ Thiên Chúa tạo dựng thiên nhiên tốt đẹp lắm. Ngài có thể ngăn chặn,
nhưng Ngài cho phép điều xấu xảy ra vì Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, và
cũng là để chúng ta chịu khổ mà “sáng
mắt” ra.
Thiên Chúa
chí minh và chí thiện, Ngài rất nhân hậu nhưng cũng rất công bằng (x. 1 Pr
1:17; Rm 2:2; Kh 19:11). Tác giả Thánh Vịnh nói: “Thiên Chúa xử công minh
cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù
tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa
yêu chuộng những người công chính” (Tv 146:7-8). Ngài là Đấng giàu lòng
thương xót, yêu thương mọi người, không phân biệt ai, dù quen hay lạ, đặc biệt
là xót thương những người bị xã hội ruồng bỏ: “Chúa phù trợ những khách
ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân. Chúa
nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Sion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn
đời” (Tv 146:9-10).
Con Thiên
Chúa đã hạ mình đến tột cùng và yêu thương chúng ta đến cùng, không chỉ ngày
qua hoặc ngày nay, mà cả ngày mai và muôn thuở muôn đời. Thánh Phaolô minh
chứng điều đó: “Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm
ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã
vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu
cho chúng ta. Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều
lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung
thánh” (Dt 9:24-25). Trên cả tuyệt vời, hy lễ của Đức Giêsu Kitô chỉ một mà
nên trọn vẹn tất cả, nhưng Ngài vẫn chấp nhận tiếp tục chịu đau khổ vì chúng
ta.
Thánh
Phaolô giải thích cặn kẽ: “Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi
thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã
xuất hiện chỉ một lần để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.
Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người.
Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà
để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9:26-28).
Cuối Năm
Phụng Vụ cũng là thời điểm cuối năm đời thường. Một sự trùng hợp thú vị. Cuối
năm cũng là dịp nhắc nhở mọi người về đoạn cuối cuộc đời của mình. Cuối năm
nghĩa là sắp hết năm và chắc chắn sẽ hết, cuối đời nghĩa là chúng ta sắp chết
và cũng chắc chắn sẽ chết. Chuyện nhỏ mà to, chuyện bình thường mà đặc biệt.
Chết rồi còn lại gì? Mọi thứ vật chất chúng ta sở hữu sẽ thuộc về người khác,
chỉ có những gì chúng ta trao tặng sẽ còn lại mãi với chúng ta. Đó là các nhân
đức, mà nhân đức quan trọng nhất là đức ái, đơn giản là những gì chúng ta CHO
người khác. Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Lúc hiến thân là lúc nhận lãnh,
lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Đức ái vô cùng kỳ diệu, và còn mãi
muôn đời!
Trình
thuật Mc 12:41-44 (tương đương Lc 21:1-4) nói về việc dâng cúng của bà goá
nghèo, tức là đề cập việc trao tặng, biếu hoặc cho. Điều này cho thấy rằng động
từ “cho” là động từ quan trọng lắm: “CHO thì có Phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35).
Thật vậy, “hãy làm mọi sự vì Đức Ái”
(1 Cr 16:14).
Một hôm,
Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát
xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền,
cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá
một phần tư đồng xu Rôma (2). Thực tế rất đời thường, nhưng Đức Giêsu dùng sự
thật này để dạy các môn đệ một bài học quý: “Thầy bảo thật anh em: bà goá
nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút
từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này rút từ cái
túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có
để nuôi sống mình”.
Thánh Luca
cũng cho biết tương tự: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.
Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ
vào dâng cúng; còn bà này rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất
cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21:3-4). Bà góa nghèo bị người
ta khinh miệt nhưng lại là “thầy dạy”
của chúng ta về cách làm việc từ thiện.
Qua câu
chuyện thực tế này, Chúa Giêsu chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đạo
đức giả trong cách dâng cúng công đức của mình nhằm tìm kiếm sự tôn
trọng từ người dân. Ngài chỉ trích người khác chứ Ngài có chỉ trích chúng
ta? Bóp trán hoặc vắt tay lên trán mà suy nghĩ, liệu chúng ta có thấy lòng mình
thanh thản?
Ông A dâng
cúng bạc tỷ thì có bằng ân nhân đặc biệt, bà B dâng cúng vài chục triệu thì có
bằng ân nhân bậc I, II, III,… anh C dâng cúng vài triệu thì có bằng ân nhân
bình thường, còn chị D không ai thèm cưới nhếch mép với chị vì chị không có
nhiều tiền để dâng cúng, chị ngó trước ngó sau rồi vội vàng bỏ vài chục ngàn
đồng vào thùng ở cuối nhà thờ, chị sợ người ta nhìn thấy! Cái nào NHỎ, cái nào
TO?
Việc dâng
cúng là cần thiết, rất tốt, nhưng những gì chúng ta gọi là “việc thiện” hoặc “việc đạo đức” thì phải thực sự có “chất” đạo đức và thánh thiện. Có thể
chúng ta cũng rất cần cảnh giác mà đặt vấn đề: “Chưa rối đạo nhưng rối việc
đạo!”.
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp con biết sống thật với chính mình, biết mình và biết người, để
đừng se sua hoặc “ra cái vẻ” với người
khác. Xin diệt trừ trong con mọi ý nghĩ xấu xa, ích kỷ. Con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
(1) Theo
tiếng Tây Ban Nha, El Niño (eo ni-nhô) nghĩa là “bé trai”, có ý nói đến
Chúa Giêsu Hài đồng. Cứ trung bình 3-10 năm, ngư dân vùng biển tại Peru phát
hiện ra nước biển ấm dần lên vào mùa đông, khoảng vài tuần trước Lễ Giáng
Sinh. Đây chính là một nghịch lý, nhưng nó vẫn tồn tại có chu kì và kéo theo hiện
tượng hơi nước ở biển bốc lên nhiều hơn, tạo ra những cơn mưa như thác đổ. Và
ngư dân đã gọi hiện tượng này là El Niño để đánh dấu thời điểm xuất
phát của nó là gần Giáng Sinh. El Niño là hiện tượng nước biển nóng lên.
Theo tiếng
Tây Ban Nha, La Niña (la ni-nha) nghĩa là “bé gái”, là hiện tượng trái
ngược lại với hiện tượng El Niño. Hiện tượng La Niña thường bắt đầu hình thành
từ tháng Ba đến tháng Sáu hằng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho
tới tháng Hai năm sau. La Niña xảy ra ngay sau khi hiện tượng El
Niño kết thúc. La Niña là hiện tượng nước biển lạnh lên. La Niña còn được
gọi là El Viejo hoặc Anti-El Niño.
(2) Giá
trị 2 đồng kẽm (Hy ngữ, số ít: lepton, số nhiều: lepta) là
1 quadrans, chỉ bằng 1/4 đồng xu. Đồng kẽm là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất
thời La Mã. Khi lưu hành ở Palestine, 1 lepton trị giá khoảng 6 phút
làm công theo lương trung bình mỗi ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét