Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Lý do phụ nữ càng thông minh càng dễ "ế"



Lý  do  phụ  nữ  càng  thông  minh  càng  dễ  "ế"
(Ngày 31/10/2017-giadinh.net)


Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những phụ nữ có chỉ số IQ cao thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu. Dưới đây là những lý do cụ thể.

Phụ nữ thông minh thường tham vọng
Người phụ nữ thông minh luôn biết điều họ muốn và không sẵn sàng thỏa hiệp với bất cứ điều gì chưa đủ làm thỏa mãn hay không đáp ứng nhu cầu của họ.

Họ luôn biết tầm quan trọng của việc thành thực với chính bản thân mình và họ cũng nhận ra rằng hy sinh nhu cầu của bản thân để dành thời gian và tình cảm cho một người đàn ông không phù hợp chỉ càng khiến họ đau khổ về dài hạn.

Họ không cần phải chấp nhận một người chỉ vì sợ phải sống một mình hay sợ bị đàm tiếu bởi những người không hiểu rằng một người phụ nữ hoàn toàn có thể tự tạo ra hạnh phúc cho mình.

Cô ấy sống theo lý trí hơn là con tim
Việc đặt ra quá nhiều nguyên tắc trong công việc cũng như cuộc sống khiến cô ấy ngày càng biến thành cỗ máy. Trong công việc, với kiểu làm việc theo lý trí này, cô ấy luôn ở đỉnh cao của sự thành công.

Dường như phụ nữ có chỉ số IQ cao luôn hoàn thành xuất sắc những kế hoạch đặt ra bởi vì trên con đường cô ấy đi không có sự gián đoạn bởi những cảm xúc.

Cũng do điều này khiến cô ấy trở thành người chai sạn trong tình yêu. Mà trong tình yêu, nếu không có cảm xúc thì chẳng thể có tình yêu.

Phụ nữ thông minh biết điều họ muốn
Mỗi người phụ nữ đều có một danh sách về những tiêu chí mà họ muốn người đàn ông trong tương lai của mình có.

Không hẳn là soái ca hay sở hữu thân hình 6 múi như các tài tử Hollywood nhưng với một người phụ nữ thông minh, thành đạt, họ cũng cần một người đàn ông "chuẩn mực" có thể đáp ứng được hơn 2/3 số tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Đây không phải là "kén chọn" như nhiều người vẫn nghĩ. Đơn giản, bởi vì họ quá thông minh để nhận ra ai là người phù hợp và họ cũng biết được rằng, chỉ cần miễn cưỡng chấp nhận điều gì đó, họ có khả năng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tồi tệ sau này, thậm chí là hôn nhân đổ vỡ.

Đọc được suy nghĩ của người khác
Là người hiểu biết và muốn mọi thứ phải hết sức rõ ràng. Với tính cách này nên gặp bất cứ điều gì cô ấy cũng… phân tích cặn kẽ, nhất là bạn trai mới gặp lần đầu. Chỉ qua buổi đầu gặp gỡ, cô ấy có thể nhìn thấu suy nghĩ của chàng trai.

Chưa chắc hẳn sự nhận định của cô ấy là đúng nhưng cô ấy thì đương nhiên tin tưởng mình tuyệt đối. Thế là tất cả nhất cử nhất động của người bạn trai được cô ấy đặt lên bàn cân, phân tích những thứ hợp, không hợp và kết quả là dừng lại.

Trong tình yêu, không có chỗ cho một cái đầu quá tỉnh táo như cô ấy.

Họ không ưu tiên cho hẹn hò
Sự nghiệp, tình bạn, gia đình, các hoạt động cộng đồng hay các sở thích cá nhân không cho phép những người thông minh "bớt" thời gian để dành cho việc hẹn hò, đặc biệt là những cuộc hẹn mang tính chất mai mối hay họ biết rằng đối tượng "giấu mặt" kia chưa phải là đích đến.

Họ không quan trọng hình thức
Sự quyến rũ về mặt hình thể là một khía cạnh rất quan trọng mà nếu sở hữu yếu tố này, bạn có thể dễ dàng thu hút được sự chú ý của người khác giới.

Tuy nhiên, phụ nữ thông minh hiểu rằng phái mạnh thường bị hấp dẫn bởi những điểm nổi bật tức thời và họ hoàn toàn có thể thay đổi thái độ của mình nếu biết được đằng sau lớp son phấn đó là một cô gái không như họ nghĩ.

Chính vì vậy, các cô gái tài giỏi, học thức cao có xu hướng tìm kiếm một người đồng điệu cả về, quan điểm, suy nghĩ lẫn cảm xúc với chính mình hơn là chủ động tấn công một ai đó bằng nhan sắc.


Theo Thu Thủy/Một Thế Giới

Những điều không nên làm...


Những  điều  không  nên  làm
( nhưng  nhiều  người  phạm  phải ) khi  gặp  tai  nạn (P1)
(Thứ hai, 14/08/2017)

“Tôi sẽ vĩnh viễn không quên âm thanh đó, tiếng mà kim loại bị nghiến vào nhau” – George Larson nhớ lại. Ông là một hành khách đến New Deli trên chuyến bay 440 năm 1973 của hãng hàng không Ấn Độ. Lúc đó là 22:30, ngoài trời đen như hũ nút, phi cơ gặp tai nạn trong gió lốc khi đang bay ở tầng thấp.
Đuôi của máy bay tiếp đất trước, Larson bị hất ra khỏi chỗ ngồi. Lúc đó máy bay vẫn đang trượt đi, dây cáp thì bắn ra các tia lửa điện. Rồi thân máy bay đứt gãy thành hai phần, những hành khách la hét hoảng loạn.
Điều tiếp theo Larson biết là khi tỉnh lại, anh đang nằm ngửa trên một đống đổ nát… Anh nỗ lực để di chuyển hai chân, nhưng lại bị kẹt. Lượng nhiệt lớn nhanh chóng đốt nóng bình xăng hai bên cánh máy bay, tạo ra một vụ nổ.

Những mảnh vỡ nhỏ trút xuống xung quanh thân thể anh như mưa rơi, Larson biết rằng nhất định phải tự cứu mình. “Không khí quá nóng, nó đốt cháy phổi của tôi,” gom chút sức tàn cuối cùng, anh đẩy xác máy bay ra và ngã nhào xuống mặt đất, rồi bò lết đến nơi an toàn. Toàn máy bay có 65 hành khách và nhân viên tổ lái, Larson là một trong 17 người may mắn sống sót.
Trên thực tế, Larson đã đặc biệt may mắn. Trước đó vài phút, anh đã làm một việc dại dột. Anh ngồi ở những hàng ghế phía sau máy bay, đang nói chuyện với những tiếp viên hàng không xung quanh. Mặc dù đèn tín hiệu nhắc nhở thắt dây an toàn đang còn bật, anh lại tháo dây ra.
“Không biết vì sao, không có nguyên do, lúc ấy tôi cứ muốn mở ra”, Larson nói. Đại đa số những hành khách tháo dây an toàn trước khi máy bay bị va chạm thì không có hy vọng sống sót.



Nếu không thắt dây an toàn, khả năng tử vong khi máy bay rơi tăng gấp 4 lần (ảnh: Alamy)

Nhưng sau khi va chạm xảy ra, Larson đã ý thức vấn đề rất nhanh và nỗ lực để tự giải thoát trước khi lửa lớn lan rộng.
Điều kỳ quái là rất nhiều người không thể phản ứng nhanh để bảo toàn tính mạng trong thời khắc khẩn cấp quan trọng. Từ những tranh cãi vô nghĩa trên chiếc ca-nô đang chìm nghỉm trong dòng nước xiết, cho đến những việc chẳng đâu vào đâu trên bờ biển lúc sóng thần ập tới.
Nhiều năm nay, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng dưới áp lực, người ta thường chọn những hành động tự hủy đi bản thân mình.
“Trong huấn luyện sinh tồn, điều quan trọng không phải là làm cái gì, mà chủ yếu là huấn luyện người ta không làm một số việc mà họ thường có xu hướng sa vào”, người sống sót sau hỏa hoạn năm 1987 ở khu King’s Cross (London), nhà tâm lý học John Leach của đại học Portsmouth nói. Ông ước chừng, vào thời khắc nguy hiểm, phản ứng của 80-90% là không hợp lý.
Năm 2011, video về trận động đất lớn ở Nhật Bản cho thấy, trong siêu thị, người ta liều mạng để đi cứu các bình rượu khỏi bị vỡ. Khi một máy bay bốc cháy tại phi trường Denver đầu năm 2017, những hành khách được sơ tán lại lẩn quẩn bên cạnh máy bay, ngắm ngọn lửa và chụp ảnh selfie làm kỉ niệm.
Trí tuệ khi đó không còn tác dụng nữa, trong tình huống khẩn cấp thì đầu não của ai cũng bị mê mờ. Ví dụ, năm 2001, một giảng viên đại học Cambridge đang chèo thuyền kayak ở đảo Wight thì bị lật. Ông chỉ biết bám lấy cái thuyền úp trong 20 phút rồi mới nhớ ra mình có điện thoại. Cuối cùng khi lấy được điện thoại, ông đã gọi cho người chị ở Cambridge, sau đó gọi cho bố ở Dubai cách đó 5000 km. Cuối cùng, thân nhân của ông lý trí gọi cho lực lượng bảo vệ bờ biển rồi ông mới được cứu.
Do vậy, khi mạng sống gặp phải nguy hiểm, bạn nên tránh những hành vi nào nhất?

1. Bất động
Khi nghĩ về tai nạn, chúng ta thường liên tưởng đến hỗn loạn. Ít ra thì trong điện ảnh là như vậy, người ta huơ tay, chạy tán loạn để thoát mạng. Nhưng thực tế khi đối diện với nguy hiểm, phản ứng tự nhiên nhất của nhân loại lại là… không làm gì cả.
Trong sự kiện chém người hàng loạt gần đây nhất tại cầu London, một cảnh sát (không trong phiên trực) có mặt ở đó cho biết, những người xung quanh chỉ đứng im “giống như những con nai đứng nhìn ánh đèn pha [xe hơi].”
Vì loại phản ứng này phổ biến đến như vậy, các nhà tâm lý học đã bắt đầu đàm luận mô thức phản ứng: “đối kháng – chạy chốn – bất động.”
Mặc dù điều này xem ra rất bị động, khi chúng ta ngẩn người ra vì sợ hãi, trên thực tế đại não đang chủ động ‘phanh xe’. Khi adrenaline trong cơ thể tăng vọt, các bắp thịt sẽ trở nên rất căng thẳng, “tiểu não” nguyên thủy giáp với cổ của cơ thể phát ra tín hiệu khiến người ta đứng cố định ở hiện trường.
Cơ chế phản ứng tương đồng như vậy cũng tồn tại trong giới động vật, từ chuột cho đến thỏ, đây là chiêu cuối cùng để kẻ săn mồi không phát hiện ra chúng. Nhưng trong tai nạn, hành động mới là điều then chốt để sống sót.

2. Tư duy đình trệ
Đại não của chúng ta triệt để “đóng băng” khi có áp lực, và có một câu chuyện điển hình để minh chứng.
Trong chiến tranh Vùng Vịnh những năm đầu thập nhiên 1990, Israel đã chuẩn bị tốt để phòng bị Iraq tấn công. Xét đến khí độc mà quân đội Iraq đã sử dụng trong những năm 80, Israel đã chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Họ phát mặt nạ phòng độc và ống tiêm thuốc giải tự động cho toàn thể dân chúng, còn thông báo cho dân chúng Israel chọn trong nhà mình một “phòng an toàn” kín khí. Một khi nghe được cảnh báo, dân chúng nên sơ tán vào đó và đeo mặt nạ phòng độc vào.



           1 “phòng an toàn” ở Israel (ảnh: Internet)

Từ ngày 19 đến 21 tháng 1, đã có tổng cộng 23 cuộc tấn công, gần 13 tấn thuốc nổ công phá cao bị thả xuống thành phố Tel Aviv, nơi có mật độ dân số rất cao.
Mặc dù không sử dụng vũ khí hóa học, vẫn có hơn 1000 người bị thương. Nhưng không phải theo cách mà bạn tưởng, bệnh viện cho biết chỉ có 234 (22%) thương vong là do vụ nổ trực tiếp. Đa số, hơn 800 người, là phát sinh trong tình huống không có nguy hiểm: trong các lần cảnh báo sai.
Trong số đó có 11 người tử vong, bao gồm 7 người đeo mặt nạ phòng độc mà quên mở thiết bị lọc. Hàng trăm người hoàn toàn không gặp khí độc thần kinh nhưng lại tiêm thuốc giải. Lại có 40 người (hầu hết bị trật khớp và gẫy xương) khi chen nhau chạy vào “phòng an toàn” bịt kín.

Vậy rốt cuộc điều gì đã xảy ra?
Mặc dù ở trạng thái tốt nhất, não của chúng ta cũng hoạt động chậm đến mức khó chịu – trong khi tai nạn lại đến rất nhanh.
Các nhà sản xuất hàng không cần chứng minh rằng toàn bộ máy bay có thể sơ tán xong trong 90 giây. Bởi vì nghiên cứu phát hiện rằng sau khoảng thời gian ấy, nguy cơ khoang máy bay bị lửa nuốt chửng sẽ tăng cao rất nhanh. Nhưng trong khoảng thời gian này, đa số chúng ta vẫn còn đang vụng về tháo dây an toàn.
Tất cả những điều này có liên quan đến cách chúng ta ra quyết định. Lấy chơi cờ làm ví dụ, chiêu số của một bậc thầy cờ vua có khoảng 50.000 nước đi. Nếu như con Mã đi đến ô X, thì sử dụng phương án Y — vì vậy mấy bước đầu có thể đi xong chỉ trong vài giây. Nhưng thuận theo tiến triển của ván cờ, vị trí của các quân cờ sẽ biến đổi nhiều hơn. Ví dụ, sau khi đi 4 nước, thì các phương án tổ hợp lên đến 288 tỷ nước đi. Sau một lúc, kỳ thủ không thể theo các chiến lược lập trình sẵn mà phải tự suy nghĩ ra phương án, tốc độ của nước đi cũng giảm nhiều. Các bước đi đầu có thể chỉ cần vài giây, nhưng một ván cờ chuyên nghiệp điển hình (ước chừng 40 nước) cần hơn 1 giờ rưỡi.
Điều này là bởi vì, “năng lực xử lý tin tức của đại não thường có hạn”theo nhà tâm lý học Sarita Robinson – Đại học Central Lancashire.


Trong tai nạn, tốc độ cân nhắc các phương án của người ta còn chậm hơn nữa. Phản ứng đầu tiên của đại não là sản sinh một lượng lớn hoóc-môn Dopamine mang đến cảm xúc tốt. Điều này dường như đi ngược lại với trực giác.
Dopamine không chỉ mang đến cảm giác hạnh phúc vui vẻ, nó còn có vai trò trọng yếu giúp thân thể chuẩn bị đối mặt với nguy hiểm. Nó sẽ kích thích tiết ra nhiều hoóc-môn hơn nữa, bao gồm cả Adrenaline và Cortisol gây stress, đây chính là lý do tạo thành rắc rối.
Hỗn hợp hoóc-môn kích thích này sẽ đóng phần thùy trán lại. Thùy trán ở phía trong trán, đảm nhận các chức năng cao cấp như ghi nhớ công việc. Như vậy, chính lúc cần trí tuệ nhất thì chúng ta lại biến thành rất dễ quên, hay bị đưa ra các quyết định sai lầm.
(Xem tiếp phần 2)

Theo Zaria Gorvett/ BBC
Phong Trần biên tập

Những  điều  không  nên  làm 
(nhưng  nhiều  người  phạm  phải)  khi  gặp  tai  nạn  (P2)
(Thứ ba, 29/08/2017)

“Trong huấn luyện sinh tồn, điều quan trọng không phải là làm cái gì, mà chủ yếu là huấn luyện người ta không làm một số việc mà họ thường có xu hướng sa vào”, người sống sót sau hỏa hoạn năm 1987 ở khu King’s Cross (London), nhà tâm lý học John Leach của đại học Portsmouth nói. Ông ước chừng, vào thời khắc nguy hiểm, phản ứng của 80-90% là không hợp lý.



(ảnh minh họa: AFP/Getty)

(tiếp theo phần 1)

3. Tầm nhìn hình ống
Trong tình huống nguy hiểm, chúng ta cho rằng mình sẽ phản ứng bằng cách suy nghĩ sáng tạo để vượt qua vấn đề. Nhưng – như bạn có thể đoán, thực tế hoàn toàn ngược lại. Một phản ứng điển hình khi gặp tai nạn là “bướng bỉnh” – cố gắng dùng một phương thức duy nhất để giải quyết vấn đề hết lần này tới lần khác, bất luận kết quả như thế nào. Tình huống này thường hay phát sinh, tới mức trong thiết kế dây an toàn của máy bay hạng nhẹ đã tính đến việc này.
Bởi vì người ta đã quen với việc tìm dây an toàn ở xung quanh hông của mình, đây là nơi duy nhất mà người ta nhìn đến trong tình huống khẩn cấp. Trong những thiết kế trước đây, dây an toàn đều được thắt ở phía trên, nhưng trong tình huống sợ hãi khi hạ cánh khẩn cấp, người ta chỉ đơn giản là không thể thực hiện thao tác này. Các sự cố khác cho thấy, trong thời khắc nguy hiểm, phi công thường sẽ bị ám ảnh bởi một loại thiết bị hoặc phản ứng nào đó.
Điều thú vị là, tầm nhìn hình ống này cũng xuất hiện ở những người bị tổn thương thuỳ trán vĩnh viễn, điều này cho thấy có thể trong thời khắc nguy hiểm, đại não đã đóng khu vực này lại, dẫn đến tư duy cứng nhắc.

4. Làm theo thói quen cũ
Điều này dẫn chúng ta đến một chướng ngại lớn tiếp theo. “Số người thiệt mạng vì chạy về nhà lấy ví tiền hoặc kiểm tra xem lò nướng đã tắt chưa…” chuyên gia ứng phó với nguy cơ và tai họa James Goff của Đại học Hawaii nói. Trải qua nhiều năm làm việc với người dân, nâng cao ý thức của người dân ở những nơi có nguy cơ sóng thần cao, ông chứng kiến rất nhiều phản ứng không thể tưởng tượng được của con người trong các tình huống nguy cấp.
Trên bề mặt, thật điên khùng hoặc ngu xuẩn khi vì ví tiền mà mạo hiểm sinh mệnh của bản thân. Nhưng đây lại là hiện tượng rất phổ biến, các nhà tâm lý học sinh tồn có một thuật ngữ cho loại hiện tượng này: “hành vi rập khuôn”. Trong giới động vật, điều này chỉ những động tác lặp lại nhưng rõ ràng là vô dụng, ví dụ đi qua đi lại trong vườn thú.
Đối với con người, nó chỉ một hiện tượng khiến cho người ta bất an: Cho dù trong nhà đã cháy, nhưng vẫn tiếp tục hành động theo thói quen cũ. “Khi bạn ra khỏi nhà thì cần lấy ví tiền – bạn còn không suy nghĩ. Đây là tự động,” James nói.

Trong thảm họa, người ta hành động như thể không có vấn đề gì (ảnh: AFP/Getty)


Năm 2016, khi chuyến bay số 512 của hãng hàng không Emirates hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Dubai, hình ảnh video cho thấy hành khách đang hoảng loạn chạy tới chạy lui trong khoang đầy khói để tìm hành lý trong ngăn chứa phía trên đầu. May mắn là không có hành khách nào thiệt mạng (đáng tiếc là một nhân viên cứu hỏa đã mất mạng trong khi tập tắt đám cháy). Đây không phải là một ngoại lệ, việc tương tự cũng đã từng xảy ra vào một năm trước nữa, và lại xảy ra một lần nữa vào năm 2013.
Vậy thì, vì sao chúng ta không thể dừng những phản ứng vô thức này lại?
Thực tế đã chứng minh, trong sinh hoạt thường ngày, đại não của chúng ta phụ thuộc một cách thái quá vào sự quen thuộc. Trong hoàn cảnh không có tai nạn, khi máy bay chạm đất, người ta cho rằng việc lấy hành lý một cách vô thức sẽ giúp chúng ta tập tung tinh lực đối phó với những thứ chưa từng gặp phải – ví dụ tìm đường đi ở sân bay của một thành phố xa lạ. Nhà tâm lý học John Leach nói: “Chúng ta sống trong hiện tại, nhưng lại dựa vào những thói quen cũ để dự báo tương lai.”
Khi chúng ta nỗ lực xây dựng khuôn mẫu mới cho thế giới xung quanh, thử thách trí lực mà hoàn cảnh mới mang đến là rất lớn. Điều này cũng có thể giải thích vì sao khi ở nơi đất khách hoặc bắt đầu một công việc mới thì chúng ta thường cảm thấy rất mệt mỏi. Trong tình huống khẩn cấp, việc thích ứng với tình huống mới có thể vượt quá năng lực chịu đựng của bộ não. Vậy mà chúng ta vẫn cứ “làm tới” như thể không có chuyện gì xảy ra cả.

6. Phủ nhận
Khi đi đến cực đoan, người ta có thể hoàn toàn phớt lờ mối nguy hiểm. “Luôn có hơn 50% số người làm như vậy, họ đi xuống bờ biển để quan sát sóng thần”, James Goff nói. Trong tay ông cầm tấm ảnh chụp người ta quan sát sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, được ghi lại bởi một người đang chạy lên vị trí cao hơn.
Theo cách nói của nhà tâm lý học Sarita Robinson, phủ nhận có hai loại lý do, hoặc là người ta không có đủ năng lực để nhận ra sự nguy hiểm của tình hình, hoặc là chỉ vì người ta không muốn thừa nhận. Lý do thứ hai rất phổ biến trong trường hợp cháy rừng, bởi vì thường thì sơ tán khỏi ngôi nhà nghĩa là chấp nhận để nó bị phá hủy.
“Người ta thường chờ đợi đến khi họ nhìn thấy khói, mà điều này có nghĩa là đã quá muộn để chạy thoát. Vì vậy họ bị mắc kẹt trong ngôi nhà vốn không được chuẩn bị tốt để chống lại đám cháy cháy, hoặc liều mình tìm cách chạy thoát”, chuyên gia xử lý nguy hiểm khẩn cấp Andrew Gissing của công ty Risk Frontiers nói.



Trong cơn cháy rừng ở Bồ Đào Nha gần đây, nhiều người mạo hiểm đến phút chót mới sơ tán (ảnh: Getty)
Vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện rằng đa số chúng ta có năng lực phán đoán nguy hiểm rất kém. Khi nguy hiểm đến, não của chúng ta thường dựa vào cảm giác mà không dựa vào thực tế, không chịu tư duy khẩn trương mà an ủi bản thân rằng nguy hiểm sẽ qua. Điều này cũng có thể giải thích vì sao những bệnh nhân ung thư trung bình đợi 4 tháng mới đi gặp bác sĩ chẩn đoán, hoặc khi xảy ra sự kiện 11/9, người ở các tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới đã đợi trung bình 5 phút trước khi bắt đầu di tản.
Một người tên là Yossi Hasson đã có trải nghiệm trực tiếp về việc phủ nhận hiện thực trong tình huống nguy cấp. Khi có sóng thần xảy ra vào ngày lễ năm 2004 thì ông và bạn gái đang đi lặn ở vùng biển Thái Lan. Họ đang ở dưới nước, cách bờ biển vài dặm thì sóng thần đến. “Đột nhiên tôi cảm thấy bị cái gì đó đẩy, rất mạnh, tôi không cách nào kiểm soát được nữa.” Sau đó họ quay lại đảo.
Mặc dù toàn bộ toàn bộ vùng bãi biển đã biến thành một đống đổ nát, với rác và xác người nổi xung quanh những chiếc thuyền, nhưng Hasson lại vẫn đang tự hỏi liệu họ có thể trở về khách sạn để lấy hành lý không. Người chèo thuyền dường như muốn nói: “Này anh bạn, khách sạn của anh có lẽ không còn tồn tại nữa rồi”.



Khi sóng thần đến Thái Lan năm 2004, nhiều người vẫn còn đang ở trên bờ biển (ảnh: Getty)

Những điều bạn nên làm khi tại nạn xảy ra
Nếu như chúng ta không thể dựa vào bản năng tự nhiên của mình, thì chúng ta có thể dựa vào điều gì?
James Goff cho rằng, nếu muốn sống sót khỏi thiên tai thì cần có kế hoạch. “Nếu bạn sớm biết cần làm thế nào và hành động sớm, thì bạn thông thường có thể thoát chết khi gặp sóng thần, nhưng có lẽ sẽ có chút sợ hãi.”
John Leach có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện quân nhân thoát khỏi các trường hợp khủng bố, bắt cóc con tin cho đến máy bay trực thăng rơi xuống nước. Ông biết biện pháp tốt nhất để giải quyết ảnh hưởng tâm lý là thay thế những phản ứng tự động không có lợi bằng những phản ứng có thể cứu tính mạng của bạn. Ông nói: “Bạn phải không ngừng luyện tập và luyện tập cho đến khi kỹ năng sinh tồn trở thành hành vi chủ đạo”.
… Tuy nhiên nhiều khi vận may là quan trọng nhất
Larson – người sống sót sau chuyến bay số 440 của Hãng hàng không Ấn Độ rốt cuộc như thế nào? Tổn thương lớn nhất ông ta gặp phải không phải bản thân tai nạn mà là sự việc phát sinh sau đó. Ông được dân làng phát hiện và đưa đi bệnh viện. Lửa đã lan đến quá gần khi ông thoát ra, nên đã lẹm mất một nửa tóc trên đầu ông. Ông bị bỏng cấp 1 và cấp 2, xương chậu vỡ, cánh tay bị nát và bàng quang bị thương.


Vì để đảm bảo không còn nội thương nào khác, bác sĩ phải làm phẫu thuật kiểm tra. Vài tuần sau, ông vẫn bị sụt cân, vết thương cũng chưa lành. Tại vị trí một vết sưng, bác sĩ chữa trị cột sống ở Mỹ của Larson đã cắt vết khâu ra và đưa kẹp vào. “Ông ấy lấy ra một miếng vải gạc dài khoảng 30cm đã ở trong đó 30 ngày rồi”. Rất may là phát hiện ra điều này. Nếu như miếng gạc tiếp tục ở trong đó thì chuyện sẽ rất tệ.
Chuẩn bị thật tốt, hành động nhanh, vứt bỏ thói quen cũ, tránh những phủ nhận… đều là cách để sống sót khi gặp những tình huống xấu nhất. Nhưng theo kinh nghiệm của Larson chỉ ra, đôi khi bạn vẫn cần có đủ vận may.

Theo Zaria Gorvett/ BBC

Phong Trần biên tập



Nguồn gốc lễ Các Thánh Nam Nữ (1.11)


 
Nguồn  gốc  lễ  Các  Thánh  Nam  Nữ  (1.11)
 và  lễ  Các  Đẳng  Linh  Hồn (2.11)
(Thứ bảy - 28/10/2017)




Lễ Các Thánh Nam Nữ (1.11 )
Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành ngày có tính cách “ma quái bí ẩn“, mà thật ra tên gọi đúng là Halloween, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, ( All Hallow là Các Thánh;Even, Lễ Vọng), có nghĩa “Lễ Vọng Các Thánh“.

Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Ki-tô hữu có thói quen mừng lễ kính nhớ một vị tử đạo vào chính ngày vị thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về ngày lễ, rước hài cốt các thánh và mừng lễ các nhóm tử đạo chung cùng một ngày với nhau.

Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gio-an Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính các thánh tử đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong thánh được thiết lập, số các thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v..

Chính Ðức Gíao Hoàng Grêgôriô III (731-41 ) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phê-rô, ở Rô-ma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ.

Về sau, Ðức Grêgôriô IV (827-44 ) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV (1261-64 ) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ” (Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999).

Lễ Các Ðẳng Linh Hồn (2.11 )
Cũng theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày giáo lý của đức tin về Luyện Ngục tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1, 7), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy ..” (Giáo Lý, 1030-1031).

Vào thời Giáo Hội tiên khởi, người Ki-tô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào “danh sách những người đã ra đi” để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Bênêđitô có nghi thức tưởng nhớ đến các thành viên tu sĩ đã qua đời. Tại Tây-ban-nha, có ngày cầu cho các linh hồn vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo Hội chấp thuận.

Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các tu hội Bênêđitô mỗi năm dành một ngày cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây- ban-nha, Bồ-đào-nha và Mỹ La-tinh, ngày 2.11, các Linh Mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903 ) ban chỉ thị làm lễ Cầu Hồn “Requiem” cho Các Ðẳng.

Trong các Giáo Hội theo nghi lễ Hy-lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn.


(sưu tầm)


Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Vì sao hầu hết phụ nữ đều thất bại...

Vì  sao  hầu  hết  phụ  nữ  đều  thất  bại  khi  đi  tìm  hạnh  phúc  nơi  tình  yêu  và  hôn  nhân?
(Ngày 6 Tháng 10, 2017)


 
GiadinhNet - Hạnh phúc là thứ mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn nhưng ít ai đạt được. Đa số phụ nữ tìm kiếm hạnh phúc nơi tình yêu, nơi hôn nhân, nơi chồng con và điều kỳ lạ là đa số họ đều thất bại. Vậy hạnh phúc là gì? Làm thế nào để đạt được hạnh phúc? Bài viết sau sẽ giúp chị em phụ nữ tìm ra được đáp án cho những câu hỏi đó.
Khi một người phụ nữ gặp được một người đàn ông tốt, thì cả đời này cô ấy chẳng cần trưởng thành. Khi một người phụ nữ ngày càng trưởng thành, ngày càng kiên cường, là bởi vì người đàn ông đó chưa đủ tốt...



Bởi vậy muốn hạnh phúc, phụ nữ nhất định phải biết những điều sau:

1. Phụ nữ cần phải nhớ, chọn đàn ông không cần tiêu chuẩn nào khác, chính là chọn người yêu thương bạn! Cho dù anh ta có bao nhiêu tiền, tài năng đến nhường nào, đẹp trai cỡ nào, nói hay thế nào, có trí tuệ đến đâu, có năng lực, thích giúp đỡ người khác thế nào, nếu anh ta không thương bạn, thì tất cả những thứ đó đều vô dụng!

2. Bác sĩ tâm lý dành cho phụ nữ một lời khuyên chân thành: “Cho dù cô có thích người đó thế nào, trong tình yêu người chủ động nhất định phải là đàn ông. Nếu người đàn ông đó không chủ động, thì thà bỏ lỡ còn hơn.”

3. Khi bạn không có người đồng hành, cho dù cô đơn, cũng có thể sống rất vui vẻ. Lúc này, cô đơn là một loại cảnh giới. Bạn có thể một mình đi khắp thế giới này, làm quen với những người bạn khác nhau.

Bạn cũng có thể chọn tan làm xong thì về nhà ngay, hưởng thụ cuộc sống của riêng mình. Cô đơn khi một mình không hề đáng sợ. Đáng sợ nhất là, có người đồng hành mà vẫn thấy cô đơn.

4. Một người cha khuyên con gái mình: “Có một số người phù hợp nhưng con không yêu, một số người yêu con nhưng lại không phù hợp. Muốn biết yêu hay không yêu, đừng nghe bằng tai mà hãy nhìn bằng mắt. Xem cậu ta cố gắng bao nhiêu.

Mà muốn biết có phù hợp với con hay không, đừng hỏi cậu ta có những gì, mà hãy hỏi nụ cười và nước mắt của con. Một người cứ luôn khiến con rơi nước mắt, điều kiện có tốt đến đâu cũng chớ có cần.

Một người luôn làm con cười, cho dù phải chịu khổ cũng đáng. Thà cười tươi chịu khổ còn hơn hưởng thụ trong nước mắt.”

5. Hãy tìm một người đàn ông chịu đặt ảnh của bạn vào trong ví tiền của anh ta, một người đàn ông dám để bạn cắn lưu lại dấu vết trên người anh ta; người đàn ông dám viết về bạn trên mạng xã hội; người đàn ông dám để bạn biết tất cả về anh ấy; người đàn ông khi bạn giận dỗi đòi chia tay cũng không vứt bỏ bạn, mà ôm chặt lấy bạn không để bạn đi; người đàn ông dám chịu trách nhiệm và đối tốt với bạn cả đời.

6. Nếu một mối tình, không khiến bạn trở nên tốt hơn, tiếc rằng bạn đã chọn nhầm người rồi. Nếu người đó thực sự yêu bạn, cho dù anh ta phải chịu đựng thế nào, sẽ không đời nào chịu rời xa bạn.

Loại người luôn mồm nói yêu, thực ra sẽ càng dần càng xa bạn, chẳng qua là lời nói dối mà thôi. Loại người luôn mồm nói yêu thật lòng, thật ra thiệt một tý thôi cũng chịu không nổi.

Tình yêu đích thực, sẽ có kết quả. Không có kết quả, chỉ có thể nói là đã từng yêu. Cho dù bạn đã từng yêu ai, kết quả chỉ có một. Người cùng bạn đi đến cùng, mới là tình yêu đích thực.

Thời khắc hạnh phúc nhất của một người, chính là tìm được đúng người, anh ấy chiều chuộng bạn, bao dung thói quen của bạn, đồng thời sẽ yêu tất cả những điều thuộc về con người bạn.

7. Có một số người đàn ông yêu bạn, là muốn bên bạn cả đời. Có một số người đàn ông yêu bạn, chỉ muốn cùng bạn qua một đoạn đường. Người đàn ông bên bạn cả đời yêu bạn sẽ không dùng quá nhiều sức lực, bởi vì anh ấy còn phải dùng sức vào cuộc sống này.

Người đàn ông cùng đi một đoạn đường sẽ yêu bạn đến chết đi sống lại; bởi vì anh ta chỉ cần yêu qua bạn, ngủ qua với bạn, và vứt bỏ bạn. Thế mới nói đàn ông tốt chăm sóc cho cuộc sống của bạn, đàn ông tồi chăm sóc cho tình cảm của bạn.

8. Tổn thương mà đàn ông gây ra cho phụ nữ, không nhất định là anh ta yêu người khác, mà anh ta khiến cô ấy thất vọng mỗi khi cô ấy trông chờ, khi cô yếu đuối không dành cho cô niềm an ủi cần có.

9. Người đàn ông thông minh sẽ chiều chuộng người phụ nữ của mình tới vô pháp vô thiên, khiến những người đàn ông khác chịu không nổi tính xấu của cô ấy.

Người đàn ông ngốc nghếch sẽ dùng tính xấu của mình khiến người phụ nữ của mình trở nên chán ghét với tất cả những tên đàn ông tới xoăn xoe nịnh bợ.

10. Các cô gái hãy nhớ: thà tìm một người đàn ông không có quá nhiều tiền nhưng thoải mái đưa tiền cho bạn tiêu, cũng không cần tìm một người đàn ông rõ ràng có nhiều tiền nhưng lại kì kèo từng đồng với bạn. Sổ tài khoản của đàn ông không quan trọng, quan trọng là có bao nhiêu tiền tiêu lên người bạn.

Đừng bao giờ tự thôi miên mình chỉ cần tình yêu không cần vật chất, ở thời đại ai ai cũng mẫn cảm với tiền bạc này, người chịu móc tiền mồ hôi nước mắt của mình đưa bạn mới chứng tỏ thật lòng yêu bạn, bởi vì những người kiệt xỉ mãi mãi chỉ yêu bản thân mình thôi.

11. Đối với người phụ nữ yêu bạn, bạn có thể để cô ấy khóc, để cô ấy tủi thân, nhưng đừng khiến cô ấy trở nên yên lặng, bởi im lặng là nỗi đau hằn sâu nhất, là tiếng khóc bi thương nhất của phụ nữ.

Bạn phải biết rằng, phụ nữ thích nhất là dốc bầu tâm sự, cho dù cuộc sống có khó khăn khổ cực thế nào, cho dù cô ấy không có tâm sự gì, cô ấy cũng muốn kể với bạn tất cả những điều liên quan đến cô ấy, đó là cách tốt nhất mà cô ấy yêu bạn.

Nếu có một ngày, cô ấy bỗng trở nên yên lặng, các bạn đã không còn trở lại như xưa nữa rồi…


Ngân Khánh (th)

Chặn đứng ung thư trước khi nó bắt đầu (P1)...

Chặn  đứng  ung  thư  trước  khi  nó  bắt  đầu  (P1): 
8  loại  ‘rác’  không  nên  nhập  vào  người
(Thứ năm, 12/10/2017)

Các chuyên gia sức khỏe ước tính có đến hơn 200 loại ung thư khác nhau và chúng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Một thực tế là số bệnh nhân ung thư ngày một nhiều và các phương pháp trị liệu thì tốn kém mà vẫn không thể đảm bảo xử lý được tận gốc rễ vấn đề. Do đó các thầy thuốc khuyên rằng, nếu bạn quan tâm đến sức khỏe thì ‘Hãy chặn đứng căn bệnh ung thư trước khi nó bắt đầu!’

(ảnh: Shutterstock)

Phần 1: Không nhập rác vào người

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài một số yếu tố mà bạn khó lòng thay đổi như di truyền, hoặc sinh ra đã bị ung thư rồi… thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh xa căn bệnh ung thư thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động đúng cách và đặc biệt là cần lưu ý đến yếu tố tinh thần vốn rất thường xuyên bị lãng quên.

Ung thư là gì? Cơ thể con người được tổ hợp từ rất nhiều tế bào (khoảng 37,2 nghìn tỷ), chúng luôn thay cũ đổi mới. Khi tế bào cũ hết lực sống và không còn đảm bảo được nhiệm vụ cơ thể giao cho, sẽ có tế bào mới sinh ra thay thế chúng. Nếu vì một lý do nào đó, tế bào nhân lên một cách vô hạn độ, vô tổ chức, không tuân theo các cơ chế kiểm soát trong cơ thể… chúng sẽ tạo ra các khối u và phát triển thành bệnh lý ác tính là ung thư.

Như vậy nguyên tắc cơ bản của việc phòng ngừa ung thư là cung cấp cho cơ thể, cho tế bào những điều kiện tốt nhất để ngăn chặn sự lệch lạc nói trên, hoặc kịp thời xử lý các tế bào bị hư hỏng khi vừa mới xuất hiện.

Muốn phòng chống ung thư, hãy ngừng ‘nhập rác’ là việc cần làm đầu tiên

‘Bệnh tòng khẩu nhập’, rất nhiều bệnh là do thực phẩm ăn vào, chỉ nên ‘nhập khẩu’ những gì cơ thể cần, cấm nhập các loại thực phẩm không chuyển hóa được, hoặc có thể gây rối loạn các chức năng trong cơ thể. Hãy nắm lấy những nguyên tắc sau:

1. Hạn chế các thực phẩm ‘rác’
Bim bim, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt… Đây là những loại thực phẩm không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại chứa nhiều nguy cơ. Các nhà sản xuất cố gắng làm sao chúng thật hấp dẫn, từ màu sắc đến mùi vị, để kích thích người ăn ngon miệng, kích thích tiêu dùng từ đó mới tăng doanh số bán hàng được.


Bim bim, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt… không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại chứa nhiều nguy cơ. (Ảnh: Shutterstock)

Phẩm màu được dùng để cho bắt mắt, có thể là chiên cho giòn, nêm nếm gia vị thật đậm đà (bột ngọt, đường, muối, dầu ăn…), hương liệu tổng hợp hóa học cho dậy mùi đặc trưng, có chất bảo quản để chống mốc, chống khuẩn… Thực ra cơ thể không nhất thiết cần những thực phẩm này, lợi ít mà hại nhiều, đặc biệt là các chất hóa học vốn không có nguồn gốc từ thực phẩm tự nhiên như kể trên.

Theo nhiều nghiên cứu, bột ngọt gây hại cho thần kinh, hại mắt, thúc đẩy hình thành các khối u. Đường được xem như là thực phẩm nuôi tế bào ung thư. Nhiều chất hóa học gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột vốn tăng cường tính miễn dịch cho cơ thể, đồng thời có thể đảo lộn sự hoạt động của các tuyến nội tiết, các hoóc-môn…

Nếu cơ thể hoạt động bình thường với các nội tạng khỏe mạnh, chúng có khả năng bài tiết các hóa chất độc hại ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, ngày nay việc sử dụng tràn lan các hóa chất trong hàng loạt thực phẩm, từ khi còn trên đồng ruộng đến tận bàn ăn, khiến cơ thể thường xuyên bị ‘đánh hội đồng’. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 80.000 loại hóa chất ngoại lai mà cơ thể phải đối phó! Đó là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý trong cơ thể, hệ miễn dịch bị suy kiệt…

2. Không hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc
Thuốc lá cũng là một thực phẩm rác. Cách đây khoảng 50 năm thì các bác sĩ phương Tây vẫn còn cổ vũ hút thuốc lá tốt cho sức khỏe nhưng ngày nay thì khác. Chúng chứa đến hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có nhiều loại được thêm vào để cho bạn thấy ‘ghiền’ khi hút. Nó không chỉ gây  nghiện mà còn là tác nhân gây ung thư hàng đầu cho cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc ở kế bên.

Người ta còn phát hiện trong khói thuốc lá có chất phóng xạ cực độc là Polonium-210, độc hại hơn khoảng 250 triệu lần so với chất cực độc cyanua. Khi người nông dân sử dụng phân bón giàu photphat để trồng thuốc lá, chất này sẽ bị cây hấp thụ và lưu lại trong lá. Khi thuốc lá cháy, nó đạt tới nhiệt độ 600-800 độ C, cao hơn nhiệt độ nóng chảy của polonium. Polonium nóng chảy dính vào các hạt li ti trong khói thuốc lá và sau đó đọng lại ở trong đường hô hấp và phổi người, từ đó gây ra bệnh tật và thậm chí là tử vong.

3. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
Đứng đầu có lẽ là mì gói, kế tiếp là các loại đồ hộp, và các loại đồ ăn chế biến sẵn khác (không kể loại lên men tự nhiên). Loại này khác với thực phẩm ‘rác’ ở trên ở chỗ, đôi khi bạn vẫn phải dùng chúng để chữa cháy vào những lúc thực sự không có nhiều lựa chọn, phải đi xa hoặc thời giờ gấp gáp.


 Thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng dinh dưỡng lệch lạc so với nhu cầu cơ thể. (Ảnh: womansday.com)

Một nguyên tắc hàng đầu là thực phẩm tươi mới có giá trị tốt nhất (trừ một số loại như rượu vang…). Trong quá trình chế biến, giống như trường hợp thực phẩm rác, người ta cần bổ sung vào đó các phụ gia hóa chất. Thêm vào đó là quá trình công nghệ thời gian bảo quản lâu làm cho giá trị dinh dưỡng giảm dần, thậm chí có thể phát sinh thêm một số chất độc hại. Chúng có thể lây nhiễm thêm các hóa chất độc hại từ bao bì, như kim loại nặng, bisphenol A, hợp chất perfluorinated.

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy cơ thể rất vất vả để tiêu hóa sợi mì gói, chúng có thể được lưu lại đến 2h nếu bạn không quen với loại này. Như vậy, một mặt chúng có hàm lượng dinh dưỡng lệch lạc so với nhu cầu cơ thể, nhiều năng lượng (kcal) nhưng lại thiếu những vi chất, khoáng chất, mặt khác chúng đem rác vào bên trong, gây náo loạn cho các cơ quan. Vậy nên hạn chế được thì vẫn là tốt nhất.

4. Hạn chế đường – tác nhân độc hại tương đương với thuốc lá


Mang vị ngọt được ưa thích, đường gây nghiện chẳng kém gì cocain (Ảnh: Shutterstock)

Đường ngọt ngào và quen thuộc đến mức chẳng ai muốn nghi ngờ. Ăn nhiều đường không chỉ gây sâu răng mà còn thúc đẩy quá trình hình thành nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, lão hóa da… và các chuyên gia đề xuất dán nhãn cảnh báo thực phẩm có bổ sung đường tương tự như với thuốc lá.

Tiến sĩ Mercola, một chuyên gia nổi tiếng về dinh dưỡng tự nhiên của Mỹ, đã tổng kết được một danh sách 76 vấn đề sức khỏe có liên quan đến đường, xem đó như là “đường dây” kết nối người tiêu dùng với bệnh viện.

Mang vị ngọt được ưa thích, đường gây nghiện chẳng kém gì cocain và thường được bổ sung thêm vào các loại thực phẩm chế biến sẵn để tăng độ hấp dẫn, gây “nghiện”. Hai loại đường được dùng phổ biến nhất trong các loại thực phẩm là đường tinh luyện và siro fructose từ bắp (HFCS, high fructose corn syrup), đây cũng là hai loại nguy cơ nhất cho sức khỏe con người. Bạn có thể dễ dàng quan sát thấy HFCS trên bao bì nhiều loại đồ uống công nghiệp được bày bán khắp nơi.

5. Bia rượu: nguyên nhân của 7 loại ung thư
Tiếp khách qua bàn nhậu, gặp bạn bè làm một vài lon bia đã thành phổ biến ở khắp Việt Nam. Tính trên toàn cầu Việt Nam nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, ở châu Á thì chỉ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản, và giữ ngôi vị số một Đông Nam Á.

Tình trạng rượu bia giả hoặc chất lượng kém thường gặp ở Việt Nam, khiến cho rượu bia trở nên nguy hại hơn cho sức khỏe.

Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư IARC – một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp rượu là loại chất gây ung thư thuộc nhóm 1 (group 1 carcinogen) – là nhóm các chất gây ung thư ở người.

Rượu được xem là liên quan đến ít nhất 7 loại ung thư: Miệng – họng, thực quản, thanh quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày.

6. Ăn đồ mốc: ung thư gan

Thực phẩm mốc gây bệnh ung thư gan. (Ảnh: Shutterstock)

Các loại thực phẩm mốc như lạc mốc, ngô mốc, mực khô bị mốc… có chứa độc tố vi nấm aflatoxine cực độc cho gan. Ngay cả khi đã chế biến, rửa cho hết mốc thì các chất độc này cũng không bị loại bỏ vì chúng ngấm vào bên trong thực phẩm và không bị phân hủy ở nhiệt độ cao.

Với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, lương thực thực phẩm khô rất dễ bị mốc do hút ẩm nhiều. Nhiều bà nội trợ thấy gạo, đậu bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thực chất độc tố của chúng vẫn nằm ở đó.

Trường hợp chăn nuôi sử dụng các loại nguyên liệu mốc, độc tố có thể được tích lũy lại trong vật nuôi và qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

7. Không ăn đồ cháy
Món nướng thuộc diện khoái khẩu của rất nhiều người, tiếc rằng chúng lại ẩn chứa rất nhiều những nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư. Thịt cháy sẽ tạo ra các hợp chất heterocyclic amines (HCAs) có thể gây ung thư. Nhiều người có thói quen nướng thịt cháy xém để đảm bảo chúng sẽ chín kỹ, mà không biết rằng khi thịt nướng quá lâu như vậy sẽ sản xuất ra nhiều HCAs hơn, có thể gây ung thư khi tích tụ với nồng độ cao.

Ngoài ra, lượng mỡ chảy xuống than khiến khói bay lên và bám vào đồ ăn. Khói này chứa polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) có thể làm tổn hại DNA trong của gan, dạ dày và gây ra các loại ung thư.

Nguy cơ này cũng tương tự như khi các đồ ăn nhiều đạm (thịt, cá) bị chiên cháy trên chảo.

8. Không ăn thực phẩm bẩn
Nhóm này được xếp xuống cuối cùng vì ai cũng nghe nói nhưng quả thực rất khó tránh, nhưng tránh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc ép chín… là một vấn nạn trong an toàn thực phẩm của Việt Nam, trước mắt vẫn chưa có giải pháp. Không ai có thể đánh giá hết nguy cơ của chúng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bạn chỉ có thể hạn chế bằng cách tìm được nguồn cung cấp quen biết đáng tin cậy, hoặc tránh những loại có nguy cơ cao, mùa nào thức nấy…


Mạnh Lạc