Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

LM TRẦN MẠNH HÙNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN...

Posted on 19/01/2012 by Xuân Bích Việt Nam
Do Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam thực hiện.
GIỚI THIỆU CUỘC PHỎNG VẤN CHA PHÊRÔ TRẦN MẠNH HÙNG

Kính thưa toàn thể quý vị và anh chị em,
Cuộc tranh luận về việc an tử và trợ tử đã diễn ra trong một thời điểm mà nền văn hóa mới đang lan rộng, cụ thể là trong thời đại mà chúng ta đang sống, với sự yểm trợ của chủ thuyết tương đối, chủ thuyết cá nhân, và phong trào thế tục hóa đang bành trướng khắp nơi, nhất là các nước phương Tây. Trong nền văn hóa đó, các khái niệm như quyền tự quyết cá nhân, quyền được chết, hành vi giết người vì nhân đạo, tính chất luân lý của việc kết liễu mạng sống con người vô tội đang có nguy cơ gây ngộ nhận và làm lung lạc những nguyên tắc luân lý cơ bản cho con người ngày nay.
Nhiều người, trong đó có cả những người Công Giáo đang tỏ ra có những ấn tượng tiêu cực đối với giáo huấn của Giáo Hội về việc an tử và trợ tử. Chẳng hạn, một trong các tranh luận thường thấy đưa ra nhằm để bài bác lập trường chống an tử và trợ tử của Giáo Hội là “Tại sao tôi phải chiụ đau đớn trong nhiều ngày tháng để rồi cuối cùng cũng phải chết, ngay khi mà tôi có thể chọn cái chết thanh thản dễ chịu hơn, hầu chấm dứt sự đau đớn ấy”.
Là cơ quan truyền thông Công Giáo, VietCatholic cảm thấy có nghĩa vụ phổ biến những nhận thức phổ quát, liên quan đến giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo về những vấn nạn hiện nay, ví dụ vấn đề an tử và trợ tử.
Trong tinh thần đó, chúng tôi xin được giới thiệu với toàn thể quý vị và anh chị em buổi phỏng vấn hôm nay với linh mục tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng. Cha Trần Mạnh Hùng hiện đang làm việc tại trung tâm Đạo Đức Sinh Học L. J. Goody của tổng giáo phận Perth, và đồng thời là giáo sư giảng dạy bộ môn Thần Học Luân Lý (Moral Theology) và Luân Lý Đạo Đức Sinh Học (Bioethics) tại nhiều trườngTiểu Bang Tây Úc và Học Viện Thần Học Công Giáo – The Good Shepherd Theological College – tại thành phố Auckland, nước Tân Tây Lan.

Người phỏng vấn: Minh Khôi
Thưa Cha, chúng con đại diện cho thông tấn xã Vietcatholic, xin chân thành cám ơn cha đã ưu aí dành cho chúng con cuộc phỏng vấn này. Theo như chúng con được biết, thì luận án tiến sĩ về thần học luân lý của cha, viết tại Roma, nay đã được nhà xuất bản Tự Do (Freedom Publishing Company), có trụ sở tại thành phố Melbourne cho ấn loát vào cuối năm 2006, và sau đó đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và đã xuất bản tại Việt Nam. Đồng thời, chúng con cũng được biết là trong năm vừa rồi (2011), cuốn sách ấy đã được nhà xuất bản Pauline Publications bên nước Ấn Độ cho tái bản, với sự chấp thuận của cha.[1]


1. Vậy xin cha vui lòng cho qúi vị thính gỉa Vietcatholic được biết tựa đề của cuốn sách đó là gì? Và qua tác phẩm đó, cha muốn trình bày hoặc chứng minh điều gì liên quan đến cuộc tranh luận hiện nay về An Tử và Trợ Tử?

Cha Hùng:
Trước tiên, tôi xin chân thành cám ơn quý vị trong ban điều hành của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam (Vietcatholic), và đặc biệt là Chị Minh Khôi đã có nhã ý phỏng vấn tôi, liên quan đến những vấn đề đạo đức sinh học, cụ thể là vấn đề An Tử hay còn được gọi là “Chết êm diụ” và việc Trợ Tử, thông thường được trợ giúp bởi các bác sĩ hay các nhân viên y tế.
Các vấn đề này, tôi đã bàn thảo kỹ lưỡng trong tác phẩm của tôi, với tưạ đề: ADVANCING THE CULTURE OF DEATH: EUTHANASIA AND PHYSICIAN-ASSISTED SUICIDE được xuất bản tại Úc vào tháng tám năm 2006, mà tôi tạm dịch là: PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HOÁ SỰ CHẾT: AN TỬ VÀ TRỢ TỬ. Cuốn sách này cũng đã được xuất bản tại VN, và hiện nay có bán tại Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 Đường Kỳ Đồng, T.P. Sài Gòn, với tựa đề: AN TỬ VÀ TRỢ TỬ DƯỚI NHÃN QUAN THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO. Vì đó là chủ đề luận án tiến sĩ của tôi.
Chủ đề luận án tiến sĩ của tôi, mà nay đã được in thành sách, liên quan đến tính luân lý của vấn đề an tử (hoặc chết êm diụ) và việc trợ tử do các bác sĩ thực hiện, dành cho các bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối của căn bệnh, khi các căn bệnh đã vô phương cứu chữa.
Việc gây nên cái chết êm diụ, hay vấn đề trợ tử, mục đích chính là giúp cho các bệnh nhân có thể ra đi qua thế giới bên kia, một cách êm ái, nhẹ nhàng, không cảm thấy đau đớn, bởi lẽ đó, việc làm này, thoạt nhìn thoáng qua, thì dường như được thúc đẩy bơỉ động lực do lòng từ-tâm, quảng-đại và nhân-ái. Vì người thực hiện công việc ấy đã thi hành và làm theo sự yêu cầu của bệnh nhân, nhằm giải thoát họ khỏi cơn đau đớn quằn quại trên thân xác, mà đôi khi sức riêng của họ, dường như không thể chịu đựng thấu. Cho nên, họ muốn quyên sinh, nói một cách vắn gọn là họ muốn tự tử để khỏi kéo dài những ngày tháng mà họ phải sống với bệnh tật nan y, bất trị và vô phương cứu chữa, thêm vào đó, mỗi ngày họ phải đương đầu và cảm nghiệm các cơn đau đớn trên thể xác cũng như trong tâm hồn. Lẽ đó, họ muốn, tự họ chích thuốc cho mình chết, hoặc người bệnh cũng có thể yêu cầu các bác sĩ hay các cô y tá tiêm cho mình một mũi thuốc tử vong, có liều lượng và hóa chất làm cho bệnh nhân có thể chết liền sau đó, chừng vài phút mà không cảm nghiệm một sự đau đớn nào trên thân xác.
Điều này đã gây nên rất nhiều tranh luận và bàn tán sôi nổi trong nhiều thập niên vừa qua, cả bên tôn giáo lẫn các cơ cấu chính quyền, đặc biệt hay diễn ra tại các đệ nhất quốc gia, cụ thể là ở những nước mà nền kinh tế và Dân Chủ đang phát triển nhanh và mạnh. Tỷ dụ như ở Hòa Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Úc Châu và Mỹ Châu. Theo tôi được biết, thì nước Hòa Lan vào ngày 10 tháng 4 năm 2001, Quốc hội của Hòa Lan đã thông qua và chấp thuận việc hợp pháp hoá vấn đề an tử và trợ tử. Lẽ đó, Hòa Lan đã đi vào lịch sử, vì là nước đầu tiên đã cho phép và ủng hộ việc giết các bệnh nhân bằng phương pháp chết êm dịu. Kế đến là nước Bỉ, vào tháng 2 năm 2002, chính quốc gia này cũng đã thông qua một đạo luật mới, nhằm hợp pháp hóa việc an tử và trợ tử. Nhìn cách chung, thì hiện nay, trên thế giới đang có một số các quốc gia muốn ủng hộ và hậu thuẫn cho công việc trên, vì họ đã được “tẩy não” bởi các nhóm có khuynh hướng chấp nhận việc hợp pháp hóa vấn đề an tử, và coi đó như là một việc làm hợp tính chất luân lý, cần cổ võ.
Các nhóm này hoạt động rất năng nổ và tích cực, họ biết lợi dụng thời cơ thuận tiện để tuyên truyền, tạo ảnh hưởng rộng lớn trên các chính trị gia và các vị lãnh đạo đương quyền để ủng hộ cho lập trường, quan điểm và việc làm của họ. Công tâm mà nói, thì các nhóm này đang chiếm ưu thế và có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là đúng xét về mặt luân lý. Không phải đại đa số ủng hộ và tán thành một việc gì đó, thì việc đó đương nhiên và tự động trở nên hợp pháp và hợp luân lý. Điều quan trọng mà chúng ta cần phải để ý và phân tích cho kỹ lưỡng và tinh tế, đó là: sự khác biệt giữa luân lý và pháp luật. Có những vấn đề luật pháp cho phép, nhưng xét về luân lý và thuần phong mỹ tục thì nó là việc làm không tốt, và không nên cổ-động. Xin đương cử môt vài ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề. Hiện nay tại một số quốc gia phương Tây, họ cho phép và hợp thức hóa việc thành lập các sòng bạc, hay các ổ mãi dâm. Đứng về mặt luật pháp thì hợp lệ, không có gì thắc mắc cả. Nhưng xét về mặt luân lý thì điều đó chưa chắc là đúng và xứng hợp với đạo lý con người. Lẽ đó, không phải bất cứ điều gì hợp pháp thì chúng đều đúng với luân lý và đều được phép để thực hiện. Điều này cũng có thể đem áp dụng vào vấn đề chết êm dịu và việc trợ tử.
Cho nên trong luận án tiến sĩ của tôi, tôi đã cố gắng trình bày một cách hết sức khách quan về cái thực tại của vấn đề chết êm dịu hay còn gọi là an tử và vấn đề trợ tử; những nguyên nhân và lý do đưa đến sự kiện trên. Tại sao người ta lại cổ võ và ủng hộ việc làm này, đâu là động lực chính. Cũng như những éo le và nghắc nghéo của các cuộc tranh luận, đặc biệt là các cách biện luận của cả hai phe. Phe ủng hộ và phe chống đối. Sau đó, tôi cố gắng phân tích tỉ mỉ những ưu và khuyết điểm của cả hai phe trong lối tranh luận và biện luận của họ. Tôi cũng đã cố gắng tổng hợp các chính kiến, các nhận định, mà theo cái nhìn của tôi, có thể làm sáng tỏ vấn đề và cho ta thấy được sư sai trái và lệch lạc trong cái nhìn của các nhóm ủng hộ và cổ võ việc cho phép các bác sĩ được quyền chích thuốc cho các bệnh nhân chết mà không bị trừng phạt theo luật pháp hiện hành.
Điều mà tôi muốn chứng minh qua cuốn sách này là nhằm cho thấy: một khi mà chúng ta, nhân danh tự do cá nhân, nhân danh quyền tự quyết để đòi hỏi các nhà lập pháp phải tôn trọng và chiều theo tất cả những nguyện vọng của chúng ta, mà đôi khi các nguyện vọng ấy, nó có thể đi nghịch lại với những nguyên tắc luân lý cơ bản, thì chúng ta sẽ có nguy cơ đi đến một thế giới lăng loàn, phi luân lý, chỉ biết đến quyền lợi bản thân và đòi hỏi người khác phải phục vụ và chiều theo ý muốn riêng tư của mình. Bởi vậy mà con người ngày hôm nay, họ cảm thấy rằng: họ có thể làm bất cứ điều gì, ngay cả những sự việc xét cho cùng, thì nó đi nghịch lại với giáo huấn của Giáo Hội và luật pháp quốc gia. Việc đòi hỏi cho phép phá thai tự do tại nước Mỹ, việc lên tiếng được quyền tự quyết cho việc sống còn của bản thân cá nhân. Việc muốn tự do nghiên cứu và sáng tạo ra những con người mới bằng phương pháp nhân bản vô tính, là những mầm mống dễ có nguy cơ đi đến một thế giới bất trật tự và vô luân.

Người phỏng vấn: Minh Khôi
2. Thưa cha, theo như chúng con được biết thì ngoài tác phẩm mà cha đã cho ấn loát, liên quan đến việc tranh luận về một đề tài khá sôi nổi hiện nay, đó là việc yêu cầu Quốc Hội hợp pháp An Tử và Trợ Tử, thì cha cũng đã cho xuất bản một cuốn sách khác nữa, bàn về những khiá cạnh luân lý và những thách đố của lãnh vực Đạo Đức Sinh Học. Xin cha vui lòng chia sẻ cho chúng con và quí thính giả được biết sơ qua về sự hình thành của cuốn sách đó và những hiệu qủa luân lý mà cha nhắm đến.

Cha Hùng:
Như tôi đã viết trong phần Cảm Tạ của cuốn sách, mà tôi đã cho in đầu tiên tại Thuỵ Sĩ, nhân dịp tôi công khai bảo vệ luận án tiến sĩ, cách đây cũng được gần 9 năm, tại Học Viện Thánh Anphôngsô tại Rôma, là để đánh dấu một chặng đường mới đối với công việc học hỏi và nghiên cứu của tôi, đặc biệt về lãnh vực Đạo Đức Sinh Học (ĐĐSH). Bây giờ chị Minh Khôi đặt câu hỏi đó, thì tôi xin mạn phép trình bày như sau.
Cuốn sách Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay, được chào đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Nó được cưu mang và bắt nguồn từ trong trứng nước khi tôi đang giảng dạy bộ môn Thần Học Luân Lý tại Việt Nam. Rồi theo dòng thời gian, các bài viết ấy đã được đăng trên báo chí Việt Nam, cụ thể là Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu, Úc Châu và Âu Châu, cũng như trong Tập San Nghiên Cứu Định Hướng, phát hành tại Pháp. Đặc biệt hơn hết, là phần lớn các bài viết của tôi về lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, tỷ dụ như vấn đề Ngừa
Thai và Phá Thai, việc Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm, các khám phá mới về Tế Bào Gốc và những hiệu qủa sử dụng Tế Bào Gốc trong các phương pháp trị liệu y khoa…v.v…, thì đã được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, tỷ dụ như: http://vietcatholic.net; www.dcctvn.net; hoặc tại một số các mạng (websites) khoa học, nhu www.khoahoc.net hoặc www.khoahoc.com.vn trong thời gian vừa qua.
Rồi sau đó, tôi đã tổng hợp lại tất cả các bài viết ấy và cộng thêm một số các bài viết mà tôi mới hoàn thành trong những năm gần đây, nhưng chưa có dịp để phổ biến, để cho in thành tuyển tập Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay. [2] Nội dung của cuốn sách đề cập đến những thắc mắc của mỗi người, mỗi gia đình, cũng như những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhân sinh. Đặc biệt hơn nữa, nó cập nhật những vấn nạn của xã hội Việt Nam, nơi đang có nhiều điều làm bức xúc và bận tâm không nhỏ đối với các giới hữu trách dân sự cũng như tôn giáo, chẳng hạn như vấn đề ngừa thai và phá thai, hoặc vấn đề bệnh sida.
Một vấn đề nan giải hơn nữa, đặc biệt vào đầu thế kỷ 21 này, khi những khám phá mới lạ về ngành y-sinh học đã mang lại những bước tiến nhảy vọt không thể tưởng tượng. Những sự kiện mà có lẽ trước đây, khoa học và con người không dám mơ tưởng thì nay đang được đem ra thực nghiệm. Tuy nhiên, những khám phá mới lạ ấy cũng kéo theo những vấn đề khó xử về mặt luân lý. Một thí dụ điển hình, ngày nay các chuyên gia ngành y có thể dùng các tế bào gốc lấy từ phôi để cấy ghép cho bệnh nhân, mà không cần dùng đến những cơ phận trong con người, tỷ dụ như việc ghép tim hay thận. Nhưng điều ấy lại giả thiết sự kiện là các nghiên cứu gia phải được luật pháp cho phép, tạo nên các phôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hay bằng phương pháp nhân bản phôi vô tính bằng việc chuyển nhân, hầu có thể nghiên cứu và chữa trị cho các bệnh nhân. Toàn bộ vấn đề này, nay động đến lãnh vực luân lý và luật pháp: liệu nhà cầm quyền dân sự, cũng như giới hữu trách tôn giáo và văn hóa, có cho phép các chuyên gia được quyền tạo nên các phôi, thâu hoạch các tế bào gốc để có nhu liệu cho các công việc nghiên cưú và chữa trị, sau đó để mặc các phôi sẽ bị hủy diệt hay không? Vấn đề này đã gây nên sự tranh cãi nghiêm trọng, cho đến nay đã có nhiều ý kiến bất đồng và những lập trường khác nhau, giữa các chuyên gia nghiên cứu và các nhà lãnh đạo, cả về phiá tôn giáo lẫn các nhà cầm quyền quốc gia.
Để làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin mạn phép được trình bày một cách vắn ngọn về những khám phá mới hiện nay, liên quan đến lãnh vực nghiên cứu Tế Bào Gốc. Điều cơ bản trước tiên khi nói về Tế Bào Gốc, chúng ta cần phân biệt giữa tế bào gốc phôi, nghĩa là tế bào gốc được thâu hoạch từ phôi (Embryonic Stem Cells) và tế bào gốc trường thành (Adult Stem Cells), nghĩa là các tế bào gốc lấy từ cơ thể của mỗi người chúng ta.
Về cơ bản có 3 loại tế bào gốc: Totipotent stem cell tế bào gốc toàn năng, Pluripotent stem cell tế bào gốc đa năng, và Multipotent stem cell được coi như là một loại tế bào gốc tương tự như tế bào gốc đa năng.[3]
Loại tế bào gốc
Mô tả
Ví dụ
Tế bào gốc toàn năng
(Totipotent stem cell)
Mỗi tế bào có thể phát triển thành một cá thể mới
Tế bào phôi ở giai đoạn mới phát triển (từ 1 đến 4 ngày)
Tế bào gốc đa năng
(Pluripotent stem cell)
Tế bào có thể hình thành nên bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể (trên 220 loại)
Tế bào gốc phôi tìm thấy ở phôi bào (từ 5 đến 14 ngày)
Tế bào gốc đa năng
(Multipotent stem cell)
Tế bào đã được biệt hóa, nhưng vẫn có thể hình thành nên một số loại tế bào khác
Mô bào thai, máu dây rốn và tế bào gốc trưởng thành
Cho nên, chúng ta cần phần biệt tỏ tường để tránh sự ngộ nhận là, hiện nay, khi nói đến về việc nghiên cứu về tế bào gốc, chúng ta cần am hiểu thấu đáo những vấn đề sau đây:
I. Tế bào gốc là gì?
II. Tế bào gốc lấy từ đâu ra?
III. Những lợi ích khả thể trong công trình nghiên cứu tế bào gốc.
IV. Lập trường và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước sự việc nghiên cứu này.

Trước tiên, tôi xin phép trình bày:
I. TẾ BÀO GỐC LÀ GÌ?
Tế bào gốc là tế bào có khả năng phân chia vô hạn định, và có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác có những chức năng chuyên biệt, một khi nó được cấy vào một môi trường thích hợp. Để cho chúng ta có một khái niệm cụ thể về các chức năng của tế bào gốc, điều tốt nhất là chúng ta thử khảo-sát chúng, trong các tiến trình phát triển nơi con người, được bắt đầu khi tinh trùng làm cho trứng (noãn) thụ tinh, và sau đó tạo nên một tế bào duy nhất, gọi là hợp-tử, tế bào này có khả năng tự tại phát triển thành một cơ thể (organism). Vì thế, trứng thụ tinh (hợp-tử) còn được coi như là tế bào toàn-năng. Sau khi trứng đã được thụ tinh, chỉ vài tiếng đồng hồ sau (khoảng 4-6 tiếng), hợp tử sẽ tự động phân chia thành nhiều tế bào toàn-năng (totipotent cells), đồng chất thể về mặt di truyền. Vì lý do đó, mà giả thể ta lấy một tế bào toàn-năng (đã được phân chia sau khi trứng đã thụ tinh khoảng 3 ngày) đem cấy vào vách tử cung của người phụ nữ (nếu thành công) thì tế bào này có khả năng phát triển thành bào thai. Từ đó, ta có thể giải thích hiện tượng sinh đôi, là một trứng sau khi đã thụ tinh, tự phân chia làm 2 tế bào toàn-năng riêng biệt và rồi sau đó sẽ tự phát triển thành 2 cá thể riêng rẽ (trong thời hạn 14 ngày, kể từ khi trứng thụ tinh). Do đó, xét về mặt di truyền thì trẻ em sinh đôi (cùng một trứng) có cùng chung một gien y hệt như nhau.
Khoảng 4 ngày, sau khi trứng đã thụ tinh, hợp-tử sẽ trải qua nhiều chu kỳ phân chia tế bào, gọi là hiện tượng nhân đôi: từ 1 tế bào duy nhất thành 2, điều này diễn ra khoảng 30 tiếng đồng hồ sau khi trứng đã thụ tinh. Sau 40-50 giờ, chúng sẽ tự phân chia thành 4 tế bào, và sau 60 tiếng đồng hồ thành 8 tế bào. Khi trứng đã thụ tinh tiến gần đến lối dẫn vào tử cung, nó phát triển thành 16 tế bào, và người ta gọi nó là phôi dâu (Morula). Sự kiện này diễn ra vào ngày thứ 4 kể từ khi trứng đã thụ tinh. Trong giai đoạn này, chưa có sự tiền định của bất cứ một tế bào nào sẽ trở thành một thực thể (entity) riêng biệt hay là bộ phận của thực thể. Khoảng chừng ngày thứ 6 hoặc ngày thứ 7, hợp tử (tên gọi của trứng sau khi đã thụ tinh) sẽ trở thành phôi bào (Blastocyst) và nó di chuyển đến vách tử cung để bắt đầu tiến trình làm tổ, nếu thành công, việc thụ thai sẽ diễn ra và phôi bào sẽ tiếp tục phát triển. Ở vào thời điểm này, ta có thể phân biệt là phôi bào gồm có hai loại tế bào:
1) Loại tế bào thứ nhất trở thành màng bao bọc phôi bào (Trophectodern);
2) Loại thứ hai là các tế bào nội tại (Inner Cell Mass = ICM)
Các tế bào nội tại này sẽ thiết lập hầu hết các mô (tissues) của thân thể. Mặc dầu các tế bào nội tại có thể tạo thành, dường như, tất cả các loại tế bào nơi thân thể con người, nhưng chúng lại không có khả năng để tạo thành một cơ thể hay sinh thể (organism). Đó là sự khác biệt quan trọng giữa tế bào gốc toàn-năng (totipotent stem cells) và tế bào gốc đa-năng (pluripotent stem cells).
Các tế bào nội tại được coi như là các tế bào đa-năng, vì chúng có khả năng trợ giúp nhiều loại tế bào khác nhau, tuy nhiên, chúng không phải là các tế bào toàn-năng, vì lý do đó, chúng không thể tạo nên một cơ thể, như các tế bào toàn-năng, tỷ dụ như tế bào hợp-tử.
Những tế bào gốc đa-năng (pluripotent stem cells) tiếp tục trải qua nhiều sự phân-hóa để trở thành những tế bào gốc với chiều hướng nhằm yểm trợ các tế bào mà chúng có những chức-năng hoặc phận-vụ chuyên-biệt. Tỷ dụ như tế bào gốc của máu (Blood stem cells), thì trợ giúp các hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Các tế bào gốc của máu hiện diện trong tủy xương (bone marrow) của trẻ em cũng như người lớn, thực vậy, chúng có thể tìm thấy trong máu hiện đang lưu thông nơi các huyết quản. Tế bào gốc của máu nắm giữ một vai trò rất quan trọng, trong công việc cung cấp cho đủ số tế bào máu trong thân thể con người, suốt cả cuộc đời. Các tế bào máu thì gồm có: hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Chúng ta không thể sống sót nếu không có các tế bào gốc của máu.

Người phỏng vấn: Minh Khôi
3. Thưa cha, nghe cha giải thích về tế bào gốc, chúng con bây giờ mới hiểu rõ hơn về tính chất độc đáo của tế bào gốc là nó có khả năng phát triển vô hạn định và có thể biến thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể của con người, bao gồm khoảng 220 loại tế bào. Vậy thưa cha, cha có thể nói thêm cho các thính giả được biết là những tế bào gốc này có thể lấy từ đâu ra?

Cha Hùng:
II. TẾ BÀO GỐC LẤY TỪ ĐÂU RA?
Trong khoảng thời gian vừa qua, có 2 phương pháp cơ bản để có thể lấy được các tế bào gốc đa-năng.[4] Tuy nhiên với những khám phá mới gần đây cho thấy các khoa học gia có thể tìm thấy và thâu hoạch tế bào gốc từ các nguồn khác nữa, ví dụ: Tế bào gốc cũng có thể lấy được từ dây rốn (umbilical cord), dịch ối (amniotic fluid) hay nhau thai (placenta) của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong tủy xương. Tuy nhiên, trong phần trình bày này, tôi chỉ muốn chú trọng đến 2 phương pháp cơ bản để có thể lấy được các tế bào gốc đa-năng.
Cách thứ nhất được thực hiện do Dr. James Thomson, thuộc đại học Wisconsin – Hoa Kỳ vào năm 1998. Đây cũng là thời điểm mà các chuyên gia đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu về tế bào gốc.
Các tế bào gốc đa năng được tách rời trực tiếp từ các tế bào nội tại của phôi trong giai đoạn phôi bào (blastocyst). Sau đó đem cấy chúng vào một môi trường thích hợp, với những điều kiện thiết yếu cho việc phát triển, dần dần chúng sẽ sản xuất một loại tế bào gốc đa-năng.
Cách thứ hai được thực hiện do Dr. John Gearhart,[5] thuộc Đại Học Johns Hopkins – Mỹ.
Ông ta tách biệt các tế bào gốc đa-năng từ các mô của bào thai đã được hủy, vì không muốn tiếp tục cưu mang hoặc vì những lý do khác. Điều này được thực hiện với sự đồng ý của chủ nhân bào thai và vị bác sĩ có trách nhiệm. Ông ta chọn những tế bào thuộc các vùng của bào thai mà biết chắc chắn rằng sau này, chúng sẽ phát triển thành tinh hoàn hoặc buồng trứng.
Mặc dầu có sự khác biệt về hai nguồn cung cấp chất liệu để tạo nên các tế bào gốc đa-năng. Tuy nhiên, kết quả của việc hình thành các tế bào gốc này rất giống nhau.
Một loài tế bào gốc đa năng nữa, được gọi là “Multipotent Stem Cells”, có thể tìm thấy ở một vài loại mô trưởng thành (Adult tissues). Gần đây, có nhiều dấu chỉ khả quan cho thấy, các chuyên gia nghiên cứu có thể tìm thấy thêm nhiều loại tế bào gốc hiện diện trong các mô trưởng thành. Tỷ dụ trước đây, các chuyên gia nghiên cứu nghĩ rằng: các tế bào gốc dường như không có ở trong hệ thống thần kinh não. Nhưng những năm gần đây, họ đã khám phá ra và họ đã làm các cuộc thí nghiệm và cho thấy là họ có thể tách rời các tế bào gốc thuộc thần kinh (Neuronal Stem Cells) ra khỏi hệ thống thần kinh não của các chú chuột. Điều này đã được thực hiện do các khoa học gia thuộc viện Nghiên Cứu Y Học “The Walter and Eliza Hall” tại Parkville, thuộc tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi. Họ đã tách biệt được tế bào gốc từ khu vực xung quanh buồng não (Periventricular). Các tế bào gốc này, không những có thể tạo thành tế bào thần kinh, mà nó còn có thể tạo ra các mô và các cơ mới. Cho nên, với những thành công như vậy chắc chắn sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu về tế bào gốc đi xa thêm một bước nữa, và hy vọng nó sẽ góp phần sáng chế ra những thứ thuốc, giúp cho những người bị chấn thương sọ não sẽ tự phục hồi.


Tế bào gốc bắt nguồn từ đâu? (Where do stem cells come from?)
1. Fertilization: Sự thụ tinh
2. 8-Cell embryo: Phôi gồm có 8 tế bào. Trong giai đoạn phát triển này, tế bào gốc phôi được coi là tế bào gốc toàn năng (Totipotent stem cells); mỗi tế bào này có tiềm năng phát triển thành một con người.
3. Blastocyst: Phôi bào. Trong giai đoạn phát triển này, tế bào gốc phôi được coi là tế bào gốc toàn năng (Totipotent stem cells); mỗi tế bào này có tiềm năng phát triển thành một sinh thể (organism) hoặc bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Ước đoán khoảng 220 loại tế bào khác nhau.
4. Fetus: Bào thai. Trong giai đoạn phát triển này, tế bào gốc phôi được coi là tế bào gốc đa năng (Pluripotent stem cells); mỗi tế bào này có tiềm năng phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể.
5. Tế bào gốc cũng tìm thấy nơi cơ thể trưởng thành. Chúng duy trì và chữa trị cơ thể. Chúng được định vị tại nhiều tế bào trong cơ thể. Các tế bào gốc trưởng thành có tiềm năng nhận lấy những tính chất riêng biệt, hầu có thể tạo nên các tế bào có số lượng hạn định trong các mô. Chúng được coi như là các tế bào gốc đa năng (Multipotent stem cells).
Ngược lại, nơi con người, các tế bào gốc loại này, nếu muốn thâu hoạch, thì hiện nay chỉ có thể lấy từ các mô của bào thai (fetal tissues). Hẳn nhiên, việc thử nghiệm này đối với con người thì còn rất ư là hạn chế. Tuy nhiên, điều ấy cho thấy là có những dấu chỉ khả thi rằng: không bao lâu nữa thì việc này có thể được áp dụng đối với con người.


How it works from Embryo to Stem cell:
Cách thức tạo tế bào gốc từ phôi
(1) Embryo: Phôi – Trứng được thụ tinh hoặc nhân bản vô tính để tạo phôi. Phôi bắt đầu phân chia.
(2) 1 To 5 Days: 1 Đến 5 Ngày
Phôi phân chia nhiều lần và có dạng khối cầu được gọi là phôi nang/phôi bào.
(3) 5 To 7 Days: 5 Đến 7 Ngày
Vào thời điểm này, tế bào gốc phôi đã có thể quan sát được và có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể.
(4) Stem Line: Dòng Tế Bào Gốc
Tế bào gốc được tách ra và phát triển trong đĩa nuôi cấy. Khi chúng phân chia chúng tạo ra dòng tế bào gốc.
(5) Tissue Production: Sản Xuất Tế Bào
Áp dụng nhiều công thức dinh dưỡng phối hợp với các yếu tố khác nhau, các nhà khoa học hy vọng có thể biến đổi tế bào gốc thành hơn 200 loại tế bào khác của cơ thể như:
Pancreatic Islet Cells: Tế Bào Tụy Tạng – Có thể sử dụng điều trị tiểu đường
Muscle Cells: Tế Bào Cơ – Có thể dùng để khôi phục hoặc thay thế tim bị tổn thương
Nerve Cells: Tế Bào Thần Kinh – Có thể được ứng dụng trong điều trị chứng mất trí và bệnh Parkinson cũng như điều trị chấn thương cột sống.

Người phỏng vấn: Minh Khôi?
4. Theo như những gì chúng con được biết từ các thông tin khoa học, tế bào gốc có tiềm năng rất lớn trong việc chữa trị các căn bệnh nan y mà từ xưa đến nay, các bác sĩ và giới chuyên khoa đã phải bó tay, vì chưa có thể kiếm ra phương cách chữa trị? Vậy theo sự hiểu biết của cha thì tế bào gốc có thể đem lại những lợi ích gì trong các liệu pháp y khoa?

Cha Hùng:
III. NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THỂ TRONG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TẾ BÀO GỐC.
Qua các kết quả của các công trình nghiên cứu về việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành nơi con người, cho thấy rằng các tế bào gốc đa-năng “Multipotent Stem Cells”, có tiềm năng rất lớn trong công việc nghiên cứu lẫn việc phát triển phương pháp trị-liệu tế bào (cell therapies). Một bằng chứng cụ thể, là ta có thể dùng các tế bào gốc trưởng thành trong việc cấy, ghép. Nếu chúng ta có thể tách biệt những tế bào gốc từ bệnh nhân, rồi tạo điều kiện thuận tiện để chúng từ từ phân chia và sinh sản ra các tế bào có những chức năng chuyên-biệt. Sau đó, chúng ta đem cấy chúng trở lại cho bệnh nhân. Làm như vậy thì sẽ tránh được tình trạng các tế bào này bị từ chối hay bị phản kháng bởi hệ thống miễn nhiễm từ nơi cơ thể của bệnh nhân.
Cách thức sử dụng các tế bào gốc trưởng thành cho các phương pháp trị-liệu, nhằm thay thế các tế bào đã bị thoái hóa hay không còn khả năng thực hiện các chức năng riêng biệt của chúng nữa, sẽ giảm thiểu hoặc tránh né được, ngay cả việc sử dụng đến các tế bào gốc phôi (lấy được từ các phôi) hoặc các mô từ bào thai người. Điều này đã và đang gây nhiều sự phản đối, vì những yếu tố về mặt luân lý.
1. Những lợi ích khả thể.
Những lợi ích khả thể mà các chuyên gia nghiên cứu hiện nay đưa ra thì có lẽ nhiều vô số kể. Trong bài viết về những lợi ích của việc nhân bản vô tính (“The Benefits of Human Cloning”)[6] thì tác giả đưa ra một số danh sách các lợi ích thực tiễn về “Human Cloning”. Nói chung hầu như là bá bệnh đều có thể trị được, nếu bằng lòng áp dụng và cho phép việc nhân bản vô tính. Vì thời gian giới hạn, nên tôi mạn phép chỉ đề cập đến những gì có tính cách hiện-thực mà cộng-đồng thế giới đang mong mỏi nơi các chuyên gia nghiên cứu, dựa trên những khám phá gần đây nhất.
2. Việc sử dụng các tế bào gốc cho phương pháp trị-liệu.
Phần đông các bệnh tật nơi con người là kết quả do việc các tế bào của chúng ta ngưng hoạt động hay không làm việc, theo đúng như chức năng của chúng, hoặc do bởi các mô của thân thể bị hủy hoại. Hiện nay, để thay thế hoặc ghép các cơ phận, cũng như mô không còn hoạt động bình thường, các chuyên viên y khoa đã cần phải sử dụng đến các bộ phận, tỷ dụ như tim, thận, tủy, mắt v.v.., được hiến tặng. Tuy nhiên, không may cho chúng ta là số bệnh nhân càng ngày càng gia tăng, và vượt hẳn con số về các cơ phận mà chúng ta có được (do sự hiến tặng của các ân nhân) để thay thế hay cấy, ghép. Tế bào gốc có thể cung ứng cho ta một nguồn nguyên-liệu mới phong phú, hầu có thể thay thế các tế bào và mô đã bị hỏng, nhằm chữa trị các chứng bệnh nan y, tỷ dụ như: bệnh tim, bệnh ung thư, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường, bệnh mất trí nhớ, bệnh chấn thương cột sống, cơn đột trụy (stroke), bệnh đau nhức thấp khớp kinh niên, bị phỏng nặng v.v… Có thể nói hầu như các căn bệnh thông thường hiện nay, đều có nhiều cơ may được điều trị bởi việc sử dụng các tế bào gốc mà gần đây các chuyên gia nghiên cứu mới khám phá ra. Ví dụ như bài viết sau đây: “Stem cells used to help cure sight loss.” (Tế Bào Gốc được sử dụng để giúp trị liệu nạn khiếm thị) By Danny Rose – AAP – ngày 28.05.2009. http://www.news.com.au/story/0,27574,25549740-36398,00.html
Thông tin này cũng được Nhật Báo The Australian hôm 29 tháng 5 năm 2009 đã loan tin cho biết là các chuyên gia nghiên cứu tại Đại Học New South Wales, Úc Đại Lợi đã thành công chữa trị 3 bệnh nhân khiếm thị bằng việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành. Dẫn đầu nhóm nghiên cứu này là Dr. Nick Di Girolamo, ông và các cộng sự viên đã thành công chữa trị cho ba bệnh nhân bị khiếm thị, vì giác mạc/màng sừng mắt của họ không còn hoạt động. Các chuyên gia này đã sử dụng tế bào gốc lấy từ mắt của bệnh nhân rồi cho sản sinh ở các dĩa thí nghiệm, sau đó bỏ các tế bào gốc này vào các “contact lens”(kính tiếp xúc) và rồi họ ghép nó vào mắt của các bệnh nhân này. Khoảng 10-14 ngày sau, các tế bào gốc đã bám vào giác mạc mắt và bắt đầu thay thế các tế bào đã bị thoái hóa hoặc hư hỏng, nhờ đó họ đã có nhìn thấy và có thể đọc sách trở lại. Có thể nói đây là một thành công khá rực rỡ trong việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành trong y khoa trị liệu.

Figure 1. Contact lens có chứa tế bào gốc giác mạc (màng sừng) mắt

Tuy nhiên, trước những dấu hiệu khả quan và những thành công rực rỡ đã và đang gặt hái được nhiều thành quả vượt bực và đáng kể trong công việc điều trị các căn bệnh đương thời. Y học ngay nay vẫn còn gặp phải một số vấn đề khó khăn trong công việc áp dụng và đưa các khám phá mới mẻ ấy vào trong công việc thực hành cụ thể nơi các sở y tế. Những khó khăn này tuy đáng kể, nhưng không phải là chúng ta không có khả năng vượt qua.
Nói tóm lại, chúng ta cần chờ đợi với thời gian để xem coi các phát minh mới ấy sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho nhân loại.

Người phỏng vấn: Minh Khôi?
5. Thưa cha, trước những khám phá mới mẻ và đầy hấp dẫn về ngành y trong đầu thế kỷ thứ 21 này, cụ thể là vấn đề tế bào gốc, Giáo Hội Công Giáo đã có thái độ và lập trường như thế nào? Xin cha có thể trình bày cho thính gỉa được biết.

Cha Hùng:
IV. QUAN ĐIỂM VÀ LẬP TRƯỜNG CỦA GÍAO HỘI CÔNG GIÁO.
Đứng trước các phát minh mới mẻ trong ngành y-sinh học, được thực hiện đầu thế kỷ thứ 21 này, cụ thể là việc sử dụng các tế bào gốc trong các phương pháp trị liệu. Giáo Hội Công Giáo luôn luôn tán thưởng và khuyến khích các nổ lực và sự thiện chí của các chuyên gia nghiên cứu. Cách đây vài năm tại Rôma, Giáo Hội Công Giáo đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề, vào ngày 13-14, tháng 11, 2001 tại Đại học giáo hoàng Nữ Vương các Thánh Tông Đồ – Rôma, nhằm thảo luận về những vấn đề nan giải và những thiện-ích cho con người trong công trình nghiên cứu tế bào gốc.
Tiến sĩ Esmail D. Zanjani, một trong những chuyên gia đang dẫn đầu về việc nghiên cứu tế bào gốc, hiện là giảng sư tại Đại học Nevada, Hoa Kỳ, đã đưa ra những nhận định phù hợp với quan điểm và chiều hướng lập luận hiện thời của Giáo hội Công Giáo. Ông ta phát biểu rằng: “Hiện nay, có rất nhiều dữ kiện cho thấy, chúng ta có thể thành công trong viêc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells) để điều trị các chứng bệnh về tim, và các mô bị hư hại. Sau nhiều lần thử-nghiệm thì kết quả cho thấy công việc này đã rất có hiệu nghiệm.”
Tiến sĩ Zanjani còn cho biết thêm, theo như kết quả của những cuộc thử-nghiệm vừa qua thì nó chứng minh cho ta thấy, việc dùng các tế bào gốc trưởng thành, đạt được những kết quả khả quan như đã tiên đoán. Điều này đã được tiến sĩ John Gearhart tại đại học John Hopskin xác nhận. Ông là vị khoa học gia đã thành công đầu tiên (1998) trong việc tách rời các tế bào gốc đa năng từ các bào thai. Tiến sĩ John Gearhart nhận định rằng: “Kỹ thuật sử dụng tế bào gốc trưởng thành trong phương pháp trị liệu y khoa có nhiều khả năng thành công hơn là việc sử dụng tế bào gốc phôi.” [7] Nhờ vào những chứng cứ rõ rệt qua việc thử nghiệm. Một số đông các khoa học gia ngày nay đã cho rằng: chúng ta không nhất thiết phải sử dụng đến các tế bào gốc lấy được từ phôi (Embryonic Stem Cells) cho các phương pháp điều trị, vì điều đó gặp phải nhiều sự chống đối xét về mặt luân lý, mà đồng thời kết quả thì cũng chưa chắc gì đã trỗi vượt hơn, so với việc dùng các tế bào gốc trưởng thành trong các phương pháp trị liệu.
Với một lối suy tư tương tự như thế, bà Monica Lopez Barahona, giảng sư tại Đại học Francisco de Victoria (Tây Ban Nha), khi được phóng viên nhà báo phỏng vấn tại Hội nghị đã phát biểu như sau: “Không thể chấp nhận được sự việc tạo một phôi người, rồi sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi thì hủy bỏ nó đi.” Bà ta nhấn mạnh, theo quan điểm của các khoa học gia, thì hiển nhiên đã có sự hiện diện của một “con người/nhân vị” ngay từ lúc khi trứng được thụ tinh. Vì lý do đó, không thể chấp nhận được xét về mặt đạo đức, khi sử dụng sự sống con người này (tức là các phôi được sử dụng để lấy tế bào gốc) để cứu một người khác (để cấy ghép hoặc thay thế các bộ phận bị hư hỏng). Quan điểm này, chúng ta có thể tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, trích từ Huấn Huấn Thị “Donum Vitae” (Qùa Tặng Sự Sống) do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 22/02/1987.
Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.”
Chỉ điểm qua một vài ví dụ cụ thể đó, quí vị có thể mường tượng ra được muôn vàn những khó khăn và thách đố khác. Cho nên, ở đây tôi chỉ ước ao được giới thiệu một vài khiá cạnh liên quan đến lãnh vực đạo đức sinh học, mang tính chất đương thời và đang thách đố con người thời đại, để có thể tìm ra một giải pháp hợp với nhân tính hơn cả, hy vọng góp phần vào sự thiện-ích cho nhân loại.

Người phỏng vấn: Minh Khôi?
6. Sinh học và các vấn đề đạo đức sinh học, có lẽ vẫn còn là những điều mới mẻ đối với nhiều người Việt Nam và nhiều nước khác trên đường phát triển, nhưng với thời gian, nó cũng sẽ trở thành một vấn đề lớn về mặt luân lý. Đàng khác, cha có lẽ cũng thuộc vào số những linh mục Việt Nam đầu tiên, dấn thân vào việc nghiên cứu bộ môn đạo đức sinh học. Cha có hoài vọng nào về tương lai trong lãnh vực này ở Việt Nam không?

Cha Hùng:
Sau thời gian học tập tại Accademia Alfonsiana ở Rôma và được tiếp xúc với một số vị giáo sư có tầm cỡ tại đây. Tôi nhận ra tầm quan trọng của lãnh vực đạo đức sinh học và những vấn nạn cũng như những thách đố hiện nay mà Giáo Hội Công Giáo đang tìm cách đối phó, hay nói đúng hơn, đang tìm kiếm câu trả lời cho các vấn nạn ấy một cách thiết thực, chí lý và thỏa đáng.
Riêng tại Việt Nam, thì theo như sự hiểu biết của tôi, có lẽ chúng ta chưa có thành lập được một trung tâm về đạo đức sinh học, để có phương tiện và nơi chốn cho các chuyên gia và các học gỉa làm việc nghiên cứu. Đây là một điều hơi đáng buồn, và đối với bản thân tôi, tôi rất lấy làm tiếc, vì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có cơ hội thuận lợi để phát triển, hầu thành lập và xây dựng những cơ quan hay trung tâm như thế, nhằm phục vụ đồng bào quần chúng một cách hữu hiệu hơn, trong lãnh vực đạo đức sinh học, và cùng lúc nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho các giới giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và các đại chủng sinh tại Việt Nam.
Tôi đã có gợi ý và đặt vấn đề này với một vài vị hữu trách, phía bên Giáo Hội Công Giáo, nhưng có lẽ vì là điểm tế nhị, nên hiện nay vẫn còn phải chờ đợi, cho đến khi nào tất cả mọi sự cho phép, thì mình mới có điều kiện và khả năng để thực hiện giấc mơ ấy.
Tuy nhiên, nếu như tôi được phép chia sẻ với quí vị thính giả và độc gỉa Việt Nam, qua hệ thống internet của Vietcatholic, về cái hoài vọng của tôi, thì tôi xin đơn giản thố lộ như sau: Hãy bắt tay làm việc ngây từ giây phút này, những gì mà chúng ta có thể làm được, dù nhỏ bé. Vì tương lai mai ngày sẽ được xây dựng bằng những việc làm cụ thể trong giây phút hiện tại. Tác phẩm đầu tay của tôi về đạo đức sinh học cũng đã diễn ra như vậy… và nay đã hoàn thành.
Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể qúi vị cộng tác trong Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam đã dành cho tôi một vinh dự lớn lao, ngang qua cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Quý anh chị đã cho tôi cái hân hạnh được chia sẻ với quí vị thính giả Việt Nam về những công việc nghiên cứu của tôi. Điều ấy, đối với tôi là một niềm vui sướng và vinh hạnh lớn, và tôi coi đó như là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa.

Xin cám ơn chị Minh Khôi và toàn thể quí vị thính giả.
Xin kính chào quý vị.
Linh mục: Phêrô Trần Mạnh Hùng, DCCT
L.J. Goody Bioethics Centre
39 Jugan Street,
Glendalough, WA. 6016. Australia.
Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au
Upload on Youtube by Peter Tran Wednesday, 25 November 2015

(http://www.youtube.com/watch?V=aoa dAaouLzg)


[1] . Peter Hung Manh Tran, C.Ss.R., ADVANCING THE CULTURE OF DEATH: Euthanasia and Physician Assisted Suicide, 2nd Edition (Mumbai, India: Pauline Publications, 2011).
[2] . Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R., Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003).
[3] . Trong Từ Điển Y Khoa của Việt Nam thì từ Pluripotent Multipotent đều có nghĩa là đa năng, lẽ đó người viết muốn sử dụng các từ chuyên môn bằng Tiếng Anh để chỉ rõ sự khác biệt về các tên gọi của mỗi loại tế bào gốc, khi bàn đến chức năng và sự khác biệt của chúng.
[4] . Tuy nhiên với những khám phá mới gần đây cho thấy các khoa học gia có thể tìm thấy và thâu hoạch tế bào gốc từ các nguồn khác nữa, ví dụ: Tế bào gốc cũng có thể lấy được từ dây rốn, dịch ối hay nhau thai của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong tủy xương.
[5] . Dr. John Gearhart (Johns Hopkins University) gained international recognition 4 years ago when he first extracted pluripotent stem cells from aborted babies. He is now quoted as stating that adult stem cell technology may have greater therapeutic potential than embryonic stem cells. This is an important statement from Dr. Gearhart. [Society for the protection of Unborn Children (SPUC), 11/02 newsletter; Cincinnati Right to Life, 2/03]
[7] . Độc gỉa có thể kiểm chứng điều này bằng việc tìm đọc các tài liệu đã được phổ biến trên các tạp chí khoa học về việc sử dụng Tế Bào Gốc trưởng thành trong phương pháp trị liệu. Điều này đã mang lại sự thành công và có hiệu qủa khả quan hơn so với việc sử dụng Tế Bào Gốc phôi. Luận điểm này đã được khoa học gia Ian Wilmut công nhận trong bài phỏng vấn dành cho ký gỉa người Pháp – The French interview is at http://www.genethique.org/tribunes_mensuelles/mai_2009.asp. Bài phỏng vấn này cũng được dịch sang tiếng Anh và đăng tại:
Prof. Ian Wilmut là vị đã khai mào công trình nghiên cứu về lãnh vực nhân bản vô tính và đã thành công trong việc tạo nên chú cứu Dolly vào năm 1997 bằng phương pháp chuyển nhân.
Quí vị độc gỉa cũng có thể tham khảo thêm ở điạ chỉ website dưới đây, để nắm rõ chi tiết về sự lợi ích của việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành trong phương thức trị liệu, xin nhấn vào đây: www.stemcellresearch.org. Theo thông tin của Zenit News – Published on Monday 8th June 2009 – http://www.zenit.org/article-26117?l=english
The readers can also go to www.stemcellresearch.org, and see for themselves the dozens of cures that have already been obtained with adult stem cells, and the zero cures with embryonic stem cells – all documented with research articles in scientific journals.

Nguồn tin: Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét