Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

GIŨ SẠCH


GIŨ  SẠCH
MONDAY, MARCH 25, 2019-TRẦM THIÊN THU



CON LỖI LẦM BIẾT TÍN THÀNH SÁM HỐI
CHÚA NHÂN HẬU LIỀN THA THỨ YÊU THƯƠNG
Giặt là hành động “rửa” quần áo, nhưng không thể chỉ “giặt” mà còn phải “giũ” – giũ cho sạch. Việt ngữ thường kết hợp hai động tác đó thành “giặt giũ”. Ngày xưa, chính Đức Chúa đã truyền lệnh cho ông Mô-sê: “Hãy đến với dân và bảo họ: hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo, và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Đức Chúa sẽ ngự xuống trên núi Xi-nai trước mắt toàn dân” (Xh 19:10-11). Cựu Ước đề cập động từ “giặt” 24 lần, Tân Ước đề cập 4 lần, đặc biệt là câu này: “Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22:14).
Làm gì cũng mệt, giặt giũ cũng vậy, đồ càng bẩn thì giặt càng mệt. Tương tự, chiếc áo tinh thần càng bẩn càng khó giặt, chỉ có thể giặt bằng loại “thuốc tẩy” đặc biệt là Bửu Huyết Đức Giêsu Kitô. Thông thường, muốn bỏ một điều xấu hoặc một thói xấu thì người ta phải dám – nghĩa là phải can đảm. Có can đảm mới có thể tin tưởng, có tin tưởng mới có thể dứt khoát “đứng dậy” và “trở về”. Người con hoang đàng yếu đuối phần xác nhưng lại đủ mạnh tinh thần nên đã có sự can đảm và dám dứt khoát để trở về mái nhà xưa, mong được chuộc tội với người cha, và chính người cha cũng đã can đảm và dứt khoát mới có thể nhìn nhận đứa con hư là người con yêu như trước.
Thuở xưa, Đức Chúa xác định với ông Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5:9). Vì thế, người ta đã gọi tên nơi ấy là Ghin-gan cho đến ngày nay. Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành Lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. Đó là hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho dân Ít-ra-en, cả người tốt lẫn người chưa tốt, cũng như mưa xuống cho mọi người mà chẳng phân biệt ai sang hay hèn, khôn hay dại, tín nhân hay vô thần.
Cuộc sống của dân Ít-ra-en giản dị, nhờ hồng ân nhưng vẫn phải hợp tác bằng sức lao động hằng ngày: “Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an” (Gs 5:11-12). Làm việc để biết giá trị của lao động và ý nghĩa của cực khổ. Hưởng dùng những gì do mình làm ra mới biết trân quý sự nỗ lực của bản thân, nếu cứ an nhàn thì người ta dễ ảo tưởng, ỷ lại và kiêu ngạo.
Dù chúng ta tốt hay xấu thì nguồn mạch Hồng Ân của Thiên Chúa vẫn luôn tuôn tràn, lòng thương xót của Ngài chẳng bao giờ giảm sút chút nào. Cảm nhận được điều đó nên Thánh Vịnh gia xác định: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34:2). Tại sao vậy? Lý do rất minh nhiên: “Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (Tv 34:3). Đó là chứng cớ sống động, không thể chối bỏ, thế nên không thể không nói ra để chia sẻ với người khác.
Tất nhiên không chỉ có vậy, bất cứ những ai cảm nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa thì chắc chắn không thể thụ động, nghĩa là bằng cách nào đó, họ sẽ tích cực kêu gọi: “Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi” (Tv 34:4-6). Yêu nhiều thì lợi nhiều, cụ thể là được tha thứ nhiều (x. Lc 7:36-50). Tình yêu mạnh hơn mọi thứ, bất chấp cả tử thần. Thánh Antôn Maria Claret đã tha thiết ước muốn: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn yêu mến Ngài hết lòng, hết con người và hết sức con. Con xin tận hiến cho Ngài mọi tư tưởng, ước muốn, lời nói và hành động của con, những gì con có và những gì có thể. Con xin sử dụng những gì con có để vinh danh Ngài, theo Thánh Ý Ngài”.
Thiên Chúa là Đấng thương xót, luôn chạnh lòng thương xót, chỉ muốn cứu người ta thoát khỏi đau khổ. Thế nên Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi nỗi niềm. Thánh Vịnh gia khiêm nhường và chân thành tâm sự: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 34:7). Cầu xin là một dạng cầu nguyện, và cầu nguyện là sức mạnh phi thường. Thánh Louis De Montfort: “Hãy cầu nguyện với lòng tin tưởng sâu sắc, lòng tin tưởng dựa trên sự thiện và sự đại lượng vô hạn của Thiên Chúa, dựa vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là nguồn mạch nước hằng sống không ngừng tuôn chảy vào tâm hồn những người cầu nguyện”.
Ai chuyên cần cầu nguyện thì được nhiều ơn thánh và đủ sức biến đổi. Thánh Phaolô xác định: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Đó là cách canh tân, càng ngày càng mới hơn. Nhưng không phải do công sức của chúng ta, mà “mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2 Cr 5:18). Thánh nhân giải thích: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người KHÔNG CÒN CHẤP TỘI nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5:19-20). Hòa giải với Thiên Chúa thì tất nhiên cũng phải hòa giải với tha nhân, đó là một cách để “giặt sạch” chiếc áo đời đầy vết bẩn tội lỗi của mình.
Chúng ta biết rằng Thánh Phaolô là một học giả của nhóm Pharisêu, chữ nghĩa đầy mình, nhưng ông không văn hoa bóng bẩy mà lại viết rất rõ ràng và thực tế: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:21). Tình yêu Thiên Chúa quá kỳ diệu, quá cao siêu, chúng ta không thể nào lý giải được, mà chỉ có thể cúi đầu kính tin, chúc tụng và cảm tạ không ngừng.
Thời đó, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Ngài giảng điều hay lẽ phải, dạy lời thiêng ý thánh, nhờ đó mà có thêm ý lực sống. Thấy thế, nhóm người Pharisêu và kinh sư tỏ vẻ khó chịu – vì tự nhận mình thông suốt và đạo đức hơn người, và họ xầm xì với nhau về Chúa Giêsu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2). Lưỡi không xương đủ đường lắt léo. Tình trạng này rất thường thấy trong cộng đồng: Xét người hơn xét mình. Đó là một dạng kiêu ngạo được che đậy khá tinh vi dưới nhiều dạng thức, không khác gì người Pharisêu dám chê trách người thu thuế ngay khi cầu nguyện (x. Lc 18:9-14). Đó là dạng “phạm tội ngay khi làm việc đạo đức”. Ôi chao, người ta sai mười mươi mà vẫn cho mình là đúng, là hay. Kẻ vỗ ngực tự làm kềm kẹp chính mình, người đấm ngực tự giải thoát chính mình.

Chúa Giêsu biết rõ họ đang thầm nghĩ và toan tính điều gì, nên Ngài kể cho họ nghe dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32) – cũng gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”. Ngài ôn tồn: Một người kia có hai cậu con trai. Có lẽ do vọng ngoại và bị bạn bè xấu rủ rê nên cậu nhỏ nói với cha: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Chắc là người cha cũng ngạc nhiên, nhưng ông vẫn chiều theo ý nó mà phân chia của cải cho hai cậu. Ít ngày sau, cậu nhỏ thu góp tất cả rồi ra đi, không hẹn ngày về. Ở nơi nào đó, cậu ta sống phóng đãng, ăn chơi sa đọa, phung phí hết tài sản của mình, bất cần tương lai.
Miệng ăn, núi lở. Chẳng bao lâu, cậu ta tiêu xài hết sạch, nhưng không may trong vùng ấy lại xảy ra một nạn đói khủng khiếp. Cậu ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, và người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Trong cơn bĩ cực, cái đói nhói cái khổ, cậu ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng mà cũng không dám, bởi vì chẳng ai cho. Thật thê thảm! Bấy giờ cậu ta hồi tâm và nhớ nhà. Cậu ta biết rằng có nhiều người làm công cho cha mà vẫn được cơm dư gạo thừa, còn cậu ta ở đây lại đói meo, chỉ có nước chờ chết thôi. Cậu ta quyết định trở về và sẽ thú tội với cha, rồi xin cha nhận mình như người làm công thôi, chứ chẳng dám hy vọng gì hơn. Sau quá trình giằng co tư tưởng, cậu ta dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, lấy hết can đảm đi về ngay, không dám nán lại giây phút nào nữa. Và nước mắt bao giờ cũng chẳng xuống...
Rất quan trọng đối với động thái dứt khoát. Đó là từ bỏ chính mình, dám “chết” cho tội lỗi, “chết” cho những gì bất chính nơi mình. Đau khổ, thất bại, thua cuộc, lâm bước đường cùng, bệnh tật, tai bay vạ gió,… đó là những lúc tiếng Chúa đang thẳng thắn nói thật với chúng ta. Tài sản cá nhân của chúng ta không là tiền bạc, của cải, vàng bạc, vật chất… mà là tính tự phụ, tính ích kỷ, thói kiêu căng, thói lọc lừa, gian dối, mưu thâm kế độc,… Và rồi một lúc nào đó, chúng ta cũng “trắng tay” và không dám “đứng thẳng” mà ngước nhìn đời. Khi bị “triệt buộc”, người ta lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhưng nếu can đảm dứt khoát với quá khứ thì thật phúc thay, bởi vì Thiên Chúa nhân từ vẫn luôn dành cho chúng ta lòng thương xót nguyên vẹn: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sb 16:34 và 41; 2 Sb 5:13; 2 Sb 7:3 và 6; Er 3:11; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4 và 29; Tv 136:1-26).
Mới về gần đến nhà, cậu nhỏ đã được cha ra đón. Cậu biết thân biết phận mình khốn nạn nên cậu bật khóc và nói với cha: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. Cậu xấu hổ lắm. Nhưng người cha vẫn chờ giây phút này từ ngày cậu dứt tình ra đi. Thế là nó đã biết lỗi, người cha vui mừng liền bảo các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Tiệc mừng làm ngay, ăn ngay, không thể trì hoãn sự sung sướng như thế, mặc dù lúc đó vắng mặt cậu lớn. Ôi, Lòng Thương Xót của Chúa quá bao la và vô cùng kỳ diệu!
Trong khi đang tiệc mừng rôm rả, người con cả của ông vẫn ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha ra năn nỉ, nhưng anh ta tỏ vẻ khó chịu và so đo: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Rõ ràng cháy nhà mới ra mặt chuột. Đâu hẳn là con ngoan khi vẫn ở nhà và làm việc cho cha, chứ không chơi bời lêu lổng, không hoang đáng chi địa, cũng chẳng cờ bạc hoặc rượu chè. Lúc có “sự cố” mới biết, lâu nay cậu lớn có vẻ ngoan ngoãn đấy, nhưng trong lòng chẳng tốt lành gì đối với cha mình. Thái độ ngang ngạnh và lời nói xấc xược bây giờ chứng tỏ cậu ta thực sự nổi loạn: không bằng lòng người cha và chẳng ưa thằng em. Chúng ta cũng thế thôi, bằng mặt mà chẳng bằng lòng, cũng chỉ là những đứa con bất hiếu, vẫn thường so đo và tính toán như cậu lớn trong dụ ngôn này. Tính kiêu ngạo luôn chờ cơ hội, từ manh nha biến thành manh động chỉ trong tích tắc. Cái tôi ích kỷ cũng chỉ chực vùng lên bất cứ lúc nào, với nhiều cách biện hộ cho sự tồi tệ của mình. Thật chí lý với nhận xét của Benjamin Franklin (1706-1790, tổng thống Mỹ): “Half a truth is often a great lie – Một nửa sự thật thường là điều dối trá to lớn”.
Rất có thể lúc nghe cậu lớn nói vậy, người cha đã bật khóc vì quá đau lòng, thế nhưng ông vẫn chịu đựng, nhẫn nhịn, điềm đạm và ôn tồn nói với nó: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Người cha lý luận tuyệt vời quá. Tình yêu thương khỏa lấp mọi khoảng trống và thắng vượt mọi thứ.
Quả thật, Thiên Chúa vô cùng nhân từ và kiên nhẫn, Ngài đã chấp nhận bỏ 99 người đạo đức để đi tìm chỉ một người lầm đường lạc lối, vì Ngài “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Ôi, Thiên Chúa “ngược đời” quá mà cũng kỳ diệu quá! Nếu Ngài không “khác người” như vậy thì chúng ta hết đường “về nhà” như cậu nhỏ và cũng hết lý luận kiêu căng như cậu lớn. Vì thế, chúng ta phải dứt khoát bỏ ngay thói bạc tình của cậu lớn và thói hoang tưởng như cậu nhỏ. Nói chung, thằng nào cũng bất nhân, chẳng thằng nào có hiếu với cha mình!
Lạy Thiên Chúa nhân lành, chúng con thật là khốn nạn, thế mà vẫn mạo nhận là “chiên ngoan”. Chúng con biết tội rồi, xin Ngài thương xót và biến đổi chúng con nên khí cụ của Ngài, xin dập tắt thói kiêu sa, tính hợm mình nơi chúng con, xin giúp chúng con nhận biết mình là tội nhân ngu xuẩn để có thể đoạn tuyệt với quá khứ đen tối mà kịp trở về trong thời gian còn được cậy nhờ lòng thương xót của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét