ĐỈNH CAO HẠNH PHÚC
MONDAY,
MARCH 11, 2019-TRẦM THIÊN THU
Là người dày dạn kinh
nghiệm, Thánh Augustinô nói về hạnh phúc: “Đức cậy khuyến cáo chúng ta coi nhẹ
đời này là hư ảo, hy vọng tương lai là hạnh phúc. Người nào đem hy vọng của họ
ký thác nơi chóng qua như mây khói ở đời này, đó là đi ngược lại đức cậy”.
Chắc hẳn chẳng ai có một
định nghĩa chính xác nhất về hạnh phúc, vì mỗi người có quan niệm khác nhau.
Người thì cho thế này là hạnh phúc, người thì cho thế kia là hạnh phúc, người lại
cho thế nọ là hạnh phúc. Chẳng ai giống ai, quan niệm khác nhau thì cách sống
cũng khác nhau. Quan niệm của Kitô hữu khác với quan niệm của người vô thần.
Liên quan vấn đề hạnh
phúc, người ta có truyện kể thế này: Người nọ nghe nói có một đạo sư nổi tiếng
nên tìm đến hỏi về đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn,
chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.
Rất ngạc nhiên, anh ta hỏi:
“Sao nhà của đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?”. Đạo sư đáp lại bằng một
câu hỏi: “Thế anh có hành lý gì không?”. Anh đáp: “Dạ, có một va-li”. Đạo sư hỏi:
“Sao anh có ít đồ vậy?”. Anh đáp: “Vì đi du lịch nên chỉ đem ít đồ”. Đạo sư cười
và nói: “Tôi cũng là một KHÁCH DU LỊCH QUA CUỘC ĐỜI NÀY nên KHÔNG MANG theo đồ
đạc gì nhiều”.
Một câu nói mang triết-lý-sống
thâm thúy. Chúng ta thường quên rằng mình cũng chỉ là “khách du lịch qua cuộc đời
này” – lữ khách trần gian, nhưng lại lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham
lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản. Đàn bà lo tích trữ đủ loại quần
áo, giầy dép, vòng vàng, nữ trang,... Đàn ông lo thu gom đủ thứ máy móc, xe cộ,
ti-vi, điện thoại,... Có cái này rồi muốn có thêm thứ khác. Có cái gì rồi thì rất
khó buông bỏ vì “nặng lòng” với nó, không dễ gì “gỡ” ra được!
Trong cuộc sống đời thường,
người ta thường cho rằng hạnh phúc là có được cái này hoặc cái kia – như nhà lầu,
xe hơi, vợ đẹp, con ngoan, tài sản, địa vị, chức quyền,... Thế nên, khi chưa có thì người ta muốn có,
làm đủ mọi cách để chiếm hữu; có rồi thì người ta sợ mất hoặc xem thường, rồi lại
muốn có cái những thứ khác “cao cấp” hơn, nếu không thỏa mãn thì buồn phiền, bất
mãn, khổ sở,... Người ta không bao giờ bằng lòng với hiện tại, đúng như tục ngữ
nói: “Đứng núi này trông núi nọ”. Cứ tìm kiếm hạnh phúc mà không thỏa mãn, giống
như con chó cứ muốn cắn cái đuôi nó mà không thể.
Gọi là đời thường mà lại
nhiêu khê và nan giải quá! Không “nhẹ” vì “nặng” sự đời, chứa”thoát” được.
Nhưng đối với người biết tu thân, họ cảm thấy tình trạng “không có” là thanh thản
và hạnh phúc. “Không có” ở đây là do trí tuệ quán chiếu, thấy mọi sự phiền toái
đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu thân không muốn có, không đòi hỏi, nếu
đã có rồi thì họ vẫn thản nhiên, dửng dưng, không bận lòng về vật chất. Tại
sao? Bởi vì những thứ “có” trên thế gian này đều là sự ràng buộc khó thoát ly.
Một thanh niên giàu có muốn theo Chúa nhưng lại tiếc của cải vật chất nên anh
ta lặng lẽ bỏ đi (x. Mt 19:16-22 ≈ Mc 10:17-22; Lc 18:18-23).
GIAO ƯỚC VỀ HẠNH PHÚC
Gia đình là tế bào gốc, rất
quan trọng. Thật vậy, con cái là hồng ân của Thiên Chúa (Tv 127:3), là tài sản
vô giá của cha mẹ, và đàn con cháu là triều thiên của người già (Cn 17:6). Một
hôm, Đức Chúa đưa ông Áp-ram ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử
đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St 15:5).
Nghe vậy, ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là NGƯỜI CÔNG CHÍNH. Bất
cứ ai thành tâm và tuyệt đối tin kính Thiên Chúa đều được kể là công chính. Rồi
Ngài phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người
Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu” (St 15:7). Ông liền thưa: “Lạy Đức
Chúa, Đức Chúa làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (St 15:8).
Ngài phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi,
một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15:9). Về Người
Công Chính, Kinh Thánh cho biết đặc điểm: “Người công chính PHẢI có lòng nhân
ái” (Kn 12:19).
Rồi ông Áp-ram tìm cho Đức
Chúa tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia;
còn chim thì ông không xẻ. Sau đó, mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết,
nhưng ông Áp-ram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời gần lặn, một giấc ngủ mê ập xuống
trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên
ông. Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, bỗng có một lò nghi ngút khói và một
ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Những hình ảnh đó cho
biết là Thiên Chúa đã nhận lễ vật. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông
Áp-ram: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức
sông Êu-phơ-rát” (St 15:18).
Giao Ước dành cho Tổ phụ
Áp-ra-ham cũng là Giao Ước dành cho Dân Chúa, cũng là chúng ta, vì Thiên Chúa
là Chân Lý, là Ánh Sáng, là Điều Thiện, Ngài chỉ có muốn và làm Điều Tốt Lành.
Thánh Vịnh gia đã vinh hạnh và tin tưởng cất tiếng ca tụng: “Chúa là nguồn ánh
sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời
tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27:1), đồng thời cũng kêu xin và tự khuyến cáo:
“Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. Nghĩ về Ngài,
lòng con tự nhủ: Hãy tìm kiếm Thánh Nhan” (Tv 27:7-8a). Ngài mong muốn chúng ta
hoàn thiện (x. Mt 5:48), nhưng Ngài biết chúng ta rất khó hoàn thiện, và Ngài
muốn ít ra chúng ta phải biết muốn thực sự hướng thiện. Goethe nhận định: “Toàn
thiện là luật của Trời, hướng thiện là lối của người”. Dù chưa hoàn thiện nhưng
chúng ta cần phải biết khao khát sự thiện, rồi dần dần biến đổi.
Thiên Chúa im lặng, không
nói, không phải Ngài thử thách chúng ta, vì Ngài biết chúng ta thế nào nên Ngài
không cần thử thách, mà Ngài chỉ muốn chúng ta nhận biết mình bất túc và bất
trác, nhận biết mình bất lực mà thành tâm và kiên trì cầu nguyện: “Lạy Chúa,
con tìm Thánh Nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận
mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con” (Tv 27:8b-9). Được Thiên Chúa thực hiện lời hứa
thì chúng ta phải biết tạ ơn thật lòng. Đó cũng là niềm hạnh phúc. Ngôn sứ
Isaia cho biết: “Không phải Đức Chúa ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải
Người nặng tai không nghe được, mà chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các
ngươi với Thiên Chúa các ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để
khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi” (Is 59:1-2). Lỗi tại tôi mọi đàng!
Và rồi Thánh Vịnh gia xác
định: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành
cho kẻ sống” (Tv 27:13). Đức Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không là
Thiên Chúa của kẻ chết. Thực sự hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, nên Thánh Vịnh
gia cũng muốn động viên mỗi chúng ta: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên,
can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa!” (Tv 27:14). Ai biết trông cậy, tin tưởng
và yêu mến Thiên Chúa thì thật là hạnh phúc biết bao!
HẠNH
PHÚC VỚI GIAO ƯỚC
Thánh Augustinô nói: “Không
ai thực sự hạnh phúc chỉ vì có được những gì họ muốn, nhưng ước chi họ chỉ muốn
những gì họ phải muốn”. Thật không dễ, bởi vì phàm nhân luôn sử dụng loại “túi
tham không đáy”.
Là người đã dày kinh nghiệm
– cả về “bước lầm lạc” lẫn “bước đức tin”, Thánh Phaolô chân thành tâm sự:
“Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống
theo gương chúng tôi để lại cho anh em. Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần,
và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với Thập
giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là CÁI BỤNG, và cái
họ lấy làm vinh quang lại là CÁI ĐÁNG HỔ THẸN. Họ là những người chỉ nghĩ đến
những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta
nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng
khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của
chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3:17-21). Thánh nhân nói thẳng
thắn và rõ ràng, chẳng úp mở chi. Chỉ vì “cái bụng”, tức là “miếng ăn”, mà người
ta có thể sát hại nhau không gớm tay, thế nên chiến tranh vẫn xảy ra và không
ngừng leo thang!
Với lòng chân thành,
Thánh Phaolô tiếp tục nhắn nhủ: “Hỡi anh em thân mến, lòng tôi hằng tưởng nhớ
anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy KẾT HỢP
VỚI CHÚA mà sống vững vàng như vậy” (Pl 4:1). Cầu nguyện liên lỉ là không ngừng
kết hợp với Chúa – mọi nơi và mọi lúc, đó là việc thực sự rất cần thiết đối với
mọi người, dù lớn hay nhỏ: Ăn với Chúa, chơi với Chúa, vui với Chúa, buồn với
Chúa, cười với Chúa, khóc với Chúa, làm việc với Chúa, nghĩ với Chúa, viết với
Chúa, nghỉ ngơi với Chúa, thư giãn với Chúa, ngủ với Chúa, thức với Chúa, hít
thở với Chúa,… đặc biệt là nói với Chúa và nói về Chúa. Được như vậy thì chẳng
còn hạnh phúc nào hơn nữa!
Trước đó, khi đề cập “Triều
đại Thiên Chúa gần đến”, Chúa Giêsu đã kết luận: “Trong số người có mặt ở đây,
có những kẻ sẽ không phải chết trước khi thấy Nước Thiên Chúa” (Lc 9:27). Và rồi
khoảng tám ngày sau, khi lên núi Tabor để cầu nguyện (thuộc miền Galilê, ngày
nay là một Vương Cung Thánh Đường), Ngài có đem theo ba môn đệ thân tín là
Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Trên núi Tabor, trong lúc
Ngài đang cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng
tinh chói loà. Và thật bất ngờ, xuất hiện hai nhân vật đàm đạo với Ngài là ông
Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành
Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và các bạn đồng môn thì ngủ
mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai
nhân vật đứng bên Ngài. Thật lạ lùng và choáng ngợp!
Trong lúc hai vị này từ
biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là
hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho
ông Êlia” (Lc 9:23). Nửa tỉnh nửa mê nhưng ngư phủ Phêrô vẫn thấy “ép-phê” vô
cùng. Lạ lùng mà hay lắm, thú vị lắm. Cứ lâng lâng thế nào ấy. Khó tả lắm! Ông
Phêrô vốn dĩ bộc trực, tính nóng như lửa, thẳng như ruột ngựa, có gì “phang”
ngay, muốn gì thì làm cho bằng được. Nhưng hôm nay nói xong rồi mà ông không biết
mình nói gì, y như kẻ mộng du vậy. Nhưng dù sao thì ông cũng rất hạnh phúc với
cái cảm giác kỳ lạ, lạ lắm luôn!
Ông Phêrô còn đang nói
thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình ở trong đám mây như vậy,
các ông cảm thấy hoảng sợ. Họ chả biết gì ráo trọi. Quái lạ thật! Càng lạ hơn
khi thấy có tiếng phán ra từ đám mây: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9:35). Ôi, thật là choáng ngợp! Tiếng phán vừa dứt,
họ chỉ còn thấy một mình Thầy Giêsu. Lạ ghê đi! Sao lại thế nhỉ? Ba ông nín
thinh, vừa vui vừa sợ, vừa thích thú vừa lo lắng. Thế là trong những ngày ấy,
các ông “ngậm tăm”, không hề kể lại cho ai biết gì về những điều mà họ đã thấy
tường tận, chính mắt họ nhìn thấy rõ ràng.
Người Pháp có câu ngạn ngữ:
“Đừng sống theo điều bạn mơ ước, hãy sống theo điều bạn có thể”. Mơ ước thì vô
hạn, con người thì hữu hạn, vì thế mà không nên ảo tưởng, mà hãy thực tế với khả
năng của mình, chính Thiên Chúa sẽ nâng đỡ và luôn đồng hành với chúng ta. Và rồi
chúng ta cũng sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc đích thực như ba tông đồ đã được
“nếm thử” hạnh phúc đích thực trước khi hồn ra khỏi xác.
Không thể có hạnh phúc trọn
vẹn trên thế gian này, nếu có thì chỉ tạm bợ, mau qua, chóng hết. Thật vậy,
Thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Tâm hồn con mãi khắc khoải cho đến khi nào được
nghỉ yên trong Chúa. Đối với con, tất cả những gì không phải từ Chúa đều là sự
bần cùng”. Hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa – bởi vì Ngài là Đầu và Cuối,
là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22:13).
Lạy
Thiên Chúa nhân lành và thấu suốt mọi sự, xin hướng dẫn con biết cách tìm kiếm
những gì thuộc về Nước Trời, xin cho con cảm nghiệm được giọt mật hạnh phúc ngọt
ngào ngay giữa miền khổ não trần ai này, và xin Ngài gia tăng mức tin yêu trong
con hằng ngày. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét