Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

NGUYỆN VỌNG CHO NĂM MỚI ĐINH DẬU

NGUYỆN  VỌNG  CHO  NĂM  MỚI  ĐINH  DẬU
Thứ năm - 09/02/2017 - ĐGM GB Bùi Tuần



1.    Năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Đây là thời gian rộn ràng những nguyện vọng. Bao giờ cũng thế.

Riêng đối với tôi, thời gian này gợi ý cho tôi một nguyện vọng, mà tôi cho là rất khẩn thiết cho tôi. Nguyện vọng này phát xuất từ kinh nghiệm lâu dài. Nguyện vọng này cũng được soi sáng từ Phúc Âm.

Sang năm mới, tôi cầu mong tôi Bớt Dại Thêm Khôn.

Dại và Khôn là lãnh vực bao la. Tôi chớ dại muốn mình có thể biết tất cả cái bao la và sâu thẳm đó.

Tôi tự hạn chế, chỉ cầu mong mình bớt dại thêm khôn ở vài thái độ sống mà thôi.

2. Thái độ sống thứ nhất, mà tôi cầu mong cho tôi phải có để bớt dại thêm khôn, là thái độ tự hào.

Có nhiều cách tự hào, mà người ta cho là khôn. Nhưng tôi chọn cách tự hào, mà thánh Phaolô đã chọn, và đó là một chọn lựa đáng gọi là khôn.

Thánh Phaolô viết: “Về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cr 12,5).

Một trong những yếu đuối, mà thánh Phaolô đã thành thực thú nhận, đó là xu hướng xấu trong ngài là rất mạnh. Ngài viết:

“Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).

Rồi, thánh Phaolô kết luận: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn
Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,34-35).

3. Thái độ tự hào là một thái độ chính đáng, nhưng tự hào về cái gì, mới là điều quan trọng.

Thánh Phaolô tự hào về những yếu đuối của mình. Không có nghĩa là thánh nhân đề cao giá trị của những yếu đuối đó. Nhưng có nghĩa là thánh nhân đề cao giá trị của sự thành thực dám nhận mình yếu đuối, để từ đó ca tụng ơn Chúa đã cứu ngài.

4. Những tự thuật của nhiều người trở lại cũng đã nói lên phần nào sự tự hào của mình giống như sự tự hào của thánh Phaolô.

5. Tôi là người cần trở về với Chúa. Việc trở về của tôi là việc hằng ngày. Nên, tôi nói lên những yếu đuối, mà hằng ngày vẫn quấy phá tôi, để từ đó tôi nhờ ơn Chúa mà đi về Chúa. Đó là một tự hào không luôn dễ. Bởi vì thông thường ai cũng muốn tự hào về những thành tích đề cao mình. Như tuy dù yếu đuối, mình vẫn vượt qua, nhờ sức mạnh của ý chí, nhờ sáng suốt của trí thông minh. Tự hào như thế là điều không nên.

Tự hào về những yếu đuối của mình, theo quan điểm của thánh Phaolô, đó là một thái độ sống giúp tôi bớt dại thêm khôn.

6.Thái độ sống thứ hai giúp tôi bớt dại thêm khôn, là thái độ tỉnh thức, tiết độ, mà thánh Phêrô đã dạy.

Thánh Phêrô viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

Thánh Phêrô lưu tâm giáo đoàn về nguy cơ quỷ Satan hung dữ luôn tìm cách sát hại con người. Nguy cơ đó là thường xuyên, dưới nhiều hình thức.

7.Tôi không biết những gì sẽ xảy ra trong năm Đinh Dậu này,nhưng có một điều tôi dám chắc chắn xảy ra, đó là quỷ Satan sẽ lộng hành quyết liệt.

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Trong những tình hình quỷ dữ lộng hành, những ai dại sẽ bị mất nhiều, những ai khôn sẽ được cứu. Khôn là phải thế nào? Thánh Phêrô dạy: Khôn là tỉnh thức và tiết độ.

8. Tiết độ là kiểm soát đời sống hưởng thụ. Tỉnh thức là nhận ra cách đối phó với quỷ Satan, và nắm bắt được những hy vọng Chúa gởi đến để cứu mình cho khỏi quỷ Satan hung dữ xảo quyệt. Theo tôi, hy vọng cần nắm bắt lúc này là Đức Mẹ Fatima.

9. Năm Đinh Dậu sẽ trùng với kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Lúc này, tôi nhớ lại cảnh thê thảm đã xảy ra năm Ất Dậu, ngoài Bắc, do nạn đói hoành hành. Hy vọng năm Đinh Dậu đừng xảy ra bất cứ nạn bi đát nào, như năm Ất Dậu.


10.Thái độ sống thứ ba giúp tôi bớt dại thêm khôn, là thái độ cầu nguyện, mà Phúc Âm thánh Gioan đã nhấn mạnh.

Thánh Gioan tông đồ đã ghi lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ sau đây: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4), “Anh em hãy ở lại tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Ở lại trong tình thương của Chúa là sống thân mật với Chúa. Ở lại như thế là một cách cầu nguyện. Cầu nguyện như thế là gặp gỡ riêng tư, là gắn bó mật thiết với Chúa.

Khi cầu nguyện là ở lại trong Chúa, tôi được Chúa chia sẻ cho sự sống của Người, tình yêu của Người, sự khôn ngoan của Người.

Khi cầu nguyện là ở lại trong Chúa, tôi nhận được Tin Mừng như hạt giống gieo vào lòng tôi. Từ đó tôi dần dần có kinh nghiệm là phải có thời gian và đất phải tốt, thì hạt giống mới nẩy sinh ra cây và hoa trái được. Từ kinh nghiệm đó, tôi hiểu sự khôn ngoan cần cho mục vụ, truyền giáo và tu đức là một số điều kiện mà mỗi người phải có, để đón nhận hạt giống Tin Mừng.

Khi cầu nguyện là ở lại trong Chúa, tôi được Chúa dạy rất nhiều về tu đức, mục vụ và truyền giáo trên Quê Hương Việt Nam hôm nay.

Có rất nhiều điều tôi chỉ học được trong những giờ cầu nguyện là ở lại trong Chúa, chứ không học được ở bất cứ nơi đâu.

Thái độ cầu nguyện như thế là thái độ sống rất cần, để tôi được bớt dại thêm khôn.
Cái dại nhất chính là tưởng mình luôn khôn. Cái khôn nhất là cho mình còn dại. Vì thế cầu mong cho mình sang năm mới được bớt dại thêm khôn, thiết tưởng đó là một cầu mong đẹp.


11. Năm Đinh Dậu, tôi tròn 90 tuổi. Già rồi, mà còn dại. Xin mọi người thương cầu nguyện cho tôi, sang nắm mới được bớt dại thêm khôn. Xin cầu chúc mọi người cũng được thêm khôn bớt dại.

Tới đây, tôi nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về 10 cô trinh nữ, trong đó 5 cô thì khôn, 5 cô thì dại (x. Mt 23,1-13).

Năm cô dại thì nhởn nhơ, tới đâu hay tới đó. Năm cô khôn thì biết lo xa. Kết quả là năm cô dại phải mất quá nhiều, còn năm cô khôn lại được phần thưởng hết sức lớn.

Dại khôn như thế đâu là chuyện sẽ qua đi. Nhưng dại thì sinh hậu quả xấu, khôn thì sinh hiệu quả tốt. Tốt xấu của dại khôn sẽ quan trọng khó lường.


Cuối cùng, tôi tha thiết xin mọi người, đặc biệt là mọi thành phần thuộc giáo phận Long Xuyên, thương tha thứ cho tôi về mọi sai lầm và dại dột của tôi, có thể do đó mà tôi đã trở thành gánh nặng cho anh chị em.

Long Xuyên, ngày 10.12.2016
TU ĐỨC

Đức Cha GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét