KIẾP KHỐN KHỔ
[Bài chủ đề báo Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp, số 366, tháng 2-2017, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
Kiếp Khốn Khổ gồm ba mẫu
tự K (ca). Phát âm là “ca”, ca tức là hát, có vui vẻ mới ca, có sung sướng mới
hát. Thế mà ở đây, 3 K lại không có chút gì vui vẻ hoặc sung sướng.
Khốn khổ cũng là khốn
cùng. Ngày xưa, chữ KHỔ được đánh vần là “ca hát ô khô hỏi khổ”, khổ mà vẫn ca,
khô người mà vẫn hát, vậy là chưa đến nỗi khổ. Ngày nay, chữ KHỔ được đánh vần
là “khờ ô khô hỏi khổ”, nghĩa là khổ lắm, khổ thật, khổ đến nỗi khô người và khờ
người ra. Ôi chao, khổ thật. Thảo nào người ta nguyền rủa nhau là khốn kiếp!
Khổ kiểu nào cũng là khổ
– nghĩa là không sướng, chẳng vui. Có nỗi khổ nên cần sự an ủi. Đời là bể khổ,
chẳng ai sung sướng đúng nghĩa, được cái này thì mất cái kia. Vì thế, ai cũng cần
cầu xin Ơn An Ủi – cho những người khốn khổ, và cho chính mình. Để nhờ Ơn Chúa,
những ai đang chịu sống trong cảnh khốn khổ – tinh thần hoặc thể lý, đặc biệt
là những người nghèo, những người tị nạn và những ai sống ở bên lề xã hội – được
đón nhận và được an ủi trong các cộng đồng, dù ở bất cứ nơi nào.
Vâng, Chúa Giêsu đã xác định
rạch ròi: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Đời là bể khổ, khổ hải
hoặc khổ ải, cho nên ai cũng đau khổ, chỉ khác nhau về mức độ. Càng tránh đau
khổ thì càng đau khổ, muốn tránh đau khổ thì chỉ có cách duy nhất là “đi xuyên
qua đau khổ”.
Đại văn hào Victor Hugo
(thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia và tiểu thuyết gia người Pháp, sinh 26-2-1802, mất
22-5-1885) có tác phẩm nổi tiếng là “Les Misérables” (Những Kẻ Khốn Cùng, về
sau có bản dịch “Những Người Khốn Khổ”), xuất bản năm 1862. Ông cũng là tác giả
cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Notre-Dame de Paris” (1831) – bản Anh ngữ là “The
Hunchback of Notre-Dame”, bản Việt ngữ là “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà”.
Câu chuyện nói về xã hội
Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ XIX, từ thời Napoléon I lên ngôi tới
vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu
tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm trót gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu
thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà còn
là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc, chính trị, triết học, luật
pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Chính văn sĩ Victor
Hugo đã viết cho người biên tập: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những
tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút
của tôi”. Và như một lời tiên tri, tác phẩm này trở thành hiện tượng văn học
đúng như ông nói vậy! Tác phẩm “Les Misérables” đã được chuyển thành kịch, phim
và nhạc kịch (Les Mis).
Chỉ vì ăn cắp một mẩu
bánh mì cho con của người chị gái mà Jean Valjean phải tù khổ sai suốt 19 năm với
số tù là 24061. Hết hạn tù, Jean Valjean cố gắng sống vì một xã hội tốt đẹp
nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Khốn khổ cho anh vì anh phải
mang theo giấy thông hành vàng – dấu hiệu là người đã từng bị tù tội. Vì vậy,
Jean Valjean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh
là giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện, đã cho anhtrú ẩn. Khi
mọi người đã ngủ, Jean Valjean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của giám mục và chạy
trốn, sau đó anh bị bắt, nhưng lại được giám mục Myriel cứu thoát khi nói với cảnh
sát rằng đó là đồ ông tặng cho Jean Valjean. Khi chia tay, vị giám mục già
khuyên Jean Valjean là phảiquyếttâm trở thành người lương thiện vàlàm nhiều việc
tốt cho mọi người.
Sau 8 năm,Jean Valjean
mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng
thành phố nhỏ, Jean Valjean phải mang tên giả để tránh sự phát hiện của thanh
tra Javert vẫn truy nã ráo riết. Tuy nhiên, số phận buộc Jean Valjean phải để lộ
danh tính của mình khi một người đàn ông khác bị nhầm là Jean Valjean và bị bắt
đưa ra tòa. Cùng lúc này, Jean Valjean gặp Fantine, một cô gái đang hấp hối sau
khi bị sa thải khỏi xưởng của ông và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi
con gái Cosette, mà Cosette lại đang phải sống với gia đình Thénardier độc ác.
Trước khi Fantine chết, Jean Valjean hứa chăm sóc Cosette cẩn thận.Jean Valjean
trả tiền cho lão Thénardier để giải phóng cho Cosette và cùng em trốn lên Paris
đểtránh cuộc truy đuổi của Javert. Ở Paris, hai người trú trong một nhà dòng
kín mà Javert không được quyền khám xét, vì vậy họ tạm thoát khỏi sự truy lùng
gắt gao.
Truyện còn dài, nhưng xin
tạm dừng ở đây. Tại Việt Nam, văn sĩ Nam Cao cũng có tác phẩm “Chí Phèo”
(nguyên gốc là “Cái Lò Gạch Cũ”, 1941). Truyện nói lên tình trạng tha hóa của
con người vì quá nghèo khổ, nhưng khi người ta muốn sống tốt cũng không được ai
công nhận.
Tân ước có dụ ngôn “Phú Hộ
và Ladarô Nghèo Khổ” (Lc 16:19-31). Cựu ước có một người “nổi tiếng”về kiếp sống
khốn khổ, đó là ông Gióp, người đất Út:“Ông là người vẹn toàn và ngay thẳng,
kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Ông sinh được bảy người con trai và ba
người con gái. Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà,
năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu
có nhất trong số các con cái Phương Đông” (G 1:1-4). Nhìn chung cuộc sống của
ông thật là ổn định, hạnh phúc cả tinh thần lẫn vật chất. Thế nhưng cuộc đời
đâu phải lúc nào cũng “đẹp như mơ”.
Các con trai ông có thói
quen luân phiên tới nhà nhau tiệc tùng và cho người đi mời ba cô em gái đến ăn
uống với họ. Mỗi khi hết vòng tiệc tùng, ông Gióp cho gọi họ đến để thanh tẩy họ;
rồi ông dậy thật sớm, dâng lễ toàn thiêu cho mỗi người trong họ, vì ông tự nhủ:
“Biết đâu các con trai ta đã chẳng phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong
lòng!” (G 1:5).
Chuyện gì đến cũng đã đến.
Một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả
của họ, thì một người đưa tin đến báo hung tin cho ông Gióp: “Trong lúc bò của
ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơva đã xông vào cướp lấy; còn các
đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông
hay” (G 1:15). Chưa hết, một người khác lại chạy về báo: “Lửa của Thiên Chúa từ
trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có
mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay” (G 1:16).
Tiếp theo là người thứ ba
về thưa: “Người Canđê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ,
chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay” (G
1:17). Rồi lại đến người thứ tư về báo: “Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống
rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc
thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có
mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay” (G 1:18-19).
Đúng là “phúc bất trùng
lai, họa vô đơn chí”. Điều ông Gióp lo sợ đã hiện thực. Thế là mọi thứ tiêu tan
thành mây khói. Tay trắng! Ông Gióp trở thành “kẻ khốn cùng”. Tuy nhiên, dù
hung tin dồn dập, ông Gióp vẫn bình tĩnh. Ông trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu,
sấp mình xuống đất, sụp lạy và cầu nguyện: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,
con sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi:
XIN CHÚC TỤNG DANH ĐỨC CHÚA!” (G 1:21). Dù đau khổ cùng cực, “ “ ông Gióp KHÔNG
HỀ PHẠM TỘI cũng KHÔNG BUÔNG LỜI TRÁCH MÓC phạm đến Thiên Chúa ” (G 1:22). Thật
đáng khâm phục ông Gióp!
Cũng chưa hết chuyện. Ông
Gióp đã mất hết mọi thứ rồi, cơ thể ông bỗng dưng ngứa ngáy, mụn nhọt và lở chốc
đầy mình, ông phải ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Chính vợ ông hết
chịu nổi nên nguyền rủa: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa
hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2:9). Khi “xuôi
chèo, mát mái” thì không nói làm chi, nhưng nếu gặp đau khổ, liệu đức tin của
chúng ta có bị lung lay? Thế mà ông Gióp vẫn vững lòng tin: “Cả bà cũng nói như
một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không
biết đón nhận sao?” (G 2:10). Một tấm gương sáng chói biết bao!
Thế nhưng, quả thật là
phàm nhân yếu đuối, có lẽ do sức người có hạn, nhất là khi biết rõ mình vô tội,
thế nên ông Gióp có lúc cũng tự nguyền rủa: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi
đã chào đời! Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi
lọt lòng mẹ?” (G 23:3và 11).
Đức khôn ngoan rất cần
thiết, không gì sánh nổi, nhưng không ai biết chính xác. Có khi tưởng mình khôn
mà hóa dại, có khi tưởng mình dại mà hóa khôn. Chỉ một mình Thiên Chúa mới thực
sự khôn ngoan: “Đường nẻo của khôn ngoan một mình Thiên Chúa tỏ, chính Người biết
nơi ở của khôn ngoan” (G 28:23).
Bản chất tốt lành, ông
Gióp vẫn tín trung với Thiên Chúa. Ông Gióp tự nhận biết: “Tôi bị những người
ít tuổi hơn nhạo cười. Bởi vì Thiên Chúa nới lỏng dây cung của tôi, Người làm
tôi bị nhục, nên họ cũng chẳng coi tôi ra gì” (G 30:1 & 11). Và ông biết
thân phận mình: “Giờ đây mạng sống tôi tàn lụi, những ngày khốn khổ vây bọc lấy
tôi” (G 30:16).
Ông Gióp vững tin Chúa và
khiêm nhường khi nhận định: “Tiếng kêu của những kẻ hèn yếu, của những kẻ khốn
cùng đã vọng lên tới Chúa, và Người đã lắng nghe. Nhưng nếu Người cứ thản nhiên
không đáp lại, ai lên án được Người, nếu Người ẩn mặt đi, nào có ai nhìn thấy?
Tuy nhiên, Người vẫn chăm sóc mỗi dân tộc, mỗi cá nhân, không để cho kẻ gian ác
cầm quyền, chẳng để cho ai đưa dân vào bẫy” (G 34:28-30).
Thấy ông Gióp khốn khổ tột
cùng, bạn bè cũng xa lánh hết. Ông Gióp biết có những người còn ác tâm cho rằng
ông “mở miệng nói chuyện không đâu, vì thiếu hiểu biết mà dài dòng văn tự” (G
35:16). Đời là thế! Đúng như ca dao Việt Nam nói: “Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
tay đâu mà bụm miệng người thế gian”. Tất cả là Thánh Ý Chúa, tất cả đều vì
sáng danh Thiên Chúa!
Hết bĩ cực tới thái lai.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Sự sung túc và hạnh phúc lại đến với ông Gióp vì
ông vẫn một dạ trung thành và tín thác vào Chúa: “Đức Chúa đã khôi phục tài sản
cho ông Gióp, khi ông chuyển cầu cho các bạn của mình. Đức Chúa đã tăng gấp đôi
những gì ông Gióp đã có trước kia. Tất cả anh em, chị em ông, tất cả bạn bè cũ
lại tìm đến ông; họ đã cùng ăn bánh trong nhà của ông. Họ chia buồn và an ủi
ông về tất cả tai hoạ Đức Chúa đã giáng xuống trên ông. Mỗi người tặng ông một
đồng bạc và một chiếc nhẫn vàng. Đức Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của
ông Gióp nhiều hơn trước kia” (G 42:10-12).
Không chỉ vậy, ông Gióp
còn được Chúa giáng phúc, thêm đông con, nhiều cháu, các con gái ông (cô “Bồ
Câu”, cô “Hoa Quế” và cô “Phấm Thơm”) lại xinh đẹp hơn các cô gái trong vùng,
và ông sống trường thọ. Quả thật, ai tin tưởng Chúa thì không bao giờ phải thất
vọng.
Ông Gióp chân nhận rằng
đường lối Chúa nhiệm mầu, không thể hiểu được. Hãy khiêm nhường, tín thác, và
chân nhận rằng chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết mầu nhiệm của sự đau khổ
và sự dữ xảy ra trên thế gian. Nhưng chúng ta có thể hiểu một số điều về sự dữ
và đau khổ. Hãy cùng nhau cân nhắc mấy điểm này:
● THẾ GIỚI ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ TIẾN TỚI SỰ HOÀN HẢO
Thế giới ở trong quá
trình biến đổi vì chưa hoàn hảo. Sức mạnh xây dựng và sức mạnh hủy hoại của
thiên nhiên cùng hiện hữu. Điều hoàn hảo hơn cùng xảy ra với điều ít hoàn hảo:
“Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật
khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn
phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo
của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý” (GLCG, số 310).
Như vận động viên phải khổ
luyện nhiều mới có kỹ năng, thế giới cũng phải trải qua đau khổ để đạt tới sự
hoàn hảo như Thiên Chúa muốn. Chúng ta không thể đánh giá sự đau khổ trong quá
trình phát triển vì thấy có những người vô tội chịu đau khổ dưới bàn tay của
thiên nhiên. Nhưng chúng ta tin rằng, trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự
phát triển này tốt cho riêng mỗi cá nhân và cả nhân loại khi chúng ta hành
trình tới sự hoàn hảo.
● LẠM DỤNG TỰ DO LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY SỰ DỮ VỀ LUÂN LÝ
Thiên Chúa tốt lành đã tạo
dựng con người (và các thiên thần) là các sinh vật thông minh và tự do, chứ
không tự động. Nhưng hai tặng phẩm này đòi hỏi trách nhiệm. Chúng ta có quyền tự
do chọn yêu mến Thiên Chúa và những điều khác trên hành trình tiến tới sự vĩnh
hằng. Khi chúng ta từ chối yêu thương, chúng ta phạm tội. Tội lỗi sinh ra sự dữ
và đau khổ.
Mặc khải Kitô giáo cho
chúng ta biết rằng khi các thiên thần phạm tội, họ sa ngã và trở thành ma quỷ đối
nghịch với Thiên Chúa. Đây là một cách giải thích về sự dữ trên thế gian (đánh
bom, động đất, bão tố, lụt lội, …).
Tội lỗi con người dẫn tới
sự dữ luân lý như chiến tranh, hiếp dâm, phá thai, lạm dụng ma túy, xét đoán,
tham lam, ... Thiên Chúa không gây ra sự dữ luân lý. Vì lạm dụng tự do, chính
con người là nguyên nhân. Tuy nhiên, Thiên Chúa “cho phép” sự dữ luân lý xảy ra
vì Ngài yêu thương và tôn trọng sự tự do của các sinh vật mà Ngài đã tạo dựng.
Theo cách mà chỉ có Thiên Chúa biết (sự thật mà ông Gióp chấp nhận), Thiên Chúa
biết cách làm cho điều tốt xảy ra từ điều xấu.
● ĐỨC TIN KITÔ GIÁO LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CHIẾN
THẮNG SỰ DỮ
Chắc chắn rằng sự dữ luân
lý tồi tệ nhất trên thế giới là nhân loại đã giết chết Con-Thiên-Chúa-làm-người.
Như một người bình thường, Chúa Giêsu rất ghét đau khổ và Ngài đã xin Chúa Cha
loại bỏ đau khổ. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tự do ôm lấy đau khổ xảy đến với Ngài bằng
cách dâng mọi đau khổ lên Chúa Cha: “Xin cho ý Cha nên trọn” (Mt 26:39 và 42).
Thiên Chúa nghe lời cầu của
Đức Kitô, nhưng không cứu Chúa Giêsu khỏi cái chết mà cứu Ngài trong cái chết.
Sự đau khổ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ tồi tệ
nhất: Sự chết và sự tách khỏi Thiên Chúa. Nếu chúng ta yêu thương như Chúa
Giêsu dạy và liên kết sự đau khổ của chúng ta với Ngài, chúng ta sẽ thông phần
sự sống dồi dào của Thiên Chúa.
Đây là “tin vui” có thể
giúp chúng ta đối phó với mầu nhiệm sự dữ và đau khổ: “Hãy ngắm xem việc Thiên
Chúa làm: Người đã bẻ cong, nào ai uốn thẳng được? Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui
hưởng. Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem: Ngày nào cũng do Thiên Chúa làm nên, vì
thế con người không thể khám phá những gì sẽ xảy ra sau khi mình nhắm mắt xuôi
tay” (Gv 7:13-14).
Lạy Đấng chịu
chết và phục sinh, xin nâng đỡ chúng con vững bước theo Ngài trên Đường Thập Giá.
Lạy Thánh Gióp, xin nguyện giúp cầu thay, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ khốn
khổ đang lữ hành trần gian. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét