NHỮNG ĐẠI ÁN
(Gm.
Giuse Vũ Văn Thiên)
“Đại án”…
Ngày xưa, khi xem phim
Tàu, hay có nội dung kể về những đại án, tức là những vụ án nghiêm trọng. Những vụ đại án này có thể là lịch sử, có thể
là hư cấu, nhằm giúp cho hậu thế rút ra những bài học thâm thúy. Những đại án được kể lại trong phim, vừa cho
thấy sự thanh liêm can đảm của một số vị thẩm phán, vừa cho thấy sự tham lam hiểm
độc của con người. Khái niệm về đại án
tưởng chỉ có trong những bộ phim cổ, nay xuất hiện trong xã hội của chúng
ta. Báo chí đang thông tin rộng rãi về vụ
đại án liên quan đến các lãnh đạo của Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), mà mức
thiệt hại lên tới nhiều ngàn tỉ đồng. Thế
mới thấy lòng tham thời nào cũng có. Con
người luôn bị lôi kéo do ma lực của đồng tiền.
Họ tối mắt trước lợi lộc vật chất, táng tận lương tâm và sẵn sàng chiếm
đoạt của công một cách bất chính. Những
vụ đại án này để lại hậu quả vô cùng tai hại cho xã hội, làm mất niềm tin của
con người vào các tổ chức xã hội.
“Đại quan”…
Những vụ đại án trước hết
liên quan đến những “đại quan” của thời đại mới. Những kẻ tham lam phải hầu tòa toàn là người
có chức quyền. Những người này là
ai? Họ là nguyên Phó thống đốc ngân hàng
nhà nước (ông Phạm Thanh Bình), là cựu chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng
lớn (ông Hà văn Thắm) và một số lớn những quan chức đã có thời “nói mọi người
phải nghe và đe mọi người phải sợ.” Con
đường thăng quan tiến chức của họ được nhận định là “thần tốc” hoặc “thần kỳ”,
vì có những người đứng đàng sau đỡ đầu.
Một điều nực cười là một số cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” không do khả
năng mà là vì “hot girl”, như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa. Vì bổng lộc nhiều, nên những người này cũng rộng
tay chi tiền để tạo mối quan hệ làm ăn.
Người dân nghe những con số trong vụ án mà ngỡ ngàng, bởi lẽ cán bộ tặng
quà cho nhau vài tỉ đồng là chuyện thường tình.
Càng xét xử, vụ án càng phát hiện ra nhiều “vòi bạch tuộc” có liên quan
đến nhiều ban ngành. Một câu hỏi được đặt
ra: liệu vụ án này có được xử cách rốt ráo, để người dân tin vào pháp lý nơi
công đường? Bà Trương Thị Minh Thơ, một
luật sư trong vụ án, đã quả quyết hồ sơ của vụ án Ocean Bank đã bị đánh tráo
(x. báo điện tử Vietstock ngày 29-8-2017).
Người dân nghèo quanh năm vất vả với đồng ruộng hoặc đồng lương còi
trong các công ty nghe những con số mà giật mình. Không biết những người đã nhận tiền của các bị
cáo sẽ bị xét xử ra sao? Liệu tiền bạc
thất thoát có được thu hồi về cho công quỹ nhà nước?
“Đại
số”…
Tính nghiêm trọng của những
đại án thể hiện qua những “đại số.” Con
số thống kê về tài sản bị thất thoát càng ngày càng lớn. Những vụ tham nhũng khám phá sau thường
nghiêm trọng hơn các vụ tham nhũng trước về mức độ thiệt hại cũng như về cách
thức tinh vi. Số tiền thiệt hại thường
được tính bằng ngàn tỉ đồng. Một câu hỏi
được đặt ra: tiền ở đâu ra mà sao người ta giàu có thế? Trong vụ đại án Ocean Bank, Bị cáo Nguyễn
Xuân Sơn khai đem tiền tỉ đi chăm sóc các khách hàng lớn của Ocean Bank (x.
Trang điện tử “Báo mới,” ngày 13-9-2017).
Số tiền vài tỉ người ta cho nhau dễ dàng như cho hộp bánh hộp kẹo. Số lượng những người có liên quan cũng thuộc
loại kỷ lục. Cũng trên trang điện tử
“Báo mới” ngày 14-9, chúng ta đọc thấy: “Đại án Ocean Bank có thể được xem là vụ
án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với việc tòa án phải triệu tập hơn 700
đương sự bao gồm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn
dân sự, người làm chứng… Đặc biệt, trong
đó có một loạt các doanh nhân “khủng” là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Tổng giám
đốc Ocean Bank và nhiều tập đoàn kinh tế lớn như PVN (Tập đoàn dầu khí VN), BSR
(Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn).” Chính
vì số những người có liên quan đông như vậy, nên việc kiểm tra giấy chứng minh
nhân dân theo nguyên tắc của tòa án được thực hiện từ 8 giờ mãi đến 14 giờ mới
xong (!).
“Đại họa”…
Những đại án này để lại
những “đại họa.” Lý do các bị cáo phải
trình diện trước vành móng ngựa là: lợi dụng chức quyền, làm thiệt hại của nhà
nước nhiều tỉ đồng. Tiền của nhà nước là
của dân, là công quỹ, do dân đóng thuế.
Tiền này phải được sử dụng để mang lại ích lợi cho dân, để xây dựng những
công trình phúc lợi và giúp người nghèo vùng sâu vùng xa, vùng núi hay người
thiểu số. Tiếc thay, số tiền này đã bị một
số “đại quan” thời hiện đại chiếm hữu làm của riêng. Họ là những nhân tố làm nghèo đất nước. Trong khi cán bộ giàu có, ăn chơi phung phí
thì những em nhỏ vùng cao vẫn thiếu áo mặc, thiếu trường học và thiếu những nhu
cầu tối thiểu cho cuộc sống. Một trong
những “đại họa” đến từ những đại án này là người dân mất niềm tin. Vì tiền công quỹ không được quản lý tốt, để
thất thoát và rơi vào tay một số cá nhân, nên người dân không còn niềm tin vào
bộ máy quản lý của chính quyền. Hậu quả
là người dân tìm cách luồn lách để trốn thuế.
Nạn tham nhũng đang làm mất niềm tin, vốn đã mỏng manh, nơi người dân
vào hệ thống quản lý xã hội. Ngày cuối
năm 2016, trang điện tử Vietnamnet đã đưa ra một nhận định tổng kết như sau:
“10 năm qua, thiệt hại do tham nhũng lên tới gần 60.000 tỉ đồng, nhưng chỉ thu
hồi được hơn 4.600 tỉ (chưa được 10%), vậy nhưng nhà nước vẫn chưa có các biện
pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng” (x.Vietnamnet 31-12-16).
“Đại tham”…
Nguyên nhân dẫn đến những
đại án này là “đại tham”, tức là lòng tham vô đáy của con người. Khi được trao một nhiệm vụ trong xã hội, nhiều
người đã tìm cách lợi dụng công quỹ để làm lợi cá nhân. Họ như những con đỉa hút máu xã hội để vinh
thân phì gia cho mình. Nói về tham
nhũng, một vị lãnh đạo của nhà nước ta đã so sánh những kẻ tham nhũng như lũ
chuột đang ngày đêm đục khoét làm nghèo đất nước. Sau đây là lời của Bà Nguyễn Thị Doan, khi
còn làm Phó Chủ tịch nước: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng
cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỉ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại
san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội.
Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì” (x. Báo Tuổi
trẻ Online, 11-9-2013).
“Chớ lấy của người; Chớ
tham của người.” Đó là hai trong mười lệnh
truyền của Thiên Chúa, được ghi lại trong luật Giao ước Ngài đã ban cho dân Do
Thái qua thủ lãnh Môisen. Đó cũng là luật
Chúa đã ghi khắc trong lương tâm mỗi người.
Lời giáo huấn này cũng được diễn tả trong mọi nền văn hóa. Người Anh có câu ngạn ngữ: “Kẻ nào tham lam
tài sản của người khác thì đáng phải mất tài sản của chính mình.” Người Trung Hoa thì sâu sắc hơn: “Lòng dục
không trừ, thì như con thiêu thân đâm vào lửa, cháy mạng mới thôi; lòng tham
không bỏ, thì như con đười ươi thích uống rượu, đổ máu mới thôi.” Người Việt chúng ta thì so sánh: “Trời đất
bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!” Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Anh em phải
coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống
con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Lòng tham của con người vẫn
là một cám dỗ mạnh mẽ. Nó làm cho người
ta quên Chúa, quên tha nhân và tìm cách chiếm đoạt bằng mọi giá. Hy vọng những đại án này là tiếng chuông cảnh
tỉnh cho những ai có chức quyền. Dư luận
cũng mong muốn có những vị thẩm phán anh minh, những “bao công” của thời hiện đại,
để góp phần trừ gian, ổn định và phát triển đất nước. Mong thay!
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét