Mười Căn Bệnh Làm Băng Hoại Người Công Giáo
Cố
Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận-20/Jan/2019
Bài
nói chuyện của Tôi tớ Chúa là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khi
còn làm Tổng Giám mục với giới trẻ Việt Nam hải ngoại tại Strasbourg, Pháp, chiều
ngày 12.9.1998)
Mười
căn bệnh gồm: 1. Bệnh quá khứ cục bộ 2. Bệnh tiêu cực bi quan 3. Bệnh phô
trương chiến thắng 4. Bệnh cá nhân chủ nghĩa 5. Bệnh lười biếng tránh né 6. Bệnh
chuẩn mực trần tục 7. Bệnh đợi chờ phép lạ 8. Bệnh tùy hứng vô định 9. Bệnh sống
vô trách nhiệm 10. Bệnh bè phái chia rẽ.
Bệnh quá khứ cục bộ
Bệnh
này thể hiện qua tâm trạng chỉ nhớ và khen cái quá khứ của mình mà thôi và đóng
khung lại trong đó. Ngày tôi bị đưa đi tù ra Bắc, thỉnh thoảng gặp giáo dân và
ai cũng hớn hở tâm sự: “Thưa cha, chúng con thấy sung sướng nhất là thời còn Đức
khâm sứ. Chúng con đi rước kiệu đầy đường phố, quanh cả bờ hồ Hoàn Kiếm, và thấy
Đức khâm sứ quỳ trên chiếc xe, tay cầm Mình Thánh Chúa, mặt ngài sáng láng đỏ hồng
như mặt trời. Không biết bao giờ chúng con mới trở lại được như thời kỳ có Đức
khâm sứ!”. Ta không quên quá khứ, vì đó là bài học kinh nghiệm, nhưng ta không
dừng lại đó, ta nhìn tương lai để xây dựng còn đẹp hơn xưa.
Bà
con chỉ sống trong quá khứ, mong trở về quá khứ. Mà thời gian thì bao giờ quay
trở lại !
Tôi
đi nhiều nơi, gặp nhiều anh chị em tới một tuổi nào đó. Chén thù chén tạc bên
nhau than thở: “Biết bao giờ bọn mình trở lại được thời Cộng hoà. Mọi thứ rẻ mạt.
Lương tháng mấy nghìn. Một tạ gạo giá chỉ mấy trăm bạc. Sướng thiệt !”.
Ta
đang ở năm 1998, làm sao mà lùi lại 1960 được!
Do
vậy mà chúng ta đâm ra thiển cận. Thay vì nhìn tới thì lại nhìn lui. Giống như
người lái xe, không nhìn đằng trước mà cứ chăm chăm vào kính chiếu hậu để ngắm
xe sau. Vậy làm sao mà tiến được.
Mà
dù thế nào thì mình vẫn phải sống. Quá khứ không bao giờ trở lại. Và thời gian
thì cứ tiến mãi.
Nhìn
lại gương Chúa Giêsu. Từ trời cao xuống thế, Ngài cứ nhắm tới, một mạch đi tới
và cứ nói: “Thầy sẽ lên thành Giêrusalem chịu nạn”. Ngài dư biết cuộc tử nạn sẽ
rất đau đớn, nhưng vẫn đi tới, chấp nhận. Bởi qua cái đau khổ đó con người được
cứu độ.
Cũng
vậy, nếu chúng ta muốn cho Đất nước và Giáo hội mình tiến, thì phải nhìn về
tương lai. Không quên quá khứ, vì đó là bài học cho tương lai. Nhưng đừng có viễn
mơ lui lại quá khứ.
Mỗi
người, mỗi thời đại đều có cái hay, cái đẹp. Phải làm sao biết khai triển cái
hay cái đẹp đó cho hiện tại đang sống, chứ đứng đó mà than thở tiếc nuối thì
ích gì ! Nhìn quá khứ để tạ ơn Chúa, để sám hối. Nhìn hiện tại để hăng say phục
vụ với trách nhiệm – Nhìn tương lai với hy vọng.
Bệnh tiêu cực bi quan
Những
người mang bệnh này cứ chỉ trích kinh niên. Khi nào cũng có chuyện để chỉ
trích. Một người làm cả đám phá. Một chính đảng lên thì các đảng khác xúm nhau
phá. Phải đạp nó xuống thì mình mới lên được chứ!
Bệnh
chỉ trích phát sinh từ lòng ích kỷ hoặc kiêu căng. Một biểu hiện song hành của
bệnh này là người chỉ trích thường hay thiếu tự tin.
Người
tiêu cực cái gì cũng chỉ trích. Nhưng khi được yêu cầu đưa đề nghị thì “để xem
đã”, hoặc có ai đưa ra đề nghị gì thì lại lắc đầu “không làm nổi đâu” !
Người
tiêu cực thì bất cứ một cơ hội nào cũng là một tai họa cho mình (for the
pessimists every opportunity is a calamity). Trái lại, người lạc quan thì bất cứ
tai họa nào cũng là một cơ hội cho mình (for the optimists every calamity is an
opportunity).
Người
ta kể câu chuyện: Một công ty lớn gởi hai đại diện sang một nước Phi châu để
nghiên cứu thị trường tiêu thụ giày dép. Trở về điều trần, một vị lắc đầu: Thưa
quý vị, không có cách gì tiêu thụ được; người dân ở đó chỉ đi chân đất, có ai
đi giày dép đâu ! Trong khi đó vị kia lại hớn hở: Thưa quý vị, chuyến này chúng
ta thắng lớn; cả một lục địa mênh mông chưa có ai có giày dép để đi cả !
Người
tích cực thì lạc quan. Kẻ tiêu cực bi quan. Tùy theo cách nhìn mà vấn đề nẩy
sinh. Người Pháp nói: Đừng trách rằng tối; tối là vì mình không chịu thắp đèn
lên thôi ! Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “Đừng sợ”, vì ta tin vào Thiên Chúa quyền
năng và yêu thương, ta tin con người có thiện chí, ta tin vào mình có Chúa
giúp.
Bệnh phô trương chiến
thắng
Làm
gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là
triomphalisme; người Mỹ cũng có từ ngữ show up.
Thỉnh
thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ
tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng
tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ
và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm
qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về
! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo
sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?
Có
những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người,
người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng
huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi
gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô
trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì
đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn
năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự.
Bệnh cá nhân chủ nghĩa
Các
nhà phân tích cho hay người Âu châu bị bệnh này nặng hơn. Nhưng mình cũng không
kém. Thời đại này đâu đâu cũng nghe người ta hô hào đoàn kết (Solidarité). Mà
xem ra càng hô hào đoàn kết chừng nào, thì bệnh cá nhân lại nặng chừng nấy !
Biểu
hiện của bệnh này: Mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ. Mình chiếm độc quyền,
ngay cả độc quyền thờ Chúa, độc quyền yêu Nước. Không muốn ai chia sẻ với mình,
vì sợ người ta hơn. Người ta không tiếp tay với mình thì trách. Nhưng khi tiếp
tay thì lại chỉ muốn họ đứng sau lưng mình mà thôi.
Cá
nhân chủ nghĩa phát sinh từ lòng ích kỷ. Kính Chúa, yêu người thực chất là vì
mình, vì lợi cho mình chứ chẳng phải vì Chúa vì người gì cả.
Người
ta kể chuyện vui: Một số Hồng Y và Giám mục ngồi ăn cơm chung với Đức Thánh
Cha. Có mấy vị hỏi ngài: Thưa ĐTC, nghe nói có bí mật Fatima, ĐTC có thể nói
cho chúng con nghe được không. ĐTC bảo: Bí mật mà, nói sao được. Nghe thế các
ngài càng tha thiết: ĐTC đừng sợ, chúng con cam đoan sẽ dấu rất kỹ, không hở miệng.
Sau năm lần bảy lượt nghe năn nỉ, ĐTC mỉm cười trả lời: Đức Mẹ Fatimabảo rằng
đóng cửa Đức Mẹ Lộ-Đức lại !
Câu
chuyện khôi hài này muốn nói lên cái cá nhân chủ nghĩa của con người ngày nay.
Đức Mẹ Fatima sợ Đức Mẹ Lộ Đức nổi tiếng hơn và do đó khách hành hương đến viếng
đông hơn nên đề nghị dẹp Lộ-Đức.
Chẳng
đâu xa xôi. Quanh ta cũng không thiếu thí dụ. Hai nhà thờ cạnh nhau, chuông bên
này kêu thì bên kia phải làm sao để kêu hơn. Câu chuyện nầy có thật. Một giáo xứ
xin Đức cha cho một quả chuông. Về đánh lên thì bà con giáo xứ bên cạnh sốt ruột
khó chịu, liền cùng nhau kéo xin phép đổi một quả chuông lớn hơn. Khệ nệ mang về,
đánh lên thì ai nấy thất vọng. Tưởng chuông lớn hơn thì tiếng phải hay hơn. Ai
dè âm thanh của chuông thường đã được định chuẩn sẵn; theo nốt nhạc, cái chuông
mới trùng một nốt nhạc với chuông cũ!
Trong
Giáo hội có một điểm quan trọng, đó là tính đa diện (Pluralité). Giáo hội không
đòi hỏi phải đồng bộ, nhưng trân trọng nét cá biệt của mỗi giáo hội địa phương.
Khác nhau hầu bổ túc cho nhau, chứ không phải để rồi tôi đi đường tôi anh đi đường
anh.
Bệnh lười biếng tránh
né
Triệu
chứng của bệnh này là sợ tốn sức tốn của, sợ liên lụy, a dua: ai mạnh thì hùa
theo. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lý do để che đậy cái hèn
nhát và lười biếng của mình. Giữa đại hội thì phát biểu thật hùng hồn, lúc phân
việc thì lẩn đâu mất.
Trong
đội tù của tôi trước đây có một ông cũng từ miền Namra. Mỗi lần họp anh ta phát
biểu ào ạt. Đụng chuyện gì cũng dơ tay phát biểu. Nói huyên thuyên mà thường lạc
đề. Đến lúc chia việc thì im re. Riết anh em trong tổ ngán. Nên mỗi lần anh ta
dơ tay phát biểu là anh em đồng loạt hô: Im mà nghe, đài Mát-cơ-va phát !
Chuyện
kể hai nhà thông thái nọ muốn tìm hiểu xem thành phố Rôma có mấy người làm việc.
Họ bắt đầu bằng một chuỗi phân tách loại trừ. Trước tiên trừ đi con số trẻ em
chưa đến tuổi làm việc, đến số người bệnh tật, số người ở tù, rồi số dân biểu
nghị sĩ quanh năm suốt tháng chỉ cãi nhau và dơ tay bỏ phiếu bất tín nhiệm
chính phủ, số người làm nghề phê bình đá bóng… Cứ thế mà trừ, kỳ cùng chỉ còn lại
hai người làm việc, đó là hai nhà thông thái. Nhưng rồi một ông lên tiếng ngay:
tôi từ nãy giờ tính toán quá mệt rồi, nên chi tôi bầu anh làm việc tiếp để tôi
nghỉ !
Để
xây dựng cộng đoàn có trăm công ngàn việc. Việc gì cũng đáng làm. Chẳng cần phải
ngồi ghế lãnh đạo mới là làm việc. Việc nào cũng có thể nên thánh, miễn là làm
cho tới nơi tới chốn.
Khi
ở Dublin một tháng để học hỏi về Đạo binh Đức Mẹ tôi may mắn được gặp người
sáng lập, ông Frank Duff. Tôi háo hức, tưởng sẽ diện kiến một nhân vật quốc tế
tiếng tăm; người mà các Hồng Y, Giám mục khắp nơi đều phải ngồi nghe. Nhưng
không ngờ, ông chỉ là một cụ già đưa thư. Hàng ngày khiêm tốn đạp chiếc xe cọc
cạch ra bưu điện mang thư về cơ quan, bỏ vào hộp thư của gần một ngàn chi nhánh
Đạo binh ở Dublin. Ngưởi ta nói công việc của ông bây giờ chỉ có thế; có tuổi rồi
không còn giữ vai trò quan trọng nào nữa; nhưng khi ai cần ý kiến thì ông sẵn
sàng đóng góp và hướng dẫn giải quyết.
Đấy,
công việc đưa thư hèn mọn có làm giảm tư cách con người đâu!
Bệnh chuẩn mực trần tục
Lấy
tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa,
nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để
chuẩn định. Người Công Giáo kiểu đó thường hay trở thành Công Giáo tùy thời: Thịnh
thì Công Giáo, suy thì chối.
Công
Giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công Giáo danh dự: Chỉ
siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm
chẳng bao giờ thấy.
Nhiều
khi chẳng phải là bản chất, chẳng tội lỗi gì, nhưng là vì mình đua đòi. Chính
đua đòi này làm cho cuộc đời khổ sở. Sang đây thấy người ta có xe đẹp, nhà rộng;
mình đua đòi muốn hơn người nên phải nô lệ cho công việc, cả nhà làm việc quá mức.
Và
chuẩn mực trần thế thường được căn cứ theo báo chí, truyền thanh truyền hình.
Báo bảo cái gì hay là hay, cái gì số đông theo là tốt…mặc dù những cái đó không
hợp với lương tâm.
Năm
ngoái tôi ghé Na Uy tới thăm một bà giáo sư giữ một ghế thứ trưởng trong nội
các. Na Uy đa số theo Tin lành và Giáo hội này, như tại các nước Tin lành khác,
phải tùy thuộc thế quyền. Bà phàn nàn: nguy quá cha ơi, Giáo hội chúng tôi đang
sa lầy trong vòng kềm toả dư luận.
Chính
phủ ra lệnh cho Giáo hội; Quốc hội ra lệnh (bằng đạo luật) cho chính phủ; mà đạo
luật thì lại hình thành do áp lực dư luận truyền thông; vừa rồi chính phủ mới
cách chức hai mục sư vì họ chống lại việc phá thai!
Một
số cơ quan truyền thông chửi bới Đức Giáo Hoàng, kết ngài vào tội thiếu thực tế,
thiếu tiến bộ. Nhưng khi Đức Giáo Hoàng đến với giới trẻ thì hàng triệu anh chị
em trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật,
bất chấp dư luận. Tuổi trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới khủng hoảng
niềm tin và giá trị. Nên chi họ cần người tín cẩn dám nói thẳng cho họ đâu là
điều đúng, đâu là sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội,
nhưng lại bắt cả nhà nước và Giáo hội coi đó là nhân đức. Chẳng hạn như chuyện
đồng tính luyến ái. Dư luận đang bắt mọi giới phải xem đó là chuyện hợp luân
thường đạo lý. Giáo hội thương cảm, nhưng Giáo hội cần nói sự thật. Đức Thánh
Cha nói: “không cần ai bỏ phiếu cho sự thật” vì sự thật vẫn là sự thật.
Bệnh đợi chờ phép lạ
Cứ
chờ cứ đợi người khác, mà bản thân mình chả chịu làm gì. Mình có làm thì Chúa mới
giúp được chứ. Chúa sinh ra mình không cần hỏi ý mình, nhưng để cứu mình Ngài
phải cần đến sự cộng tác của ta.
Có
bà suốt ngày cầu với Chúa: Con bao nhiêu ngày tháng hy sinh cho cộng đoàn. Nấu
cơm, nấu chè, hết việc này đến chuyện nọ. Đâu cũng có mặt. Giúp ngày không đủ
tranh thủ giúp đêm giúp thêm giờ nghỉ ! Con chỉ xin Chúa có một điều, vậy mà
Chúa không chịu đoái nghe. – Chứ con xin điều gì ? – Dạ xin Chúa cho con trúng
vé số, chỉ cần trúng một lần độc đắc thôi! – Ừ mà Chúa cũng đang đợi bà đây! –
Dạ Chúa đợi gì con đây? – Thì Ta đang đợi bà mua vé số!
Trong
một vụ lụt xe cứu thương rảo khắp phố phường kêu gọi người dân rời nhà di chuyển
lên nơi cao để tránh nước lũ. Ông bố của một gia đình bảo với con cháu: Tụi bây
đứa nào đi thì đi, còn tao không đi; tin tưởng phó thác vào Chúa thì sao Ngài bỏ
rơi được. Nước lũ tới, dâng cao. Ghe cấp cứu lại kêu gào tản cư gấp. Ông già kê
bàn kê ghế leo lên rồi giục: Mẹ con bây đi thì đi nhanh lên, tao không. Nước tiếp
tục dâng cao, ông già leo lên mái nhà ngồi. Máy bay trực thăng lượn qua lượn lại,
thả dây kêu gọi ông di tản. Ông nhất quyết không đi, bởi tin rằng có Chúa che
chở. Và nước ngập cuốn ông đi luôn.
Ông
gặp thánh Phêrô. Thánh Phêrô hỏi sao lại dạt vào đây. Ông già bực bội trách cứ,
tại sao con đặt hết tin tưởng vào Chúa mà Ngài không cứu sống, lại để con chết
trôi chết nổi thế này và ông yêu cầu thánh Phêrô mở cửa đưa ông vào Thiên đàng
cấp tốc. Thánh Phêrô ngạc nhiên đáp lại: Chúa có cứu ông chứ! Ông có nghe đài
báo tin không ? – Có. Ông nghe xe cứu thương kêu gọi không? – Có. Ông có thấy
ghe máy, trực thăng đến cứu không ? – Có. Tại sao ông bảo Chúa bỏ ông?
Bệnh tùy hứng vô định
Người
không có lý tưởng rõ ràng. Đời vô định hướng. Ai xúi thì nhắm mắt làm theo, bất
kể hay dở, khôn dại. Xong rồi phủi tay. Chẳng có dự án và chẳng có một người
nào làm lý tưởng cho đời mình. Đây là loại người tùy hứng.
Người
ta hay nói đời là một giấc mơ. Nhưng đời có thật là một giấc mơ không ? Mơ là
chuyện mộng, không bắt buộc phải hiện thực. Nhưng đời trái lại là cuộc sống thực
tế của mỗi người, bắt mình phải hoàn thành.
Thánh
Kinh nói đến giấc mơ của Thánh Giuse. Ông mơ thiên thần báo phải đem Hài nhi và
Mẹ người trốn sang Ai Cập. Cái đặc biệt ở đây là Giuse đã thực hiện giấc mơ đó
và nhờ vậy Chúa Giêsu thoát chết.
Người
trẻ cần có lý tưởng và phải thực hiện cho bằng được. Nhưng phải định hướng cho
trúng. Truyện kể có người khi còn trẻ quyết tâm sẽ thay đổi cả thế giới. Khi đứng
tuổi thấy mình chả thay đổi được ai, bèn chuyển mục tiêu gần hơn: sẽ thay đổi
gia đình mình. Đến khi về già quay lại thấy mình cũng chả thay đổi được gia
đình, mới nhận chân ra rằng muốn thay đổi gia đình hay thế giới trước hết phải
thay đổi chính con người của mình đã!
Bệnh sống vô trách nhiệm
Triệu
chứng: thờ ơ trước những khó khăn của Hội thánh và Quê hương, trước những đau
khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc
bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép
Rửa đó. Qua phép Rửa, được làm con Chúa, đó là Hồng ân, và phép Thêm sức làm
cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao
ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải
loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm
nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm.
Ngày
xưa cha Hậu (cố Olivier) ở Sàigòn thường nói với bổn đạo: Anh chị em phải biết,
mình quả thật sung sướng vì được Chúa cho cả Nước Trời trong lòng. Anh chị em
cũng giống như một người mang trong mình vé số độc đắc đã trúng mà chưa lãnh.
Và bổn phận của anh chị em là chia sẻ ân huệ và niềm vui đó cho người khác.
Mỗi
người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ
cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng.
Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à! Thái độ phủi tay không giải quyết được
gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy
mà giải quyết nhiệm vụ của mình.
Bệnh bè phái chia rẽ
Đây
là căn bệnh trầm kha nhất. Vô cùng nguy hiểm vì nó thường là căn nguyên của các
bệnh khác.
Một
cơ thể mà các tế bào chống nhau thì làm sao sống được. Nội bộ một cộng đoàn mà
chưa hợp tác với nhau được thì đừng nên bàn chuyện đấu tranh, giải phóng. Ai ở
thôn quê đều biết hoàn cảnh cấy lúa. Một mảnh ruộng cần cả chục người cấy suốt
ngày. Lưng đội trời nóng cháy da, tay xé lúa nhấn xuống bùn, bẩn và mệt. Nhưng
cũng miếng ruộng đó chỉ cần một người thôi là chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng
hồ là nhổ sạch. Xây khó, phá rất dễ.
Một
cách hay nhất để tránh và chữa bệnh này là lắng nghe người khác, sẵn sàng chấp
nhận cái khác của người. Câu chuyện tổng thống Lincoln nước Mỹ là một bài học.
Trong cuộc chiến Nam Bắc, ngày nọ trước ba quân ông xuống lệnh hành quân. Một
anh sĩ quan phản đối và cho rằng Lincolnđiên khi hạ lệnh đó. Có người vào báo
cáo. Lincoln cả giận. Nhưng thay vì tức khắc cho thi hành kỷ luật đối với thuộc
viên, ông cho mời người đó vào. Và sau khi nghe trình bày phải trái, Lincoln đổi
ý, trao trách nhiệm lớn cho vị sĩ quan đó. Ông biết lắng nghe nên đã tránh được
đổ vỡ lớn cho binh sĩ và quốc gia.
Trong
một giáo phận, một cộng đoàn, một hiệp hội, việc làm tổn thương, mất giờ để giải
quyết nhất của Giám mục, của những người có trách nhiệm, là chứng bệnh triền
miên bè phái, chia rẽ – mà những người mắc bịnh thường vẫn tưởng mình đạo đức.
Có nhiều người “phạm tội vì Chúa”: lấy lý do “vì Chúa” mà loại trừ kẻ khác,
không thuộc phe ta. Người Pháp đã nếm kinh nghiệm cay đắng tai hại của bịnh nầy
nên có câu châm ngôn: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống kẻ khác”. Chúa Giêsu biết
trước điều nầy nên Ngài tha thiết cầu xin trước giờ tử nạn:
“Lạy
Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để thế gian
tin Cha đã sai con” (Gioan. 17, 21). Nếu ta không hiệp nhất thì thế gian không
tin.
Lời
ông Gandhi đáng cho ta suy nghĩ: “Tôi yêu Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người
Kitô hữu vì họ không giống Chúa Kitô”.
ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét