Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

ĐỒNG CẢM


ĐỒNG  CẢM
MONDAY, JANUARY 14, 2019-TRẦM THIÊN THU


Khả năng thấu hiểu cần thiết để khả dĩ đồng cảm với người khác, nghĩa là có thể cảm xúc và xử sự như người khác trong hoàn cảnh nào đó. Đồng cảm là tự đặt mình vào vị trí của người khác để có thể hành xử như họ, Người Anh có thành ngữ “put yourself in somebody’s shoes/place”. Đồng cảm không đồng nghĩa với thông cảm (cảm thông), ý nghĩa gần giống nhau nhưng vẫn khác nhau. Đồng cảm liên quan khả năng THẤU HIỂU và CẢM NHẬN được cảm xúc của người khác, còn thông cảm chỉ đơn giản là cảm thông với người khác mà KHÔNG nhất thiết phải biết cảm giác của họ thế nào. Đồng cảm thâm thúy hơn thông cảm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng có những sự việc chúng ta tận mắt nhìn thấy nhưng lại không như chúng ta suy luận. Đồng cảm rất cần thiết trong cuộc sống vì có liên quan lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Đó là dạng biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ với người khác.
Ngày xưa, Chúa Giêsu đã đồng cảm với những con người đau khổ (thể lý và tinh thần) chứ không chỉ thông cảm với họ, thế nên Ngài mới “chạnh lòng thương” họ – những con người khốn khổ mà Ngài gặp ở bất cứ nơi nào (x. Mt 9:36; Mt 14:14; Mt 15:32; Mt 18:27; Mt 20:34; Mc 1:41; Mc 9:22; Lc 7:13), đến nỗi hạ mình xuống trần mặc xác phàm để chia vui sẻ buồn với con người, nhưng Ngài cũng truyền dạy chúng ta phải yêu thương như người Samari mà biết xót thương tha nhân (x. Lc 10:29-37), dù họ là ai.
Đồng cảm là thiện cử, liên đới với các nhân đức và các đức tính khác, đặc biệt là đức ái. Như vậy, người đồng cảm với tha nhân là người của Thiên Chúa, vì con người đó noi gương Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương (x. Is 49:10; Is 54:10), là Đấng từ bi và nhân hậu (x. 2 Sb 30:9; Tv 103:1 & 8; Tv 111:4; Tv 145:8; Gc 5:11).
Thánh Phanxicô Xaviê lý luận: “Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, luôn nói những lời yêu thương, và tâm hồn sẽ tự nhiên thu hoạch được rất nhiều kết quả”. Thánh Gioan phân tích: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1 Ga 2:9).

ĐỒNG CẢM LÀ YÊU THƯƠNG
Không thông cảm không thể đồng cảm, không đồng cảm không thể quý mến, không quý mến không thể yêu thương. Chân thành bộc bạch, ngôn sứ Isaia cho biết: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc” (Is 62:1). Rồi ông cho biết rằng “muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi bằng tên mới là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62:2). Sự chuyển hóa kỳ diệu lắm, bởi vì Thiên Chúa đã thay tên đổi họ để người ta trở thành con người hoàn toàn mới.
Ôi, thật là hạnh phúc vì được chính Thiên Chúa đồng cảm số phận bọt bèo mà thương xót, đồng thời còn được là “ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa cầm ở tay” (Is 62:3). Vì thế, chẳng ai còn dám tru tréo là “đồ bị ruồng bỏ!”, ngay cả xứ sở cũng không còn bị tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Nhưng lại được ưu ái gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi! Xứ sở ngươi nức tiếng là duyên thắm chỉ hồng” (Is 62:4). Tại sao? Vì người đó được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở người đó. Kinh thánh ví “như tài trai sánh duyên cùng thục nữ” khi Đấng tác tạo sẽ cưới người đó về, và “như cô dâu là niềm vui cho chú rể”, người đó cũng là niềm vui cho Thiên Chúa (Is 62:5).
Thế thì chắc chắn chẳng còn niềm vui nào lớn lao hơn và lên tới tột đỉnh như vậy. Như vậy làm sao im lặng được? Do đó, chúng ta phải “hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96:1-3). Đó là kinh nghiệm minh nhiên được Thánh Vịnh gia chia sẻ.
Con người có chúc tụng và tôn vinh như vậy cũng chưa đủ, bởi vì lời nói phải đi đôi với việc làm. Thánh Vịnh gia kêu gọi: “Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước, dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan” (Tv 96:7-9). Sau đó còn phải loan truyền cho người khác cùng hưởng niềm vui có Chúa: “Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng” (Tv 96:10). Chia sẻ là một dạng đồng cảm, vì thấy người khác thiếu thốn nên muốn chia sẻ với tình yêu thương.
Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng làm bất cứ việc gì đều phải nhờ ơn Chúa – dù là điều nhỏ bé, bởi vì chính Đức Kitô đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Nhưng có nhiều loại ơn, không phải muốn là được, mà mỗi người được nhận theo khả năng của mình: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7). Vấn đề là “vì công ích” (ích lợi chung của cộng đồng). Vì thế, khi chúng ta được ơn này mà người kia không có thì đừng tưởng mình “ngon” – giỏi hơn, siêu hơn, khéo hơn,.. Chúa tác tạo nên chúng ta nên Ngài biết ai có khả năng gì. Nhưng nhận được ơn gì đó là để phục vụ chứ không phải để hãnh diện mà kiêu căng, trách nhiệm tỷ lệ thuận với số ơn nhận được: “Hễ ai đã ĐƯỢC CHO nhiều thì sẽ BỊ ĐÒI nhiều, và ai ĐƯỢC GIAO PHÓ nhiều thì sẽ BỊ ĐÒI HỎI nhiều hơn” (Lc 12:48). Đừng đùa đấy! Và ngược lại, nếu mình không được ơn mà người khác được thì đừng ghen tỵ mà sinh lòng đố kỵ. Phải tỉnh táo để có thể khiêm nhường mà đồng cảm.
Rất rạch ròi với cách phân tích của Thánh Phaolô: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12:8-10). Tất cả đồng quy về một mối: “Nhưng chính THẦN KHÍ DUY NHẤT ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (1 Cr 12:11).
Như vậy thì chẳng ai có lý do gì để mà vênh vang tự đắc hoặc biện hộ cho mình. Người nào cũng có bổn phận riêng theo ơn mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Mười nén, năm nén hay một nén không là “cớ” để kèn cựa nhau, mà là để nâng đỡ nhau, thông cảm và xót thương nhau theo gương Đại Sư Giêsu. Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng ai viện cớ ‘khiêm nhường’ và ‘sùng kính các thiên thần’ mà làm cho anh em mất phần thưởng chiến thắng; họ chìm đắm trong những thị kiến của mình, vênh váo vì những suy tưởng theo lối người phàm” (Cl 2:18). Thật đáng quan ngại lắm!

ĐỒNG CẢM LÀ QUÊN MÌNH
Đồng cảm là yêu thương, yêu thương là quên mình – dấn thân, không quên mình chắc chắn không thể đồng cảm để có thể quên mình hoặc dấn thân mà phục vụ. Phục vụ ai? Phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội, và phục vụ tha nhân. Khi dạy về bài học phục vụ, chính Chúa Giêsu xác định: “Con Người đến KHÔNG phải để ĐƯỢC người ta phục vụ, nhưng là để PHỤC VỤ và HIẾN DÂNG MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Phục vụ là chấp nhận “chịu thiệt”, vậy mới khó, chứ ai cũng muốn “chỉ tay năm ngón” thì mọi thứ đảo lộn hết trơn. Người có tài điều khiển khéo léo (cũng ổn), người kém tài điều khiển vụng về (gây rối), nhưng ai cũng muốn chứng tỏ “bản lĩnh” (thật ra là “cái tôi”) nên khoái “ra lệnh”, thích “sai bảo”. Ai cũng muốn mình nổi bật (chứ chẳng “nổi trội” chi), không muốn “quên mình” chi cả. Phiền toái chẳng ngại phiền hà!
Trình thuật Ga 2:1-12 nói về một tiệc cưới tại Cana, miền Galilê. Hôm đó, Đức Giêsu và Thân Mẫu được mời dự tiệc cưới, các môn đệ cũng được mời. Tiệc đang “nóng”, khách đang “hưng phấn” thì rượu bia hết trơn. Thế thì “căng” rồi đây! Đi mua thì không kịp, vì thời đó phải đi bộ xa lắm, phương tiện liên lạc hiếm hoi. Nếu như ngày nay, người ta chỉ cần phóng xe đi trong vòng vài phút hoặc nhấn nút rồi a-lô là xong ngay, khỏi cần tính toán chi cho nhức đầu. Nhưng cái khó ló cái khôn, xui cái này may cái khác.
Nghe nói đám tiệc thiếu rượu đãi khách, Đức Mẹ đồng cảm với gia chủ và cảm thấy thương họ, thế nên Mẹ liền rỉ tai Con Trai: “Họ hết rượu rồi, con ơi!”. Con Trai thản nhiên đáp: “Mẹ ơi, chuyện đó can gì đến mẹ con mình? Giờ của con chưa đến”. Nghe là nghe vậy thôi, chứ Mẹ biết Con Trai thế nào, và Mẹ vẫn đi nói với gia nhân: “Con Trai tôi bảo gì thì các anh cứ việc làm theo nhé!”. Con nói gì thì nói, Mẹ cứ bảo người ta theo ý Mẹ. Điều đó chứng tỏ Mẹ Con rất đồng cảm và hiểu rõ lòng nhau, luôn “ăn ý” với nhau, đồng thời cũng chứng tỏ đức tin của Mẹ rất mạnh mẽ và vững vàng. Chắc chắn Mẹ biết Con Trai sẽ giúp họ nên mới đi “nói nhỏ” với người nấu đám hôm đó. Trên cả tuyệt vời!

Thánh Gioan cho biết rằng ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng 80 hoặc 120 lít nước. Nói “không liên can” nhưng Đức Giêsu vẫn ra phía sau và bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” (Ga 2:7). Được Đức Mẹ “thông báo” trước, họ liền lấy nước lã đổ đầy tới miệng các chum. Rồi Ngài lại nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ cấp tốc múc nước trong chum đem cho người quản tiệc mà cũng không hề thắc mắc chi cả. Họ có vẻ thản nhiên, nhưng điều bất ngờ xảy ra...
Thật vậy, khi người quản tiệc nếm thử thì thấy là rượu. Lạ dữ nghen! Rượu ở đâu ra mà ngon chi lạ! Tất cả các chum đổ đầy nước mà giờ hoá thành rượu. Lạ lùng và kỳ diệu ghê đi! Không ai biết rượu từ đâu ra, chỉ có gia nhân đã múc nước thì biết. Mà không phải rượu thường, đó lại là thứ rượu hảo hạng, vừa ngon và vừa mạnh. Ôi chao, cứ đổ đồng mỗi chum là 100 lít, vị chi là 600 lít. Dân bán rượu chắc gì trữ nhiều rượu như thế? Lượng rượu này vừa bán vừa cho chứ uống gì hết! Ông quản tiệc “đau cái điền” vì chả hiểu ất giáp chi ráo trọi. Rồi ông gọi tân lang lại và nói: “Này, ai cũng thết rượu ngon trước, khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2:10). Ông ta không thể hiểu nổi, còn chú rể cũng lắc đầu, bó tay, thế nhưng chắc hẳn anh là chàng rể may mắn và hạnh phúc nhất thế gian này.
Và Thánh sử Gioan cho biết rằng đây là DẤU LẠ ĐẦU TIÊN mà Đức Giêsu đã làm để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Các môn đệ quá đỗi ngạc nhiên, nhưng nhờ vậy mà các đệ tử đã tin vào Đại Sư của mình. Thật là hạnh phúc thay!

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con nhạy cảm qua việc đồng cảm để yêu mến Ngài bằng cách thật lòng yêu thương mọi người, nhất là những con người khốn khổ nhất, nhờ vậy mà chúng con xứng đáng được Ngài xót thương. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét