Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

4 đặc điểm của người nghèo



4  đặc  điểm  của  người  nghèo
Thứ năm, 27/8/2020-vnexpress.net


Lười thay đổi, lười vận động hay không có tham vọng cũng là một lý do khiến người ta trở nên nghèo khó. Ảnh minh họa: Shutterstock.


Nhiều người đổ lỗi cho sự kém may mắn, do số phận. Tuy nhiên, nguồn gốc của sự nghèo khó không hẳn do ngoại cảnh, mà xuất phát từ chính bản thân người đó.

Và trên thực tế, có 4 đặc điểm khá giống nhau ở những người "mãi không khá nổi".

Lười

Lười ở đây không hẳn là lười lao động, mà còn là lười thay đổi, lười vận động, lười tham vọng.

Nếu một người nghèo khó, làm một công việc thu nhập thấp chẳng đủ ăn tiêu, nhưng ngày ngày tháng tháng vẫn tiếp tục công việc đó mà không nghĩ cách làm thế nào để có được công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, thì đó cũng là một kiểu lười: lười học hỏi để có thêm kiến thức, năng lực, lười phấn đấu để đạt vị trí cao hơn, lười thay đổi vì sợ khó, sợ vất vả.

Bên cạnh đó, có những người lười lao động, dựa vào gia đình, cha mẹ giống như cây tầm gửi để tồn tại. Người Anh từng đưa ra định nghĩa NEET (Not in Education, Employment, or Training) - một từ viết tắt để chỉ nhóm người không có học vấn, không nghề nghiệp, hay không được đào tạo.

Họ không đóng góp sức lao động cho xã hội mà tách ra khỏi sự cạnh tranh xã hội, không có thu nhập kinh tế, hoàn toàn "ký sinh" vào gia đình. Những người như vậy không thể nào có một cuộc sống độc lập, chủ động, mà mãi mãi dựa vào người khác để qua ngày. Sự lười biếng này khiến họ mãi mãi là thành phần ký sinh, nghèo khó trong xã hội.

Không nhiệt huyết, không niềm tin

Có câu: "Sự phá sản tệ hại nhất của một người là đánh mất nhiệt huyết, niềm tin của mình". Người xưa có câu: "Nhân sinh bất như ý, sự thập chi bát cửu", hàm ý là cuộc sống con người đa phần là không như ý, chỉ một vài phần trăm là như toại nguyện mà thôi. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ điều này. Có người chỉ nhìn vào phần "không như ý" đó để chán nản, than phiền, bực bội, rồi mãi mãi chìm đắm trong cơn thất vọng. Thậm chí họ đánh mất cả niềm tin, mơ ước, tự mình đi vào ngõ cụt.

Người càng nghèo, tâm lý càng kém tự tin, nhiệt huyết, tại sao lại như vậy? Chính là bởi lòng dạ chỉ nhìn vào cái kém của mình mà không có nghị lực nhìn xa, càng tụt dốc thì càng chán ghét, bực bội.

Ham rẻ

Đương nhiên tham rẻ là điều rất tự nhiên với mỗi người, nhưng thực tế, càng nghèo người ta lại càng ham rẻ. Và rồi, ham rẻ đôi khi lại đồng nghĩa với "được nhỏ mà mất to". Càng không có năng lực, người ta lại chỉ nhìn ngắn hạn, tham cái lợi trước mắt, quên giá trị lâu dài.

Bởi thế, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo được định rõ qua câu nói: "Người nghèo tham hiện tại, người giàu muốn tương lai". Nói cách khác, khoảng cách giữa giàu – nghèo thực chất nằm ở chính tầm nhìn của người đó mà thôi.

Ưa "khẩu nghiệp"

Khổng Tử từng nói: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", cho thấy việc rèn luyện bản thân rất quan trọng. Nếu không tu dưỡng được bản thân, thì việc thành công trong cuộc sống, thành công trong việc gây dựng sự nghiệp là không thể.

Nhiều người không ngừng than thở, trách móc, đố kỵ rằng vì sao mình mãi nghèo, trong khi người kia giàu có, thành công. Nhưng đó đôi khi là do chính họ: thay vì nhìn lại mình, họ chỉ biết than thở, trách móc, nói xấu, trong khi người khác dành thời gian đó để chuyên tâm "tu thân", làm những việc có ích cho chính bản thân, trau dồi vốn sống.

Khi một người không ngừng "khẩu nghiệp", họ sẽ dần đánh mất niềm tin, sự quý mến của mọi người, mất đi cơ hội được hỗ trợ để bước ra khỏi khó khăn.

Thế nên, người giàu càng giàu, người nghèo cứ mãi khó khăn, cũng có lý do của nó.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét