Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Ảnh hưởng gia dình và xã hội trên tuổi trẻ Việt Nam


Ảnh  hưởng  gia  dình  và  xã  hội  trên  tuổi  trẻ  Việt  Nam
10 Tháng Hai 2019-Trần Mỹ Duyệt



Sau bài “Phụ huynh và trách nhiệm giáo dục giữa nền văn minh sự chết!”, một vị bác sĩ với hơn 38 năm hành nghề tại Paris nay về hưu và giúp đỡ các bệnh nhân nghèo tại Việt Nam đã phản hồi:

Anh Duyệt mến,

Những gì tôi thấy hiện nay tại Việt Nam, đó là tuổi trẻ còn khác với tuổi trẻ Âu-Mỹ lắm.

Chỉ so với người Việt hải ngoại thôi, có lẽ ở Việt Nam tuổi trẻ lệ thuộc cha mẹ rất nhiều: từ tuổi thơ, cho đến 4-5 tuổi còn có đứa phải có mẹ hay ông bà đút cơm. Có đứa vừa chạy chơi, mẹ chay theo con đút từng thìa cơm! Lớn lên một chút đi học bị bắt buộc học thêm, cha mẹ kiểm soát chặt chẽ, đứa trẻ khó mà có chút thời giờ riêng tư; ít đứa nào có phòng riêng, nhà thường rất nhỏ và có nhiều thành viên ngoài cha mẹ như ông bà, dì cô, chú bác ở chung là thường; lệ thuộc về kinh tế là một yếu tố thường gặp, đứa trẻ có rất ít tiền túi. Hơn nữa xã hội Việt Nam rất khắt khe với trẻ đi rong trong xóm, ngoài đường.

Đó là nói chung người Việt trung bình và nghèo. Tuổi trẻ nhà giàu thì giống như ở Âu- Mỹ , có lẽ còn có nhiều nguy cơ hư hỏng nữa.

Ngân

Và sau đây là những trao đổi với bác sỹ Ngân từ tác giải:

Anh Ngân thân mến,

Tôi đồng ý với anh là tuổi trẻ Việt Nam hiện nay cũng đang trải qua những khó khăn, thử thách như chính đất nước, dân tộc nơi mà chúng được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên. Không kể đến những khó khăn về ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng văn hóa, chính trị, và tôn giáo, theo như anh nêu trên, chỉ duy vấn đề giáo dục gia đình mà thôi tuổi trẻ Việt Nam cũng bị tụt hậu và bị bỏ xa so với tuổi trẻ phần đông ở các quốc gia Âu-Mỹ. Cái đó, theo tôi là vì ý thức trách nhiệm giáo dục của cha mẹ, khả năng và hiểu biết về tâm lý, giáo dục của cha mẹ; cộng thêm môi trường xã hội chung quanh.

Theo tâm lý phát triển, một em bé (không kể là châu Âu, Á, Phi, hay Mỹ) khi lên ba đã có thể tự mình lo cho mình những nhu cầu tối thiểu mà tiếng chuyên môn gọi là self-care rồi. Những cái đó bao gồm việc vệ sinh, lựa và mặc áo quần, tắm rửa, đánh răng, và ăn uống. Theo nhận xét của anh tại Việt Nam trẻ em “4-5 tuổi còn có đứa phải có mẹ hay ông bà đút cơm. Có đứa vừa chạy chơi, mẹ chay theo con đút từng thìa cơm!” thì một là những em đó có vấn đề, hai là cha mẹ đã không biết rõ về nghệ thuật cũng như những phương pháp giáo dục. Là cha mẹ, chúng ta phải dạy con tự làm những việc ấy thay vì làm cho chúng. Hành động như vậy không phải là thương con, lo cho con mà làm hư con, tập cho con sống ỷ lại, lười biếng. Đây cũng không phải là vì “nghèo”. Nhiều gia đình nghèo nhưng con cái họ vẫn sống có nề nếp, có giáo dục, và có tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, được cha mẹ yêu thương, đùm bọc.

Ngoài ra một đứa trẻ mà bị “cha mẹ kiểm soát chặt chẽ, đứa trẻ khó mà có chút thời giờ riêng tư” rất khó để phát triển và trưởng thành về mặt tâm lý, tình cảm cũng như xã hội. Một đứa trẻ bị kiểm soát, theo dõi sẽ không có những suy nghĩ và quan niệm riêng tư, sẽ không bộc lộ cá tính và bản lãnh của mình được. Theo tâm lý học, đây là lý do tại sao có nhiều bạn trẻ sau này khi bước vào tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên nếu không phản ứng tiêu cực chống đối, thì ngược lại, sẽ trở thành những kẻ nhu nhược, thiếu bản lãnh, rất dễ trở thành mồi ngon cho những tội ác xã hội.  Các thiếu nữ sẽ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt cả thân xác lẫn tinh thần. Sau khi kết hôn thường bị chồng hành hạ, đánh đập mà không biết phải phản ứng ra sao? Hiện tượng chồng đánh vợ chính tôi cũng chứng kiến ngay tại quê tôi khi có dịp về thăm Việt Nam.

Riêng việc các em “ít đứa nào có phòng riêng, nhà thường rất nhỏ và có nhiều thành viên ngoài cha mẹ như ông bà, dì cô, chú bác ở chung là thường” thì đành phải chấp nhận trong hoàn cảnh xã hội và kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Nhưng đúng hơn, các em nên có phòng riêng, có không gian riêng thích hợp cho sự phát triển cả về thể lý lẫn tâm lý. Trẻ em ngủ chung với cha mẹ không những không thích hợp cho cha mẹ mà còn cho cả các em. Nhiều việc cha mẹ làm đã gây ảnh hưởng tâm lý trầm trọng sau này cho các em trong thời gian các em còn ngủ chung với cha mẹ. Tuy nhiên, cho đến thời đại này, có lẽ ảnh hưởng văn hóa “đại gia đình” vẫn còn mạnh mẽ tại phần đông các gia đình Việt Nam, và nó cũng một phần ảnh hưởng vì lý do kinh tế.

Nói chung, theo tôi vẫn là sự thiếu sót về giáo dục. Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục tâm linh. Một nền giáo dục đúng nghĩa phải đặt trọng tâm là giúp phát triển và huấn luyện cho một đứa trẻ, một thanh thiếu niên lớn lên trưởng thành, tự sống, và tự trách nhiệm về cuộc sống của mình. Một nền giáo dục mà các em có chọn lựa, được hướng dẫn, và đào tạo theo sở trường, theo chuyên môn. Một nền giáo dục không bị chi phối bởi ý thức hệ, bởi đảng phái chính trị. Nền giáo dục như thế, theo tôi không chỉ cha mẹ, phụ huynh mà cả những người có trách nhiệm về tuổi trẻ, về tương lai giáo hội, tương lai đất nước phải đầu tư và ráo riết phát triển ngay từ bây giờ.

Một số em học sinh, sinh viên ở Việt Nam ra nước ngoài, điển hình là Mỹ, học giỏi, nhưng về mặt tư cách, xã hội, nhất là tâm lý trưởng thành thì hầu như rất yếu kém. Tôi không lạ gì khi thấy nhiều em sinh viên, học sinh đến từ Việt Nam đã quan niệm về học hành, về giá trị cuộc sống, về sự lệ thuộc vào cha mẹ, và về tầm nhìn tương lai hoàn toàn khác xa với những em học sinh, sinh viên người bản quốc. Tôi cho đây là kết quả của một nền giáo dục vong bản, mà phần lớn có xuất xứ từ “gia đình”, vì những em được cha mẹ lo cho xuất ngoại du học thì không thể nói là đến từ những gia đình nghèo. Đối với tôi gia đình, ảnh hưởng của nền giáo dục gia đình rất quan trọng. Nó càng trở nên quan trọng giữa hoàn cảnh xã hội và một nền giáo dục học đường như tại Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh đến hai chữ gia đình thay vì học đường và xã hội dưới cái nhìn tâm lý giáo dục. Ít nhất nếu phụ huynh, cha mẹ có ý thức, có trách nhiệm, biết lo lắng giáo dục con cái mình, các em cũng phát triển được nhân cách, trưởng thành về tâm lý và tâm linh để sau này khi khôn lớn vào đời, các em cũng biết mình là ai, làm gì và phải sống như thế nào.

Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét