Thượng
Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 3
(Sun,
22/11/2015 - Vũ
Văn An-Vietcatholic.net)
Chương
3
Gia
đình và việc đồng hành mục vụ
Các hoàn cảnh phức tạp
Các hoàn cảnh phức tạp
69. Như một sự kết hợp trung thành và
bất khả tiêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà, được mời gọi chấp nhận
nhau và chấp nhận sự sống, bí tích hôn phối là một ơn phúc vĩ đại dành cho gia đình
con người. Giáo Hội có được niềm vui và bổn phận công bố hồng ân này cho mọi
người trong mọi hoàn cảnh. Ngày nay, mỗi ngày người ta càng ý thức được trách
nhiệm phải đem các người đã chịu phép rửa tới chỗ tái khám việc ơn thánh Chúa
hành động ra sao trong đời họ, ngay trong các hoàn cảnh khó khăn nhất, để đem
họ tới chỗ viên mãn của bí tích. Dù vẫn đánh giá cao và luôn khuyến khích các
gia đình tôn trọng vẻ đẹp của hôn nhân Kitô Giáo, Thượng Hội Đồng muốn thúc đẩy
việc biện phân mục vụ các hoàn cảnh trong đó việc chấp nhận ơn phúc này đang
gặp khó khăn trong việc đánh giá, thậm chí, trong một số hoàn cảnh, còn bị
thương tổn nữa. Quả là một trách nhiệm nghiêm trọng khi phải duy trì cuộc đối
thoại sinh động với các tín hữu này, khi phải tìm sự đồng thuận đối với việc
làm thế nào có được sự suy nghĩ chín chắn đối với Tin Mừng hôn nhân và gia đình
trong tính viên mãn của nó. Các mục tử phải nhận diện các yếu tố nào có lợi cho
việc truyền giảng Tin Mừng và việc phát triển nhân bản và thiêng liêng cho
những người Chúa đã ủy thác cho mình chăm sóc.
70. Quan tâm mục vụ cần phải trình bầy
sứ điệp Tin Mừng một cách rõ ràng và thu thập các yếu tố tích cực trong các
hoàn cảnh chưa đáp ứng được sứ điệp này, hay không hề đáp ứng nó chút nào. Tại
nhiều quốc gia, con số những cặp sống chung nhưng không kết hôn với nhau, cả
theo giáo luật lẫn theo dân luật, càng ngày càng gia tăng. Tại một số quốc gia,
vẫn còn lối hôn nhân cổ truyền, do sự sắp xếp giữa hai gia đình và thường được
cử hành trong nhiều giai đoạn khác nhau. Việc người ta chọn sống chung với nhau
thường là do não trạng muốn chống đối các định chế và các cam kết dứt khoát nói
chung, nhưng cũng có thể do việc muốn chờ một sự an toàn hơn cho cuộc sống
(việc làm hay đồng lương ổn định). Cuối cùng, tại một số quốc gia khác, những
cuộc kết hợp trên thực tế (de facto) đang phát triển nhanh chóng, không những
chỉ vì muốn bác bỏ các giá trị gia đình và hôn nhân, mà còn vì việc kết hôn bị
họ coi là hàng xa xỉ, do điều kiện xã hội, thành thử, sự thiếu thốn về xã hội
đã buộc người ta phải kết hợp trên thực tế. Tất cả các hoàn cảnh này đều phải
được ứng phó một cách xây dựng, tìm cách làm sao biến đổi chúng thành các dịp
để hoán cải hướng tới sự viên mãn của hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Tin
Mừng.
71. Việc quyết định kết hôn dân sự hay
chỉ đơn giản sống chung với nhau thường không do sự thúc đẩy của thiên kiến hay
đề kháng chống lại sự kết hợp bí tích, mà là do các xem xét văn hóa hay ngẫu
nhiên mà ra. Trong nhiều hoàn cảnh, việc quyết định sống chung với nhau là dấu
chỉ một liên hệ thực sự muốn tiến tới hướng ổn định. Một ý muốn như thế, nếu
được biểu hiện bằng một sợi dây liên kết lâu bền, đáng tin cậy và sẵn sàng chào
đón sự sống, thì ta có thể coi nó như một cam kết để mở đường tiến tới bí tích
hôn phối, vì nghĩ rằng đây là kế hoạch Thiên Chúa dành cho đời họ. Ta nên
khuyến khích con đường tiến tới này, một con đường có thể dẫn tới hôn nhân bí
tích, nếu ta nhận ra các đặc điểm chân thực của một tình yêu đại lượng và bền
vững: muốn tìm điều tốt cho người khác trước khi nghĩ đến quyền lợi của mình;
kinh nghiệm tha thứ và được tha thứ; khát mong xây dựng một gia đình không tự
khép kín, trái lại cởi mở đối với lợi ích của cộng đồng Giáo Hội và xã hội nói
chung. Căn cứ vào con đường này, ta cần thừa nhận giá trị của các dấu chỉ yêu
thương vừa kể, chúng thực sự phản ảnh tình yêu Thiên Chúa trong một cam kết hôn
nhân chân chính.
72. Các vấn đề liên quan tới hôn nhân
hỗn hợp đòi phải có sự quan tâm đặc biệt. Hôn nhân giữa người Công Giáo và
người Kitô hữu đã rửa tội trong các Giáo Hội khác “ít nhất do diện mạo đặc thù của nó, cũng đem lại nhiều yếu tố để được
đánh giá cao và trân qúy, hoặc vì giá trị nội tại của chúng hoặc vì các đóng
góp của chúng cho phong trào đại kết”. Với một mục đích như thế, “nên tìm cách để có sự hợp tác chân tình
giữa các thừa tác viên Công Giáo và không Công Giáo, từ lúc chuẩn bị kết hôn
cho tới lúc kết hôn” (FC, 78). Về vấn đề chia sẻ Thánh Thể, ta nên nhớ rằng
“quyết định cho phép hay không cho phép
phía không Công Giáo rước lễ phải được xem xét theo các quy định chung hiện
hành, cả đối với Kitô hữu Đông Phương lẫn các Kitô hữu khác, và có lưu ý tới
hoàn cảnh đặc thù này là những người lãnh nhận bí tích hôn phối đều là các Kitô
hữu đã rửa tội. Mặc dù vợ chồng của hôn nhân hỗn hợp cùng lãnh nhận bí tích rửa
tội và bí tích hôn phối, nhưng việc chia sẻ Thánh Thể thì không có ngoại lệ và
dù trong trường hợp nào, các qui định đã được đặt ra phải được tuân giữ...” (Hội
Đồng Giáo Hoàng về Hợp Nhất Kitô Hữu, Chỉ Thị về việc Áp Dụng các Nguyên Tắc
và các Qui Định Đại Kết, 25 tháng Ba, 1993, 159-160).
73. Các cuộc hôn nhân khác đạo giúp ta
có môi trường rất tốt để đối thoại liên tôn trong cuộc sống hàng ngày, và có
thể là dấu hiệu hy vọng cho các cộng đồng tôn giáo, nhất là trong các hoàn cảnh
căng thẳng. Các cặp vợ chồng chia sẻ các kinh nghiệm tâm linh liên hệ, hay con
đường đi tìm tôn giáo nếu một trong hai người là người chưa tin (xem 1 Cor
7:14). Nhưng các cuộc hôn nhân khác đạo này cũng đặt ra nhiều khó khăn đặc
biệt, liên hệ cả tới căn tính gia đình lẫn việc dưỡng dục con cái. Các cặp vợ
chồng được mời gọi phải thường xuyên biến đổi tâm tình lôi cuốn lúc ban đầu
thành lòng thành thực ước muốn điều tốt cho người kia. Sự cởi mở này cũng biến
đổi sự gắn bó tôn giáo thành một dịp để phong phú hóa phẩm chất tâm linh của
mối liên hệ. Con số các gia đình phát xuất từ các cuộc hôn nhân khác đạo, hiện
đang gia tăng ở cả các nước truyền giáo lẫn các nước có truyền thống Kitô Giáo
lâu đời, đòi phải cung cấp một việc chăm sóc mục vụ dị biệt hóa tùy theo bối
cảnh xã hội và văn hóa khác nhau. Tại một số quốc gia, nơi không có tự do tôn
giáo, người phối ngẫu Kitô Giáo bị buộc phải qua tôn giáo của người kia mới có
thể lấy nhau được, và không thể cử hành một hôn lễ khác đạo hoặc cho con cái
rửa tội. Do đó, ta phải tái khẳng định việc tôn trọng tự do tôn giáo khi giao
dịch với bất cứ ai.
74. Các cuộc hôn nhân hỗn hợp và khác
đạo đem lại nhiều khía cạnh hứa hẹn phong phú đồng thời nhiều điểm gay go không
dễ giải quyết, trên bình diện mục vụ hơn là bình diện quy phạm, như vấn đề giáo
dục tôn giáo cho con cái, việc tham dự sinh hoạt phụng vụ của người phối ngẫu,
việc chia sẻ các kinh nghiệm tâm linh. Để giải quyết một cách xây dựng các dị
biệt thuộc phạm vi đức tin, điều chủ yếu là phải lưu ý đặc biệt tới những con
người kết hợp nhau trong cuộc hôn nhân này, không phải chỉ trong thời kỳ trước
hôn nhân mà thôi. Các cặp và các gia đình trong đó, một người phối ngẫu là Công
Giáo còn người kia không có đức tin, đang gặp nhiều thách đố đặc biệt. Trong
những trường hợp như thế, điều cần là phải làm chứng cho người ta thấy Tin Mừng
có khả năng giải quyết các hoàn cảnh này cách tường tận, khiến cho việc dưỡng
dục con cái trong đức tin trở nên khả hữu.
75. Rửa tội cho những người bị kẹt
trong các hoàn cảnh hôn nhân phức tạp là một trong những điều rất khó khăn. Đây
là những kết ước hôn nhân trong đó, ít nhất một trong hai người không biết gì
về đức tin Kitô Giáo. Trong những trường hợp như thế, các vị giám mục được mời
gọi thực hành biện phân mục vụ một cách thích đáng để giúp những người này về
phương diện thiêng liêng.
76. Giáo Hội dựa vào Chúa Giêsu để lên
khuôn quan điểm của mình. Người là Đấng, vì yêu thương vô hạn, đã hiến mình vì
mọi người không trừ ai (MV, 12). Khi xử sự với các gia đình có người có khuynh
hướng đồng tính luyến ái, Giáo Hội tái khẳng định điều này: mọi người, bất kể
khuynh hướng tính dục bản thân, đều đáng được tôn trọng vì phẩm giá của họ và
được chào đón cách tôn trọng, thận trọng tránh “bất cứ dèm pha có tính kỳ thị
bất công nào” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các xem xét liên quan tới việc thừa
nhận hợp pháp các cuộc kết hợp đồng tính, 4). Phải dành cho việc đồng hành
với các gia đình có người có khuynh hướng đồng tính một sự chăm sóc đặc thù.
Đối với các kế hoạch nhằm công nhận tư thế bình đẳng về hôn nhân cho các cuộc
kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái, thì “không có bất cứ căn bản nào để so sánh hay thiết lập một loại suy nào,
dù là xa xôi, giữa các cuộc kết hợp đồng tính và kế hoạch mà Thiên Chúa vốn
dành cho hôn nhân và gia đình (vừa dẫn)".
Thượng Hội Đồng chủ trương rằng không thể chấp nhận được việc các Giáo Hội
địa phương nhường bước trước các áp lực về vấn đề này, cũng như việc các tổ
chức quốc tế đặt điều kiện cho các nước nghèo phải ban hành các đạo luật thiết
lập ra cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới tính nếu muốn được trợ giúp về
tài chánh.
Đồng hành
trong các hoàn cảnh khác nhau
77. Bằng một chia sẻ đầy cảm xúc, Giáo
Hội biến thành của mình các niềm vui và hy vọng, các đau đớn và lo âu của mọi
gia đình. Đối với Giáo Hội, đứng cạnh các gia đình như một người đồng hành có
nghĩa chấp nhận một thái độ biết khôn ngoan thích ứng: có lúc cần phải ở bên
cạnh và im lặng lắng nghe; có lúc, cần tiến lên phía trước để chỉ đường phải
đi; lại có lúc, phải đi phía sau, hỗ trợ và khích lệ. “Giáo Hội phải khai tâm
các chi thể của mình, linh mục, tu sĩ và giáo dân, vào 'nghệ thuật đồng hành',
để mọi người học được việc phải cởi giầy ra trước mảnh đất thánh thiêng là
người khác (xem Xh 3:5). Ta nên đem vào nẻo đường đi một nhịp bước gần gũi bổ
ích, với một cái nhìn kính cẩn và đầy cảm thương, nhưng đồng thời có tính chữa
lành, giải thoát, và khuyến khích sự trưởng thành trong cuộc sống Kitô hữu”
(EG, 169). Giáo xứ cung cấp sự chăm sóc mục vụ chính cho các gia đình vì giáo
xứ là gia đình của các gia đình, trong đó, việc đóng góp của các cộng đồng nhỏ,
các phong trào và hiệp hội trong Giáo Hội được thống nhất một cách nhịp nhàng.
Việc đồng hành đòi phải có các linh mục được huấn luyện chuyên biệt, phải lập
ra các viện chuyên môn để các linh mục, các tu sĩ và giáo dân học cách chăm sóc
mọi gia đình, đặc biệt là các gia đình đang gặp khó khăn.
78. Một thừa tác vụ chuyên dành cho
những người có mối liên hệ hôn nhân tan vỡ xem ra hết sức cấp thiết vào lúc
này. Thảm kịch phân ly thường xuất hiện sau nhiều thời kỳ tranh chấp lâu dài,
tạo đau khổ lớn lao trước nhất cho con cái. Cảnh cô lập của người phối ngẫu bị
bỏ rơi, người thường bị bó buộc phải phá vỡ cuộc sống chung do bị liên tiếp
hành hạ trầm trọng, đòi cộng đồng Kitô hữu phải chăm lo họ cách đặc biệt. Việc
ngăn ngừa và chăm sóc đối với những người bị bạo hành trong gia đình đòi phải
có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà chức trách tư pháp để có hành động chống lại
người gây ra tội ác và đem lại sự che chở thoả đáng cho các nạn nhân. Ngoài ra,
điều chủ yếu là phải phát huy việc bảo vệ các trẻ vị thành niên khỏi bị lạm
dụng tình dục. Xem ra cũng cần lưu ý tới các gia đình trong đó, một số thành
viên theo đuổi các hoạt động có những đòi hỏi đặc thù, như những người trong
quân ngũ chẳng hạn, là những người sống trong trạng thái xa cách về thể lý và
vắng mặt khỏi gia đình lâu ngày, với mọi hậu quả phát sinh từ việc này. Rồi khi
từ chiến tuyến trở về, họ còn thường chịu ảnh hưởng của hội chứng hậu chấn
thương (post-traumatic syndrome) và bị bối rối trong lương tâm khiến họ gặp
nhiều vấn nạn về luân lý. Thành thử ở đây, cần một loại chăm sóc mục vụ đặc thù
đối với họ.
79. Kinh nghiệm thất bại hôn nhân luôn
là một kinh nghiệm đau buồn đối với hết mọi người. Mặt khác, cũng sự thất bại này
có thể trở thành một dịp để suy nghĩ, hoán cải và tin tưởng vào Thiên Chúa: Nhờ
biết thừa nhận phần trách nhiệm của mình, mỗi người có thể tìm được tin tưởng
và hy vọng nơi chính mình. “Từ trái tim
Ba Ngôi, từ những thẳm sâu riêng tư nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa, bật lên cho
chúng ta và chẩy hoài không ngừng là con sông vĩ đại của lòng thương xót. Dòng
suối này không bao giờ bị múc cạn đối với tất cả những ai lui tới với nó. Mỗi
lần có ai cần, họ đều tới gần nó, vì lòng thương xót của Thiên Chúa là vô tận” (MV
25). Tha thứ cho một bất công mình phải chịu là điều không dễ dàng, nhưng đây
là con đường nhờ ơn thánh mà trở thành khả hữu. Bởi thế, cần có thừa tác vụ
hoán cải và hòa giải, thậm chí cần thiết lập tại các giáo phận các trung tâm
chuyên biệt để lắng nghe và làm trung gian. Dù sao, cần phải cổ vũ công lý đối
với mọi phía có liên hệ tới sự tan vỡ hôn nhân (các người phối ngẫu và con
cái). Cộng đồng Kitô hữu và các mục tử của họ có nghĩa vụ yêu cầu các người
phối ngẫu ly thân và ly dị đối xử với nhau một cách kính trọng và từ bi, trước
hết vì lợi ích con cái, những người mà ta không nên chồng chất thêm đau khổ.
Con cái không thể là đối tượng của tranh chấp, và phải tìm ra phương thế tốt
nhất để chúng vượt qua được chấn thương gia đình ly tán và lớn lên một cách
thanh thản bao nhiêu có thể. Dù sao, Giáo Hội cũng phải luôn nhấn mạnh tới nỗi
bất công thường phát sinh từ hoàn cảnh do ly dị tạo nên.
80. Các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ
(gia đình có cha mẹ đơn lẻ) có những nguyên nhân khác hẳn: mẹ hoặc cha ruột
(theo sinh học) chưa bao giờ muốn hòa nhập vào cuộc sống gia đình, các hoàn
cảnh bạo hành khiến cha hay mẹ phải trốn chạy với các con, một người trong cha
mẹ qua đời, cha hay mẹ bỏ bê gia đình, và nhiều hoàn cảnh khác nữa. Bất cứ do
nguyên nhân nào, người cha hay người mẹ sống với đứa con luôn phải tìm sự nâng
đỡ và an ủi từ các gia đình khác trong cộng đồng Kitô hữu, và từ cả các cơ cấu
mục vụ của giáo xứ. Phân tích cho cùng, các gia đình này thường chịu ảnh hưởng
nặng nề bởi các vấn đề kinh tế, bởi sự bất trắc, không an toàn về việc làm, bởi
khó khăn trong việc bảo dưỡng con cái, bởi việc không có nhà ở. Cũng cần phải
có một sự lo lắng mục vụ y như thế đối với những người góa bụa, các bà mẹ vẫn
còn là thiếu niên và con cái họ.
81. Bất cứ khi nào các cặp vợ chồng gặp
vấn đề trong mối liên hệ của họ, họ cũng nên có thể trông nhờ sự giúp đỡ và
đồng hành của Giáo Hội. Kinh nghiệm cho thấy: với sự trợ giúp thích đáng và với
hành động hòa giải của ơn Chúa Thánh Thần, đa số các cuộc khủng hoảng hôn nhân
đã được vuợt qua cách thỏa đáng. Biết cách tha thứ và cảm nhận được sự tha thứ
là kinh nghiệm nền tảng của cuộc sống gia đình. Sự tha thứ giữa vợ chồng với
nhau giúp ta khám phá ra sự thật sau đây của tình yêu: nó hiện hữu mãi mãi,
không bao giờ chấm dứt (xem 1Cor 13:8). Trong lãnh vực liên hệ bản thân, nhu
cầu hoà giải gần như là chuyện xẩy ra hàng ngày. Các hiểu lầm do các liên hệ
với gia đình gốc gây ra, sự tranh chấp giữa các phong tục văn hóa và dị biệt
tôn giáo, các khác nhau trong việc dưỡng dục con cái, lo lắng trước các khó
khăn kinh tế, các căng thẳng phát sinh từ việc mất việc làm, là một số nguyên
nhân thường xuyên tạo ra căng thẳng và tranh chấp. Nghệ thuật chăm chỉ hòa
giải, một nghệ thuật đòi có sự trợ giúp của ơn thánh, cần sự hợp tác đại lượng của
cha mẹ, bạn bè, và đôi khi của người ngoài nữa. Trong những trường hợp đau lòng
hơn, như bất trung chẳng hạn, thì cần phải có cố gắng đền bồi thực sự và thành
thực, để đặt mình vào cung cách suy nghĩ đúng đắn. Một đoan hứa bị thương có
thể được chữa lành trở lại: Ngay lúc khởi sự chuẩn bị kết hôn, nên có bài dạy
về niềm hy vọng này. Hành động của Chúa Thánh Thần là điều nền tảng trong việc
chăm sóc các gia đình và các cá nhân bị thương; ngoài ra cần lãnh nhận bí tích
Hòa Giải, và được các thừa tác viên có kỹ năng đồng hành trong hành trình
thiêng liêng.
82. Đối với số lớn các tín hữu từng
kinh qua cuộc hôn nhân bất hạnh, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu là con đường
nên theo. Hai Tự Sắc Mitis Iudex Dominus Jesus và Mitis et Misericors
Jesus mới đây đã dẫn đến việc đơn giản hóa các diễn trình tuyên bố hôn nhân
vô hiệu. Với các bản văn này, Đức Thánh Cha cũng muốn “nói rõ rằng chính vị giám mục, trong Giáo Hội của ngài, một Giáo Hội
ngài được cử nhiệm làm mục tử và làm người đứng đầu, do chính sự kiện này, là
quan tòa của các tín hữu đã được ủy thác cho ngài” (MI, Nhập đề,
III). Việc thi hành các văn kiện này là trách nhiệm quan trọng của vị bản quyền
giáo phận; vị này được mời gọi phán xử một số trường hợp, để tín hữu dễ dàng
tìm được công lý hơn. Việc này đòi phải có sự chuẩn bị để có đủ số nhân viên,
gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân; những người này phải được ưu tiên dành cho phận vụ
này trong Giáo Hội. Do đó, điều bó buộc là giúp các người đã ly thân hay các
gia đình đang gặp khủng hoảng có thể sử dụng được các dịch vụ thông tin, huấn
đạo và làm trung gian, liên kết với việc chăm sóc mục vụ cho gia đình, thậm chí
các dịch vụ này còn có thể tiếp đón người ta trong các cuộc điều tra sơ khởi về
diễn trình hôn phối.
83. Chứng tá của những người, dù trong
các hoàn cảnh khó khăn, vẫn không bước vào cuộc kết hợp mới, vẫn trung thành
với sợi dây bí tích, đáng được Giáo Hội đánh giá cao và hỗ trợ. Giáo Hội muốn
bày tỏ với họ gương mặt của một Thiên Chúa trung thành với tình yêu của Người
và luôn sẵn sàng phục hồi sức mạnh và niềm hy vọng. Những người đã ly thân hay
ly dị nhưng không tái hôn, là các chứng tá của lòng chung thủy vợ chồng, và
phải được khích lệ trong việc tìm của nuôi dưỡng trạng thái sống của họ nơi
Thánh Thể.
Biện phân
và hội nhập
84. Những
người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các
cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu. Luận
lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ,
không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn
để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy. Họ
là người đã rửa tội, họ là anh chị em, Chúa Thánh Thần tuôn đổ các ơn phúc và
đặc sủng vào trong họ để sinh ích cho mọi người. Sự tham dự của họ có thể được
phát biểu trong nhiều việc phục vụ khác nhau trong Giáo Hội: nên Giáo Hội phải
biện phân xem có thể hủy bỏ những hình thức nào trong số các hình thức loại trừ
đang được áp dụng trong sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và định chế. Không
những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và
lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ
hiền vẫn đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên
đường đời và đường Tin Mừng.
Việc
hội nhập này cũng cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn
phải được coi là quan trọng nhất. Đối với cộng đồng Kitô Giáo, săn sóc những
người này không làm suy yếu đức tin và chứng tá của Giáo Hội đối với tính bất
khả tiêu của hôn nhân; đúng hơn, trong việc săn sóc này, Giáo Hội nói lên tình
bác ái của mình một cách thích đáng.
85. Thánh Gioan Phaolô II đã cho ta một
tiêu chuẩn toàn bộ, một tiêu chuẩn vẫn là căn bản cho việc đánh giá các hoàn
cảnh này: “Các mục tử phải biết rằng, vì
lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh
một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố
gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và
những người, vì lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt cuộc hôn nhân thành sự
theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai chỉ vì
muốn dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi biết
chắc trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô
phương cứu chữa chưa bao giờ thành sự cả” [Familiaris Consortio 84].
Bởi thế, bổn phận của các linh mục là đồng hành với những người liên hệ trên
con đường họ biện phân theo giáo huấn của Giáo Hội và sự hướng dẫn của vị giám
mục. Trong diễn trình này, điều hữu ích là thực thi việc xét mình trong những
lúc suy gẫm và thống hối. Người ly dị và tái hôn phải tự hỏi mình xem mình đã
cư xử ra sao với con cái khi cuộc khủng hoảng bắt đầu xẩy ra với cuộc hôn nhân
đầu; họ có thực hiện các cố gắng hòa giải hay không; tình huống người bạn đời
bị bỏ rơi ra sao; các hậu quả của mối liên hệ mới như thế nào đối với những
người khác trong gia đình và đối với cộng đồng tín hữu; và mẫu gương nào đã
được dành cho các người trẻ đang chuẩn bị kết hôn. Một suy gẫm thành thực có
thể tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng
thương xót không bị từ khước cho bất cứ ai.
Ngoài ra,
điều không thể chối cãi được là: trong một số hoàn cảnh, “Việc quy lỗi và quy trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm
bớt hay xóa bỏ” [Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1735] do
nhiều điều kiện khác nhau. Thành thử, phán kết về một hoàn cảnh khách quan
không nhất thiết dẫn tới một phán kết về việc “qui lỗi chủ quan” [Ủy
Ban Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, Tuyên Bố ngày 24 tháng Sáu, năm
2000, số 2a].
Trong
một số hoàn cảnh, người ta rất khó có thể hành động khác đi. Cho nên, dù vẫn
duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một
hành động hay một quyết đình nào đó không như nhau trong mọi trường hợp. Dù vẫn
phải lưu ý tới việc đào tạo lương tâm thích đáng nơi người ta, nhưng việc đồng
hành mục vụ phải dự liệu các hoàn cảnh này. Hậu quả của các hành vi không nhất
thiết phải như nhau trong mọi trường hợp.
86. Diễn trình đồng hành và biện phân
sẽ hướng dẫn các tín hữu này tới việc xét lương tâm đối với hoàn cảnh của họ
trước mặt Thiên Chúa. Đàm đạo với một linh mục ở tòa trong sẽ góp phần vào việc
đào tạo một phán đoán đúng về điều hiện đang ngăn cản khả thể được sống trọn
vẹn hơn trong Giáo Hội và về các biện pháp có thể gây thuận lợi và phát huy
việc phát triển này. Xét vì trong cùng một lề luật, không hề có sự tiệm tiến [Familiaris
Consortio số 34], nên việc biện phân này không thể không xét tới các đòi
hỏi của Tin Mừng về chân lý và bác ái được Giáo Hội trình bầy. Để việc này có
thể diễn ra, các điều kiện cần thiết về khiêm nhường, thận trọng, và kính yêu
Giáo Hội và giáo huấn Giáo Hội phải được bảo đảm, trong việc thành thực tìm
kiếm thánh ý Chúa và trong ước nguyện đạt tới một đáp ứng tốt nhất có thể có
đối với thánh ý này.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét