Giải đáp phụng vụ:
Người bị bệnh Celiac - bệnh không dung nạp gluten
rước lễ như thế nào?
Nguyễn
Trọng Đa -22/Jan/2019
Giải đáp của Cha Edward
McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ
của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Chúng
tôi có một học sinh trong trường bị dị ứng nặng - đến nỗi chúng tôi đã làm ra một
“căn phòng sạch” tạm thời cho anh. Tôi đã được thông báo rằng anh đã không rước
lễ kể từ khi rước lễ lần đầu, do các phản ứng dị ứng có khả năng đe dọa đến
tính mạng của anh đối với gluten trong Bánh thánh. Cách duy nhất mà anh có thể
rước lễ là có một chén thánh riêng đựng Máu Thánh, để không có cơ hội lây nhiễm
chéo. Cách thức thích hợp ở đây là gì: liệu có nên đặt chén thánh thứ hai trên
bàn thờ để truyền phép không? Liệu linh mục nên rót Máu thánh từ Chén thánh của
ngài sang Chén thánh thứ hai, ngay trước khi cho anh rước lễ không? Liệu có các
cách thức nào khác không, thưa cha? - J. P., Montvale, New Jersey, Hoa Kỳ.
Đáp: Tôi đã bàn đến một
số vấn đề tín lý và thực tiễn liên quan đến ngưởi bị bệnh Celiac (bệnh không
dung nạp gluten) trong bài viết ngày 14-9-2004. Đã có một ít thay đổi kể từ thời
điểm đó, ngoại trừ việc sản xuất một số hình thức của bánh lễ ít gluten, vốn đã
được nhìn nhận là chất thể hợp lệ cho việc cử hành Thánh lễ, và đồng thời là an
toàn cho phần lớn những người bị bệnh này. Bản tin của Ủy ban Phượng tự thuộc Hội
đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một đáp ứng mục vụ cập nhật vào tháng 4-2016:
http://www.usccb.org/prayer-and-worship/the-mass/order-of-mass/liturgy-of-the-eucharist/celiac-disease-and-alcohol-intolerance.cfm.
Trong số nhiều vấn đề được
bàn tới, tài liệu nói đến việc tìm thấy ở đâu bánh lễ có gluten rất thấp ở Hoa
Kỳ. Liên quan đến nguy cơ lây nhiễm chéo, tài liệu nói:
“Đối với các tín hữu
không thể dung nạp gluten, ngày cả một lượng gluten rất nhỏ là có thể gây hại rồi.
Do đó, điều quan trọng là phải chú ý đến ’sự lây nhiễm chéo’ khi sử dụng bánh lễ
có hàm lượng gluten thấp, hoặc khi cho ai đó rước lễ với hình rượu mà thôi. Chẳng
hạn, tốt nhất là chuẩn bị một bình thánh đựng bánh lễ có hàm lượng thấp trước
Thánh lễ để dành cho người rước lễ, nhằm tránh tình trạng của người phụ trách
phòng thánh để lộn hai loại bánh lễ vào bình. Khi lên rước lễ, họ có thể tiếp cận
cung thánh cùng với một thừa tác viên ngoại thường, và nhận bình thánh từ tay
chủ tế cùng với lời ‘Mình Thánh Chúa Kitô' (hoặc, nếu có thể, họ có thể được
trao bình thánh để rước lễ trong dòng người xếp hàng, miễn sao tránh được ‘sự
lây nhiễm’ từ việc cầm bình thánh ấy). Tương tự như vậy, có thể cần thiết cho một
người được phép rước lễ dưới hình rượu một mình, thì nên chuẩn bị trước Thánh lễ
một chén thánh, vốn không phải là một phần của nghi thức hòa bánh vào rượu, và
từ chén thánh này người ấy rước lễ một mình hoặc là người rước lễ đầu tiên. Các
biện pháp phòng ngừa như vậy không chỉ là cần thiết về mặt y tế, mà còn thể hiện
lòng thương cảm, để tránh tách biệt người ấy khỏi các người muốn rước lễ, nhưng
không thể rước được hình bánh hay hình rượu”.
Đối với bánh lễ có hàm lượng
gluten thấp và nước nho ép (mustum), tài liệu nói:
“Giáo huấn gần đây nhất của
Hội Thánh về việc sử dụng nước nho ép và bánh lễ có hàm lượng gluten thấp trong
Thánh lễ là lá thư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, ngày 24-7-2003 (Prot. N.
89/78-17498), vốn được gửi đến Chủ tịch các Hội đồng Giám mục. Trong bức thư
đó, các mục tử và tín hữu được nhắc nhở rằng để cho bánh lễ là chất thể hợp lệ
đối với Thánh lễ, nó phải được làm từ lúa mì mà thôi, chứa đủ gluten cho việc
làm bánh, không có nguyên liệu nào khác, và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự
chuẩn bị nào hoặc phương pháp làm bánh nào, vốn sẽ làm thay đổi bản chất của
nó. Lượng gluten cần thiết cho tính hợp lệ trong bánh lễ như vậy là không được
xác định theo tỷ lệ phần trăm hoặc trọng lượng tối thiểu, mặc dù bánh lễ không
có gluten được coi là chất thể không hợp lệ cho Thánh Lễ (Trong Nghi lễ Rôma,
bánh lễ được chuẩn bị cho Thánh lễ là bánh không men).
“Nước nho ép (Mustum) được
định nghĩa là nước nho, mà trong đó quá trình lên men đã bắt đầu, nhưng đã bị
đình chỉ với kết quả là rằng nồng độ cồn của nó (thường dưới 1%) không đạt đến
mức như được tìm thấy trong hầu hết các loại rượu vang ở bàn ăn. Nó không được
có thêm các chât phụ gia, và có thể được lưu trữ thông qua việc đông lạnh hoặc
các phương tiện khác. Quá trình được dùng cho việc đình chỉ lên men không được
làm thay đổi bản chất của nước ép theo bất kỳ cách nào. Lượng rượu cần thiết
cho tính hợp lệ trong nước nho ép không được xác định bởi tỷ lệ phần trăm hoặc
trọng lượng tối thiểu. Nước nho ép tiệt trùng, mà trong đó rượu đã được bốc hơi
qua các quy trình ở nhiệt độ cao, là chất thể không hợp lệ cho Thánh lễ. Ở Hoa
Kỳ, cấm bán rượu vang mà không thêm sulfate làm chất bảo quản. Hội Thánh đã xác
định rằng một lượng sunfat rất nhỏ là có thể chấp nhận được, và không làm cho
chất thể thành bất hợp lệ.
“Các tín hữu nào không thể
rước lễ dưới hình bánh, hoặc thậm chí không rước bánh thánh có hàm lượng gluten
thấp, có thể rước lễ dưới hình rượu, bất kể Máu Thánh được rước bởi phần còn lại
của các tín hữu có mặt tại đó.
“Việc các linh mục, phó tế
hoặc giáo dân không phân biệt, được phép sử dụng nước nho ép hoặc bánh lễ có
hàm lượng gluten thấp, là thuộc thẩm quyền của Giám mục giáo phận. Thẩm quyền
cho phép giáo dân sử dụng nước nho ép hoặc bánh lễ có hàm lượng gluten thấp, có
thể được ủy quyền cho các mục tử theo Bộ giáo luật, điều137 §1. Giấy Chứng nhận
y tế về một điều kiện biện minh cho việc sử dụng nước nho ép hoặc bánh lễ có
hàm lượng gluten thấp là không bắt buộc. Sự cho phép đó, một khi được ban cho,
sẽ tồn tại khi điều kiện vẫn còn đó, vốn tạo cớ cho việc xin phép ban đầu.
“Như là một cách thực
hành tốt nhất, xin khuyến nghị rằng các cá nhân nào không dung nạp gluten hoặc
rượu, nên sắp xếp thông qua giáo xứ của họ để mua bánh lễ có hàm lượng gluten
thấp hoặc nước nho ép. Điều này tạo điều kiện cho sự giám sát và quản lý tốt của
mục tử, là người chịu trách nhiệm như đã đề cập ở trên. Nó cũng ‘bình thường
hóa’ việc thực hành cho người rước lễ, cũng như duy trì việc mua vật tư phụng vụ
theo ngân sách giáo xứ.
“Một điều cũng đáng nhắc
lại là, thông qua giáo lý đồng thuận, Hội Thánh dạy rằng cho dù tín hữu rước lễ
dưới bất kỳ hình bánh hay hình rượu, Chúa Kitô cũng được lãnh nhận trọn vẹn đầy
đủ (x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 282; Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo,
số 1390). Do đó, các tín hữu có thể tin tưởng vào Sự Hiện Diện Thật của Chúa
Kitô trong Bí tích Thánh Thể mà họ lãnh nhận, ngay cả chỉ dưới hình bánh hay
hình rượu”.
Do đó, trong trường hợp
rõ ràng được nêu trong bài này, hình như giải pháp tốt nhất cho người học sinh
này là rước lễ từ Chén thánh. Trong trường hợp này, một Chén thánh nhỏ, như
Chén thánh được sử dụng cho các linh mục đi du lịch, có thể được sử dụng một
cách thuận tiện. Chén thánh này thường phải được chuẩn bị trước, và để trên bàn
phụ cho đến lúc dâng lễ vật, nó được đưa lên và đặt trên khăn thánh.
Vì nó không phải là Chén
thánh chính, nên nó không nhận bất kỳ phần nhỏ Bánh thánh nào đã được linh mục
truyền phép.
Vào lúc rước lễ, một linh
mục hoặc một thừa tác viên đã được chỉ định mang chén thánh cho người rước lễ,
và cho người ấy rước máu Thánh theo cách thông thường.
Mặc dù cần có một nỗ lực
để tránh bất kỳ sự bối rối nào cho người rước lễ, nhưng cũng đúng rằng ngày nay
có sự nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của căn bệnh này về phía các tín hữu. Và
sự việc rằng một số thành viên của cộng đoàn rước lễ theo cách khác nhau, - tạ
ơn Chúa -, là đã được chấp nhận và được hiểu như là một điều gì đó khá bình thường.
(Zenit.org 22-1-2019)
Nguyễn Trọng Đa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét