Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Thứ Tư Lễ Tro: Đặc tính trổi vượt của Mùa Chay


Thứ  Tư  Lễ  Tro:
Đặc  tính  trổi  vượt  của  Mùa  Chay
LM. Anphong Nguyễn Công Minh,ofm-05/Mar/2019



Nếu có hỏi ai và nếu có ai hỏi Mùa Chay là gì, thì hầu như 99% trả lời dễ dàng, Mùa Chay là mùa sám hối, đổi mới, mùa trở về, ăn năn, và dĩ nhiên là mùa “ăn” chay. Ấy vậy, mà trả lời ấy lại không trúng hẳn. Cái mà chúng ta ít nghe nói tới, lại là đặc điểm chính của Mùa Chay.

Nói có sách, mách có chứng. Sách mà ta dẫn chứng, là hiến chế Phụng Vụ của CĐ Vatican 2, ra năm 1963, số 109 ghi: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh. Hai đặc tính này phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong phụng vụ lẫn giáo lý Phụng Vụ” (bản dịch GHHV Piô X). Thật không gì rõ ràng hơn. Với phó từ “nhất là,” nhất thiết Công Đồng Vatican 2 muốn xem trọng đặc tính đi sau chữ “nhất là.” Vậy mà đặc tính này ít được đề cao và nhắc nhở trong các bài giảng, kể cả các bài Kinh Thánh và Lời nguyện. Đặc tính “sám hối” hầu như lướt thắng và áp đảo tuyệt đối, đẩy đặc tính Phép Rửa suýt đi ra ngoài lề.

Khi ta nói, “ba thương con Hương, con Lan, con Huệ, và nhất là con Cúc,” thì rõ ràng tuy con Cúc xếp sau, nhưng được chữ nhất là làm cho con Cúc vượt lên hàng đầu cách vẻ vang, hơn là chỉ xếp đầu mà không nói gì thêm, như “ba thương con Cúc, con Hương, con Huệ, con Lan.” Tuy con Cúc đứng đầu đàn nhưng làm sao vẻ vang bằng đứng cuối mà có chữ nhất là: ba thương con Hương, con Lan, con Huệ, và nhất là con Cúc. Thì CĐ Vatican 2 cũng nói vậy: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh. Hai đặc tính này phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong phụng vụ lẫn giáo lý Phụng Vụ.” Xếp sau, nhưng oai hùng vượt lên trước.

Tại sao đặc tính nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa lại là đặc tính trổi vượt của Mùa mà Việt Nam ta gọi là Chay. Câu trả lời rất dễ nếu nói dài, nhưng khá khó khi bó gọn trong vài ý.

Việt Nam ta gọi là Mùa Chay là đã vô tình xem đặc tính sám hối là chính. Trong khi đúng từ ngữ phải dịch là Mùa Bốn Mươi. Bốn Mươi không chỉ là 40 ngày chay tịnh của Chúa chúng ta trong hoang địa, mà còn là 40 năm cũng trong hoang mạc dân Chúa đi về Đất Chúa. Elia cũng đi 40 ngày mới lên núi Khoreb gặp Chúa. Vậy là con số 40 là con số của chuẩn bị, của một hành trình con người đi gặp Chúa. Bằng chứng là các bài đọc I của các Chúa Nhật Mùa Chay sẽ nhắc cho ta những chặng đường chính trong cuộc hành trình của nhân loại tiến đến cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Bài đọc I của Chúa Nhật I và II lần lượt nói về giao ước nguyên thủy và giao ước với Ab-ra-ham. Bài đọc I của ba Chúa Nhật sau nói về các giai đoạn lịch sử Dân Thánh: Thời Mô-sê (CN III), thời Đất Hứa (CN IV), thời Ngôn Sứ (CN V).

Và vì mùa 40 là giai đoạn chuẩn bị đi gặp Chúa, nên phải thanh luyện, phải sám hối, phải đổi mới, phải chay lòng… thì mới xứng đáng gặp Người.

Mà có cuộc gặp gỡ nào linh thiêng kỳ diệu cho bằng cuộc gặp gỡ làm cho ta biến thành người ta gặp gỡ. Gặp Tổng Thống và trở thành Tổng Thống. Gặp Chủ Tịch trở thành Chủ Tịch. Kỳ diệu quá ! Ta gặp Chúa và trở thành Chúa. Ta thành Chúa, hoặc nói nghe dễ hơn, thành con Chúa như Đức Giêsu, khi ta chịu Phép Thánh Tẩy Tái Sinh, sinh ta lại lần nữa để làm con Chúa. Vậy là mùa chay hay đúng hơn mùa 40 là mùa diễn lại cuộc hành trình con người đi gặp Chúa, mà gặp thật vinh quang: nên giống Chúa !

Hèn gì mà CĐ không ngại nói: hai đặc tính của mùa chay là sám hối và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận phép rửa tái sinh. CĐ lại còn ra lệnh: Những yếu tố về phép Rửa riêng cho mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn, một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu được, cần phải tái lập.

Xức Tro để ý thức mình là phận bụi tro, nhưng qua Phép Rửa, phận bụi tro này được nâng lên bậc khanh tướng. Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng. Và hơn cả khanh tướng, bụi tro đi thẳng vào hoàng cung, trở thành thiên tử, con Trời, con Chúa, nhờ phép Rửa.

Xức tro để trở về với phép rửa, phép biến hóa phận tro trở thành mệnh Chúa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét