Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Những lợi ích to lớn mà “trò chơi” mang lại cho trẻ

“Trò chơi” ở đây là những hoạt động do trẻ chủ động thực hiện, chứ không phải là do người lớn áp đặt, trẻ có quyền quyết định mọi thứ trong trò chơi.
Mọi người đều biết rằng trò chơi là “nhân tố dinh dưỡng” không thể thiếu trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Các trò chơi chẳng những có tác dụng giải trí, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc và tính cách của trẻ.

(Ảnh: Pixabay)

Nâng cao khả năng tìm tòi và năng lực quan sát của trẻ nhỏ

Trẻ sẽ học được tư duy chi tiết trong quá trình tìm tòi, nghiêm túc quan sát và loại bỏ “chướng ngại vật” để tìm được mục tiêu. Sự phát triển trí tuệ của trẻ gắn liền với khả năng hoạt động thể chất, các trò chơi là bài học có sự tham gia của cả thể chất và tinh thần. Tính linh hoạt trong tư duy của con người có mối liên hệ với sự linh hoạt của tay chân. Một đứa trẻ hoạt động linh hoạt thì dễ có thành tích học tập xuất sắc hơn.

(Ảnh: Talons Philosophy)

Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển thể chất của trẻ


Hầu hết trò chơi đều kèm theo vận động thể chất, giúp các cơ quan trên cơ thể của trẻ được hoạt động, thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể, sự phát triển của cơ xương cũng như hệ thống nội tạng và thần kinh.



(Ảnh: Pixabay)

Các hoạt động trò chơi phát triển các kỹ năng và động tác cơ bản của trẻ nhỏ. Các bé sẽ lựa chọn những trò chơi khác nhau tùy theo mức độ phát triển của bản thân, trẻ sẽ phát triển khả năng vận động thông qua các hoạt động và tăng độ khó của trò chơi dựa vào khả năng vận động đã được nâng cao, từ đó phát triển thêm khả năng này.
Các trò chơi còn phát triển khả năng phản ứng và chú ý của trẻ nhỏ. Có thể thấy rằng cách luyện tập bằng trò chơi này chính là sự thỏa mãn nhu cầu phát triển khả năng tự mình vận động của trẻ.

(Ảnh: Pixabay)

Nâng cao khả năng nhận thức của trẻ

Trò chơi thúc đẩy nâng cao năng lực nhận thức của trẻ, giúp trẻ nhận biết thế giới bên ngoài và phát triển tri thức. Đối với các bé, khó có thể có được nhận thức sâu sắc đối với sự vật nếu chỉ thông qua việc đọc sách hoặc giảng giải của người lớn, mà trẻ cần phải được qua “trải nghiệm thực tế”. Khi đang trong giai đoạn tư duy hành động theo trực giác, trẻ sẽ dùng hình tượng, âm thanh, màu sắc và động tác để suy nghĩ. Trò chơi chính là quá trình cảm nhận sự vật thông qua các hành động.

(Ảnh: Pexels)

Trong trò chơi, trẻ sẽ sử dụng rộng rãi những tri thức và kinh nghiệm đã có được, củng cố và tăng cường thêm tri thức. Và trong khi chơi, ngôn ngữ cùng khả năng biểu đạt của trẻ cũng được rèn luyện và phát triển.
Trò chơi có lợi trong việc xây dựng tính độc lập và sự tự tin của trẻ. Việc phát triển các trò chơi thú vị có lợi cho sự sản sinh ý thức hoạt động độc lập của trẻ, từ đó xây dựng cho trẻ tính độc lập và khắc phục việc ỷ lại.
Các trò chơi lành mạnh cũng có lợi ích to lớn trong việc bồi dưỡng phẩm chất kiên trì và khắc phục khó khăn của trẻ. Thông qua việc chơi trò chơi, trẻ sẽ kiên trì tập trung vào một vấn đề nào đó và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề, tính cách này là một trong những điều kiện quan trọng để đạt được thành công khi làm bất cứ việc gì.
Hoài Thương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét