Thừa thiếu giáo viên cục bộ, gian lận thi cử, đạo đức nhà giáo, tự chủ đại học, sách giáo khoa dùng một lần,... là những vấn đề giáo dục trong năm qua nhận được sự quan tâm, cũng như xuất hiện nhiều phát ngôn ấn tượngNhìn lại một năm đầy ấn tượng của làng giải trí thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo”
Trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến “điểm nóng” trong giáo dục năm qua là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; vấn đề tuyển dụng, sử dụng giáo viên còn nhiều bất cập.
Thủ tướng đề nghị: Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước cần rà soát chuẩn giáo viên; khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; không nhằm vào giáo viên để giảm biên chế, ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Ai vi phạm thì ra khỏi ngành”
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra ngày 2.8.2018, sau những vụ việc giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh:
“Năm học này, ngành giáo dục phát động phong trào thi đua trong các thầy cô giáo. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành.
Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục, tôi sẽ là người tiên phong thay đổi"
Cuối năm 2018, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái. Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, những việc có thể hỗ trợ được trong thẩm quyền, bộ trưởng sẽ làm ngay để giúp các thầy cô giảm áp lực, yên tâm công tác.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sự nghiệp đổi mới giáo dục có thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ, hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ cũng phải thay đổi; kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên.
Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố: “Tôi sẽ là người tiên phong thay đổi” và mong giáo viên, những người làm trong ngành giáo dục cùng thay đổi.
Cục trưởng Mai Văn Trinh: “Sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là hết sức xấu xí”.Trực tiếp về các địa phương để xác minh những dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia 2018, khi được hỏi về cảm xúc khi phát hiện ra sai phạm sau những giờ “đấu trí” với đồng nghiệp của mình, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) nói rằng, ông rất buồn và phẫn nộ. Những sai phạm này là cá biệt và hết sức xấu xí.
GS Hồ Ngọc Đại: “Thế hệ trẻ em mới cần một nền giáo dục hoàn toàn mới”
Giữa những tranh cãi về sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục trong năm qua, GS Hồ Ngọc Đại đã dành 2 tiếng đối thoại, chia sẻ với báo chí.
Tại buổi đối thoại này, ông có không ít phát biểu mạnh về quan điểm, triết lý giáo dục mà mình đang theo đuổi như: "Đi học là hạnh phúc", "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"; hay quan điểm “Thế hệ trẻ em mới cần một nền giáo dục hoàn toàn mới”.
ĐB Nguyễn Thanh Hải: “Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỉ đồng mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn”
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu bức xúc việc lãng phí sách giáo hoa (SGK) vì sử dụng một lần.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - thông tin, trung bình mỗi năm, người dân chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK nhưng chỉ sử dụng một lần do viết bài tập vào sách, không thể tái sử dụng. Điều này là vô cùng lãng phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét