Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Chữ Tâm trong giáo dục...



“Tự hào không bao giờ là một đức tính cả. Khiêm nhu mới là một đức tính…” – cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu đã được gợi mở như thế. Đó không chỉ là suy ngẫm thoáng qua trong ông. Triết lý đó đã được ông thực hành, đúc rút ra bằng cả cuộc đời mình, cuộc đời của nỗ lực tự học không mệt mỏi, không chỉ giới hạn trong những tinh hoa văn học Việt mà cả tinh hoa Á – Âu. Học bằng niềm đam mê và bằng cả trách nhiệm với hậu thế.

Là một nhà nghiên cứu và là thầy giáo của nhiều thế hệ, theo ông, ý nghĩa thực sự của việc giáo dục là gì?

Cái mà ta gọi là tri thức, nếu chỉ hiểu về nghĩa kiến thức thì kiến thức có thể tìm thấy trong từ điển, thực ra nó không quan trọng lắm, vì chỉ cần biết tự học thôi thì cái gì cũng tra cứu được, chỉ cần biết đọc sách thôi thì rồi cái gì cũng biết. Đó là nói về tri thức.

Hiểu về tri thức, kiến thức là như vậy, nhưng nhân cách, phẩm chất, tư tưởng, biết tư duy, tôi cho rằng là quan trọng hơn. Biết tư duy chứ không phải thu thập cho đầy kiến thức. Đó là hai sự khác nhau. Cho nên chúng ta không nên có quá nhiều môn học khiến cho một cặp của một em học sinh tiểu học nặng như hành lý mà lạc đà vác qua sa mạc vậy. Biết tư duy, tức là có sự suy nghĩ độc lập và chọn lọc. Để tự tạo ra bản thân mình, cái đó mới quan trọng hơn.

Nền giáo dục Việt Nam đang chứng kiến nhiều đợt cải cách, nhưng cùng lúc cũng chứng kiến nhiều vết rạn nứt trong văn hóa, giáo dục. Theo ông, vì sao cải cách mà không thay đổi được tình hình?

Những rạn nứt này thật ra không chỉ riêng ở ngành giáo dục. Nếu chỉ dùng biện pháp giáo dục để chấn chỉnh thì không đi đến đâu hết. Bởi vì nó liên quan tới cơ chế, liên quan tới pháp luật, mà những cái đó tác động đến nền giáo dục. Do đó, cả xã hội chứ không phải chỉ ngành giáo dục phải đồng bộ, phải thay đổi cùng lúc thì mới có thể làm cho bức tranh giáo dục tươi sáng hơn. Chỉ riêng ngành giáo dục đưa ra đường hướng, đưa ra cải cách thì sẽ không có kết quả gì.

Ví dụ, nếu những người sửa điểm, những người gây tác hại lớn cho nền giáo dục không bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật thì dù giáo dục có cải cách thế nào đi nữa thì vẫn có người phá. Cải cách giáo dục mà cơ chế, pháp luật không tham gia triệt để và thực tâm thì làm sao mà giáo dục có thể tự chuyển mình được. Bất kỳ một cán bộ có quyền chức nào cũng có thể phá dễ dàng thì cho dù chúng ta có cải cách đến đâu thì cũng thế thôi.

Cho nên, trước tiên, cơ chế và luật pháp phải can thiệp, phải hành động thực tâm để đổi mới giáo dục, chứ không thể chỉ qua những lời nói mơ hồ mà giáo dục có thể biến đổi được. Qua những diễn ngôn mơ hồ thì giáo dục sẽ không bao giờ biến đổi.

Vậy sự thay đổi trong ngành giáo dục cần bắt đầu như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, chúng ta cần phải có một triết lý giáo dục. Giáo dục đó phải hướng tới tinh thần tự chủ và khai phóng. Có nghĩa, giáo dục hướng tới đào tạo những con người có tính tự lập, tự chủ. Đồng thời phải có thái độ uyển chuyển với tinh thần cởi mở để đón nhận cái mới. Nếu không có hai cái đó, tự chủ và khai phóng, nếu không giáo dục cho bằng được tâm thức như vậy, nếu người đi học không hướng tới tinh thần tự chủ và khai phóng là chỉ biết học vẹt.

Thường thường sách giáo khoa luôn lỗi thời. Mà người dạy và người học lại không tự chủ thì luôn luôn sẽ bị kẹt vào những cái lạc hậu. Không biết cởi mở để đón nhận cái mới thì sẽ lạc đường. Lạc hậu và lạc đường là nguy cơ cho những ai không biết tự chủ và khai phóng.

Nếu như chúng ta chỉ biết đào tạo ra những con người chỉ biết học vẹt, nếu chúng ta chỉ biết đào tạo ra những con người mà luôn luôn chỉ biết mang những mặc cảm truyền thống thì chúng ta sẽ thất bại khi hội nhập với văn minh nhân loại. Chúng ta muốn bằng người thì chúng ta phải quyết tâm có tinh thần tự chủ và khai phóng. Nghĩa là chúng ta phải biết tự đổi mới mình hàng ngày, mà đào tạo một con người biết tự chủ và khai phóng thì khó hơn nhiều so với việc nhồi nhét kiến thức hay học vẹt.

Điều này không chỉ một mình người học thực hành mà vẫn cần những người thầy để dẫn dắt họ?

Tự chủ đó, chỉ riêng về giáo dục tức là tự học. Tự học là tự đào tạo mình. Cho nên, chỉ dựa vào hướng dẫn ban đầu thôi, chứ không thể dựa vào sách hay thầy hay Bộ Giáo dục như một tiêu chí tuyệt đối. Không thể chỉ dựa vào những cái bên ngoài mà phải dựa vào bản thân mình, phải khiêm tốn học hỏi.

Ta có thể để ý trong nhà trường, ít khi chúng ta đề cao cái tư duy độc lập, mà thường thường chúng ta đề cao những khuôn mẫu. Chúng ta chỉ đề cao những khuôn mẫu, quá nhiều khuôn mẫu, mà chúng ta ít đề cao đến tính độc lập. Khiêm tốn học hỏi không có nghĩa là tuyệt đối tin vào những cái ngoại tại, mà phải tự tin vào mình trước đó. Như vậy, người thầy, sách vở và cả Bộ Giáo dục cũng chỉ là những gợi ý, những hướng dẫn gần như hữu hạn thôi, chúng ta không thể giao phó tư duy của mình cho người khác được, tức là không thể để người khác nghĩ hộ được. Tất nhiên những điều này bao giờ cũng khó. Khó thực hiện hơn cái bắt chước, cái chạy theo, cái về hùa. Nhưng ở trong giáo dục, tôi nghĩ đó là phẩm chất. Cái gọi là tự chủ là phẩm chất cao nhất, chứ không phải sự bắt chước, về hùa.

Trong diễn biến xã hội gần đây, cụm từ “giới tinh hoa” đã được nhắc đến. Theo suy ngẫm của ông, mối tương quan giữa nhóm người này với cộng đồng, dân tộc là gì?

Thật ra một cộng đồng, một dân tộc, nói cho cùng chỉ là một đám đông có kết hợp. Một con tàu có thể đi được vẫn cần những người hiểu biết. Còn đa số ít hiểu biết hơn. Giới hiểu biết tạm gọi là giới tinh hoa. Nó sẽ làm cho con tàu đi đúng hướng hơn, thuận lợi hơn và biết cách vượt biển, vượt bão tố hơn. Như vậy trong bất kỳ cộng đồng nào, giới tinh hoa đương nhiên là quan trọng. Giới tinh hoa tạm gọi là những người hiểu biết, những người có thể làm chủ mình và làm chủ hoàn cảnh, ít ra là hơn phần đông còn lại.

Người ta thường hiểu lầm chữ nhân dân. Thật ra không phải ai cũng có thể hướng dẫn được hay hiểu biết, phần lớn cũng chỉ là những người sẽ ở trong tình trạng ít biết làm gì cho thích hợp, đặc biệt khi có những khủng hoảng, biến động lớn.

Bất kỳ một dân tộc nào, một cộng đồng nào cũng cần đến giới tinh hoa, giới tiên phong, mà tôi cho rằng là một tập hợp của những người có hiểu biết, chuyên môn, biết suy nghĩ để có thể điều động, có thể tác động, gây ảnh hưởng, gây cảm hứng… Chúng ta không thể “cá đối bằng đầu” được, người dân nào cũng như người dân nào là nói về mặt pháp luật thôi, tức là bình đẳng trước pháp luật, trước những vấn đề cụ thể mang tính đối đãi. Ví dụ như một trí thức phạm tội thì cũng phải bị xử như một người dân. Đó là bình đẳng. Nhưng trong vấn đề cần một sự điều động, sự tác động, sự ảnh hưởng, cần duy tân, đổi mới thì giới tinh hoa, giới tiên phong phải được coi trọng, chứ không thể nào giao phó con thuyền cho một đám đông mơ hồ.

Chúng ta phải biết tuyển những người có tài năng, người có phẩm chất, chứ chúng ta không thể vu vơ nói rằng nhân dân quyết định chẳng hạn. Nhân dân quyết định – điều đó không có nghĩa gì hết. Vì ai quyết định? Vẫn phải có người quyết định và chịu trách nhiệm, vẫn phải có một giới tiên phong, giới tinh hoa.

Trong tác phẩm “Nhật Bản trong chiếc gương soi”, ông có viết: dân tộc Nhật Bản có một cảm thức đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, thiên nhiên chính là linh hồn của Trà đạo, Hoa đạo… Phải chăng giáo dục về cái đẹp của Việt Nam còn thiếu những “niềm vui” đó, nên khó truyền được cảm hứng biết rung cảm về cuộc sống cho nhiều thế hệ, đặc biệt là các bạn trẻ hôm nay?

Thiên nhiên là một từ chung, truyền thống, bây giờ người ta hay gọi là sinh thái hơn. Sinh thái, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ngôi nhà. Tức là thiên nhiên là ngôi nhà mà chúng ta đang cư ngụ. Trong ngôi nhà mình cư ngụ, ai cũng muốn làm cho ngôi nhà của mình thật đẹp, bền vững và ấm áp. Có nghĩa là, ta yêu ngôi nhà của chúng ta, đó là điều không phải bàn cãi rồi.

Vậy mà trong thực tế, hiện giờ ta thấy hầu hết không yêu thiên nhiên, đi du lịch mà lại xả rác, đi du lịch mà hái bừa bãi những bông hoa, hay tội lớn hơn là chặt cây, phá rừng. Điều đó là phản thiên nhiên, phản sinh thái một cách khủng khiếp mà chúng ta vẫn thấy diễn ra. Khi chúng ta yêu thiên nhiên, chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn thế giới một cách rộng lớn hơn chứ không vị kỷ nữa. Có thể nói khi yêu thiên nhiên, chúng ta thoát ra khỏi tính vị kỷ. Đấy là một điều rất quan trọng. Ví dụ bạn yêu mặt trời mặt, bạn yêu biển, cái đó không có một chút vị lợi nào hết; tình yêu nào cũng có thể vị lợi, nhưng tình yêu thiên nhiên thì không có vị lợi.

Do đó, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp giúp chúng ta xa rời tính vị kỷ, chúng ta tiến tới bao dung, tiến tới tình yêu cái đẹp vô vị lợi. Tôi cho đó là một nét giáo dục đặc biệt quan trọng. Vì khi chúng ta yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp sẽ hướng về những điều lớn lao chứ không còn bám lấy lợi ích cá nhân nữa.

Tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp hiện nay không được chú ý trong giáo dục. Đôi khi chúng ta đề cao chuyện phá núi, phá rừng như một thành tích. Nhưng thời người ta có thể tự do phá rừng, phá cây, đốn cây đã qua rồi. Bây giờ chúng ta phải nhìn sinh thái như ngôi nhà của mình, phải chăm sóc tận tâm.

Theo ông, làm sao để việc giáo dục khơi gợi được tình yêu không vị kỷ đó?

Thực ra có nhiều cách lắm. Chúng ta nên có những buổi ngoại khóa để học trò không còn chỉ học trong bốn bức tường mà phải học giữa thiên nhiên. Tất nhiên điều này khó có thể làm thường xuyên được, lý do thuộc về nhiều thứ. Nhưng chúng ta cần làm sao cho học trò không chỉ học giữa bốn bức tường mà phải biết học giữa thiên nhiên. Đó là một.

Thứ hai, những bộ môn nghệ thuật nên được xây dựng đầy đủ hơn trong chương trình, đặc biệt trong chương trình Văn, thay vì quá nhiều bài thơ, bài văn về lòng căm thù, về sự trả thù vẫn còn tồn tại khá nhiều trong sách giáo khoa, chúng ta nên thay bằng những trang văn yêu thiên nhiên chảy đầy trong văn chương kinh điển của Việt Nam và thế giới. Trong Kiều, trong thơ thiền Lý Trần và những kiệt tác của thế giới, tình yêu thiên nhiên rất sâu sắc. Vậy thì tại sao chúng ta không đưa nhiều tác phẩm dạy về tình yêu thiên nhiên và cái đẹp lên hàng đầu. Chiến tranh đã qua lâu rồi, chúng ta nhấn mạnh tới lòng căm thù để làm gì? Nhấn mạnh tới tính chiến đấu trong chiến tranh để làm gì? Khi cứ quay lại quá khứ như thế làm sao chúng ta có thể tiến lên được. Vì sao trong sách giáo khoa chúng ta không thay đổi triệt để mà vẫn còn quá nhiều những tác phẩm mà dường như ở đó sự trả thù là quan trọng? Chúng ta thấy Chí Phèo, chuyện Tấm Cám… vẫn được dạy theo hướng ca ngợi sự phản kháng, sự trả thù. Ca ngợi phản kháng, ca ngợi nhiều để làm gì? Tại sao không thay đổi những khái niệm đó bằng tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Điều này có thể nhiều người phản đối, nhưng tôi vẫn nói lên ý mình.

Có người nhận xét Việt Nam là một dân tộc chưa “trưởng thành”. Trong tâm thức của một nhà làm giáo dục, ông suy ngẫm thế nào về điều này?

Đúng như vậy, trưởng thành là một khái niệm rất quan trọng không chỉ đối với cá nhân mà đối với cả cộng đồng. Có những cá nhân không bao giờ trưởng thành, và có những cộng đồng cũng thế, không biết trưởng thành, không chịu trưởng thành.

Có một điểm tôi thấy nó tác động đến sự thiếu trưởng thành là trong nhà trường hay nhấn nhá chữ tự hào. Thật ra, tự hào không phải là một đức tính. Vậy tại sao chúng ta quá thiên về giáo dục chữ đó?

Tự hào không bao giờ là một đức tính cả. Khiêm nhu mới là một đức tính. Khiêm nhường mới là một đức tính. Khi người ta còn khiêm nhường người ta còn học hỏi. Khi người ta còn khiêm nhường người ta mới cầu tiến. Khi người ta còn khiêm nhường là người ta đã bước vào trưởng thành. Chưa biết khiêm nhường là chưa biết trưởng thành. Trong sách của chúng ta dạy quá nhiều chữ tự hào. Chúng ta hay kết thúc một diễn ngôn bằng chữ này: “Tự hào thay” hoặc là “Thành công tốt đẹp”. Thực ra, tự hào là tự cho mình là nhất. Nếu tự cho mình là nhất thì cần gì phải học hỏi gì nữa? Đó là thái độ của trẻ con khi thế giới tập trung ở nơi mình. Chỉ có trẻ con mới coi mình là thế giới, mình là đặc biệt, còn người trưởng thành luôn luôn biết rằng mình tồn tại trong vô số mối tương liên, tương quan, chứ không thể tồn tại một mình. Một cộng đồng, một dân tộc hay một cá nhân phải học những điều khiêm nhu, khiêm nhường, chứ không phải học những điều tự cao, tự đại, tự hào.

Tự chủ khác với những điều đó. Tự chủ là biết tiết chế, biết làm chủ mình. Khi biết tự chủ là biết trưởng thành. Theo tôi thấy rất nhiều người Việt Nam không biết tự chủ, không biết tự trưởng thành. Điều này tuy nói ra dẫu sẽ xúc phạm ai đó, thì tôi vẫn thấy cần phải nói.

Vậy tinh thần phản biện của người trí thức nên được đặt ở đâu, thưa ông?

Phản biện không có nghĩa là có một chân lý duy nhất. Khi người phản biện thật sự, họ không cho rằng có một chân lý duy nhất, kể cả chính họ. Tinh thần phản biện phải được hiểu như vậy. Tinh thần phản biện không phải nói rằng tôi đúng, anh sai. Tinh thần phản biện chỉ yêu cầu anh nên nghĩ lại, tôi cùng suy nghĩ lại. Có nghĩa là chúng ta hãy đối thoại. Chúng ta hãy tư duy, hãy bao dung. Kiểu tôi đúng anh sai không phải là phản biện. Đó chỉ là nguyền rủa nhau, đả kích nhau, như ta thường thấy trên mạng. Phản biện là yêu cầu chúng ta ngồi lại với nhau, trò chuyện trong tinh thần bao dung.

Phản biện của người trí thức lại càng nên như thế. Người trí thức thật sự phản biện không phải là vùi dập đối phương, mà “bây giờ ta cùng nghĩ thế này nhé, biết đâu lại hơn một cách nghĩ độc đoán”. Phản biện là đưa ra cách nhìn khác trong tinh thần bao dung, chứ phản biện không phải là đả phá, là tấn công. Tấn công thì cần gì phản biện, tấn công có nghĩa là vùi dập, là kết án. Còn khi phản biện thì không có ý đó. Phản biện là mời chúng ta cùng tư duy, cùng hướng đến một cái gì đó bao dung hơn, hướng đến một cái gì đó rộng lớn hơn. Hiểu đúng nghĩa phản biện là như vậy.

Trong giáo dục Việt và xã hội Việt dường như thiếu vắng sự phản biện này…

Thiếu tinh thần phản biện do chúng ta hiểu sai tính chân lý. Ta thường cho rằng chân lý là duy nhất, cái gốc rễ chính là chỗ đó. Không thể lấy một cái gì đó làm tiêu chí duy nhất được. Chúng ta nên hướng về sự toàn diện, sự đa diện. Để làm được điều đó, chúng ta cần có tinh thần phản biện đầy khoan dung. Nếu chân lý chỉ có một phía, thì nó là cục bộ, phải không nào?

Vậy để giáo dục phát triển, xã hội phát triển, theo ông, nền giáo dục của Việt Nam cần hướng tới điều gì?

Như tôi đã nói ban đầu, là tự chủ và khai phóng. Tự chủ để trưởng thành và khai phóng để đón nhận cái mới.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Thực hiện: Nghinh Xuân

Ảnh, thiết kế: Gia Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét