Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Luyện chồng Chuyện phiếm Gã Siêu

Luyện  chồng 
 Chuyện  phiếm  Gã  Siêu

Trong một bài viết ngăn ngắn trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, Đoàn Văn Thường đã ghi lại sự nghiệp của các chị vợ, đại khái tác giả viết như thế này: Vợ là bậc thầy của ta, vì các cụ ngày xưa đã từng bảo “bán tự vi sư”, nửa chữ cũng đã là thầy, huống hồ vợ đã dạy cho ta trọn cả một chữ…nhẫn! Thực vậy, sau khi lấy vợ, ta lập tức quen ngay với sự nhẫn nhục và chịu đựng. Nhiều bố, khi còn là giai tơ, tính tình nóng nảy hung dữ, thế mà vợ vào, bỗng trở nên hiền lành dễ bảo. Chỉ nguyên chuyện này mà thôi, vợ cũng xứng đáng được tôn phong lên hàng “sư mẫu”.

Vợ là nhà xã hội học của ta, vì vợ dạy cho ta biết lao động là vinh quang, cụ thể qua việc nấu ăn, giặt tã, lau nhà, tắm con. Vợ là nhà đạo đức học của ta, vì vợ dạy cho ta biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và quan tâm đến người khác, chẳng hạn như bố mẹ vợ, anh chị em vợ và bạn bè của vợ. Vợ là bác sĩ riêng của ta, vì vợ luôn nhắc nhở ta ăn cơm nhà và tránh phở đường phố, bởi vì phở dù ngon cũng chỉ ngoài da, cơm khê cũng thấm ruột già ruột non; cũng như không được bén mảng tới các quán xá vì thực phẩm ở đó mất vệ sinh, dễ nhiễm khuẩn lây bệnh.Vợ luôn cấm ta nhậu nhẹt, nhằm bảo vệ lá gan của ta khỏi bị u xơ, không nhiễm siêu vi B. Ăn ngủ theo đúng giờ giấc của đồng hồ sinh học, tránh xa xì trét, rất tốt cho sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác.

Nếu kể công đức của các chị vợ theo kiểu này, thì có mà đến tận thế cũng chẳng hết. Từ những sự việc trên, gã toan lấy tựa đề cho chuyện phiếm hôm nay là “dạy chồng”. Nhưng xem ra chữ “dạy” hơi bị nặng, làm mất mặt phe ta, vốn là các bậc tu mi nam tử, nên đành phải dùng chữ “luyện”, cho nó nhẹ nhàng, êm dịu hơn, nhưng nội dung cũng vẫn chỉ là một: Dạy con từ thuở còn thơ, luyện chồng từ thở bắt bồ làm quen.

Chuyện dạy chồng hay luyện chồng không phải chỉ là chuyện mới, mà còn là chuyện cũ, cũ như trái đất vậy! Đúng thế, để chứng minh cho sự thật này, gã xin đưa ra hai mẩu truyện nho nhỏ, được trích từ sách “Cổ học Tinh hoa”.

Mẩu truyện thứ nhất: Vợ của Hứa Doãn là Nguyễn Thị. Nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm lễ cưới xong, trông thấy vợ quá xấu, muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn Thị rằng: Đàn bà có “tứ đức”, vậy nàng được mấy đức? Nguyễn Thị thưa: Thiếp đây chỉ kém có “dung” mà thôi. Rồi nàng liền hỏi: Kẻ sĩ có “bách hạnh”, dám hỏi chàng có mấy hạnh? Hứa Doãn trả lời: Ta có đủ cả bách hạnh. Nguyễn Thị nói: Trong bách hạnh thì đức là đầu. Chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ cả bách hạnh được? Hứa Doãn nghe nói thế, thì bèn lấy làm xấu hổ và kể từ đó, hai vợ chồng yêu mến, kính trọng nhau suốt cuộc đời. Và như vậy, chỉ một lời nói nhẹ nhàng, chị vợ đã dạy cho anh chồng một bài học nhớ đời, cũng như đã luyện cho anh chồng chừa bỏ được tính háo sắc, khinh cơm trọng phở mà toan chạy theo bồ nhí.

Truyện thứ hai: Án tử làm tể tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc. Lúc chồng về, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng bèn hỏi: Tại làm sao? Nàng nói: Án Tử người gầy thấp, bé nhỏ, làm đến Tướng nước Tề, danh tiếng lừng lấy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn có ý  chín chắn và khiêm nhường, như chưa bằng ai. Còn chàng, cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường, hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng, lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin từ giã chàng mà đi. Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ dạng vênh váo, chừa được cái tính nông nổ. Án Tử thấy thế, lấy làm lạ bèn hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Theo gã nghĩ: cũng chỉ với một vài lời sửa lưng nhẹ nhàng, lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được tâm tính chồng và đem lại thanh danh cho chồng. Đúng là: Chồng khôn vợ được đi hài, vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông. Làm trai lấy được vợ hiền, như cầm đồng tiền mua được của ngon.

 Chuyện dạy chồng hay luyện chồng không phải chỉ là chuyện bên Tàu, mà còn là chuyện bên ta, nhưng tuỳ theo từng địa phương, mà cách dạy và luyện ấy được biến đổi, thiên hình vạn trạng, đến quỷ thần cũng không lường nổi. Có những nơi, các chị vợ luôn dùng tới biện pháp mạnh, khiến cho các anh chồng khiếp bạc cả con mắt: Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi dạy chồng.

Một anh bợm nhậu đã kể lại câu chuyện cá biệt của mình một cách công khai trên báo chí về cách dạy và luyện của chị vợ mang tính cách bạo lực: Chuyện xảy ra hơn 10 tháng nay, bỗng một ngày khi tỉnh rượu, tôi thấy mình bị trói, khắp thân người ê ẩm. Tôi kêu lên. Hai đứa con lớn chạy vô bảo: Má đi chợ rồi, để con mở trói cho ba. Qua hai đứa con, tôi mới biết mình bị vợ trói và đánh. Ban trưa cô ấy về, rồi hất hàm mà bảo: Ông chừa chưa? Từ nay trở đi, nếu ông còn nhậu và la lối, tôi sẽ xử với ông như vậy đó… (Trần Văn Tiệm, Long An).

Có những nơi, các chị vợ sử dụng biện pháp “cấm vận”, tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ làm cho các anh chồng… cạch đến già: chồng bát, chồng đĩa, chồng sứ, chồng sành, chồng ở chẳng lành, chồng ra bờ tre!

Người ta thường bảo: Nhân vô thập toàn. Phàm đã là người, thì ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Anh chồng cũng như chị vợ. Chẳng ai là một người hoàn toàn trên cõi đời này cả. Về những sai lỗi khuyết điểm của anh chồng, kể ra thì cũng khá nhiều, nào là đầu óc gia trưởng, chồng chúa vợ tôi, coi vợ chả là cái đinh gì hết. Vợ thì nhất nhất phải tuyệt đối vâng lời chồng, như chủ trương của Khổng Tử: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà thì vâng lời cha, đi lập gia đình thì vâng lời chồng, chồng chết thì vâng lời con. Nào là thói trăng hoa, thích phở hơn cơm, đèo bòng bồ nhí. Nào là tật rượu chè say xỉn, mê nhậu hơn mê vợ.

– Chồng em nó chẳng ra gì,

  Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang.

  Nói ra xấu thiếp, hổ chàng,

  Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.

Riêng hôm nay, gã muốn đề cập tới một chứng bệnh mà nhiều chị vợ vốn thường hay ca cẩm, than trách về anh chồng của mình, đó là chứng bệnh…lười. Về chứng bệnh này, ca dao đã diễn tả:

– Chú tôi hay tửu hay tăm,

  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.

  Ngày thì ước những ngày mưa,

  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Hay như Tú Xương cũng đã viết:

– Việc nhà phó mặc cho bu nó,

  Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Nếu chịu khó phân tích một chút, gã nhận thấy không hẳn ông trời sinh ra hai loại đàn ông, một loại chăm và một loại lười. Bằng chứng là có những anh chồng, khi còn ở với bu thì chăm, mà lấy vợ rồi thì bỗng dưng lười. Có những anh chồng trong thời gian bồ bịch với nhau thì chăm, nhưng một khi đã rước nàng về dinh thì bỗng dưng cũng lười. Có những anh chồng ở cơ quan với sếp thì chăm, mà về nhà ở với vợ thì cũng lại bỗng dưng lười…Như vậy, phải chăng chị vợ đã góp một phần không nhỏ vào chứng bệnh lười của anh chồng? Tuy nhiên, để chữa tận căn, theo gã nghĩ có hai việc chị vợ cần phải làm ngay.

Việc thứ nhất là phải xoá bỏ những thành kiến của mình.

Thực vậy, nhiều chị vợ vốn nghĩ rằng: Việc nhà là lãnh vực riêng tư của phe đờn bà con gái, anh chồng không được xớ rớ tới. Chị vợ rất sợ bị mang tiếng là hư, là đoảng, khi bàn dân thiên hạ nhìn thấy anh chồng của mình thổi cơm, rửa bát, quét nhà. Hơn thế nữa, nhiều chị vợ còn cho rằng đó là lãnh vực độc quyền và chỉ có mình mới làm được mà thôi. Nếu “bà” không ra tay “cứu khốn phò nguy”, quán xuyến trong ngoài, thì cửa nhà sẽ ngập chìm trong nhơ bẩn, mất trật tự, vô tổ chức và mọi người sẽ bị chết đói. Mặc dù luôn kêu than rằng mình đầu tắt mặt tối, vất vả từ sáng cho đến tận khuya, mệt đứ đừ không kịp thở. Nhưng nếu anh chồng muốn chia sẻ đỡ đần, thì chị lại không ưng, bởi vì dưới mắt chị anh chồng chỉ là tay “hậu đậu”, trói gà không chặt, đụng đâu hỏng đó. Nếu anh chồng có lau nhà, thì chị sẽ phải lau lại. Nếu anh chồng có rửa bát, thì chị cũng sẽ phải rửa lại. Nếu anh chồng có giặt quần áo, thì chị lại cũng sẽ phải giặt lại.

Những chị vợ này quên rằng các công việc trên bọn đờn ông con giai đều biết làm, thậm chí còn làm một cách xuất sắc. Bằng chứng là những tay đầu bếp giỏi nhất đều là đờn ông, những bác thợ may khéo nhất cũng là đờn ông và những chú thợ uốn tóc đẹp nhất cũng lại là đờn ông tuốt. Và anh con giai nào đã đi lính, thì đều biết rằng trong suốt thời gian ở quân trường, mình đều phải tự làm mọi việc kể trên mà chẳng cần tới một bàn tay phụ nữ nào giúp đỡ cả. Giày vớ không bóng loáng, áo quần không thẳng ly, giường chiếu không phẳng phiu, thì thế nào cũng bị phạt, một trăm cái hít đất là ít!

Cũng có những chị vợ nghĩ rằng: Nếu mình không chịu khó cưng chiều như thế, thì e rằng anh chồng sẽ đi tìm sự cưng chiều ở một địa chỉ khác ngoài luồng. Những chị ấy quên rằng vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, anh chồng đã mê cái bản thân chị, hay mê cái nồi niêu xoong chảo, cái chổi cùn rế rách của chị? Bây giờ được cưng chiều, anh chồng chỉ cần thêm một tí gia vị, củ hành củ tỏi, là những lời khen ngợi, thế là chị mát lòng mát ruột, sẵn sàng làm tất tật mọi sự, đúng là “khéo mồm miệng, đỡ tay chân”. Rồi cứ thế, cứ thế mà tiến, cho đến lúc chị “ngộ” ra rằng mình bỗng già trước tuổi, tóc tai bù xù, áo quần xốc xếch, chẳng còn hình tượng người ta nữa, trong khi đó anh chồng lại đang tung tăng ngoài vòng phủ sóng, thì e rằng đã quá muộn!

Việc thứ hai là đưa ra một chương trình “luyện” chồng.

Trước hết, chị vợ cần phải giúp cho anh chồng xác tín rằng làm việc nhà sẽ đem lại niềm vui và nhất là có lợi cho sức khoẻ. Hoạt động tay chân sẽ làm cho “thùng nước lèo” của anh chồng vơi giảm, nhờ đó mà kéo dài tuổi thọ, bởi vì vòng bụng càng to, thì vòng đời càng ngắn. Tiếp đến là chị vợ cần phải đưa ra một chương trình cụ thể, mang tính cách tiệm tiến, từng giai đoạn, từ việc dễ tới việc khó, để anh chồng thích thú thực hiện, không nản lòng thất vọng.

Gã xin mượn tạm cái chương trình luyện chồng của chị Thu Nga, được đăng trên Phụ Nữ Chủ Nhật số ra ngày 16.8.2009 như sau: Chồng chị là con út và cũng là con trai duy nhất trong một gia đình có đến chín cô con gái, nên anh được mọi người hoan hỉ chào đón, và cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Thế là chị phải bắt tay vào công cuộc “cải tạo” anh ngay lập tức. Đầu tiên, những việc dao cưa kìm búa của đờn ông, dứt khoát phải thuộc về anh. Hai đứa ở trọ, căn phòng bé xíu, điện đóm chập chờn, nên lắm thứ hư hỏng. Anh quen thói công tử, nhất nhất việc gì cũng gọi thợ. Chị mặc anh muốn gọi ai thì gọi, nhưng tiền công thì anh phải tự thanh toán. Lương tháng nộp đủ cho chị, nên mấy khoản chi thêm này làm anh héo hon. Đó là chưa kể mỗi lần gọi được ông thợ cũng nhiêu khê. Rốt cuộc, anh đành tự thân vận động, đương nhiên là với sự trợ giúp của chị.

Thắng lợi bước một, chị rón rén tiếp bước hai: Tập cho anh làm việc nhà. Hai vợ chồng son, cơm nước đơn giản, rửa có vài cái chén chứ có gì đâu mà đùn đẩy. Nhưng vì muốn “luyện” anh, nên chị phải giở bài “em mệt” để nhờ vả. Năm lần bảy lượt, anh nhăn nhó, nhưng cũng miễn cưỡng động tay động chân. Anh làm xong, bao giờ chị cũng nhiệt tình cám ơn, như thể anh là đấng phu quân hào hoa nhất trên đời. Cùng với độc chiêu đó, chị dần dà tập cho anh phơi quần áo, lau nhà.

“Ăn hiếp” anh như vậy, chứ chị cũng biết giữ sĩ diện cho anh. Mỗi lần có khách ở quê ra, chị lại đóng vai thục nữ ngoan hiền, chăm lo tất cả, để anh rảnh rang ngồi xem tivi và tiếp chuyện khách. Nhưng anh theo thói quen, vẫn cứ nhào vô phụ giúp vợ. Có bữa má chồng lên chơi, mắt tròn mắt dẹt nhìn ông con trai cưng hì hụi lau nhà, bà buông lời mát mẻ: Mày cưng vợ mày dữ ha! Chị sợ điếng người, trong khi anh vẫn tỉnh bơ ôm lấy má: Nịnh vợ mới có cơm ăn chứ má! Má cười cho qua chuyện, chứ trong bụng chắc xót xa cho ông con dữ lắm.

So với ngày mới cưới, giờ thì anh đã “lên đai” lắm rồi. Chuyện phụ giúp vợ dọn nhà cửa hay chăm sóc con cái chỉ là chuyện nhỏ. Thỉnh thoảng chị lại trêu: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về. Anh liền vênh mặt:  Nam nhi chi chí, sá gì mấy việc vặt của đờn bà. Thương vợ thì giúp, chứ còn khuya mới dạy được thằng này đấy nhé!


Hãy kiên nhẫn trong sự nghiệp luyện chồng, bởi vì mưa dầm thấm đất, lạt mềm buộc chặt. Với chiến thuật này, dù anh chồng có lười biếng, muốn trốn việc nhà, thì cũng khó bề tẩu thoát. Tới lúc đó, chị vợ thế nào cũng được bàn dân thiên hạ tấm tắc ngợi khen vì đã thành công lớn trong việc “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng… ngoan”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét