Thống kê về hiện tình Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới do Tòa Thánh công bố ngày 6/3/2019
Đặng Tự Do-07/Mar/2019
Hôm 6 tháng Ba, Phòng Báo
Chí Tòa Thánh, đã ra một thông báo về các con số thống kê nói lên hiện tình
Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
Niên giám Tòa Thánh 2019
và Niên giám Thống kê của Giáo Hội năm 2017, do Văn phòng Thống kê Trung ương của
Tòa Thánh biên soạn, do nhà xuất bản Vatican xuất bản, hiện đang được phân phối
trong các nhà sách.
Từ dữ liệu được báo cáo
trong Niên giám Tòa Thánh, chúng ta có thể rút ra những thông tin sau về cuộc sống
của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới, bắt đầu từ năm 2018.
Trong thời kỳ này, bốn
tòa giám mục mới đã được thiết lập, cùng với một giáo phận được nâng lên hàng tổng
giáo phận, bốn miền Giám Quản Tông Tòa của Công Giáo Đông phương (apostolic
exarchates) được nâng lên hàng giáo phận Công Giáo Đông phương (eparchy), và một
miền Giám Quản Tông Tòa nghi lễ Latinh được nâng lên hàng giáo phận.
Dữ liệu thống kê trong
Niên giám Thống kê của Giáo Hội năm 2017 cho phép chúng ta có một cái nhìn chi
tiết hơn về Giáo Hội Công Giáo trong bối cảnh toàn cầu.
Trong tổng dân số thế giới
là 7 tỷ 408 triệu người, có 1 tỷ 313 triệu người Công Giáo được rửa tội chiếm
17.7 phần trăm dân số thế giới. Phân chia theo từng châu lục, có 48.5% sống ở Mỹ
Châu, 21.8% ở Âu Châu. Kế đó, 17.8% sống ở Phi Châu, 11.1% ở Á Châu và 0.8% ở Đại
Dương Châu.
So sánh với năm trước đó,
tức là so với năm 2016, số người Công Giáo trên thế giới đã tăng 1.1% trên toàn
cầu. Trên bình diện lục địa, dân số Công Giáo đã tăng 2.5% ở Phi Châu và 1.5% ở
Á Châu. Ở Mỹ Châu có sự gia tăng 0.96%, tức là dưới mức tăng trưởng trung bình
của dân số Công Giáo. Âu Châu là lục địa duy nhất mà sự tăng trưởng gần như
không có với chỉ 0.1%.
Về mặt tỷ lệ so với tổng
dân số, tại Mỹ Châu người Công Giáo chiếm 63.8% dân số, con số này là 39.7% ở
Âu Châu, 19.2% ở Phi Châu, và chỉ có 3.3% ở Á Châu. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ
63.8% trong tổng dân số ở Mỹ Châu, không phải là đồng đều ở các phần khác nhau
tại lục địa này. Ở Bắc Mỹ, tỷ lệ người Công Giáo chỉ có 24.7%, ở Trung Mỹ và
vùng Antilles là 84.6% và ở Nam Mỹ là 86.6%. Như thế, càng dần về phía Nam, người
Công Giáo càng chiếm tỷ lệ cao hơn.
Vào cuối năm 2017, tổng số
hiệp hội tông đồ [apostolate, nghĩa là các tổ chức dấn thân rao giảng Tin Mừng.
Chữ apostolate là từ tiếng Hy Lạp apostello, có nghĩa là “sai đi”. Hiệp hội
tông đồ có thể là một tổ chức giáo dân hay một dòng tu – chú thích của người dịch]
đã lên đến 4,666,073 đơn vị, nghĩa là tăng 0.5% so với năm 2016. Tỷ lệ bách
phân của hàng giáo sĩ trong tổng số các nhân viên mục vụ là 10.4% vào cuối năm
2017, và thay đổi theo từng lục địa. Thấp nhất là ở Phi Châu (6.4%) và Mỹ Châu
(8.4%). Trong khi đó ở các miền khác tỷ lệ này cao hơn. Tỷ lệ phần trăm giữa tổng
số giáo sĩ và tổng số nhân viên mục vụ là 19.3% Âu Châu, 18.2% ở Đại Dương
Châu. Ở Á Châu, tỷ lệ này gần với mức trung bình của thế giới là 10.4%. So sánh
với các con số thống kê vào năm 2016, số linh mục đã giảm từ 414,969 vào năm
2016 xuống còn 414,582 vào năm 2017. Thay vào đó, số các giám mục, phó tế vĩnh
viễn, các thừa sai giáo dân và giáo lý viên đã tăng lên.
Số lượng ứng viên cho chức
linh mục trên toàn thế giới đã giảm từ 116,160 trong năm 2016 xuống còn 115,328
trong năm 2017, tức là giảm 0.7 phần trăm. Theo từng lục địa, tình hình là thuận
lợi hơn tại Phi Châu và Á Châu, trong khi đáng lo ngại ở Âu Châu và Mỹ Châu. Sự
phân phối của các đại chủng sinh theo lục địa vẫn ổn định trong hai năm qua. Âu
Châu đóng góp 14.9% trên toàn thế giới, Mỹ Châu 27.3%, Á Châu 29.8% và Phi Châu
27.1%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét