Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

10 sự kiện tiêu biểu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam năm 2018


10  sự  kiện  tiêu  biểu  của  Giáo  Hội  Công  Giáo  Việt  Nam  năm  2018
Chân Phương- 03/Jan/2019

1. Chuyến Ad Limina của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Chuyến đi Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam bắt đầu từ ngày 3 tháng 3 đến ngày 11 tháng 3. Theo luật định, các Đức Giám Mục coi sóc Giáo phận phải về Rôma mỗi 5 năm một lần để viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô; gặp Đức Giáo Hoàng và các Bộ trong Giáo triều, đặc biệt là các Bộ liên quan trực tiếp như Bộ Truyền giảng Tin mừng cho các dân tộc, Bộ Giáo lý Đức tin…

2. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Rôma

Trong chuyến đi Ad Limina cùng đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Sài Gòn đã đột ngột qua đời vào ngày 6 tháng 3 (giờ Rôma), tức 7 tháng 3 (giờ Việt Nam), bởi một cơn đột quỵ. Linh cữu của ngài được chuyển về Việt Nam an táng. Sau đó, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, hiện là Giám Mục Phụ Tá Sài Gòn, làm giám quản Tông Tòa của Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

3. Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam

Giáo Hội Việt Nam được Tòa Thánh chấp thuận mở Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ ngày 19 tháng đến ngày 24 tháng 11 năm 2018, nhằm kỷ niệm 30 năm, ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong 117 vị tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh (1988-2018).

4. Tòa Thánh và Việt Nam đàm phán ngoại giao Vòng thứ VII

Cuộc họp Vòng VII của Nhóm Công tác hỗn hợp Tòa Thánh – Việt Nam diễn ra vào ngày 19 tháng 12. Hai bên đã đồng ý tiến hành những công việc cụ thể để nâng cấp quan hệ ngoại giao từ Đại diện Toà Thánh không thường trú trở thành Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.

5. Việt Nam có tân Giáo phận Hà Tĩnh

Ngày 22 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh (địa giới bao gồm tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), tách ra từ Giáo phận Vinh, nhà thờ chính tòa và tòa giám mục đặt tại Thành phố Hà Tĩnh. Đây là giáo phận thứ 27 của Việt Nam, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.

6. Những bổ nhiệm mới cho Giáo Hội Việt Nam

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những quyết định bổ nhiệm những chức vụ mới cho Giáo Hội Việt Nam:

- Ngày 25 tháng 4: Linh mục Giuse Nguyễn Đức Cường, linh mục thuộc Giáo phận Đà Lạt, đang là Phó Giám đốc Chủng viện Minh Hoà Đà Lạt, nay làm Giám mục chính toà Giáo phận Thanh Hóa.

- Ngày 21 tháng 5: Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski (người Ba Lan) làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Tại Việt Nam.

- Ngày 17 tháng 11: Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được chấp thuận từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng giám mục Hà Nội, đồng thời Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, hiện là Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng, kế vị chức Tổng giám mục Hà Nội (Hải Phòng trống tòa).

- Ngày 22 tháng 12: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, P.S.S., đang là Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Hưng Hóa, nay làm Giám mục chính toà Giáo phận Vinh. Đồng thời, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., đang là Giám mục giáo phận Vinh, nay làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh.

7. Đặt viên đá khởi công xây dựng Trung Tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi

Ngày 15 tháng 8, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc đã làm phép khu đất và khởi công xây dựng Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi. Vì rộng đến hàng trăm hecta, khu đất này được cho là có khả năng đón tiếp lượng giáo dân lớn khi Giáo Hội Việt Nam có các sự kiện trọng đại, thí dụ nếu Đức Thánh Cha đến viếng thăm trong tương lai.

8. Những vụ xâm hại đất đai của Giáo Hội tiếp tục tái diễn

Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (Sài Gòn) cùng với Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (Hà Nội) tiếp tục là hai điểm nóng trong cơn càn quét cưỡng chiếm đất đai Giáo Hội Công Giáo để trục lợi. Các chị em nữ tu đã kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm hại đất đai nhà dòng. Cho đến nay, sự việc vẫn còn chưa ngả ngũ.

9. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không thể kết thúc việc trùng tu sớm hơn

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn đã bắt đầu được trùng tu từ năm 2017, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, vì phát sinh những vấn đề phức tạp trong kỹ thuật nên việc trùng tu sẽ phải kéo dài cho đến hết năm 2023. Đây là nhà thờ đầu tiên ở Việt Nam được trùng tu theo chuẩn mực của Âu Châu, để bảo tồn nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ kính, dĩ nhiên chi phí cho điều này là không nhỏ.

10. Học viện Công Giáo Việt Nam tuyển sinh

Học viện Công Giáo Việt Nam tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh hai chương trình Cử nhân Thần học (STB) và Cao học Thần học (STL) cho năm học 2018-2019. Đây là kỳ thi tuyển sinh lần thứ ba của học viện này để đào tạo thần học cấp cao cho sinh viên.

Chân Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét