Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Những điều không nên làm...


Những  điều  không  nên  làm
( nhưng  nhiều  người  phạm  phải ) khi  gặp  tai  nạn (P1)
(Thứ hai, 14/08/2017)

“Tôi sẽ vĩnh viễn không quên âm thanh đó, tiếng mà kim loại bị nghiến vào nhau” – George Larson nhớ lại. Ông là một hành khách đến New Deli trên chuyến bay 440 năm 1973 của hãng hàng không Ấn Độ. Lúc đó là 22:30, ngoài trời đen như hũ nút, phi cơ gặp tai nạn trong gió lốc khi đang bay ở tầng thấp.
Đuôi của máy bay tiếp đất trước, Larson bị hất ra khỏi chỗ ngồi. Lúc đó máy bay vẫn đang trượt đi, dây cáp thì bắn ra các tia lửa điện. Rồi thân máy bay đứt gãy thành hai phần, những hành khách la hét hoảng loạn.
Điều tiếp theo Larson biết là khi tỉnh lại, anh đang nằm ngửa trên một đống đổ nát… Anh nỗ lực để di chuyển hai chân, nhưng lại bị kẹt. Lượng nhiệt lớn nhanh chóng đốt nóng bình xăng hai bên cánh máy bay, tạo ra một vụ nổ.

Những mảnh vỡ nhỏ trút xuống xung quanh thân thể anh như mưa rơi, Larson biết rằng nhất định phải tự cứu mình. “Không khí quá nóng, nó đốt cháy phổi của tôi,” gom chút sức tàn cuối cùng, anh đẩy xác máy bay ra và ngã nhào xuống mặt đất, rồi bò lết đến nơi an toàn. Toàn máy bay có 65 hành khách và nhân viên tổ lái, Larson là một trong 17 người may mắn sống sót.
Trên thực tế, Larson đã đặc biệt may mắn. Trước đó vài phút, anh đã làm một việc dại dột. Anh ngồi ở những hàng ghế phía sau máy bay, đang nói chuyện với những tiếp viên hàng không xung quanh. Mặc dù đèn tín hiệu nhắc nhở thắt dây an toàn đang còn bật, anh lại tháo dây ra.
“Không biết vì sao, không có nguyên do, lúc ấy tôi cứ muốn mở ra”, Larson nói. Đại đa số những hành khách tháo dây an toàn trước khi máy bay bị va chạm thì không có hy vọng sống sót.



Nếu không thắt dây an toàn, khả năng tử vong khi máy bay rơi tăng gấp 4 lần (ảnh: Alamy)

Nhưng sau khi va chạm xảy ra, Larson đã ý thức vấn đề rất nhanh và nỗ lực để tự giải thoát trước khi lửa lớn lan rộng.
Điều kỳ quái là rất nhiều người không thể phản ứng nhanh để bảo toàn tính mạng trong thời khắc khẩn cấp quan trọng. Từ những tranh cãi vô nghĩa trên chiếc ca-nô đang chìm nghỉm trong dòng nước xiết, cho đến những việc chẳng đâu vào đâu trên bờ biển lúc sóng thần ập tới.
Nhiều năm nay, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng dưới áp lực, người ta thường chọn những hành động tự hủy đi bản thân mình.
“Trong huấn luyện sinh tồn, điều quan trọng không phải là làm cái gì, mà chủ yếu là huấn luyện người ta không làm một số việc mà họ thường có xu hướng sa vào”, người sống sót sau hỏa hoạn năm 1987 ở khu King’s Cross (London), nhà tâm lý học John Leach của đại học Portsmouth nói. Ông ước chừng, vào thời khắc nguy hiểm, phản ứng của 80-90% là không hợp lý.
Năm 2011, video về trận động đất lớn ở Nhật Bản cho thấy, trong siêu thị, người ta liều mạng để đi cứu các bình rượu khỏi bị vỡ. Khi một máy bay bốc cháy tại phi trường Denver đầu năm 2017, những hành khách được sơ tán lại lẩn quẩn bên cạnh máy bay, ngắm ngọn lửa và chụp ảnh selfie làm kỉ niệm.
Trí tuệ khi đó không còn tác dụng nữa, trong tình huống khẩn cấp thì đầu não của ai cũng bị mê mờ. Ví dụ, năm 2001, một giảng viên đại học Cambridge đang chèo thuyền kayak ở đảo Wight thì bị lật. Ông chỉ biết bám lấy cái thuyền úp trong 20 phút rồi mới nhớ ra mình có điện thoại. Cuối cùng khi lấy được điện thoại, ông đã gọi cho người chị ở Cambridge, sau đó gọi cho bố ở Dubai cách đó 5000 km. Cuối cùng, thân nhân của ông lý trí gọi cho lực lượng bảo vệ bờ biển rồi ông mới được cứu.
Do vậy, khi mạng sống gặp phải nguy hiểm, bạn nên tránh những hành vi nào nhất?

1. Bất động
Khi nghĩ về tai nạn, chúng ta thường liên tưởng đến hỗn loạn. Ít ra thì trong điện ảnh là như vậy, người ta huơ tay, chạy tán loạn để thoát mạng. Nhưng thực tế khi đối diện với nguy hiểm, phản ứng tự nhiên nhất của nhân loại lại là… không làm gì cả.
Trong sự kiện chém người hàng loạt gần đây nhất tại cầu London, một cảnh sát (không trong phiên trực) có mặt ở đó cho biết, những người xung quanh chỉ đứng im “giống như những con nai đứng nhìn ánh đèn pha [xe hơi].”
Vì loại phản ứng này phổ biến đến như vậy, các nhà tâm lý học đã bắt đầu đàm luận mô thức phản ứng: “đối kháng – chạy chốn – bất động.”
Mặc dù điều này xem ra rất bị động, khi chúng ta ngẩn người ra vì sợ hãi, trên thực tế đại não đang chủ động ‘phanh xe’. Khi adrenaline trong cơ thể tăng vọt, các bắp thịt sẽ trở nên rất căng thẳng, “tiểu não” nguyên thủy giáp với cổ của cơ thể phát ra tín hiệu khiến người ta đứng cố định ở hiện trường.
Cơ chế phản ứng tương đồng như vậy cũng tồn tại trong giới động vật, từ chuột cho đến thỏ, đây là chiêu cuối cùng để kẻ săn mồi không phát hiện ra chúng. Nhưng trong tai nạn, hành động mới là điều then chốt để sống sót.

2. Tư duy đình trệ
Đại não của chúng ta triệt để “đóng băng” khi có áp lực, và có một câu chuyện điển hình để minh chứng.
Trong chiến tranh Vùng Vịnh những năm đầu thập nhiên 1990, Israel đã chuẩn bị tốt để phòng bị Iraq tấn công. Xét đến khí độc mà quân đội Iraq đã sử dụng trong những năm 80, Israel đã chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Họ phát mặt nạ phòng độc và ống tiêm thuốc giải tự động cho toàn thể dân chúng, còn thông báo cho dân chúng Israel chọn trong nhà mình một “phòng an toàn” kín khí. Một khi nghe được cảnh báo, dân chúng nên sơ tán vào đó và đeo mặt nạ phòng độc vào.



           1 “phòng an toàn” ở Israel (ảnh: Internet)

Từ ngày 19 đến 21 tháng 1, đã có tổng cộng 23 cuộc tấn công, gần 13 tấn thuốc nổ công phá cao bị thả xuống thành phố Tel Aviv, nơi có mật độ dân số rất cao.
Mặc dù không sử dụng vũ khí hóa học, vẫn có hơn 1000 người bị thương. Nhưng không phải theo cách mà bạn tưởng, bệnh viện cho biết chỉ có 234 (22%) thương vong là do vụ nổ trực tiếp. Đa số, hơn 800 người, là phát sinh trong tình huống không có nguy hiểm: trong các lần cảnh báo sai.
Trong số đó có 11 người tử vong, bao gồm 7 người đeo mặt nạ phòng độc mà quên mở thiết bị lọc. Hàng trăm người hoàn toàn không gặp khí độc thần kinh nhưng lại tiêm thuốc giải. Lại có 40 người (hầu hết bị trật khớp và gẫy xương) khi chen nhau chạy vào “phòng an toàn” bịt kín.

Vậy rốt cuộc điều gì đã xảy ra?
Mặc dù ở trạng thái tốt nhất, não của chúng ta cũng hoạt động chậm đến mức khó chịu – trong khi tai nạn lại đến rất nhanh.
Các nhà sản xuất hàng không cần chứng minh rằng toàn bộ máy bay có thể sơ tán xong trong 90 giây. Bởi vì nghiên cứu phát hiện rằng sau khoảng thời gian ấy, nguy cơ khoang máy bay bị lửa nuốt chửng sẽ tăng cao rất nhanh. Nhưng trong khoảng thời gian này, đa số chúng ta vẫn còn đang vụng về tháo dây an toàn.
Tất cả những điều này có liên quan đến cách chúng ta ra quyết định. Lấy chơi cờ làm ví dụ, chiêu số của một bậc thầy cờ vua có khoảng 50.000 nước đi. Nếu như con Mã đi đến ô X, thì sử dụng phương án Y — vì vậy mấy bước đầu có thể đi xong chỉ trong vài giây. Nhưng thuận theo tiến triển của ván cờ, vị trí của các quân cờ sẽ biến đổi nhiều hơn. Ví dụ, sau khi đi 4 nước, thì các phương án tổ hợp lên đến 288 tỷ nước đi. Sau một lúc, kỳ thủ không thể theo các chiến lược lập trình sẵn mà phải tự suy nghĩ ra phương án, tốc độ của nước đi cũng giảm nhiều. Các bước đi đầu có thể chỉ cần vài giây, nhưng một ván cờ chuyên nghiệp điển hình (ước chừng 40 nước) cần hơn 1 giờ rưỡi.
Điều này là bởi vì, “năng lực xử lý tin tức của đại não thường có hạn”theo nhà tâm lý học Sarita Robinson – Đại học Central Lancashire.


Trong tai nạn, tốc độ cân nhắc các phương án của người ta còn chậm hơn nữa. Phản ứng đầu tiên của đại não là sản sinh một lượng lớn hoóc-môn Dopamine mang đến cảm xúc tốt. Điều này dường như đi ngược lại với trực giác.
Dopamine không chỉ mang đến cảm giác hạnh phúc vui vẻ, nó còn có vai trò trọng yếu giúp thân thể chuẩn bị đối mặt với nguy hiểm. Nó sẽ kích thích tiết ra nhiều hoóc-môn hơn nữa, bao gồm cả Adrenaline và Cortisol gây stress, đây chính là lý do tạo thành rắc rối.
Hỗn hợp hoóc-môn kích thích này sẽ đóng phần thùy trán lại. Thùy trán ở phía trong trán, đảm nhận các chức năng cao cấp như ghi nhớ công việc. Như vậy, chính lúc cần trí tuệ nhất thì chúng ta lại biến thành rất dễ quên, hay bị đưa ra các quyết định sai lầm.
(Xem tiếp phần 2)

Theo Zaria Gorvett/ BBC
Phong Trần biên tập

Những  điều  không  nên  làm 
(nhưng  nhiều  người  phạm  phải)  khi  gặp  tai  nạn  (P2)
(Thứ ba, 29/08/2017)

“Trong huấn luyện sinh tồn, điều quan trọng không phải là làm cái gì, mà chủ yếu là huấn luyện người ta không làm một số việc mà họ thường có xu hướng sa vào”, người sống sót sau hỏa hoạn năm 1987 ở khu King’s Cross (London), nhà tâm lý học John Leach của đại học Portsmouth nói. Ông ước chừng, vào thời khắc nguy hiểm, phản ứng của 80-90% là không hợp lý.



(ảnh minh họa: AFP/Getty)

(tiếp theo phần 1)

3. Tầm nhìn hình ống
Trong tình huống nguy hiểm, chúng ta cho rằng mình sẽ phản ứng bằng cách suy nghĩ sáng tạo để vượt qua vấn đề. Nhưng – như bạn có thể đoán, thực tế hoàn toàn ngược lại. Một phản ứng điển hình khi gặp tai nạn là “bướng bỉnh” – cố gắng dùng một phương thức duy nhất để giải quyết vấn đề hết lần này tới lần khác, bất luận kết quả như thế nào. Tình huống này thường hay phát sinh, tới mức trong thiết kế dây an toàn của máy bay hạng nhẹ đã tính đến việc này.
Bởi vì người ta đã quen với việc tìm dây an toàn ở xung quanh hông của mình, đây là nơi duy nhất mà người ta nhìn đến trong tình huống khẩn cấp. Trong những thiết kế trước đây, dây an toàn đều được thắt ở phía trên, nhưng trong tình huống sợ hãi khi hạ cánh khẩn cấp, người ta chỉ đơn giản là không thể thực hiện thao tác này. Các sự cố khác cho thấy, trong thời khắc nguy hiểm, phi công thường sẽ bị ám ảnh bởi một loại thiết bị hoặc phản ứng nào đó.
Điều thú vị là, tầm nhìn hình ống này cũng xuất hiện ở những người bị tổn thương thuỳ trán vĩnh viễn, điều này cho thấy có thể trong thời khắc nguy hiểm, đại não đã đóng khu vực này lại, dẫn đến tư duy cứng nhắc.

4. Làm theo thói quen cũ
Điều này dẫn chúng ta đến một chướng ngại lớn tiếp theo. “Số người thiệt mạng vì chạy về nhà lấy ví tiền hoặc kiểm tra xem lò nướng đã tắt chưa…” chuyên gia ứng phó với nguy cơ và tai họa James Goff của Đại học Hawaii nói. Trải qua nhiều năm làm việc với người dân, nâng cao ý thức của người dân ở những nơi có nguy cơ sóng thần cao, ông chứng kiến rất nhiều phản ứng không thể tưởng tượng được của con người trong các tình huống nguy cấp.
Trên bề mặt, thật điên khùng hoặc ngu xuẩn khi vì ví tiền mà mạo hiểm sinh mệnh của bản thân. Nhưng đây lại là hiện tượng rất phổ biến, các nhà tâm lý học sinh tồn có một thuật ngữ cho loại hiện tượng này: “hành vi rập khuôn”. Trong giới động vật, điều này chỉ những động tác lặp lại nhưng rõ ràng là vô dụng, ví dụ đi qua đi lại trong vườn thú.
Đối với con người, nó chỉ một hiện tượng khiến cho người ta bất an: Cho dù trong nhà đã cháy, nhưng vẫn tiếp tục hành động theo thói quen cũ. “Khi bạn ra khỏi nhà thì cần lấy ví tiền – bạn còn không suy nghĩ. Đây là tự động,” James nói.

Trong thảm họa, người ta hành động như thể không có vấn đề gì (ảnh: AFP/Getty)


Năm 2016, khi chuyến bay số 512 của hãng hàng không Emirates hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Dubai, hình ảnh video cho thấy hành khách đang hoảng loạn chạy tới chạy lui trong khoang đầy khói để tìm hành lý trong ngăn chứa phía trên đầu. May mắn là không có hành khách nào thiệt mạng (đáng tiếc là một nhân viên cứu hỏa đã mất mạng trong khi tập tắt đám cháy). Đây không phải là một ngoại lệ, việc tương tự cũng đã từng xảy ra vào một năm trước nữa, và lại xảy ra một lần nữa vào năm 2013.
Vậy thì, vì sao chúng ta không thể dừng những phản ứng vô thức này lại?
Thực tế đã chứng minh, trong sinh hoạt thường ngày, đại não của chúng ta phụ thuộc một cách thái quá vào sự quen thuộc. Trong hoàn cảnh không có tai nạn, khi máy bay chạm đất, người ta cho rằng việc lấy hành lý một cách vô thức sẽ giúp chúng ta tập tung tinh lực đối phó với những thứ chưa từng gặp phải – ví dụ tìm đường đi ở sân bay của một thành phố xa lạ. Nhà tâm lý học John Leach nói: “Chúng ta sống trong hiện tại, nhưng lại dựa vào những thói quen cũ để dự báo tương lai.”
Khi chúng ta nỗ lực xây dựng khuôn mẫu mới cho thế giới xung quanh, thử thách trí lực mà hoàn cảnh mới mang đến là rất lớn. Điều này cũng có thể giải thích vì sao khi ở nơi đất khách hoặc bắt đầu một công việc mới thì chúng ta thường cảm thấy rất mệt mỏi. Trong tình huống khẩn cấp, việc thích ứng với tình huống mới có thể vượt quá năng lực chịu đựng của bộ não. Vậy mà chúng ta vẫn cứ “làm tới” như thể không có chuyện gì xảy ra cả.

6. Phủ nhận
Khi đi đến cực đoan, người ta có thể hoàn toàn phớt lờ mối nguy hiểm. “Luôn có hơn 50% số người làm như vậy, họ đi xuống bờ biển để quan sát sóng thần”, James Goff nói. Trong tay ông cầm tấm ảnh chụp người ta quan sát sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, được ghi lại bởi một người đang chạy lên vị trí cao hơn.
Theo cách nói của nhà tâm lý học Sarita Robinson, phủ nhận có hai loại lý do, hoặc là người ta không có đủ năng lực để nhận ra sự nguy hiểm của tình hình, hoặc là chỉ vì người ta không muốn thừa nhận. Lý do thứ hai rất phổ biến trong trường hợp cháy rừng, bởi vì thường thì sơ tán khỏi ngôi nhà nghĩa là chấp nhận để nó bị phá hủy.
“Người ta thường chờ đợi đến khi họ nhìn thấy khói, mà điều này có nghĩa là đã quá muộn để chạy thoát. Vì vậy họ bị mắc kẹt trong ngôi nhà vốn không được chuẩn bị tốt để chống lại đám cháy cháy, hoặc liều mình tìm cách chạy thoát”, chuyên gia xử lý nguy hiểm khẩn cấp Andrew Gissing của công ty Risk Frontiers nói.



Trong cơn cháy rừng ở Bồ Đào Nha gần đây, nhiều người mạo hiểm đến phút chót mới sơ tán (ảnh: Getty)
Vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện rằng đa số chúng ta có năng lực phán đoán nguy hiểm rất kém. Khi nguy hiểm đến, não của chúng ta thường dựa vào cảm giác mà không dựa vào thực tế, không chịu tư duy khẩn trương mà an ủi bản thân rằng nguy hiểm sẽ qua. Điều này cũng có thể giải thích vì sao những bệnh nhân ung thư trung bình đợi 4 tháng mới đi gặp bác sĩ chẩn đoán, hoặc khi xảy ra sự kiện 11/9, người ở các tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới đã đợi trung bình 5 phút trước khi bắt đầu di tản.
Một người tên là Yossi Hasson đã có trải nghiệm trực tiếp về việc phủ nhận hiện thực trong tình huống nguy cấp. Khi có sóng thần xảy ra vào ngày lễ năm 2004 thì ông và bạn gái đang đi lặn ở vùng biển Thái Lan. Họ đang ở dưới nước, cách bờ biển vài dặm thì sóng thần đến. “Đột nhiên tôi cảm thấy bị cái gì đó đẩy, rất mạnh, tôi không cách nào kiểm soát được nữa.” Sau đó họ quay lại đảo.
Mặc dù toàn bộ toàn bộ vùng bãi biển đã biến thành một đống đổ nát, với rác và xác người nổi xung quanh những chiếc thuyền, nhưng Hasson lại vẫn đang tự hỏi liệu họ có thể trở về khách sạn để lấy hành lý không. Người chèo thuyền dường như muốn nói: “Này anh bạn, khách sạn của anh có lẽ không còn tồn tại nữa rồi”.



Khi sóng thần đến Thái Lan năm 2004, nhiều người vẫn còn đang ở trên bờ biển (ảnh: Getty)

Những điều bạn nên làm khi tại nạn xảy ra
Nếu như chúng ta không thể dựa vào bản năng tự nhiên của mình, thì chúng ta có thể dựa vào điều gì?
James Goff cho rằng, nếu muốn sống sót khỏi thiên tai thì cần có kế hoạch. “Nếu bạn sớm biết cần làm thế nào và hành động sớm, thì bạn thông thường có thể thoát chết khi gặp sóng thần, nhưng có lẽ sẽ có chút sợ hãi.”
John Leach có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện quân nhân thoát khỏi các trường hợp khủng bố, bắt cóc con tin cho đến máy bay trực thăng rơi xuống nước. Ông biết biện pháp tốt nhất để giải quyết ảnh hưởng tâm lý là thay thế những phản ứng tự động không có lợi bằng những phản ứng có thể cứu tính mạng của bạn. Ông nói: “Bạn phải không ngừng luyện tập và luyện tập cho đến khi kỹ năng sinh tồn trở thành hành vi chủ đạo”.
… Tuy nhiên nhiều khi vận may là quan trọng nhất
Larson – người sống sót sau chuyến bay số 440 của Hãng hàng không Ấn Độ rốt cuộc như thế nào? Tổn thương lớn nhất ông ta gặp phải không phải bản thân tai nạn mà là sự việc phát sinh sau đó. Ông được dân làng phát hiện và đưa đi bệnh viện. Lửa đã lan đến quá gần khi ông thoát ra, nên đã lẹm mất một nửa tóc trên đầu ông. Ông bị bỏng cấp 1 và cấp 2, xương chậu vỡ, cánh tay bị nát và bàng quang bị thương.


Vì để đảm bảo không còn nội thương nào khác, bác sĩ phải làm phẫu thuật kiểm tra. Vài tuần sau, ông vẫn bị sụt cân, vết thương cũng chưa lành. Tại vị trí một vết sưng, bác sĩ chữa trị cột sống ở Mỹ của Larson đã cắt vết khâu ra và đưa kẹp vào. “Ông ấy lấy ra một miếng vải gạc dài khoảng 30cm đã ở trong đó 30 ngày rồi”. Rất may là phát hiện ra điều này. Nếu như miếng gạc tiếp tục ở trong đó thì chuyện sẽ rất tệ.
Chuẩn bị thật tốt, hành động nhanh, vứt bỏ thói quen cũ, tránh những phủ nhận… đều là cách để sống sót khi gặp những tình huống xấu nhất. Nhưng theo kinh nghiệm của Larson chỉ ra, đôi khi bạn vẫn cần có đủ vận may.

Theo Zaria Gorvett/ BBC

Phong Trần biên tập



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét