Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

ĐƯỢC SAI ĐI

ĐƯỢC  SAI  ĐI

Thứ sáu - 14/12/2018-ĐGM GB Bùi Tuần

Để mừng lễ Chúa giáng sinh, chúng ta thường tăng cường cầu nguyện, hồi tâm, sám hối và tạ ơn.

Đó là những việc chung chung.

Nhưng khi muốn việc cầu nguyện, hồi tâm, sám hối và tạ ơn dễ sinh hiệu quả tốt, chúng ta nên tập trung vào một vài điểm cụ thể.

Điểm cụ thể nên chọn lúc này là gì?

Thưa tuỳ cái nhìn của mỗi người. Riêng tôi, tôi chọn vấn đề ơn gọi được sai đi.

Lý do chọn là vì:


1/ Ơn gọi được sai đi đã rất được đề cao thuở xưa trong biến cố Chúa Cứu thế giáng trần.

2/ Ơn gọi được sai đi hiện nay đang được sống nhiều cách tại Việt Nam để làm chứng cho mầu nhiệm giáng sinh.


Tôi xin phép chia sẻ vắn tắt từng điểm.

Chúa Giêsu xuống trần, là do Chúa Cha sai đi với mục đích rõ ràng. Tác giả thư gởi dân Do Thái đã ghi lại âm vang lời Chúa Giêsu thưa cùng Đức Chúa Cha: "Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề luật. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,8).

Đoạn thư trên đề cao sự Đức Giêsu xin vâng thánh ý Chúa Cha sai Người xuống thế.

Trong tinh thần vâng phục của kẻ được sai đi, Chúa Giêsu suốt cuộc đời dưới thế đã chỉ thi hành ý Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì" (Ga 12,49).

Không phải chỉ mọi lời Đức Kitô nói ra đều do Chúa Cha sai Người phải nói, mà cả đến việc nạp mình chịu tử nạn cũng do chính Chúa Cha muốn Người thực hiện. Trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Lc 22,42).

Như vậy, suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu từ khi sinh ra cho đến chết đều tóm gọn lại một lời: Chúa Cha đã sai con, và con đã hoàn toàn vâng phục thực thi thánh ý Chúa Cha.

Nhân vật quan trọng thứ hai trong biến cố Chúa giáng sinh là Đức Mẹ Maria. Cuộc sống của Đức Mẹ cũng đã được tóm gọn lại trong lời "xin vâng" trong ngày thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ.

Nhân vật thứ ba ta thấy trong hang đá Belem là thánh Giuse. Đời Ngài là một gương sáng về sự vâng phục thánh ý Chúa một cách mau lẹ, khiêm tốn, âm thầm.

Đức Mẹ và thánh Giuse đều là những người được Chúa gọi và được Chúa sai đi cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Cứu thế.

Chúa gọi và sai các Ngài bằng nhiều cách khác nhau. Như bằng sự thiên thần hiện ra với Đức Mẹ, bằng cách báo mộng cho thánh Giuse, bằng cách Chúa gợi ý cho Đức Mẹ đi thăm bà Isave.

Nhưng Chúa cũng gọi bằng những biến cố thời sự, như lệnh vua truyền kiểm tra dân số, sự kiện dân  làng  Belem không  còn  chỗ  trọ cho việc trọng đại Chúa Trời giáng sinh. Nhiều chi tiết chỉ là thời sự chung, nhưng trong đó có thánh ý Chúa. Đức Mẹ và thánh Giuse đã đọc được ơn gọi mà thánh ý Chúa gởi cho mình trong thời sự lịch sử. Các Ngài đã nhận ra các chi tiết về ơn gọi của mình nhờ ơn Chúa Thánh Thần và nhờ quy chiếu các sự kiện xảy ra vào những lời Chúa đã ghi trong Kinh Thánh, nhất là qua các tiên tri đã nói trước về hình ảnh và cuộc đời Đấng cứu thế sẽ đến.

Đấng đó sẽ hoà mình với những khổ đau của lớp người bị loại trừ, với mục đích đổi mới tâm hồn con người. Mong họ biết tìm về hạnh phúc được chung hưởng niềm hoan lạc bất tận bên người Cha đầy tình yêu thương xót.

Như thế, cả ba nhân vật quan trọng trong biến cố Chúa giáng sinh đều là những Đấng đã sống ơn gọi được sai đi một cách triệt để.

Còn hiện nay thế nào?


2/ Hiện nay tại Việt Nam ơn gọi sai đi để làm chứng cho mầu nhiệm Chúa giáng sinh được nhận thấy dưới nhiều hình thức


a) Hình thức thứ nhất là đời sống đạo đức nơi những con người sống động.

Họ giới thiệu mầu nhiệm giáng sinh bằng chính đời sống của họ. Đó là đời sống luôn vâng phục thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa về họ được họ nhận ra từ Lời Chúa, từ Hội Thánh, từ thời sự, từ những biến cố riêng tư xảy ra cho họ, từ những cái nhìn sâu sắc về tình hình hiện tại và tương lai, từ trách nhiệm luôn đi liền với ơn được làm con Chúa.

Lãnh vực mà người ta dễ nhận ra sự đạo đức của họ là lãnh vực bác ái, dấn thân phục vụ, chia sẻ cuộc sống người nghèo khổ.


b) Hình thức thứ hai là sự kính trọng đối với Hội Thánh và những người được Chúa gọi và sai đi để làm chứng cho Chúa trong mọi lãnh vực đạo đời.

Giáo Hội Việt Nam vốn có thói quen kính trọng và thảo hiếu đối với các người được Chúa gọi và sai đi. Thói quen đó đã trở thành truyền thống. Các người mà truyền thống lòng đạo ở Việt Nam dành cho sự kính trọng và hiếu thảo cách riêng thường là các vị được chọn bởi chính Đức Giáo Hoàng là vị đại diện Chúa ở trần gian. Các ngài vẫn mang những giới hạn của con người yếu đuối, nhưng khi được Chúa thương gọi và sai đi, các ngài nên được chúng ta nhìn một cách tế nhị và thương cảm, với những lời cầu nguyện và hy sinh dâng lên Đấng đã gọi và sai các ngài.


c) Hình thức thứ ba là thiện chí làm những việc lành nhỏ, để dâng cho Chúa Hài Đồng.

Tôi thấy thời nay, rất nhiều người Việt Nam đang đi tìm nơi, tìm người, tìm đạo, để đặt hy vọng. Họ đi tìm bằng những việc lành nhỏ, những lời cầu nhỏ, những khát vọng nhỏ. Tôi có cảm nghĩ là họ cũng được ơn gọi và được sai đi qua một động lực âm thầm của Chúa. Sự kiện đó ứng nghiệm lời Chúa phán xưa là: Có nhiều điều "Chúa chỉ mạc khải cho những người bé mọn" (Lc 10,21).

Để kết, tôi muốn nói lên ở đây một cảm tưởng rất chân thành của tôi. Cảm tưởng đó là: Nước Chúa tình yêu vẫn tiếp tục được nhiều tâm hồn Việt Nam đón nhận. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là mọi sự diễn ra dễ dàng. Xưa các Đấng được sai đi tại Belem để cứu đời, đã vâng theo thánh ý Chúa Cha, chia sẻ cuộc sống những người nghèo khổ. Nay mọi người đều mong tất cả các môn đệ Chúa được sai đi cứu đời tại Việt Nam này cũng tiếp tục đi con đường đó, theo hoàn cảnh của mình.


Xin cầu nguyện cho nhau và xin nâng đỡ nhau trong ơn gọi được sai đi, nhất là trong thời buổi khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Đặc biệt là hãy  tỉnh thức. Bởi vì Noel năm nay loan báo một tương lai không phải sẽ nhiều bình an, mà là sẽ nhiều lo âu trăn trở cho mọi người thiện chí thiện tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét