Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

KHI VỢ HƠN CHỒNG

KHI  VỢ  HƠN  CHỒNG
Chuyện phiếm Gã Siêu



Mặc dù biết rất rõ mình chẳng có hoa tay và tài khéo, nhưng lại “mê” vẽ, thành thử hồi còn ở trung học nội trú, cứ chiều thứ năm được đi dạo phố, gã và mấy đứa bạn cùng sở thích thường hay la cà ở đường Tự Do, từ bến Bạch Đằng đến nhà thờ Đức Bà, hễ thấy có phòng triển lãm nào là chui vào ngắm nghía. Rồi về nhà cùng nhau đọc sách và “ngâm kíu” thêm về hội hoạ, cho nên gã cũng hiểu lõm bõm được thế nào là luật phối cảnh, thế nào là cách thức pha màu và những tỷ lệ cần phải giữ khi vẽ chân dung…Ngoài ra, gã cũng nhận thấy có những bức tranh đẹp vì tác giả đã diễn tả được cái vẻ cân đối hài hoà, nhưng cũng có những bức tranh đẹp vì ông hoạ sĩ đã sử dụng một cách tài tình những đường nét tương phản.

Cuộc đời mỗi người cũng chính là một bức tranh. Chẳng thế mà trong “Cung Oán Ngâm Khúc”, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:
– Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Vân là mây, cẩu là chó. Mây đó, rồi lại chó đó. Xuất phát từ câu “bạch vân biến vi thương cẩu” của thi hào Đỗ Phủ, nghĩa là đám mây trắng bỗng biến thành con chó xanh, để nói lên những đổi thay của đời người, nay còn mai mất.

Đời sống và nhất là đời sống hôn nhân cũng thế. Có những cuộc tình đẹp do vẻ hài hoà cân đối. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa, khi dựng vợ gả chồng cho con cái, thường tuân thủ định luật về “môn đương hộ đối”, nhà cửa phải ngang bằng với nhau, có ý nói đến sự tương đương về tiền bạc, về địa vị xã hội giữa nhà trai và nhà gái đang lăm le kết tình xui gia.

Thế nhưng, cũng có những cuộc tình đẹp do nét tương phản: So với chị vợ, anh chồng thường phải cao hơn một tí, già hơn một tí và giỏi hơn một tí….Mặc dù không nói ra, nhưng xem ra ai cũng công nhận và coi đó là một định lý thuận, một qui luật chung, chuyện đời phải vậy mà thôi.

Tuy nhiên, nếu tình thế bị lật ngược, có nghĩa là so với anh chồng, chị vợ cao hơn một tí, già hơn một tí và giỏi hơn một tí, lúc đó trời đất sẽ quay cuồng, mọi người sẽ không ngớt bàn ra tán vào, bàn vào tán ra. Thật là rách việc! Cũng chính vì thế, mà hôm nay gã xin trình bày đôi ba nét về cái “định lý đảo” này.

Thứ nhất, đó là khi chị vợ…cao hơn anh chồng
Chồng cao hơn vợ một cái đầu, đó chỉ chuyện thường ngày ở huyện. Bên cạnh nhà gã có một cô bé, hình dong bên ngoài hơi bị khiêm tốn, nếu không muốn nói là bị thiếu hụt thước tấc một cách trầm trọng. Bù lại, ông trời đã hào phóng ban tặng cho cô bé cái năng khiếu bên trong về ngoại ngữ thật tuyệt vời. Cô bé trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường đại học.

Thế rồi cô bé và một vài người khác được chọn, thay mặt cho nhà trường, đi trao đổi văn hoá tại Ấn Độ với bạn bè quốc tế của khối nói tiếng Anh. Và trong cuộc giao lưu này, một anh chàng Ăng Lê chính hiệu mắt xanh, tóc vàng hoe đã làm quen với cô bé.

Sau đó, khi trở về nước, tình yêu của họ bắt đầu đâm chồi nảy lộc qua những cái “meo” được trao đổi, cũng như qua những lần nói chuyện đường dài, “nấu cháo điện thoại”.

Cuối cùng, anh chàng Ăng Lê đã chịu đèn, say mê cô bé như điếu đổ, đích thân qua Việt Nam thăm cô bé, rồi lại đưa cả bà mẹ sang xin cưới hỏi đàng hoàng theo đúng thủ tục và nghi lễ của dân tộc ta. Thế nhưng, cô bé chỉ đứng tới ngực anh chàng Ăng Lê mà thôi. Có một lần trong chỗ riêng tư, gã đã hỏi cô bé:
– Khi hai người muốn hôn nhau một phát, thì phải làm sao nhỉ?
Cô bé vô tư trả lời:
– Thì mình kiễng chân lên một tí, còn anh ta thì cúi đầu xuống một tí. Và thế là có ngay một nụ hôn nồng thắm!
Bà con lối xóm chỉ lắc đầu ngao ngán cho cái thói to gan bạo phổi của cô bé. Nhưng dầu sao cho tới lúc này cô bé vẫn luôn hạnh phúc mãi tận xứ sở của sương mù, bên cạnh anh chồng cao khều của mình.

Tuy nhiên, điều không được bình thường cho lắm khi áp dụng định lý đảo này vào chị vợ, nghĩa là chị ta lại cao hơn anh chồng một tí. Có lẽ chính chị vợ cũng đã ngán ngẩm khi nhận ra sự trực trặc ấy, như ca dao đã từng diễn tả:
– Mẹ em tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Còn bàn dân thiên hạ thì lại nhìn anh chàng bằng cặp mắt soi mói, cộng thêm một chút thương hại:
– Chồng thấp mà lấy vợ cao,
Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa.

Viết tới đây, gã bỗng cảm thấy ngao ngán thay cho những cô hoa hậu Việt Nam, bởi vì trong những năm gần đây, người ta thường hay bình chọn những cô cao khoảng một mét bảy đổ lên, để được bằng chị bằng em, lỡ có phải ra nước ngoài thi thố. Nhưng người ta đâu có nghĩ tới tình trạng “lệch pha” của những người đẹp chân dài khi bước vào đời sống vợ chồng.

Thứ hai, đó là khi chị vợ…già hơn anh chồng
Anh chồng nhiều hơn chị vợ một vài tuổi, đó là chuyện bình thường. Có khi còn hơn cả một hai con giáp, thì cũng chẳng ai nhòm ngó. Thậm chí ngày nay nhiều cô gái trẻ lại thích lấy anh chồng già, vì anh chồng già xem ra chững chạc hơn, và nhất là biết chiều chuộng hơn: Chồng già vợ trẻ là tiên!

Chứ còn lấy anh chồng trẻ, tuổi tác xấp xỉ ngang nhau, cả hai tính khí vẫn như con nít, xoay như chong chóng, chẳng biết đường nào mà mò. Vợ chồng trẻ con, thích đấy rồi lại chán đấy.

Thế nhưng, nếu chị vợ chẳng may già hơn anh chồng một tí, thì lập tức liền bị bàn dân thiên hạ dí mũi, chõ miệng vào mà chê bai và phê phán: Vợ già chồng trẻ là duyên…con bò! Hay như ca dao cũng đã tốn nhiều lời bình luận:
– Chồng lớn vợ bé thì xinh,
Chồng bé vợ lớn ra tình chị em!

– Chồng già vợ trẻ là tiên,
Vợ già chồng trẻ như tiền vứt đi.

– Chồng già vợ trẻ là tiên,
Vợ già chồng trẻ là con điên lấy thằng khùng.

Bạn bè thì khuyên nhủ:
– Bây giờ cậu còn trẻ, giỏi giang, hắn mê cậu thật, nhưng sau mười năm nữa, cậu sẽ trở thành một bà già và hắn sẽ bỏ cậu để chạy theo những đứa con gái trẻ đẹp cho mà xem.

Bản thân chị vợ nhiều lúc cũng bực bội tức tối không ít, như câu chuyện dưới đây:

Vừa về đến nhà, bà M vứt phịch cái túi xuống rồi ngồi thừ trên ghế. Đứa con gái vừa mon men lại gần, bà liền quát um lên. Ông chồng dựng xe xong đi vào. Con gái cười cười hỏi bố:
– Bố lại vừa phạm tội gì à?
– Tao trẻ hơn mẹ mày là tao có tội hử?
Chỉ chờ có thế, bà M liền nổi trận lôi đình. Thì ra hai vợ chồng bà vừa đi ăn cưới về, tiện thể rẽ vào nhà đứa con gái lớn chơi. Mấy người họ hàng nhà thông gia bên ấy không hiểu mắt mũi thế nào mà lại đồng thanh chào:
– Cháu chào bà, cháu chào chú!
Bực nhất là có đứa còn hỏi ông chồng ra vẻ quan tâm:
– Chú đưa mẹ vợ đi chơi đấy à?
Hai vợ chồng bà M mặt…ngắn tũn, sượng sùng! (Diên Vỹ).
Tình trạng “lệch pha” này, được cánh báo chí hiện nay diễn tả một cách cụ thể và chính xác bằng cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già”!

Thứ ba, đó là khi chị vợ… giỏi hơn anh chồng
Chị vợ là giảng viên đại học. Anh chồng là tài xế taxi. Những ngày mới cưới, họ còn ngồi xem TV và trò chuyện với nhau. Nhưng rồi công việc của chị vợ mỗi ngày một nhiều. Trong lúc chị vợ bận rộn đọc tài liệu, soạn bài giảng, dịch sách, thì anh chồng lại ngồi đánh bài hay tán dóc với bè bạn. Nhất là khi đứa con trai của họ khôn lớn và bước chân vào ngưỡng cửa đại học, có việc gì nó cũng hỏi mẹ. Thành thử cứ mỗi lần hai mẹ con trao đổi với nhau về chuyện học hành, thì anh chồng lại bỏ ra quán cà phê hay tức tối gây sự. Anh cảm thấy mình chỉ là một kẻ thừa thãi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi.
Theo các chuyên gia tâm lý, thì sự chênh lệch về học thức rất dễ tạo nên những mâu thuẫn trong nhiều lãnh vực, chẳng hạn như giáo dục con cái, kế hoạch chi tiêu, quan hệ xã hội và thậm chí cả trong sinh hoạt tình dục.
Những anh chồng học vấn thấp thường cảm thấy ấm ức trước những ý kiến của chị vợ, nhất là khi chị vợ lại tỏ ra áp đặt. Rồi từ đó, anh chồng mang một thái độ tiêu cực và bất cần, không chịu chia sẻ công việc gia đình với chị vợ, và nhiều khi còn tìm cách bạo hành vợ để “bù đắp” những khuyết điểm của mình. (Minh Long).
Tác giả Lâm Thanh trên báo Phụ Nữ, khi phân tích về tình trạng “vợ giỏi”, cũng đã ghi nhận như sau:

Do quan niệm Á Đông đề cao nam giới, nên người vợ giỏi sẽ rất dễ làm nảy sinh mặc cảm và những suy nghĩ tiêu cực nơi anh chồng. Chị vợ thành đạt không còn có nhiều thời gian như trước đây, chị bận bịu hơn, nên thời gian dành cho gia đình cũng ít hơn, khiến anh chồng lại càng mặc cảm. Anh ngộ ra rằng vợ không còn đoái hoài gì đến mình, và mình cũng chẳng còn giá trị gì nữa.

Từ đó, anh chồng thường tỏ ra bất hợp tác với mọi việc làm của vợ, thậm chí còn quát mắng, đánh đập để thể hiện uy quyền của mình… Không thiếu những anh chồng nghĩ rằng: Là phụ nữ, dù có giỏi giang, thành đạt đến đâu chăng nữa, thì cũng vẫn là phụ nữ, nghĩa là vẫn phải nấu cơm, vẫn phải giặt quần áo cho chồng”.
Đúng như ca dao đã diễn tả:
– Khôn ngoan cũng thể đờn bà,
Dù rằng vụng dại cũng là đờn ông!
Có anh chồng đã quan niệm:
– Phụ nữ sinh ra không được quyền tài giỏi hơn chồng.

Thậm chí có anh chồng còn hung hăng phát biểu:
– Làm đàn ông có thể chịu khổ, chứ không thể chịu nhục được.
Sau cùng thứ tư, đó là chị vợ…giàu hơn anh chồng
Chữ giàu ở đây được hiểu theo hai nghĩa, đó là gia đình thuộc vào hàng khá giả và bản thân lại kiếm được nhiều tiền.
Người con gái trước khi lấy chồng được sánh ví như một tấm lụa:
– Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Nếu lấy được anh chồng giàu, thì mọi người đều trầm trồ khen ngợi, cho đó là một sự may mắn và số phận dường như mỉm cười với chị ta. Trong khi đó, người con trai chẳng may lấy được cô giàu, thì lại bị miệng lưỡi thế gian xỉa xói:
– Đũa mốc mà lại chòi mâm son: nghĩa là con nhà nghèo, học dốt,  xấu trai mà lại đòi lấy vợ đẹp, con nhà giàu!
– Chuột sa chĩnh gạo: mỉa mai sự may mắn được làm rể nhà giàu. Thậm chí còn được phong làm kỹ sư…đào mỏ, như ngôn ngữ thời nay người ta vốn thường dùng.

Một khi đã bước vào cuộc sống lứa đôi, để xây dựng mái ấm gia đình, thì anh chồng và chị vợ phải biết cộng tác với nhau: Chồng như đó vợ như hom, của chồng công vợ. Tiền của ai cũng được, miễn là thu nhập một cách chính đáng.

Tuy nhiên, sự đời lại không đơn giản, nhất là khi chị vợ có thu nhập cao hơn chồng. Đây chính là một con dao hai lưỡi, luôn đe doạ cắt đứt những sợi chỉ mỏng manh dệt nên tấm vải hạnh phúc. Hệ luỵ của nó, nhẹ thì ở mức vợ chồng lục đục, còn nặng thì đổ vỡ hay con cái hư hỏng.

Sở dĩ như vậy là vì trong tư tưởng của người Việt Nam, anh chồng vốn là cột trụ gia đình, có nhiệm vụ kiếm tiền để bảo đảm một cuộc sống ấm no cho mọi người. Chính vì thế, khi chị vợ có thu nhập cao hơn, thì lúc bấy giờ tiền sẽ trở thành nguyên nhân gây nên những xáo trộn và bất ổn. Nhiều anh chồng ngán ngẩm trước chị vợ giỏi kiếm tiền, đã rút ra được những kinh nghiệm quí giá như sau:
1- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, anh chồng dễ dàng bị sai khiến, không còn nở mày nở mặt và khoác lác được với bạn bè nữa.
2- Với chị vợ có thu nhập cao, về đến nhà chị ta sẽ nằm dài trên ghế sofa và truyền: Anh chỉ kiếm được vài đồng thì mệt mỏi cái nỗi gì, mau đi nấu cơn cơm cho em ăn! Mất toi những yêu thương và chăm sóc của bà xã.
3- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, anh chồng không còn là trụ cột của gia đình nữa, mà chỉ là một hạng ký sinh ăn bám mà thôi, thậm chí có khi còn bị đuổi ra khỏi nhà, vất vưởng, bơ vơ. Bằng không thì cũng phải bất đắc dĩ đóng trọn vai trò vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa làm “người chồng mẫu mực”.

4- Với chị vợ có thu nhập cao, anh chồng phải thường xuyên tháp tùng đi mua sắm và làm phu khuân vác đến toát cả mồ hôi hột, mệt nhừ cả người và chân tay bải hoải.

5- Với chị vợ kiếm được nhiều tiền, khi đi lại thì ngồi trên xe con có máy lạnh, ít hoạt động, nên dễ sinh bệnh tật. Khi ăn uống thì dùng những của ngon vật lạ, nếu huyết áp không cao, thì lượng mỡ trong máu cũng sẽ tăng vọt.

6- Với chị vợ có thu nhập cao, tiền bạc của anh chồng chỉ là chuyện nhỏ, không cần quản lý chặt chẽ, nên anh ta khó tránh khỏi những thói hư tật xấu, như rượu chè, cờ bạc và bồ nhí!

Chị vợ kiếm tiền giỏi hơn chồng không có nghĩa là “lên mặt”, trái lại cần phải mềm mỏng và nhẹ nhàng xử lý các tình huống, đồng thời dành quyền quyết định cho anh chồng. Chị vợ nên khéo léo gợi ý, rồi vận dụng khả năng thuyết phục một cách hợp lý, để nhận được sự đồng thuận của anh chồng.

Chị HM là một người phụ nữ xinh đẹp, tháo vát và khéo nuôi con, nhưng lại mắc phải một tật xấu duy nhất là kiếm tiền giỏi hơn chồng. Bản thân chị không bao giờ chê chồng kém, nhưng ngặt một nỗi, cứ bàn đến chuyện gì trong gia có liên quan tới tiền, thì anh chồng lại nói dỗi:
– Tôi làm sao được bằng cô, cô giỏi mà!!!
Thế nhưng, chị vẫn tôn trọng anh và cho biết:
– Một tháng tôi có thể làm thêm được hai ba chục triệu, nhưng nhìn một triệu anh đưa, tôi vẫn cảm thấy sung sướng, vì tôi biết mình đang cầm những đồng tiền do mồ hôi của chồng đổ xuống.
Còn anh chồng, trong những lúc sa cơ thất thế, hay bị sao quả tạ chiếu tướng, thay vì có thái độ tiêu cực, mặc cảm và bất hợp tác hãy khẳng định mình bằng những hành vi giúp đỡ cho chị vợ.
Để kết luận, gã xin ghi lại một hình ảnh đã được đăng tải trên báo Phụ Nữ như sau:
Trong đợt tập huấn về bạo hành gia đình được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, không ít người đã tròn mắt ngạc nhiên trước cảnh sống của một cặp vợ chồng Singapore. Họ sang Việt Nam để thuyết giảng về tâm lý. Người được mời là bà vợ, còn ông chồng đi theo để…bế con và lo cơm nước. Hàng ngày, sau khi đưa vợ đến hội trường, ông lái xe đưa bọn trẻ đi chơi và lo chăm sóc chúng. Ông chăm sóc một cách tự nhiên và thuần thục. Cuối ngày, ông đi đón vợ, mang cả con cái theo. Gặp vợ, ông lo lắng hỏi han về công việc, không có chút mặc cảm nào, khi phải thực hiện vai trò “nội tướng” của mình. (Lâm Thanh).

Quả là đáng khâm phục lắm vậy thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét