Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Oct 15, 2017 - Chúa nhật 28 thường niên năm A

Oct 15, 2017 - Chúa  nhật  28  thường  niên  năm A
Tiệc  Hoàng  Tử



Các Bạn thân mến,
Các Bạn đã chuân bị áo cưới xong chưa? Nếu chưa, hay mau mau sắm áo cưới đi nhé, vì không có áo cưới sẽ không được vào dự tiệc đâu!

Tin Mừng chúa nhật này, thánh Mattheu ghi lại một dụ ngôn hơi lạ về việc nhà vua mời quan khách tham dự tiệc cưới của hoàng tử mà Đức Giesu dùng để ví về Nước Trời.
Câu truyện nghe có vẻ cứng cỏi khô khan, nhưng những biến cố của dụ ngôn lại hoàn toàn phù hợp với phong tục tập quán của dân Do Thái thời đó.
Vua trong dụ ngôn chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa đã sai các Ngôn sứ đến với dân Israel để báo tin Chúa Cứu Thế sắp đến thiết lập một “Triều Đại Thiên Chúa”, và ưu tiên mời họ gia nhập. Khi gần đến ngày đã định, Thiên Chúa sai Gioan Tẩy Giả là tiền sứ của Đấng Thiên Sai đến, để nhắc lại lời mời gọi ấy: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Nhưng dân Israel thờ ơ dửng dưng, còn giết hại Gioan Tẩy Giả, cũng như mưu toan giết cả Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa được Ngài sai đến để cứu chuộc họ.
Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn, Ngài mời gọi các dân tộc khác vào dự tiệc Nước Trời thay chỗ của họ. Dụ ngôn cho chúng ta biết:

1. Ý nghĩa địa phương:
-    Với những tiệc cưới lớn ở Do Thái thời xưa, lúc thiệp cưới được gởi đi thì thời gian chưa xác định, khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, lúc đó thân nhân của gia chủ mới đến tận nơi thông báo ngày giờ cụ thể cho các khách mời.
-     Có một số quan khách được mời nhưng đến phút chót này lại từ chối không đến dự tiệc.
-    Việc chấp nhận lời mời lúc ban đầu rồi sau từ chối, không những làm gia chủ buồn, mà còn là một sỉ nhục, vì với lý do nào chăng nữa cũng chứng tỏ họ coi thường nhà vua.
-     Như toàn dân Do Thái nhiều ngàn năm cầu xin, trông đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát mọi bất hạnh cho họ.
-     Nhưng khi Con Thiên Chúa đến thế gian, mời gọi họ tin nhận Ngài, đi theo Ngài hướng dẫn, thì họ lại từ chối, còn khinh khi nhạo báng và giết hại Ngài.
-    Mặc dù thành phần khách mời của Ngài ưu tiên là các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Họ tiêu biểu cho người Do Thái, là dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn.
-   Rốt cuộc lời mời của Thiên Chúa đến với dân ngoại, với những kẻ yếu hèn tội lỗi.
-    Hiển nhiên những ai từ chối lời mời của Thiên Chúa chắc chắn sẽ phải trả gía. Và những hậu qủa của sự xúc phạm này thật khủng khiếp.
-    Ở đây Thánh Mattheu còn muốn bình luận và diễn dịch thêm về sự kiện lịch sử: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng
-    Bởi khi viết Tin Mừng thì kinh thành Gierusalem đã bị quân Roma tiêu hủy tàn phá năm 70 SC.
-    Nên thánh Mattheu ghi thêm những điều đã thật sự xẩy ra ấy cho người Do Thái biết là tai họa kinh khủng khi từ bỏ lời mời gọi của Thiên Chúa.

 2.  Ý nghĩa dụ ngôn:
      a)  Lời mời của Thiên Chúa là lời mời đến dự một bữa tiệc hân hoan vui vẻ, no say như tiệc đám cưới:
-    Phong tục ở đâu, thời nào cũng cho thấy không có tiệc tùng nào quan trọng, tràn trề mầu sắc vui tươi, đầy hoan hỉ với những lời chúc mừng cao đẹp nhất, qui tụ đông dảo họ hàng thân hữu bạn bè xa gần và được tự do ăn uống no say với dư đầy đồ ăn cao lương mỹ vị như tiệc cưới.
-    Tiệc cưới của hoàng tử thì không còn gì bằng: cảnh trí hoành tráng, khách mời ăn mặc sang trọng, được nhiều người phục vụ, tiếp đãi ân cần chu đáo, được vui vẻ với đủ kiểu giải trí, giúp vui…
 -    Đức Giesu dùng hình ảnh ấy để mời gọi chúng ta tham dự tiệc Nước Trời, cũng chan hòa niềm vui hạnh phúc thỏa thích no say mà còn bất diệt nữa.
 -    Nếu từ chối, chúng ta sẽ mất tất cả những niềm vui, đó là những ân sủng cần thiết cho đời sống.
 -    Đây là điều hoàn toàn trái ngược với luận điệu cho rằng đời sống Kito hữu là đời sống buồn chán, vì luôn phải hy sinh, từ bỏ hết mọi sự…
    b)   Những lý do khước từ lời mời của Thiên Chúa:
 -   Hằng ngàn năm trước, dân Do Thái đã chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để trở nên dân tộc Ngài chọn như những người khách đặc biệt của Thiên Chúa trong bàn tiệc Nước Trời.
 -    Khi Đức Giêsu thông báo Nước Trời và bữa tiệc đã dọn sẵn, họ lại từ chối tham dự, viện ra nhiều lý do.
 -    Nhiều khi không hẳn là lý do xấu. Như khước từ vì phải làm ăn buôn bán, canh tác, xây dựng, đi xa, bệnh tật…
-    Nghĩa là người ta đã bận rộn lo lắng cho những điều tạm bợ ở đời này mà quên những điều vĩnh cửu đời sau.
-    Dễ bận tâm với những điều mắt thấy tai nghe được thì sẽ quên những điều không thấy không nghe được.
-    Qúa chăm chú nghe những lời mời gọi của thế gian thì khó nghe được tiếng mời gọi của Chúa.
-    Thảm kịch của đời sống chính là cái tốt làm hỏng những điều tốt nhất.
-    Người ta có thể qúa bận rộn tới việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống thật.
    c)  Mất mát thiệt hại:
-    Không tham dự tiệc cưới hoàng tử, sẽ mất nhiều niềm vui, thoải mái: không gặp được ông chủ, không chứng kiến được hạnh phúc của cô dâu chú rể, không ngắm nhìn được cảnh trí hoành tráng, vinh quang rạng rỡ, không được thưởng thức của ngon vật lạ, mất dịp gặp gỡ, trao đổi thân tình với bạn bè, thân hữu, và còn bị ông chủ trách móc, nguyền rủa nữa!
-   Khi từ chối tham dự Tiệc cưới Nước Trời cũng thế, chúng ta sẽ nuối tiếc, ân hận, bị giầy vò đau khổ, không chỉ vì những thiệt thòi phải chịu, mà còn nhận ra chúng ta đã đánh mất những điều qúi báu nhất và đã tự lừa dối, làm hại mình.
-  Đức Giesu đã kêu gọi và cho nhiều cơ hội để chúng ta suy nghĩ về hạnh phúc Nước Trời và hình phạt sẽ chịu nếu từ chối con đường của Ngài
   d)  Tất cả là ân sủng:
-   Lời hứa theo Đức Giêsu của chúng ta cũng tương tự như hoàn cảnh xưa ở Israel.
-  Qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta chấp nhận lời mời của Đức Giêsu và theo Ngài, trở nên người khách đặc biệt của Ngài tại bàn tiệc Nước Trời.
 -   Tuy nhiên, chấp nhận lời mời chỉ là bước đầu trong tiến trình, là khởi sự hành trình đức tin của chúng ta.
 -   Chấp nhận lời mời ấy, Chúa sẽ biến chúng ta thành một khí cụ cho sự bình an của Ngài: gieo tình yêu vào nơi hận thù, gieo hy vọng vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui đến nơi u buồn.
 -   Ngài sẽ trực tiếp dậy chúng ta: cho đi là nhận lãnh; chính lúc chết đi là khi chúng ta thực sự được sinh sự sống đời đời.
-    Lời mời gọi của Ngài dành cho chúng ta qủa thật là lời mời của ân sủng. Vì chúng ta là những người ngoài đường phố, không có quyền, không xứng đáng được tham dự tiệc cưới của nhà vua.
-    Sự việc được mời này cũng không vì thân phận chúng ta, mà do lòng quảng đại, nhân hậu, hiếu khách của nhà vua.
-    Bởi ân sủng, lời mời gọi được ban ra; và bởi ân sủng chúng ta được qui tụ lại.
-    Cánh cửa nhà Thiên Chúa đã mở rộng đón mời mọi người khắp tứ phương.
-    Nhưng khi đến, chúng ta phải mang theo một đời sống thích hợp với tình yêu Thiên Chúa đã ban.
-    Vì ân sủng không chỉ là một món qùa tặng, ân sủng còn là một trách nhiệm.

3. Thực khách phải mặc lễ phục cưới:
-    Nhà vua mời tham dự lễ cưới nhưng không nói rõ thời gian, chỉ yêu cầu khách chuẩn bị sẵn sàng: tắm rửa, xức dầu thơm, và mặc áo lễ, để khi được triệu tập thì đến ngay cho kịp.
-    Người khôn ngoan tin nghe theo và chuẩn bị sẵn sàng rồi chờ đợi.
-    Còn kẻ dại khờ cho rằng làm như vậy mất thời gian, chủ quan nghĩ rằng khi có lệnh chuẩn bị cũng kip!
-    Vì thế họ lo làm những công việc riêng. Khi lệnh báo khẩn cấp, họ không chuẩn bị kịp!
-    Vội vàng, có người không kịp nhập tiệc, có người vào dự tiệc mà ăn mặc lôi thôi lốc thốc, không kịp mặc trang phục lễ cưới.
-    Đây là điều khuyên dạy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, chờ Thiên Chúa triệu tập là đến ngay để kịp gặp Ngài.
-    Cũng cho chúng ta hiểu rằng con người không thể sống như trước khi đi theo Thiên Chúa. Mà phải mặc lấy sự thánh thiện, trong sạch mới.
-    Không một tội nhân nào được vào mà vẫn cố tình giữ nguyên mình là tội nhân, mà phải gột rửa, để trở nên hoàn thiện hơn.
 -    Nên biết thêm, có người nói rằng ở Do Thái, thường các chủ nhà để sẵn những bộ lễ cưới, ai được mời mà không có áo lễ thì có thể mượn để mặc.
-    Sẵn sàng như vậy mà người tham dự tiệc cưới lại không mặc y phục lễ cưới thì qủa đáng trách vì đã cố tình xúc phạm gia chủ.
-    Muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau, người ta tối thiểu cũng phải mặc gọn gàng sạch sẽ với y phục được chuẩn bị trước.
-    Chúng ta là dân ngoại, được Thiên Chúa ban ơn nên con cái Ngài, đã đáp lại lời mời của Đức Giêsu gia nhập vào Hội Thánh.
-   Nhưng muốn được tham dự bàn tiệc Nước Trời, chúng ta phải mặc tấm áo trắng rửa tội, sống xứng với ơn ấy. Phải ăn năn sám hối và sống theo lời Chúa, đổi mới, khiêm tốn, yêu thương, phục vu, quảng đại chia sẻ với người nghèo khó, chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
-   Khi nghĩ về tiệc cưới Nước Trời, thì tính cách phổ quát sẽ hết sức rộng lớn vĩ đại, bao gồm toàn thể nhân loại mọi thời được mời gọi tham dự trước Con Chiên Thiên Chúa
-    Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời, bi xua đuổi và bị phạt trong hỏa ngục muôn đời.

4. Những bài học:
 -   Ý nghĩa của dụ ngôn thật rõ ràng: dời sống Kitô Hữu là một tiến trình đang tiếp diễn, một hành trình, chứ không phải là một trạm dừng chân.
 -   Cách đối xử của ông chủ phản ảnh lòng nhân hậu, nhưng cũng rất công bằng với mọi người khi cho họ được tự do chọn dự tiệc cưới hay không.
-    Chúng ta biết quần áo không phải tối quan trọng, nó cũng không được mặc để trình diễn, nhưng phải tôn trọng mình và những nơi, những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc, mà vấn đề ăn mặc gọn gàng chỉnh tề đẹp đẽ, lịch sực được đề ra.
 -    Hơn nữa, cung cách một người còn thể hiện tinh thần của người đó.
 -    Đối với nhà Chúa cũng thế, vấn đề ăn mặc của chúng ta khi đến nhà thờ không phải đẻ khoe khoang biểu diễn. Nhưng không vì vậy mà coi thường nơi thánh và sự gặp gỡ Chúa.
 -    Quan trọng hơn, còn cần có trang phục cho linh hồn, tâm lòng và tâm trí của chúng ta nữa. Đó là trang phuc đứng đắn cần thiết nhất.
-    Còn phải biết can đảm gác bỏ công việc trần gian để sẵn sàng cho những việc hữu ích vĩnh cửu và chuẩn bị gặp gỡ Chúa ở bất cứ nơi nào, giờ nào bằng sự khát khao trông đợi, với lòng khiêm tốn, thống hối, vững tin cùng sự tôn kính…
-    Như thế sự thờ phượng mới đúng ý nghĩa, xứng đáng đáp lại lời kêu gọi của Chúa, đem lại nhiều tốt lành cho hồn xác chúng ta, cho Hội Thánh và cho cả thế giới.
-   Ông chủ nhân hậu, muốn thiết đãi mọi người như nhau, ngay cả những người nghèo nhất cũng như không quen biết ông, cũng được mời tham dự.
-  Tiệc cưới con ông chủ mang tính cách phổ quát chúng ta thấy trong Bí Tích Thánh Thể. Mọi người không phân biệt nòi giống, tiếng nói hay tình trạng, đều được mời tham dự. Tuy nhiên tham dự tiệc cũng phải giữ tối thiểu nghi thức của tiệc cưới tùy theo phong tục tập quán.
-    Thảm kịch đã xảy ra còn cho thấy, trên thực tế, cuộc đời này thật hời hợt và chóng qua. Nó có thể tan biến trong chốc lát, cũng như cuộc đời của chúng ta sẽ trôi qua trong giây phút.
-    Thế giới này ngày càng lạnh lùng với đức tin, coi thường Thiên Chúa và ngột ngạt giữa những vui thú của thế gian.
-   Ngày vui mừng của ơn cứu độ khi Con Chúa chịu chết, và ngày sự công bình nhân loại phải đối diện trước Ngài sẽ được coi như một tiệc cưới vĩ đại chung cuộc, bởi sẽ có cả tuyên thưởng lẫn luận phạt sau cùng.
-   Chúng ta đã được Chúa mời gọi tham dự Tiệc Cưới trong Bí Tích Thánh Thể, và sẽ được tham dự Tiệc Cưới Nước Trời mai sau. Nếu sẵn sàng mặc áo cưới trong luật pháp và các điều kiện của các Bí Tích, chúng ta sẽ được Chúa viếng thăm và đón vào Tiệc Cưới Nước Trời vĩnh hằng với Ngài.
-  Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa rất nhân hậu, nhưng cũng hết sức công bằng. Sự công bằng của Ngài thực ra cũng chỉ phản ảnh tình thương vô biên của Ngài, vì qua Đức Giêsu, Ngài luôn chờ đợi mọi người trở về dự Tiệc Cưới của Ngài cho đến phút cuối cuộc sống của họ.

Lạy Chúa, xin đừng để những bận tâm thế tục giam cầm chúng con, mà giúp chúng con biết chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn cũng như những việc trần gian, để khi Chúa gọi, chúng con sẵn sàng đến trước mặt Ngài. Đừng để chúng con mải mê lao mình vào những nguy hiểm, những cạm bẫy trần gian; cũng đừng vô tâm bất cẩn, nhưng biết tránh xa những điều bất chính. Để chúng con luôn bước đi trong sự qui hướng về Chúa, để ánh sáng của Ngài chỉ đạo chúng con, hiện diện của Ngài là sự bảo vệ chúng con, tình yêu của Ngài là sức mạnh và hứng khởi cho chúng con vượt thắng ba thù. Chúng con cầu xin vì lòng Chúa thương yêu, mà cánh cửa Chúa đã mở rộng đón mời chờ đợi chúng con. Amen. (mượn ý)
Than men,

M. Goretti duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét