Vui với người vui khóc với người khóc
(Trần
Mỹ Duyệt)
Trong ít ngày vừa qua có
ít nhất 2 tin vui và 3 tin buồn khiến tôi phải suy nghĩ. Một người bạn mới thi
đậu bằng hành nghề trong lãnh vực tâm thần, và một người khác mới mua được ngôi
biệt thự trị giá bạc triệu. Đó là tin vui. Ngược lại là ba tin buồn dồn dập: Đức
Ông cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Orange County, CA qua đời, và
chỉ cách nhau một ngày sau liên tiếp hai người bố của hai bạn tôi cũng lần lượt
ra đi.
Căn cứ vào lời Thánh
Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Vui với người vui và khóc với người khóc” (Rm
12:15), thì tôi phải vui với hai tin vui kia trước rồi tiếp đến là buồn với ba
tin buồn kia sau.
Vui với người vui là điều
dĩ nhiên và dễ rồi. Nhưng buồn hay khóc với người buồn thì cũng dễ chứ có sao
đâu. Mới đầu tôi cũng không quan tâm đến việc Kinh Thánh nói gì, tại sao lại
vui trước rồi mới đến buồn sau. Nhưng để tâm suy nghĩ, và dành ít phút thinh lặng
trước Đấng chịu đóng đinh, tôi mới nhận ra Thánh Kinh không đơn giản chỉ nói vậy,
nhưng thật là thâm thúy, thật là ứng dụng, và thực hành không riêng trong lãnh
vực tâm linh, mà ngay còn cả ở lãnh vực tâm lý và xã hội nữa. Tóm lại, tôi phải
học để vui với người vui, và sau đó là học để biết xoa dịu, chia sẻ với người
buồn, người gặp đau khổ cũng như thử thách.
Vui cùng người vui:
Một người sau nhiều năm học
hành vất vả, hao tốn tiền của, tâm sức thi được bằng hành nghề dĩ nhiên là vui,
và tôi phải vui lây. Một người sau bao công sức, vất vả, dành dụm nay mua được
căn nhà mới, tôi phải chung vui là lẽ thường tình. Như vậy vui với người vui
thì không có gì khó. Có gì mà cần phải học hỏi.
Nhưng thật ra không phải
vậy. Vui với người vui quả là khó. Cái khó không phải là nở một nụ cười xã
giao, không phải là nói một lời chúc mừng, hoặc tặng người đó một món quà kỷ niệm.
Thí dụ, một cây cảnh trong ngày ăn tân gia, hoặc mời người đó một bữa cơm chiều
tại một nhà hàng sang trọng gọi là mừng cho bạn vừa qua thời kỳ học hành vất vả.
Cái khó là ở chỗ tận trong thâm tôi, tôi có chấp nhận và bằng lòng với sự may mắn,
với điều tốt lành mà người bạn đó đạt được hay không? Tôi có nghĩ rằng không những
người đó may mắn hơn tôi mà còn giỏi giang và có khả năng hơn tôi không? Với
tâm lý thường tình thì việc chấp nhận này không hề dễ. Người bạn vừa đỗ bằng
hành nghề tâm sự, khi em thông báo tin vui này với bạn bè thì một số “không
tin”, một số lại nói, mày chỉ là ăn may thôi! Còn người có ngôi nhà mới thì những
người bạn gọi là thân nhất, trong đó vài người tỏ ra hoài nghi, một vài người
thì không nói gì?
Sở dĩ có hiện tượng làm
thinh hoặc hoài nghi như vậy là vì tự thâm tâm ai đó không chấp nhận sự thua
thiệt, kém may mắn của mình, không vui khi thấy người khác hơn mình. Đây là một
lối diễn tả của thái độ thiếu khiêm tốn và ghen tỵ. Mà vì mang tâm tình ghen tỵ
nên không vui, và không thể vui một cách bác ái, đúng nghĩa. Điều này cũng
chính Thánh Phaolô đã diễn tả ngay sau khi khuyên ta biết vui với người vui: “…
đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là
khôn ngoan” (12:16). Căn bản của hạnh phúc, của niềm vui chân thật là ở đó. Tâm
lý sống bình an với người khác cũng là ở đó. Tóm lại, để vui với người vui ta cần
phải làm hai điều: Chấp nhận sự thật là người nào đó may mắn hơn mình, tài khéo
hơn mình, và loại bỏ tính tự ty mỗi khi có ai đó hơn mình. Nói một cách thực tế,
đó là phải hủy cái tôi “tự cao tự đại,” mà phải trau dồi tìm lại cái bản ngã
đích thực của mình trong tất cả sự yếu đuối và rất thật của nó. Rồi phải yêu những
cái thuộc về chính mình. Chỉ có thế, khi ta chung vui, hoặc chia vui với ai, ta
mới không cảm thấy một cái gì thua thiệt, không cảm thấy tự ái và ghen tỵ. Và sự
chung vui ấy của ta mới phát xuất tự cõi lòng yêu mến, kính trọng, mừng cho người
đó.
Khóc cùng kẻ khóc:
Đây cũng là một sự chia sẻ
đòi hỏi phải thật lòng. Khi một người khác gặp điều gì xui xẻo, tự nhiên ai
cũng thấy mình được may mắn, được chúc phúc hơn nạn nhân đang phải đối diện với
những thử thách hoặc đau khổ ấy. Nhưng cốt lõi tình cảm ta lúc đó như thế nào?
Và ta nhìn nhận sự may mắn ấy như thế nào, cũng như nhìn những điều kém may mắn
của người khác như thế nào? Dư luận vẫn đồn đãi là những số tiền khổng lồ gửi về
giúp cho những nạn nhân bão lụt, thiên tai ở Việt Nam đa số chui vào túi những
quan chức tham ô, mặc dù trên truyền thanh, truyền hình, báo chí họ vẫn kêu gọi
sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội nhân danh tình thương, nhân danh những nạn nhân
bất hạnh, đáng thương. Người đời gọi đó là những giọt nước mắt cá sấu, và những
bộ mặt giả nhân, giả nghĩa.
Thông cảm được sự mất
mát, đớn đau, kém may mắn của người khác là một một kinh nghiệm thực hành mà chỉ
có thể rút ra từ những khó khăn của chính mình, từ một trái tim nhân ái, tấm
lòng vị tha. Chia sẻ những mất mát, đớn đau của anh em mình một cách thực lòng
là những chia sẻ mà theo thánh Têrêsa Calcutta, khiến cho con tim rỉ máu!
Vui với người vui, khóc với
người khóc:
Bản tính con người với
cái thói yêu cái tôi của mình mà không yêu chính mình, trọng cái tôi của mình
mà không trọng chính mình. Từ quan niệm phiến diện và chủ quan ấy, con người
thường có khuynh hướng đề cao mình, tự cao, tự đại về chính mình, vì thế chấp
nhận ai đó hơn hoặc bằng mình là một điều khó. Ngược lại, khi so sánh với những
bất hạnh, những buồn phiền của người khác là điều mà thường tình con người tự
nhiên luôn luôn thích thú và có thể làm được.
Tóm lại, dù vui hay buồn,
dù chung vui hay sẻ buồn, để thực hiện được điều này, đòi hỏi ta phải có cái
nhìn công bằng về mình và với người khác. Một tư tưởng mà theo thánh Phaolô
không được “tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho
mình là khôn ngoan” (12:16). Tư tưởng ấy mới nghe xem ra dễ dàng, nhưng đi vào
thực hành là một điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chỉ khi làm được điều ấy thì
niềm vui hay nỗi buồn khi ta chia sẻ với người khác mới chính là những chia sẻ
phát xuất tự con tim, và làm cho người nghe cảm thấy sung sướng, khích lệ và an
ủi.
Tâm Lý Ðạo Ðức Trần
Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét