Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

THĐ Về Gia Đình Năm 2015, Tường Trình Sau Cùng

Thượng  Hội  Đồng  Về  Gia  Đình  Năm  2015,  Tường  Trình  Sau  Cùng
(Tue, 10/11/2015 - Vũ Văn An)




Sau đây là bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc kết thúc Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ 14 (4 tới 25 tháng Mười năm 2015) về chủ đề “Ơn Gọi và Sức Mệnh Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Ngày Nay” (Theo Bản Tiếng Anh của Đức Cha Michael G. Campbell, Giáo Phận Lancaster, Anh) .

Các chữ viết tắt
 AA: Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem (18-11-1965)
AG: Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Ad Gentes (7-12-1965)
CCC: Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo (15-8-1997)
CiV: Đức Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Caritas in Veritate (29-6- 2009)
DC: Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Lệ, Huấn Thị Dignitas Connubii (25-1-2005)
DCE: Đức Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25-12- 2005)
DeV: Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18-3-1986)
GS: Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (7-12-1965)
EdE: Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003)
EG: Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013)
EN: Chân Phúc Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975)
EV: Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium Vitae (25-3-1995)
FC: Thánh Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22-11-1981)
IL: Phiên Họp Đặc Biệt Lần III của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Tài Liệu Làm Việc (24-6-2014)
LF: Đức Phanxicô, Thông Điệp Lumen Fidei (29-6-2013)
LG: Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (21-11-1964)
LS: Đức Phanxicô, Thông Điệp Laudato Si' (24-5-2015)
MV: Đức Phanxicô, Tự Sắc Misericordiae Vultus (11-4-2015)
NA: Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Nostra Aetate (28-10-1965)
NMI: Thánh Gioan Phaolô II, Tông Thư Novo Millennio Ineunte (6-1-2001)
RM: Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio (7-12-1990)
VS: Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Veritatis Splendor (6-8-1993)

NHẬP ĐỀ
1. Chúng tôi, các nghị phụ, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thượng Hội Đồng, xin cám ơn ngài vì đã kêu gọi chúng tôi cùng suy nghĩ với ngài, và dưới sự hướng dẫn của ngài, về ơn gọi và sứ mệnh của gia đình ngày nay. Chúng tôi xin khiêm nhường dâng lên ngài thành quả các lao công của chúng tôi, vì biết rằng nó có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi có thể quả quyết rằng chúng tôi đã luôn nghĩ tới các gia đình thế giới với những hân hoan và hy vọng của họ, với những buồn sầu và đau đớn của họ. Các môn đệ của Chúa Giêsu luôn biết rằng “không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại” (GS 1). Chúng tôi xin tạ ơn Chúa vì lòng trung thành đại lượng của rất nhiều gia đình trong việc hưởng ứng ơn gọi và sứ mệnh của họ, dù gặp nhiều trở ngại, hiểu lầm và đau khổ. Toàn thể Giáo Hội xin khích lệ các gia đình này; vì, nhờ kết hợp với Chúa mình và được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội này luôn biết rằng mình có lời sự thật và hy vọng để hiến tặng mọi người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở điều này khi cử hành lễ khai mạc giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình thượng hội đồng dành cho gia đình này: “Thiên Chúa không dựng nên các hữu thể nhân bản để họ sống buồn sầu hay cô độc, mà để họ chia sẻ cuộc hành trình của họ với một người khác hòng bổ túc cho họ… Chúa Giêsu đã tóm lược kế hoạch này bằng những lời sau đây: “Ngay từ thuở sáng thế, Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam có nữ; vì lý do này, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ và cả hai sẽ nên một thân xác. Bởi thế, họ không còn là hai, mà chỉ còn là một thân xác” (Mc 10: 6-8; xem St 1:27; 2:24)”. Thiên Chúa “kết hợp trái tim một người người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau, nối kết họ trong sự hợp nhất và bất khả tiêu. Điều này có nghĩa: đối tượng của cuộc sống hôn nhân không phải chỉ là sống với nhau mãi mãi, mà còn yêu nhau mãi mãi nữa! Bởi thế, Chúa Giêsu đã tái lập trật tự nguyên thủy và và là trật tự phát sinh (…). Chỉ ở trong ánh sáng sự điên rồ nhưng không của tình yêu vượt qua của Chúa Giêsu, ta mới hiểu được sự điên rồ nhưng không của cuộc sống hôn nhân một vợ một chồng cho tới chết” (Bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng, ngày 4 tháng Mười năm 2015).

2. Là cung lòng của hân hoan và thử thách, Gia đình là trường học đầu tiên và tốt nhất của nhân loại (xem GS 52). Bất chấp các dấu hiệu khủng hoảng trong định chế gia đình thuộc nhiều bối cảnh khác nhau, ước nguyện có gia đình vẫn sinh động nơi các thế hệ trẻ trung. Là nhà chuyên môn về nhân loại và luôn tin tưởng vào sứ mệnh của mình, Giáo Hội xác tín công bố “Tin Mừng gia đình”: một tin mừng được tiếp nhận cùng một lúc với mạc khải của Chúa Giêsu Kitô và được giảng dậy một cách liên tục bởi các Giáo Phụ, các thầy dậy linh đạo, và Huấn Quyền của Giáo Hội. Gia đình mang một tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo Hội đang lữ hành: “Lớn lao thay là tình yêu qua đó Thiên Chúa khởi sự đồng hành với nhân loại, Người bắt đầu bước đi với dân của Người cho tới lúc họ trưởng thành thì Thiên Chúa ban cho họ dấu hiệu vĩ đại nhất của tình yêu của Người, đó là chính Con Một của Người. Và Người đã sai Con của Người tới đâu? Tới một cung điện? Để thiết lập một doanh nghiệp? Người sai Con Một Người tới một gia đình. Thiên Chúa đã bước vào thế giới trong một gia đình. Và Người đã có thể làm thế vì gia đình này có một trái tim biết mở cửa cho tình yêu, nó luôn để cửa mở rộng” (Đức Phanxicô, Diễn Văn tại Buổi Cử Hành Các Gia Đình, Philadelphia, 27 tháng Mười, 2015). Các gia đình ngày nay được mời gọi trở nên “các môn đệ truyền giáo” (Xem EG, 120). Trong chiều hướng này, điều cần là gia đình phải được tái khám phá như là chủ thể không thể miễn chước đối với việc truyền giảng Tin Mừng.

3. Đức Giáo Hoàng đã triệp tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để suy nghĩ về thực tại gia đình. “Việc tụ tập quanh Giám Mục Rôma trong hợp nhất vốn đã là một dịp đầy ơn thánh, trong đó, tính hợp đoàn giám mục trở nên hiển hiện trong cuộc hành trình thiêng liêng và trong việc biện phân mục vụ” (Đức Phanxicô, Diễn Văn tại Buổi Canh Thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về Gia Đình, 4 tháng Mười, 2014). Trong vòng 2 năm, đã diễn ra Phiên Toàn Thể Ngoại Thường (2014), và Phiên Tòan Thể Thường Lệ (2015), cả hai đảm nhiệm việc lắng nghe các dấu hiệu xuất phát từ Thiên Chúa và từ lịch sử nhân loại, trong sự trung thành với Tin Mừng. Thành quả cuộc gặp gỡ thứ nhất của Thượng Hội Đồng, trong đó Dân Thiên Chúa đóng góp phần khá quan trọng, đã được trình bầy trong Bản Relatio Synodi (Tường Trình Của Thượng Hội Đồng). Cuộc đối thoại và suy nghĩ của chúng tôi đã được gợi hứng bởi một phương thức ba nhánh: lắng nghe thực tại gia đình ngày nay, theo viễn ảnh đức tin, trong các phức tạp gồm đủ cả ánh sáng lẫn bóng tối của thực tại này. Mắt nhìn chặt vào Chúa Kitô, để có thể tái suy nghĩ mạc khải với một nét tươi mát và hứng khởi đổi mới, một mạc khải từng được lưu truyền trong đức tin của Giáo Hội. Gặp gỡ Chúa Thánh Thần để biện phân các nẻo đường dẫn tới việc canh tân Giáo Hội và xã hội trong nghĩa vụ của các định chế này đối với gia đình, vốn đặt căn bản trên hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ngoài việc làm sao để đáp ứng các vấn đề thời nay, trước hết, gia đình được Thiên Chúa mời gọi ý thức được một cách mới mẻ bản sắc truyền giáo của mình. Phiên họp của Thượng Hội Đồng được phong phú hóa nhờ sự hiện diện của các cặp vợ chồng và các gia đình trong cuộc thảo luận trực tiếp có liên quan tới họ. Trong khi gìn giữ thành quả của Phiên Họp trước, là phiên dành để bàn về các thách đố của gia đình, chúng tôi đã hướng chú ý của mình vào ơn gọi và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay.

Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét