Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Làm gì khi mắc 'bệnh lười' mà vẫn muốn giảm cân?

Ngày 19 Tháng 3, 2019 | 08:49 AM

Làm  gì  khi  mắc  'bệnh  lười'  

mà  vẫn  muốn  giảm  cân?

Đừng quên uống nước
Mọi người đều biết rằng nước là sự sống và bạn cần uống nó. Nhưng không phải ai cũng biết nước rất có lợi cho sự trao đổi chất nếu bạn uống nó đúng lúc.
Tốt nhất, bạn nên uống 1-2 ly nước khoảng 30 phút trước mỗi bữa ăn. Bằng cách này, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ có một khởi đầu mới, dạ dày sẽ được lấp đầy một phần, giúp bạn ăn ít hơn. Chế độ hydrate hóa này cũng làm giảm cơn thèm ăn của bạn, đặc biệt là đồ ngọt.

Tập trung vào đồ ăn của bạn
Hãy ăn với những bữa ăn nhỏ. Nó sẽ không làm mất nhiều thời gian của bạn. Ngồi xuống bàn, ăn từ từ, đừng để bị phân tâm, không xem tivi và không nói chuyện điện thoại. Chỉ có bạn và thức ăn. Điều này sẽ giúp bạn nếm thức ăn rõ ràng hơn và ăn ít hơn nhiều. Ăn càng chậm càng tốt.

Sử dụng đĩa, bát nhỏ và ăn bằng đũa
Để tránh suy nghĩ quá nhiều về khối lượng đồ ăn của bạn, hãy sử dụng bát, đĩa nhỏ và chỉ ăn lượng thức ăn mà nó có thể chứa.
Khi sử dụng đũa, bạn sẽ ăn chậm hơn, giúp bạn no nhanh với lượng thức ăn nhỏ. Nếu không dùng được đũa, chỉ cần sử dụng chiếc thìa nhỏ hoặc cầm thìa bằng tay không thuận.

Ngủ nhiều hơn
Nếu bạn ngủ đủ giấc, bạn sẽ không ăn. Một giấc ngủ ngon có tác động lớn đến sự trao đổi chất hiệu quả và nồng độ hormone phù hợp giúp bạn giữ dáng. Dù bạn không làm gì khi ngủ, cơ thể vẫn đốt cháy từ 50 đến 100 calo mỗi giờ.

Ngủ ở nhiệt độ lạnh
Tất cả điều bạn phải làm là tắt bộ điều chỉnh nhiệt hoặc mở cửa sổ. Nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết ngủ với nhiệt độ 19 độ C giúp cơ thể loại bỏ calo khi đốt cháy chất béo để làm ấm cơ thể trong nhiệt độ lạnh.

Ăn các thực phẩm đốt cháy mỡ
Bạn không cần phải từ bỏ các thực phẩm bạn đang ăn. Chỉ cần đa dạng hóa thực đơn hàng ngày với cá hồi, trứng, các loại hạt, dầu ô-liu, ớt cay và trà xanh.
Chúng giúp tăng cường trao đổi chất của cơ thể và đốt cháy chất béo hiệu quả hơn. Hương thơm của cam quýt hoặc bạc hà cũng có thể làm giảm sự thèm ăn của bạn.

Không tránh hoàn toàn các thực phẩm xấu
Nếu bạn muốn ăn bánh quy hoặc một ít chocolate, hãy ăn chúng. Thay vì ăn 3 hoặc 5 miếng, bạn ăn 1 miếng. Và ăn vào buổi sáng để cơ thể có thời gian đốt cháy tất cả calo đó trong ngày. Tránh hoàn toàn sẽ không tốt vì chúng khiến bạn thèm ăn và căng thẳng, do đó, làm tăng mức độ hormone xấu.

Đánh răng sau khi ăn
Bạn nên duy trì thói quen đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Đánh răng sau mỗi bữa ăn sẽ ngăn bạn ăn thêm vì bạn sẽ không muốn đánh răng nhiều lần. Ngoài ra, thức ăn sẽ không còn vị ngon khi trong miệng của bạn có hương vị bạc hà của kem đánh răng.

Cười nhiều
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì, khi chúng ta cười, cơ thể đốt cháy năng lượng nhiều hơn 20% so với khi nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nó làm cho cơ bụng hoạt động hiệu quả.
Theo Zing.vn

Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa


Khiêm  tốn  được  phúc  báo,  tự  mãn  chiêu  mời  họa
An Hòa •Thứ Ba, 01/01/2019 • trithucvn.net



Khiêm tốn được lợi, kiêu căng chiêu mời họa (Tranh minh họa qua Knews.cc)

Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc. Con người chúng ta hẳn là nên học theo đại địa. Bởi vì, đại địa có thể khiêm tốn và vô tư không màng lợi nên có thể nâng đỡ được vạn vật.

Con người tuy rằng là anh linh của vạn vật, có trí tuệ cao, nhưng cho dù là một người vô cùng may mắn hay là một người rất bình thường đi nữa thì thực sự đều là rất nhỏ bé trong vũ trụ này.

Vạn vật trong thiên thể vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Những sinh mệnh này được tồn tại một cách viên dung và hài hòa có trật tự. Bởi vậy mà con người phải tôn kính Trời Đất, tôn trọng tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm kiếm về nguồn gốc chân chính của sinh mệnh mình.

Trong Kinh Dịch giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.

Thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức thậm chí không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải dừng bữa cơm tối mấy lần để khách không phải chờ lâu.

Ông thường khuyên con trai ông rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”

“Kiêu ngạo thì chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên là học theo sự khiêm tốn, vô tư và kiên định của đại địa. “Ba người đi tất có người làm thầy của ta”, lấy người làm thầy, không ngại học hỏi người dưới mình, lấy tâm làm gương, luôn luôn tự xét lại mình. “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh thân ta, hẵn là có chỗ dùng), chỉ cần chúng ta biết rõ chính mình, có thể dũng cảm nhận sai, thẳng thắn thành khẩn tìm ra chỗ thiếu sót của mình, chỗ thiếu bất hòa hay chỗ còn chưa đủ cố gắng, như thế, tự nhiên không gian của chúng ta sẽ dần dần mở rộng ra đến vô hạn.

Người xưa dạy, “Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi với người khác”, tu dưỡng đức hạnh trung tín, “khiêm nhượng mà không tranh giành”, tu dưỡng để có được lòng tự tin, khiêm tốn, có đủ năng lực để người khác tín nhiệm, như thế mới trở thành người không bị lạc mất mỹ đức căn bản nhất. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm cho vật chướng ngại, cản trở mình tăng lên mà thôi.

Vua Thái Tông đời Đường đã từng tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn. Ông khuyến khích các bề tôi khuyên can và tiếp thu những lời khuyên ấy bằng sự khiêm nhường. Ông không thỏa mãn cho tới khi ông được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “Thịnh thế Thiên triều” để cai quản một quốc gia giàu mạnh.

Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy”, nước tuy mềm mại nhưng “nước chảy đá mòn. “Nhu thắng cương”, “Trời không nói gì, bốn mùa hưng thịnh, vạn vật sinh sôi”,  “Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”… những lời này giảng hết sức đúng!

Đại Vũ bởi vì không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí ông còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”, cho nên, cuối cùng ông có thể loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh đến muôn đời sau.

Có thể thấy, người khiêm tốn là người có tâm địa rộng lớn, có thể bao dung được hết thảy. Người tâm địa rộng lượng thì phúc trạch nhất định sẽ dày rộng. Người tâm địa hẹp hòi thì phúc trạch sẽ mỏng. Khiêm tốn và cao ngạo sẽ tạo ra phúc báo và tai họa. Cho nên, làm người nhất định phải tu dưỡng đức khiêm tốn.

An Hòa

TÔI THẤY CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ


TÔI  THẤY  CHÚA  GIÊSU  VÁC  THÁNH  GÍA  
Thứ năm - 14/03/2019-ĐGM GB Bùi Tuần



1.
Từ ít tháng nay, tôi hay nhớ tới Hội Thánh của tôi và Quê Hương của tôi. Nhớ và thương. Nhớ và lo. Thương lo một cách khác thường.
Thương và lo của tôi đi giữa những hoành tráng và tưng bừng từ những đại lễ của đạo và của những đại hội của đời. Tất nhiên tôi cũng chia sẻ phần nào niềm vui đầy màu sắc đó.
Tôi cầu nguyện rất nhiều cho đồng bào yêu dấu của tôi.

2.
Nhưng lạ lùng! Mỗi lần cầu nguyện như thế, tôi lại nhìn thấy Chúa Giêsu. Người đội mạo gai, vác thập giá trên vai, đang bước đi, với vẻ rất đau đớn từ nơi này đến nơi khác.
Với tất cả tấm lòng khiêm tốn, tôi xin Chúa soi sáng cho tôi hiểu ý Chúa muốn dạy tôi điều gì qua những gì tôi đã được thấy.

3.
Chúa dạy tôi hai điều này:
Một là: Hãy cùng với Chúa Giêsu lo cứu các linh hồn vì mến Chúa và vì thương con người.
Hai là: Hãy lo cứu các linh hồn cũng bằng con đường mà Chúa Giêsu đã đi xưa, đó là con đường thánh giá.
Tôi xin vâng.

4.
Về điều thứ nhất, tôi thấy tôi thường rất thiếu.
Trên thực tế, nếu không tỉnh thức, rất nhiều trường hợp, tôi lo cứu công trình nọ, cơ sở kia, mà không ưu tiên lo cứu các linh hồn. Lo ích riêng trái với ích chung là quá sai. Lo việc ngoài nghịch với việc bổn phận cũng là quá sai.
Cũng trên thực tế, tình yêu của tôi đối với Chúa và đối với các linh hồn vẫn còn rất yếu. Tình yêu ấy nhiều khi chưa phải là lửa, mà chỉ là lý thuyết.

5.
Về điều thứ hai, tôi thấy tôi cũng thường rất sai.
Xưa, Chúa Giêsu đã cứu các linh hồn bằng thánh giá, nghĩa là bằng yêu thương được diễn tả bằng hy sinh. Còn tôi thì miệng vẫn thường tuyên xưng con đường mình đi là Thánh Giá, nhưng nếu không tỉnh thức, thì thực tế lại là tự do hưởng thụ, tự do thực dụng, tự do tục hoá dưới nhãn hiệu đạo đức giả và lừa dối.

6.
Xét mình kỹ, tôi thấy ơn gọi của tôi là hãy bước theo Chúa Giêsu cứu các linh hồn bằng con đường thánh giá.
Vấn đề căn bản của ơn gọi đó: là sự tự do của tôi phải ăn hợp với Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm cho thấy: sự tự do của tôi không thể tự mình chọn đúng như ý Chúa, trái lại, nó thường chọn theo ý riêng mình.

7.
Chúa dạy tôi về sự thực đó. Sự thực đó cho tôi thấy sự yếu đuối của tôi. Nhưng Chúa thương cứu tôi. Người dạy tôi hãy cầu nguyện.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết tha thiết thực sự với việc cứu các linh hồn.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết thao thức thực sự với việc Chúa đốt lửa tình yêu Chúa cháy rực lên trong tôi.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết xác tín con đường thánh giá, mà Chúa dẫn tôi vào, là một vinh dự, là một hạnh phúc.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi bỏ được tính an phận, tự đắc, chủ quan, vô cảm.

8.
Tôi nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Bởi vì tôi có khá nhiều kinh nghiệm về những phức tạp của sự tự do của người môn đệ Chúa. Chỉ xin kể một đôi chút ở đây.

9.
Rất nhiều trường hợp, khi tôi nghe Chúa gọi tôi hãy chọn một việc lành nào theo Phúc Âm, thì lập tức, tôi cũng nghe thấy nhiều tiếng gọi khác. Chúng khuyên tôi hãy chọn điều nọ điều kia mà chúng cho là điều lành, nhưng thực chất là xấu. Có thể nói là có rất nhiều tiếng gọi. Tiếng do Chúa, tiếng do quỷ.
Bởi vì thế gian này có vô số thần dữ. Chúng hoạt động rất mạnh, gieo rắc khắp nơi những ước mơ xấu. Chúng pha trộn cái xấu vào cái tốt. Chúng xếp cái xấu ngang hàng với cái tốt. Chúng làm nên những cơn bão mù mịt trong lãnh vực tinh thần. Trong hoàn cảnh như thế, con người rất cần được một Đấng thiêng liêng có quyền cho kẻ mù được thấy, cho bão gió được êm lặng. Đấng thiêng liêng ấy sẽ cứu những ai cầu nguyện với Người. Tôi có kinh nghiệm về sự thực đó.

10.
Tôi cũng xin nói về một kinh nghiệm khác. Trước đây, khi nghe giảng về con đường thánh giá, tôi tin đó là con đường tôi nên theo. Khi thấy gương các thánh đã bước theo con đường thánh giá, tôi cũng muốn bước theo. Nhưng, khi Chúa Giêsu vác thánh giá thực sự đi vào đời tôi, Người muốn tôi chịu những đau khổ phần xác phần hồn, để cùng với Người cứu các linh hồn, thì thú thực là lúc đó tôi đụng vào một sự thực đau đớn, mà tôi không ngờ. Bởi vì đau đớn là rất ghê gớm. Lúc đó, chỉ sự cầu nguyện mới giúp tôi dám chọn điều Chúa muốn chọn cho tôi. Chỉ có sự cầu nguyện mới giúp sự tự do của tôi. Chỉ có sự cầu nguyện, mới giúp tôi biết biến đau khổ của tôi thành của lễ có giá trị cứu độ.

11.
Kết quả của cầu nguyện là mặc dầu tôi không trở nên hoàn thiện như tôi muốn, nhưng tôi vững tin và phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin ấy, tôi dâng tất cả những phấn đấu hằng ngày của tôi lên Chúa, như những lễ vật, mà sự tự do của tôi có được, để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Để rồi, chính sự yếu đuối của tôi lại thanh luyện tính kiêu căng của tôi. Sự nhận thức về sự yếu hèn của tôi lại là dịp tỏ hiện quyền năng của lòng Chúa xót thương.

12.
Mới rồi, có lúc tôi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá bước ra khỏi một nơi đang sầm uất về những hoạt động tôn giáo hoành tráng kèm theo những tiệc tùng và vui nhộn. Tôi hỏi Chúa đi đâu vậy? Thì Chúa trả lời: Chúa ra đi. Vì nơi này không có chỗ cho Chúa. Hơn nữa, họ đuổi Chúa ra ngoài nhân danh vinh quang Chúa. Nghe vậy, tôi rất buồn. Nhưng Chúa nói thêm: Sự Chúa ra khỏi nơi này không phải là một sự chấm dứt. Chúa sẽ trở lại. Tôi chưa hiểu Chúa sẽ trở lại bao giờ và bằng cách nào. Chỉ biết rằng: Sự Chúa ra đi lúc này là một cảnh báo rất nghiêm trọng.

13.
Phần tôi, tôi xác tín điều này. Chúa Giêsu sống trong tôi. Tôi đón nhận Người. Chính Người vác thánh giá trong tôi. Đó là một ơn Chúa ban, giúp tôi biết gắn kết sự tự do của tôi vào ơn thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, tôi sống sự tự do đích thực của người con Thiên Chúa. Lúc ấy, sự tự do của tôi là thoát được mọi xiềng xích của ma quỷ và tội lỗi, chỉ tìm một điều duy nhất là tình yêu Thiên Chúa, để tôi chỉ sống cho tình yêu đó mà thôi. Nhờ đó, tôi biết sống cho mọi người.
Để có được một sự tự do như thế, tôi phải tập luyện, phải cầu nguyện và sống tiết độ hằng ngày mọi lúc. Tôi rất cám ơn cộng đoàn và tất cả những ai đã nâng đỡ tôi trong việc đào tạo tôi nên người tự do như thế.

14.
Tới đây, tôi nghĩ tới Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, người con quê quán ở giáo phận Long Xuyên. Cha đã đón Chúa Giêsu vác thánh giá vào lòng mình. Cha đã tự do theo ý Chúa, tự nguyện gắn bó ở lại với đoàn chiên, khi đoạn chiên gặp khó. Cha đã thương đoàn chiên, dám chết thay cho đoàn chiên, để cứu đoàn chiên. Không đun đẩy, nhưng Cha tự ý và mau lẹ cứu người khác. Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một gương sáng cho tôi. Lúc này, Hội Thánh Việt Nam rất cần nhiều người như Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

ĐGM GB Bùi Tuần

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ


Bình  minh  Mù  Cang  Chải  vào  top  ảnh  đẹp  trên  báo  Mỹ

Chủ nhật, 17/3/2019-vnexpress.net
-

Bức hình “Bình minh Mù Cang Chải” của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện vào top 12 ảnh đẹp trong ngày 15/3 trên National Geographic 


Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Trong một chuyến đi Yên Bái, anh Nguyễn Ngọc Thiện (đến từ TP HCM) ấn tượng với những tia nắng bình minh rọi xuống những thửa ruộng bậc thang và bản làng người dân tộc sống quanh sườn núi Mù Cang Chải. Anh đã ghi lại khoảnh khắc này, bức ảnh đăng trên mục Your Shot của National Geographic và được bình chọn vào top ảnh 12 ảnh đẹp trong ngày trên Daily Dozen.
"Tôi yêu khoảnh khắc tia nắng mặt trời khẽ chạm vào cánh đồng lúa, cùng với đó là những đám mây phiêu du bồng bềnh làm bức tranh phong cảnh hiện lên thật đẹp, bắt đầu cho một ngày mới thú vị" - cô Kristen McNicholas, làm việc trong nhóm quản trị Your Shot, cho biết lý do chọn bức ảnh.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Đến nay, anh Thiện đã có 14 ảnh được đăng ở các hạng mục khác nhau ở sân chơi cộng đồng Your Shot - National Geographic. Ảnh chụp con sao biển xanh nổi bật tại rạn san hô cạn khi thủy triều rút xuống ở khu vực Hòn Yến, Phú Yên được chọn vào mục Ảnh đẹp trong ngày 16/1.
“Hệ sinh thái ven biển Hòn Yến là nơi sống của hàng trăm loài sinh vật, cung cấp nguồn sống cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, rạn san hô này ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. Theo thời gian chúng lộ dần ra trên mặt nước và bị hư hỏng do những tác động khác nhau”, anh Thiện cho biết.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Mỗi ngày có hàng nghìn tấm ảnh gửi về mục Your Shot. Do đó, nhiếp ảnh gia nào có ảnh được chọn đăng đều cảm thấy vinh dự. Ảnh chụp làn sương mù và mây trôi che phủ những ngọn đồi ở Lai Châu, trên cung đường Ô Quy Hồ để đến Sa Pa được chọn vào Top ảnh đẹp tháng 9/2018.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Bức ảnh chụp quang cảnh một khu đô thị ở TP HCM nhìn từ trên cao lung linh trong ánh đèn đêm được chọn đăng trên Daily Dozen ngày 22/6/2018.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Ảnh chụp tại làng gốm Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương được đăng trên Daily Dozen ngày 10/5/2018. “Một trải nghiệm tuyệt vời khi tôi đến thăm làng gốm có lịch sử hơn 150 năm, với các loại bình được sản xuất dùng trong nông nghiệp và đời sống hàng ngày. Gốm được tráng men màu nâu với trang trí hình rồng và phượng hoàng chạm nổi. Làng gốm giúp bảo tồn nghề thủ công truyền thống địa phương và góp phần phát triển kinh tế khu vực”, anh Thiện chia sẻ.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Ảnh chụp tại một ngôi chùa tại thành phố Bagan, Myanmar cho thấy hai nhà sư tỏ lòng thành cầu nguyện khi đang thắp nến, cùng với ánh sáng tự nhiên chiếu rọi qua cửa sổ làm cho khung hình thêm huyền ảo. Bức ảnh đăng trên Daily Dozen ngày 11/4/2018.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Khoảnh khắc hạnh phúc của một gia đình khi dạo chơi trên cánh đồng hoa hướng dương vào ngày 31/12/2017 tại thành phố Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh sau đó được chọn đăng trên Daily Dozen ngày 2/1/2018.
“Khi tôi dùng drone để chụp khoảnh khắc, cậu bé bất chợt nhận ra nên ngước nhìn lên muốn khám phá”, anh Thiện nói.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Bức ảnh chụp cuộc sống mưu sinh của một gia đình trên thuyền kéo lưới đánh cá tại khu vực hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai được đăng trên Daily Dozen ngày 30/12/2017.
Bình minh Mù Cang Chải vào top ảnh đẹp trên báo Mỹ
Hình chụp người phụ nữ đang phơi nhang tại một làng nghề truyền thống tỉnh Tây Ninh được đăng trên Daily Dozen ngày 23/10/2017.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện

Ảnh hưởng gia dình và xã hội trên tuổi trẻ Việt Nam


Ảnh  hưởng  gia  dình  và  xã  hội  trên  tuổi  trẻ  Việt  Nam
10 Tháng Hai 2019-Trần Mỹ Duyệt



Sau bài “Phụ huynh và trách nhiệm giáo dục giữa nền văn minh sự chết!”, một vị bác sĩ với hơn 38 năm hành nghề tại Paris nay về hưu và giúp đỡ các bệnh nhân nghèo tại Việt Nam đã phản hồi:

Anh Duyệt mến,

Những gì tôi thấy hiện nay tại Việt Nam, đó là tuổi trẻ còn khác với tuổi trẻ Âu-Mỹ lắm.

Chỉ so với người Việt hải ngoại thôi, có lẽ ở Việt Nam tuổi trẻ lệ thuộc cha mẹ rất nhiều: từ tuổi thơ, cho đến 4-5 tuổi còn có đứa phải có mẹ hay ông bà đút cơm. Có đứa vừa chạy chơi, mẹ chay theo con đút từng thìa cơm! Lớn lên một chút đi học bị bắt buộc học thêm, cha mẹ kiểm soát chặt chẽ, đứa trẻ khó mà có chút thời giờ riêng tư; ít đứa nào có phòng riêng, nhà thường rất nhỏ và có nhiều thành viên ngoài cha mẹ như ông bà, dì cô, chú bác ở chung là thường; lệ thuộc về kinh tế là một yếu tố thường gặp, đứa trẻ có rất ít tiền túi. Hơn nữa xã hội Việt Nam rất khắt khe với trẻ đi rong trong xóm, ngoài đường.

Đó là nói chung người Việt trung bình và nghèo. Tuổi trẻ nhà giàu thì giống như ở Âu- Mỹ , có lẽ còn có nhiều nguy cơ hư hỏng nữa.

Ngân

Và sau đây là những trao đổi với bác sỹ Ngân từ tác giải:

Anh Ngân thân mến,

Tôi đồng ý với anh là tuổi trẻ Việt Nam hiện nay cũng đang trải qua những khó khăn, thử thách như chính đất nước, dân tộc nơi mà chúng được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên. Không kể đến những khó khăn về ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng văn hóa, chính trị, và tôn giáo, theo như anh nêu trên, chỉ duy vấn đề giáo dục gia đình mà thôi tuổi trẻ Việt Nam cũng bị tụt hậu và bị bỏ xa so với tuổi trẻ phần đông ở các quốc gia Âu-Mỹ. Cái đó, theo tôi là vì ý thức trách nhiệm giáo dục của cha mẹ, khả năng và hiểu biết về tâm lý, giáo dục của cha mẹ; cộng thêm môi trường xã hội chung quanh.

Theo tâm lý phát triển, một em bé (không kể là châu Âu, Á, Phi, hay Mỹ) khi lên ba đã có thể tự mình lo cho mình những nhu cầu tối thiểu mà tiếng chuyên môn gọi là self-care rồi. Những cái đó bao gồm việc vệ sinh, lựa và mặc áo quần, tắm rửa, đánh răng, và ăn uống. Theo nhận xét của anh tại Việt Nam trẻ em “4-5 tuổi còn có đứa phải có mẹ hay ông bà đút cơm. Có đứa vừa chạy chơi, mẹ chay theo con đút từng thìa cơm!” thì một là những em đó có vấn đề, hai là cha mẹ đã không biết rõ về nghệ thuật cũng như những phương pháp giáo dục. Là cha mẹ, chúng ta phải dạy con tự làm những việc ấy thay vì làm cho chúng. Hành động như vậy không phải là thương con, lo cho con mà làm hư con, tập cho con sống ỷ lại, lười biếng. Đây cũng không phải là vì “nghèo”. Nhiều gia đình nghèo nhưng con cái họ vẫn sống có nề nếp, có giáo dục, và có tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, được cha mẹ yêu thương, đùm bọc.

Ngoài ra một đứa trẻ mà bị “cha mẹ kiểm soát chặt chẽ, đứa trẻ khó mà có chút thời giờ riêng tư” rất khó để phát triển và trưởng thành về mặt tâm lý, tình cảm cũng như xã hội. Một đứa trẻ bị kiểm soát, theo dõi sẽ không có những suy nghĩ và quan niệm riêng tư, sẽ không bộc lộ cá tính và bản lãnh của mình được. Theo tâm lý học, đây là lý do tại sao có nhiều bạn trẻ sau này khi bước vào tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên nếu không phản ứng tiêu cực chống đối, thì ngược lại, sẽ trở thành những kẻ nhu nhược, thiếu bản lãnh, rất dễ trở thành mồi ngon cho những tội ác xã hội.  Các thiếu nữ sẽ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt cả thân xác lẫn tinh thần. Sau khi kết hôn thường bị chồng hành hạ, đánh đập mà không biết phải phản ứng ra sao? Hiện tượng chồng đánh vợ chính tôi cũng chứng kiến ngay tại quê tôi khi có dịp về thăm Việt Nam.

Riêng việc các em “ít đứa nào có phòng riêng, nhà thường rất nhỏ và có nhiều thành viên ngoài cha mẹ như ông bà, dì cô, chú bác ở chung là thường” thì đành phải chấp nhận trong hoàn cảnh xã hội và kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Nhưng đúng hơn, các em nên có phòng riêng, có không gian riêng thích hợp cho sự phát triển cả về thể lý lẫn tâm lý. Trẻ em ngủ chung với cha mẹ không những không thích hợp cho cha mẹ mà còn cho cả các em. Nhiều việc cha mẹ làm đã gây ảnh hưởng tâm lý trầm trọng sau này cho các em trong thời gian các em còn ngủ chung với cha mẹ. Tuy nhiên, cho đến thời đại này, có lẽ ảnh hưởng văn hóa “đại gia đình” vẫn còn mạnh mẽ tại phần đông các gia đình Việt Nam, và nó cũng một phần ảnh hưởng vì lý do kinh tế.

Nói chung, theo tôi vẫn là sự thiếu sót về giáo dục. Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục tâm linh. Một nền giáo dục đúng nghĩa phải đặt trọng tâm là giúp phát triển và huấn luyện cho một đứa trẻ, một thanh thiếu niên lớn lên trưởng thành, tự sống, và tự trách nhiệm về cuộc sống của mình. Một nền giáo dục mà các em có chọn lựa, được hướng dẫn, và đào tạo theo sở trường, theo chuyên môn. Một nền giáo dục không bị chi phối bởi ý thức hệ, bởi đảng phái chính trị. Nền giáo dục như thế, theo tôi không chỉ cha mẹ, phụ huynh mà cả những người có trách nhiệm về tuổi trẻ, về tương lai giáo hội, tương lai đất nước phải đầu tư và ráo riết phát triển ngay từ bây giờ.

Một số em học sinh, sinh viên ở Việt Nam ra nước ngoài, điển hình là Mỹ, học giỏi, nhưng về mặt tư cách, xã hội, nhất là tâm lý trưởng thành thì hầu như rất yếu kém. Tôi không lạ gì khi thấy nhiều em sinh viên, học sinh đến từ Việt Nam đã quan niệm về học hành, về giá trị cuộc sống, về sự lệ thuộc vào cha mẹ, và về tầm nhìn tương lai hoàn toàn khác xa với những em học sinh, sinh viên người bản quốc. Tôi cho đây là kết quả của một nền giáo dục vong bản, mà phần lớn có xuất xứ từ “gia đình”, vì những em được cha mẹ lo cho xuất ngoại du học thì không thể nói là đến từ những gia đình nghèo. Đối với tôi gia đình, ảnh hưởng của nền giáo dục gia đình rất quan trọng. Nó càng trở nên quan trọng giữa hoàn cảnh xã hội và một nền giáo dục học đường như tại Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh đến hai chữ gia đình thay vì học đường và xã hội dưới cái nhìn tâm lý giáo dục. Ít nhất nếu phụ huynh, cha mẹ có ý thức, có trách nhiệm, biết lo lắng giáo dục con cái mình, các em cũng phát triển được nhân cách, trưởng thành về tâm lý và tâm linh để sau này khi khôn lớn vào đời, các em cũng biết mình là ai, làm gì và phải sống như thế nào.

Trần Mỹ Duyệt

YÊU THƯƠNG KHI TRẺ BƯỚNG BỈNH


YÊU  THƯƠNG  KHI  TRẺ  BƯỚNG  BỈNH
Sat, 02/03/2019 - Trầm Thiên Thu



 Hằng ngày người cha vẫn đứng tựa cửa, đăm chiêu nhìn xa xăm như tìm kiếm con trai mình. Thất vọng. Đau khổ. Có vẻ như không phải hôm nay. Không phải hôm nay. Nhưng một ngày nào đó, có thể nó sẽ trở về. Cứ thế, người cha cô độc vẫn chờ đợi. Mong mỏi, cầu nguyện và hy vọng.

 Dụ ngôn “đứa con hoang đàng” trong trình thuật Lc 15:11–32 bây giờ mang ý nghĩa mới đối với tôi. Dụ ngôn không gọi là “đứa con hoang đàng” nữa, mà là “người cha nhân hậu”. Tôi không tập trung nhiều vào đứa con nữa. Tôi tập trung vào người cha. Theo dõi ông. Học tập ông. Noi gương ông.

Tại sao vậy? Bởi vì hiện nay tôi đặt mình vào vị trí của người cha – mòn mỏi vì lo lắng, thắc mắc, và kiệt sức. Đáng lo là đứa con mất đức tin, và không biết khi nào nó trở về. Người cha mòn mỏi vì phải chờ đợi đứa con quá lâu!

Đọc lại câu chuyện này với cái nhìn mới đã giúp tôi phát hiện các nguyên tắc mà trước đây tôi không biết. Thiết tưởng các nguyên tắc này cũng khả dĩ giúp ích cho những người cha đang mòn mỏi vì con.

1. GIẢI THOÁT (Lc 15:11–13)

Khi đứa con đòi chia tài sản, tôi đã cảm thấy khó chịu vì người cha không hề từ chối. Ông cũng không phân tích điều hơn lẽ thiệt, mặc dù ông có thể làm vậy. Ông dễ dàng chấp nhận điều kiện của đứa con.

Sau khi chấp nhận chia gia tài, ông cho đứa con ra đi cho thỏa chí tang bồng. Ông giải thoát nó, để nó chịu trách nhiệm về tương lai và hệ quả mà nó đã tự chọn lựa – dù tốt hay xấu. Một lúc nào đó, cha mẹ nào cũng cần cách giải thoát này.

Theo cách của người cha trong dụ ngôn, tôi chấp nhận cho con tôi đi theo lối riêng của nó (với sự khôn ngoan và mối quan tâm trong phạm vi cho phép). Tôi đã phải để nó đi theo quyết định của nó – dù tốt hay xấu – và trải nghiệm cuộc sống, cả đau khổ và vui mừng. Nó có thể khám phá cả cái đẹp và cái xấu, đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm

2. CHẤP NHẬN (Lc 15:14–16)

Đứa con đã quyết định tồi tệ – rất tồi tệ. Người cha cho phép nó, hoàn toàn tự do, làm gì tùy ý. Nó đã sống buông thả, sa đọa, tội lỗi, trụy lạc, hư hỏng, gặp chăng hay chớ. Cuối cùng, nó trắng tay và thất vọng.

Giống như đứa con hoang đàng, con cái của chúng ta cũng được tạo dựng có ý muốn. Chúng có cách chọn lựa riêng, có cách phân biệt điều tốt và điều xấu, điều phúc và điều tội, Thiên Chúa và ma quỷ. Thiên Chúa có quyền trên ý muốn của chúng, nhưng cha mẹ không có quyền đó.

Rất khó, nhưng tôi đã chấp nhận. Tôi chấp nhận nó có tự do chọn lựa. Tôi không thể làm khác, bởi vì tôi biết nó có thể, và hy vọng vào ơn Chúa, một ngày nào đó nó sẽ trở về, sống ngoan ngoãn và đạo đức.

3. XÁC NHẬN (Lc 15:17–19)

Đứa con hoang đàng đã rơi xuống đáy cuộc đời, không biết thời gian lâu hay mau. Nhưng tội lỗi của nó đã làm cho nó thất vọng và đau khổ. Chỉ khi đó mới mới “biết mình là ai”. Cuối cùng, nó đã thức tỉnh, bắt đầu nhớ nhà và khao khát cảnh gia đình êm ấm ngày xưa.

Khi biết nó sống xả láng, lãng phí tài sản và cuộc đời, có lẽ người cha đã quỳ gối cầu nguyện rất nhiều cho nó và phó thác nó cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi cũng cầu nguyện cho con tôi, xin cho nó hồi tâm và tỉnh ngộ. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động nó và dẫn nó trở về đường ngay nẻo chính, để được tha thứ và được phục hồi.

4. CHỜ ĐỢI VÀ ĐÓN NHẬN (Lc 15:20)

Hằng ngày người cha vẫn chờ đợi, trông mong, cầu nguyện và hy vọng. Ước gì các bậc cha mẹ cũng kiên trì cầu xin Thiên Chúa và được tràn đầy Thần Khí.

Tôi lại cảm thấy “khó chịu” với cách phản ứng của người cha khi “thằng con trời đánh” kia trở về. Lòng trắc ẩn đã đẩy người cha đi tới phía đứa con khi nó ở bước đường cùng. Vòng tay ông rộng mở, đầy tình yêu thương. Trái tim ông đập nhịp yêu thương dồn dập. Không không trách mắng nó, không chì chiết, không nguyền rủa, không giận dữ. Còn chúng ta thì sao? Chắc hẳn chúng ta trợn mắt và quát: “Tao tưởng mày đi luôn, không về đây nữa. Mày ngon mà! Sao không đi luôn đi? Ra khỏi nhà là thất nghiệp, vắng cha mẹ thì chết đói. Cá không ăn muối cá ươn mà!”.

Tôi cầu xin cho tôi biết phản ứng với lòng yêu thương, tha thứ và đón nhận. Tôi phải bỏ đau khổ qua một bên trong lúc đó. Nhờ ơn Chúa, tôi sẽ ôm con tôi trong vòng tay nhân hậu, tha thứ và yêu thương vô điều kiện.

5. VUI MỪNG (Lc 15:22–23, 32)

Đứa con hoang đàng trở về, ăn năn tội lỗi. Nó được phục hồi ơn cứu độ mà nó đã đánh mất. Nó đã chết mà được sống lại và trở về nhà. Thực sự đó là điều đáng vui mừng lắm. Làm sao có thể cư xử khác được chứ?

Thiết tưởng đây là thông điệp của dụ ngôn này: Vui mừng đón nhận chứ không kết án đối với một người lầm lạc trở về vì ăn năn sám hối, đó là tặng phẩm ân sủng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8–9). Như vậy, họ đã tìm ra con đường về nhà qua vòng tay yêu thương và tha thứ của người cha, con chiên lạc đã trở về đúng ràn chiên.

 Tôi có thể làm gì khi đứa con hối hận và trở về? Tôi cũng sẽ vui mừng đón nhận với lòng tha thứ và yêu thương. Không thể làm gì khác hơn nữa!

DENISE KOHLMEYER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ DisiringGod.com)