Ông xã
Chuyện phiếm Gã Siêu
Có những đêm không ngủ, lồm
cồm bò dậy, gã bèn thầm thĩ cám ơn Thượng đế vì đã thương cho gã được sinh ra đời
dưới một ngôi sao sáng. Ngôi sao sáng ấy chính là thân con giai, chính là kiếp
của anh đờn ông. Thực vậy, nếu so sánh đờn ông với đờn bà, gã liền nghiệm ra rằng:
Đờn bà sao mà lắm chuyện nhiêu khê rắc rối quá vậy.
Chẳng hạn về cơ thể. Cơ
thể chị đờn bà phức tạp hơn anh đờn ông một trời một vực. Nhất là tháng nào đờn
bà cũng phải trải qua những ngày xiểng liểng và xính vính, chẳng muốn thò mặt
ra ngoài đường, chẳng muốn động móng tay lay thử bất kỳ một việc nào cả. Thậm
chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua. Thế nhưng, nếu không có những
ngày xiểng liểng và xính vính ấy thì đâu còn phải là đờn bà con gái nữa.
Chuyện rằng: Một hãng
phim nổi tiếng tại “Hồ ly vọng” bên Mỹ, kinh đô điện ảnh của cả và thế giới,
người ta đành phải cho nghỉ việc trong những ngày xiểng liểng và xính vính của
cô đào chính. Thế là cả một bầu đoàn thê tử, từ ông đạo diễn tới các tay chuyên
viên đều được ngồi chơi xơi nước và ngáp vặt. Kẹt lắm thì mới phải làm. Và nếu
có làm thì cũng phải hết sức tế nhị và vô cùng dịu dàng, kẻo cô đào chính ấy mà
nổi máu tam bành lục tặc lên, thì quả là rách việc. Nói thế là để cho phe đờn
ông con giai, nhất là mấy anh chồng thông cảm và hiểu cho thân phận đờn bà. Chớ
nên táy máy, gây ồn ào hay bắt chị vợ phải lao động cật lực, như làm đồ nhậu,
đãi đằng bè bạn trong những ngày… đèn đỏ bật sáng.
Chẳng hạn về áo quần. Áo
quần của chị đờn bà lủng củng hơn anh đờn ông rất nhiều. Mỗi lần có công việc
mà phải đi chung cùng với cô em gái. Áo quần của gã thì chỉ cần một cái túi nhỏ
cũng chưa đầy. Còn của cô nường hử? Một va li to đùng cũng vẫn còn thiếu. Ấy là
chưa kể đến những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh khác nữa như: Gương và lược, son và phấn…
lại phải một cái bóp nhỏ cho cái dịch vụ làm đẹp này.
Tuy nhiên, cái lý do
chính khiến gã phải thầm cám Thượng đế trong suốt cả cuộc đời, đó là đờn ông
con giai được cưng hơn đờn bà con gái. Thực vậy, từ cổ chí kim, từ đông sang
tây, ngoại trừ một vài trường hợp rất ư là họa hiếm, trong đó đờn bà làm tới chức
nữ hoàng, tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng, còn phần đông đờn bà con gái đều
bị coi rẻ và không có lấy được một địa vị đáng kể nào trong xã hội, chính vì vậy,
các cụ ta ngày xưa đã bảo: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Một cậu con giai
đã là có, mười cô con cái vưỡn kể là không. Sở dĩ các cụ ta ngày xưa quan niệm
như thế vì do ảnh hưởng của Khổng giáo. Bởi vì theo Khổng giáo: Một trong ba điều
đại bất hiếu, đó là không có con giai để nối dõi tông đường.
Chuyện rằng: Hai vợ chồng
nhà kia đẻ một ruỗi được năm cô con gái. Người tốt thì khen hai vợ chồng ấy thật
may mắn vì có được “ngũ long công chúa”, còn kẻ thối mồm thì nói cạnh nói khóe,
nói xỏ nói xiên mỗi khi gặp anh chồng: Thế nào lũ vịt giời nhà ông đã có con
nào toi chưa? Anh chồng rất lấy làm đau khổ. Thấy anh chồng mỗi ngày một héo hắt
và quay quắt, khiến chị vợ vô cùng xót xa, như chính mình bị héo hắt và quay quắt
vậy. Ngày nọ chị vợ bàn với anh chồng: Hay là mình mướn người đẻ giùm? Anh chồng
lúc đầu chối bai bải, viện cả tục ngữ ra mà bênh vực cho thái độ chung thủy,
cũng như phớt tỉnh Ăng lê của mình: Gái
mà chi, trai mà chi, sinh ra có nghĩa, có nghì là hơn. Thế nhưng, tự thâm tâm
anh chồng cũng cảm thấy bất ổn với lũ vịt giời nhà mình, nên sau một thôi một hồi
năn nỉ ỉ ôi của chị vợ, anh chồng cũng đành miễn cưỡng đồng ý. Và thế là chị vợ
bèn đi tìm một cô gái khỏe mạnh, thảo một hợp đồng rõ ràng rành mạch như một hợp
đồng kinh tế để mang bầu thay cho mình: Sinh xong thì trả con lại và được hưởng
một số tiền, rồi ai về nhà nấy. Chấm hết. May thay cô gái sinh được một mụn con
giai. Thế nhưng, liền sau đó thì hợp đồng bị bể cái rụp. Sở dĩ như vậy là vì cô
gái không muốn trả lại đứa con. Còn anh chồng, vì qua lại thăm con nhiều lần,
nên lửa tình nhen nhúm, rồi cuối cùng đã bỏ chị vợ để mà cắm dùi bên nhà cô
gái. Đến lúc này, chị vợ mới sáng mắt ra thì đã quá… muộn. Bên Trung đông và nhất
là những người theo đạo Hồi, đờn bà con gái mỗi khi ra đường còn phải che mặt,
để khỏi bị thiên hạ nhìn thấy, bởi vì dung nhan mỹ miều ấy chỉ được dành cho một
mình đức ông chồng thưởng thức mà thôi.
Riêng trong lãnh vực gia
đình, nền luân lý Khổng mạnh còn đưa ra những qui luật thật chặt chẽ và nghiệt
ngã cho số kiếp của đờn bà, đó là tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng
phu, phu tử tòng tử. Nghĩa là người con gái khi còn ở nhà thì phục tùng cha,
khi đi lấy chồng thì phục tùng chồng, còn khi chồng chết thì phục tùng con.
Trong khi đó, nền luân lý này lại nới lỏng và nhẹ tay đối với đờn ông con giai
khi cho phép: Trai năm thê bảy thiếp. Còn: Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Bên Ấn độ, quê hương anh bảy Chà và, có nơi người ta còn tuân theo một tập tục
được liệt vào hàng dã man, đó là khi anh chồng mà ngỏm, thì chị vợ và các thê
thiếp của anh ta cũng phải “đi ngủ với giun” để theo hầu anh ta nơi chín suối.
Không phải chỉ xã hội, mà
hình như chính Thượng đế cũng thiên tư và cố tình cưng phe đờn ông con giai
hơn. Thực vậy, các cụ ta ngày xưa cũng bảo: Gái tham tài, trai tham sắc. Mà tài
thì càng phát triển theo thời gian, còn sắc thì ngược lại, bị thời gian làm cho
tàn phai, như tục ngữ đã dạy: Giai ba mươi tuổi đương xoan, Gái ba mươi tuổi đã
toan về già. Chỉ có những kẻ cù nhầy theo kiểu “nhất lý nhì lỳ tam ì tứ ẩu” như
gã mới dám mở mồm mở miệng ra mà phét lác: Giai ba mươi tuổi đã già, gái bốn
mươi tám đang ra má hồng.
Sinh ra đã thiệt thòi, lớn
lên đờn bà con gái lại càng thiệt thòi hơn, bởi vì bản thân đã trở nên một nỗi
lo âu ám ảnh cho cả bố lẫn mẹ: Cha chết không lo bằng gái to trong nhà. Gái lớn
trong nhà như ma chửa cất. Gái chậm chồng, cha mẹ khắc khoải. Kẻ sính vũ khí đạn
dược thì bảo: Có con gái lớn như chứa một trái bom trong nhà, không biết nó sẽ
phát nổ lúc nào.
Rồi đến khi đi lấy chồng,
tương lai của đờn bà con gái như một canh bạc, phó mặc cho may rủi, chứ ít khi
được làm chủ quyết định cũng như cuộc đời của mình: Phận gái mười hai bến nước.
May thì vào bến trong, còn chẳng may thì vào bến đục. Phận gái như giọt mưa sa,
may thì rơi xuống chỗ tốt, còn chẳng may thì rơi xuống đống bùn: Thân em như tấm
lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai. Thân em như giếng giữa đường, người
khôn rửa mặt, người thường rửa chân. Và nhiều khi đã xảy ra những chuyện tréo cẳng
ngỗng khá đau lòng: Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường
nó leo. Tiếc thay cái chậu nước trong, để cho bèo tấm, bèo ong dạt vào. Tiếc
thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục, lại vần than rơm.
Tuy nhiên, nhiều khi đã
yên bề gia thất, thế mà đờn bà con gái vẫn phải cắn răng chịu đựng những thiệt
thòi chỉ vì những thói hư tật xấu của anh chồng. Thực vậy, chân tướng của anh
chồng nào cũng đều có những nét dễ ghét và không thương nổi. Hôm nay, gã xin
nói tới một nét dễ ghét và không thương nổi ấy, đó là cái thói độc tài và độc
đoán. Vậy độc tài và độc đoán là gì? Theo gã nghĩ: Độc đoán là quyết định hoàn
toàn theo ý riêng của mình, phe lờ mọi góp ý của người khác. Còn độc tài thì
bao trùm một lãnh vực rộng lớn hơn: Dành hết mọi quyền hành cũng như quyền lợi
cho bản thân hay phe cánh của mình. Đây cũng chính là cái thói hư mà nhiều anh
chồng đã mắc phải hay đang thích mắc phải.
Thực vậy, vào cái thưở
ban đầu lưu luyến ấy, anh chàng đã tỏ ra vô cùng ga lăng và hào hoa phong nhã.
Đối với cô nường, thì anh chàng “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”. Cô nường
muốn gì thì anh chàng cũng hết sức chiều theo, cho dù lắm lúc chẳng có được một
đồng xu dính túi. Hay nói theo kiểu vua Hêrôđê: Ái khanh muốn gì thì cứ xin.
Cho dù một nửa nước, trẫm cũng vưỡn sẵn lòng. Thế nhưng, khi ván đã đóng thuyền,
cô nường đã trở thành chị vợ thì bất nhóc nhách. Và thế là “a lê hấp”, anh chồng
bèn quay phắt một trăm tám mươi độ, tính tình bỗng trở nên bẳn gắt, mồm miệng
thì luôn chửi bới. Quả thực anh chồng đã để lộ chân tướng “vũ phu chi cục mịch”
của mình, như tục ngữ diễn tả: Khi chưa, cầu lụy trăm đàng. được rồi, thì lại
phũ phàng làm ngơ. Cộng thêm vào đó là lời khuyên răn: Dạy con từ thưở còn thơ,
dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Và như thế, anh chồng được đà, mặc sức thao túng
chiến trường, tha hồ mà biểu lộ sự độc tài độc đoán của mình dưới mọi hình thức.
Trước hết là trong tư tưởng.
Anh chồng thường cho rằng cái gì mình nghĩ đều là đúng, là phải, còn cái gì chị
vợ tưởng đều là sai, là trái. Bởi vậy, hễ chị vợ mở miệng nói lên sự gì thì liền
bị kê tủ đứng: Đờn bà con gái biết cái chi mà nói. Sở dĩ như vậy, vì những tư
tưởng của tiền nhân đã in sâu vào đầu óc vốn ưa “hách xì xằng” của anh chồng:
Khôn ngoan cũng thể đờn bà, dù là vụng dại cũng là đờn ông. Và anh chồng đã
nhìn chị vợ bằng nửa con mắt: Đờn ông nông cạn giếng khơi, đờn ba sâu sắc như
cơi đựng trầu. Cơi đựng trầu thì có được là bao, nên chi anh chồng thường chép
miệng thở dài với một thoáng khinh khi: Ôi giào, đờn bà con gái ấy mà.
Anh chồng đang sống trong
thời buổi văn minh tin học, thế mà lại rất sính nền luân lý Khổng mạnh, vì nền
luân lý này vốn bênh vực quyền lợi của đờn ông con giai, nên ngu gì mà không
chuộng. Ngoài chuyện áp đặt tam tòng, tức là ba sự cần phải phục tùng, như đã
trình bày ở trên, nền luân lý này lại còn tròng vào cổ đờn bà con gái cái ách
“phu xướng phụ tùy”, anh chồng phán điều chi thì chị vợ phải răm rắp làm theo,
không được ý kiến, ý cò chi cả.
Thế nhưng, chuyện đời nhiều
lúc chẳng đơn giản tí nào, hơn thế nữa: Việc người thì sáng, việc mình thì
quáng. Thành thử mới cần phải đón nhận những ý kiến xây dựng của người khác để
mở rộng đường dư luận. Bởi vì những ý kiến này thường khách quan hơn, nên dễ
tìm ra được những giải quyết vừa hợp tình lại vừa hợp lý. Trong khi đó, đầu óc
của anh chồng vốn nghiêng về suy luận và tổng hợp, còn đầu óc của chị vợ lại
thường nghiêng về trực giác và chi tiết. Vì thế, thiên hạ đã bảo: Cái nhìn
đúng, không phải là cái nhìn của chàng hay của nàng, mà là cái nhìn của cả hai
đứa chúng mình. Đồng thời, như các cụ ta cũng thường nói: Thuận vợ, thuận chồng
tát bể đông cũng cạn. Điều lý tưởng nhất đó là sau khi đã bàn bạc, lắng nghe và
trao đổi, vợ chồng đi tới một sự nhất trí, rồi cùng cộng tác với nhau để thực
hiện điều đã nhất trí ấy, thì theo gã nghĩ: Khó khăn nào cũng sẽ được vượt qua.
Tiếp đến là trong lời
nói. Ngày xưa thì: Anh anh, em em. Hay: Mình ơi. Chí ít thì cũng: Mẹ thằng cu…
Má cái đĩ. Còn bây giờ, nhất là khi cơn giận nổi lên bừng bừng, rồi tẩu hỏa nhập
ma, phát ngôn bừa bãi theo kiểu mày tao chi tớ: Cái con mẹ mày… cái con mụ nọ.
Lời lẽ thì thô tục cộc cằn, như dùi đục chấm mắm tôm. Rồi lại còn cho nhau ăn đủ
thứ cao lương mỹ vị đến quỉ thần cũng không lường nổi. Anh chồng cứ gân cổ mà
nói thật lớn, cứ y như rằng càng nói lớn bao nhiêu thì sự thật sẽ nằm trên phần
đất của mình bấy nhiêu. Tới nước này, lắm chị vợ không còn kìm nổi sự chịu đựng
và nhường nhịn của mình nữa, nên cũng đốp chát, thành thử làm điếc lỗ nhĩ hàng
xóm, như một câu danh ngôn đã bảo: Trước khi cưới, anh nói thì chị nghe, còn chị
nói thì anh nghe. Liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe, chị nói thì chị
nghe. Còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói, nhưng hàng xóm phải nghe.
Anh chồng thường áp dụng
chiến thuật: Cả vú lấp miệng em. Việc đầu tiên là phải chửi cái đã, chửi phủ đầu
vì chửi chậm sẽ… chết. Giống như mấy ông tài xế, chẳng may gây tai nạn giao
thông, thì chẳng cần biết nạn nhân bị thương nặng hay nhẹ, sống hay chết… cứ việc
vô tư hoa chân múa tay, mở to mồm mà chửi, vì nếu không chửi thì sợ rằng người
khác sẽ chớp mất lẽ phải, hay lẽ phải sẽ bị bay hơi. Lý luận của anh chồng
trong nhiều hoàn cảnh thật ngang còn hơn cả cua, thế mà vưỡn vỗ ngực cho mình
là đúng, là phải, nhất là lý luận trong cơn say, cơn xỉn, thì quả là hết nước
nói: Tao đã bảo cái con mẹ mày hai với hai là năm đấy. Giỏi thì cãi lại coi.
Anh chồng nói để mà nói, nói để mà áp đảo đối phương, chứ nào còn nhớ tới lời
khuyên: Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Sau cùng là trong việc
làm. Đức Kitô đã dạy: Lòng đầy thì mới tràn ra ngoài. Và chúng ta cũng bảo: Tư
tưởng thì hướng dẫn hành động. Một khi đã cho mình là đúng, là phải, thì anh chồng
thường biểu lộ sự độc tài độc đoán của mình ra bên ngoài qua những lời nói đao
to búa lớn, coi trời bằng vung, huống chi là chị vợ. Hơn thế nữa, còn được biểu
lộ qua những hành động chuyên chế và áp đặt đối với vợ con trong nhà. Thực vậy,
cung cách cư xử của anh chồng là cung cách “chồng chúa vợ tôi”, có nghĩa là chồng
làm chủ, còn vợ làm tôi đòi phục vụ từ A đến Z, từ đầu chí cuối.
Mặc dù thời buổi bây giờ
là thời buổi nam nữ bình quyền, thế mà gã vẫn thấy trong một vài gia đình, tới
bữa cơm ông bố hay anh chồng ngồi chễm chệ một mình một cỗ riêng biệt. Bao
nhiêu thịt thà cá mú phải được dành ưu tiên cho “lão chủ phải gió” này. Sau khi
lão ta đã xơi no đủ phủ phê, thì mới tới lượt vợ con. Thật tội nghiệp cho chị vợ
mỗi khi anh chồng tổ chức ăn nhậu đãi đằng bè bạn. Vừa vất vả mua sắm và nấu nướng,
mồi hôi mồ kê chảy xuống đầy mặt ròng ròng, vừa phải dọn dẹp rửa ráy, ấy là
chưa kể tới việc các đấng mày râu quá chén đến nỗi cho chó ăn chè, phải thu dọn
chiến trường đã bị ô nhiễm một cách nồng nặc này.
Gã đã được tham dự bữa tiệc
mừng thượng thọ của một anh chồng. Người ngoài khi nghe bốn tiếng “tiệc mừng
thượng thọ”, cứ ngỡ anh chồng này chí ít cũng phải ngót nghét bảy mươi, như cổ
nhân đã bảo: Thất thập cổ lai hy. Ai dè anh chồng mới vừa tròn bốn mươi, nên mừng
tứ tuần để sớm được hưu non, cũng như để sớm được lên lão mà cà kê dê ngỗng với
“các cụ trong rân”, theo kiểu Tú xương: Việc nhà phó mặc cho bu nó, quắc mắt
khinh đời cái bộ anh.
Thái độ độc tài và độc
đoán còn được biểu lộ một cách rõ ràng hơn cả qua công tác dạy vợ. Thường thì
những anh chồng này dạy bằng bạo lực, bởi vì vũ phu chi cục mịch vốn là nghề của
chàng. Trước hết, là quẳng nồi niêu xoong chảo, bát đĩa…ra ngoài sân mỗi khi bực
bội tức tối trong lòng. Tiếp đến, là thượng cẳng chân hạ cẳng tay cho chị vợ ăn
đòn. Sau đây gã xin ghi lại một vài quái
chiêu mà những anh chồng vũ phu đã sử dụng để dạy cho chị vợ một bài học. Những
quái chiêu này đã được báo Công an đăng tải.
Quái chiêu thứ nhất, đó
là dạy vợ bằng dao: Với cung cách sinh hoạt “chồng chúa, vợ tôi” đã quen, nên
Lê Ngọc Ân, ngụ tại Gò Vấp, rất dễ nổi cơn thịnh nộ mỗi khi vợ làm trái ý mình.
Ngày 12.5.1999, Ân bảo vợ đi mua xe nước mía về bán, nhưng chị Nguyễn Thị Như
Hoa, vợ của y, chưa mua được. Thế là Ân nổi giận đùng đùng, ra tay… cạo đầu vợ
để lấy uy tín. Tàn nhẫn hơn, y lại cạo bằng…dao Thái Lan, khiến chị Hoa bị rách
cả mảng da đầu, máu ra nhiều đến nỗi bất tỉnh phải dưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hiện gã chồng vũ phu đã bị bắt giữ về tội dùng dao hành hạ vợ.
Quái chiêu thứ hai, đó là
dạy vợ bằng lửa: Vì tức giận, nên Nguyễn Văn Son 30 tuổi, ngụ tại Kiên giang,
vào ngày 5.6.1999 sau khi đi uống rượu về, hắn đã trói vợ là chị Lý Thị Oanh và
đổ dầu vào chị rồi châm lửa đốt. Phát hiện vụ “nướng vợ” này, bà con lối xóm vội
đến cứu chữa, nhưng chị Oanh đã bị phỏng nặng. Nguyễn Văn Son đã bỏ trốn và hiện
đang bị truy nã.
Hẳn là còn nhiều quái
chiêu khác nữa, nhưng bằng đó cũng đã đủ để cho thấy việc dùng bạo lực để dạy vợ
là điều không thể chấp nhận được. Nồi niêu xoong chảo bị đập bể, thì rồi chính
anh chồng lại phải nai lưng ra kiếm tiền mua sắm lại. Chị vợ mang thương tích
thì chính anh chồng lại mất công, mất của mà thuốc thang chạy chữa. Còn nếu chẳng
may chị vợ chết luôn thì bản thân anh chồng sẽ vào tù để đền tội, bàn dân thiên
hạ sẽ coi anh ta là hạng vũ phu, còn gia đình chắc chắn sẽ lâm vào cảnh nheo
nhóc và tan nát.
Để kết luận, gã xin ghi lại
nơi đây một kiểu dạy vợ khác, theo chiến thuật “bất bạo động” của ngài Gandhi,
vị anh hùng của dân tộc Ấn độ. Kiểu dạy này đã được đăng trên báo Phụ nữ qua
tâm sự của một anh chồng: Tôi và vợ tôi lấy nhau vì tình yêu. Chúng tôi là bạn
trước khi là người tình. Chúng tôi rất hiểu nhau, vậy mà khi đã sống chung,
chúng tôi đã có không ít những mâu thuẫn, kình cãi. Từ những lần xung đột như vậy,
tôi mới bắt đều nhận ra tính cách của chúng tôi mới khác nhau biết bao. Tôi điềm
đạm, còn cô ấy nóng nảy. Tôi hiền, còn cô ấy dữ. Tôi vốn tiết kiệm lời, còn cô ấy
lại hay nói. Tôi dễ bỏ qua, còn cô ấy luôn chấp nhất… Ngán ngẩm thật và gay go
thật để tìm ra một giải pháp cho vấn đề của vợ chồng tôi. Thế là… Khi cô ấy làm
rùm beng lên về một chuyện gì đó. Tôi chẳng dại gì mà hé môi. Cô ấy thắc mắc,
tôi vẫn đủ khôn ngoan để mà không mở miệng. Cô ấy to tiếng, tôi vẫn đủ bình
tĩnh để mà làm thinh. Cô ấy càm ràm mãi, tôi vẫn đủ sáng suốt để mà yên lặng. Tôi còn nhớ kỷ niệm này. Lần đó, khi vợ tôi nổi
cơn tam bành, tôi im lặng. Cô ấy không chịu. Tôi đọc báo. Cô ấy giật tờ báo.
Tôi im lặng. Cô ấy hùng hổ: Thà anh đánh em. Tôi im lặng. Cô ấy lao vào tôi:
Thà anh đuổi em. Tôi im lặng. Tôi mở nhạc, cô ấy tắt. Tôi im lặng. Tôi lên giường
nằm khép mắt, cô ấy vạch mắt tôi ra. Tôi im lặng. Thế là cô ấy ngồi phịch xuống
và khóc. Tôi vẫn cứ im lặng. Khóc chán, cô ấy đưa mắt lên… kiếm tìm. Bắt gặp.
Tôi không đành im lặng nên… cười. Thế là… Vợ tôi bây giờ ư? Tất nhiên là rất
tuyệt.
Bạn hãy nghe lời xúi dại
của gã, cứ thử làm như thế một lần xem sao? Kết quả thế nào nhớ báo cho gã được
hay.
Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét