Điều vĩ đại nhất là yêu thương
Fri,
23/10/2020 - Lại Thế Lãng dịch
Phần đông chúng ta sẽ đồng
ý rằng đặc điểm của thế giới ngày nay là chia rẽ và bất đồng nhiều hơn là hợp
nhất và về những giá trị chung. Có qúa nhiều quan điểm và người ta thường giữ vững
những quan điểm này. Hơn nữa, chia rẽ và bất đồng có xu hướng phát triển thành
bất hòa và thiếu tôn trọng. Đôi khi, thậm chí còn khó khăn để có được những cuộc
trò chuyện lịch sự.
Nhìn lại với nỗi luyến tiếc
qúa khứ, chúng ta có thể nghĩ “Nếu chúng ta có thể sống như những người trong
thời kỳ Giáo hội sơ khai! Mọi người cùng liên kết trong tình yêu vì Chúa Kitô,
và họ đã chăm cho nhau thật tốt”. Nhưng sự thật là những sự chia rẽ của thời kỳ
đó cũng sắc nét và đau đớn chẳng khác gì ngày hôm nay.
Côrintô: Một giáo đoàn
chia rẽ. Giống như ở Galát, những tín hữu ở Côrintô cũng chịu đau khổ dưới sự
căng thẳng của chia rẽ và đối nghịch. Côrintô là một thị trấn đông dân, đa văn
hóa với những người có nguồn gốc khác nhau, vì vậy thật dễ dàng để tưởng tượng
ra những khác biệt giữa những thành viên của giáo đoàn có thể đi đến những
tranh cãi dẫn đến chia rẽ.
Và đó là chính xác những
gì đã xẩy ra. Những tín hữu ở đó đã tranh cãi như thế nào để đối phó với mối
quan hệ loạn luân giữa hai thành viên (1 Cr 5: 1- 5). Có những thành viên nói
tiếng lạ hay nói tiên tri bắt đầu coi thường những người không thực hành những
ân huệ này cách tự do (12: 4- 24). Cử hành Thánh Thể ở thời kỳ đó bao gồm một bữa
ăn đã trở thành cơ hội xung đột khi những thành viên giầu có hơn của giáo đoàn
muốn ăn uống trước khi anh chị em nghèo hơn của họ đến (11: 17- 22). Một số
trong số họ thậm chí còn tố cáo nhau trước tòa án dân sự trước khi cố gắng tìm
ra những khác biệt của họ.
Phaolô giải quyết những vấn
đề này và những vấn đề khác trong thư của ông, nhưng trọng tâm của tất cả những
vấn đề này chỉ là lời kêu gọi lập đi lập lại của ông rằng mọi người hãy bỏ qua
chia rẽ để sống như là anh chị em trong Chúa Kitô.
Yêu mến tại nền móng.
Phaolô biết lời khuyên tốt lành đó quan trọng nhưng không đủ. Mọi người cần được
hướng dẫn về mặt tâm linh để cho sự đoàn kết dựa trên một nền móng vững chắc.
Vì vậy ông tập trung vào mong muốn của Thiên Chúa để giúp họ sống với nhau như
một gia đình trong Chúa Kitô. Và để làm được điều đó ông làm nổi bật hoa qủa đầu
tiên và quan trọng nhất của Thần Khí, một thứ có sức mạnh chữa lành tất cả chia
rẽ của họ: yêu mến “Đức mến không bao giờ mất” (1 Cr 13: 8). Và không chỉ bất cứ
sự yêu mến nào. Phaolô gọi những sự yêu mến này là sự cam kết triệt để mà chỉ
có Chúa Thánh Thần có thể ban cho họ.
Tình yêu thương mà Phaolô
giảng dậy trong mỗi cộng đồng Kitô giáo không giới hạn ở những cảm tính ủy mị.
Phần đông các bậc cha mẹ sẽ đồng ý với ông về điểm này. Họ đo lường tình yêu của
họ đối với con cái bởi cam kết của họ chứ không bởi những cảm xúc nhất thời. Họ
có thể cảm thấy bực tức hay phát cáu bởi cơn giận dữ của một đứa bé mới chập chững
biết đi hay bởi một cuộc thảo luận khó khăn với một đứa trẻ vị thành niên,
nhưng dù sao tình yêu của họ vẫn còn đó. Đó là loại yêu mến “tha thứ tất cả, tin
tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13: 7). Hoa quả tâm linh
của đức mến được biểu lộ trong hành động, không phải chỉ trong lời nói.
Vậy yêu mến trông như thế
nào khi hoa trái của Thần Khí hoạt động trong cuộc sống của chúng ta? Vì một điều,
yêu mến chứa đựng hoa trái khác của Thần Khí ở trong chính nó. “Đức mến thì nhẫn
nhục, đức mến thì hiền hậu” (1 Cr 13: 4). Yêu mến của Kitô giáo là“không mừng
khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (13: 6). Không phản ảnh
trong nói năng “thô lỗ”. Không “tìm tư lợi” trước nhu cầu của người khác. Không
“nóng giận” cũng không “nuôi hận thù”(13: 5). Rõ ràng yêu mến là quyết định đặt
người khác lên trước chính mình, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy không thích làm
điều đó hoặc khi chúng ta cảm thấy người khác đã gây tổn thương cho chúng ta.
Phaolô biết rằng nếu các
môn đệ ở Côrintô đặt loại yêu mến này làm ưu tiên hàng đầu thay vì những tranh
cãi và chia rẽ, các ông sẽ tìm được đường trở lại với sự hiệp nhất và bình an.
Yêu mến bằng
phục vụ. Phaolô cũng hiểu rằng vấn
đề then chốt để giữ liên kết trong yêu mến là phục vụ và hy sinh. Ông muốn rằng
tất cả tín hữu ở Côrintô phục vụ lẫn nhau và làm việc đó theo cách hữu ích và
mang tính xây dựng. “Có nhiều việc phục vụ khác nhau,” ông viết “nhưng chỉ có một
Chúa” (1 Cr 12: 5). Phaolô muốn tín hữu Côrintô bắt chước Chúa Giêsu “đến không
phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10: 45)
Kinh nghiệm cho chúng ta
biết rằng khi chúng ta ra khỏi chính mình và chăm sóc cho người khác, trái tim
chúng ta sẽ dịu lại. Giống như một người chồng hy sinh cuộc sống cho vợ mình mỗi
ngày bằng những cách thực tiễn và ngược lại, vậy anh chị em trong Chúa Kitô nên
hy sinh thời giờ và năng lực của mình để giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đúng gấp
đôi nếu chúng ta cố gắng làm điều gì đó tốt cho người bất đồng với chúng ta. Bất
cứ điều gì kiêu căng, ương nghạnh hay ngang bướng ở trong lòng chúng ta có thể
nhường chỗ chỗ lòng từ bi, bác ái và một tâm hồn rộng mở.
Nếu tất cả chúng ta đều
có thể học cách yêu thương nhau bằng cách phục vụ lẫn nhau, chúng ta sẽ thấy sự
chia rẽ trong phạm vi gia đình cũng như giáo xứ giảm đi đáng kể. Những ân oán
lâu nay có thể nhường chỗ cho tha thứ. Một tinh thần xét đoán có thể được biến
đổi thành một tinh thần hiểu biết và hòa thuận.
Vậy hãy tìm cách thúc đẩy
phúc lợi cho những người chung quanh bạn, đặc biệt những người trong gia đình gần
gũi nhất của bạn và gia đình giáo xứ của bạn. Hãy cố gắng làm điều tốt cho họ.
Tìm cách quan tâm đến những người khác biệt với bạn hoặc người mà bạn khó chấp
nhận. Hãy thực tế. Hãy trở nên hữu ích. Hãy khiêm nhường. Hãy cố gắng gieo hòa
thuận để những bất hòa có thể giảm bớt. Và đừng ngạc nhiên nếu bạn cuối cùng
yêu mến những người như vậy nhiều hơn là bạn đang làm bây giờ!
Chúa Giêsu: tín hiệu vĩ đại nhất của yêu thương. Phaolô nói với
tín hữu Côrintô rằng yêu thương là “vĩ đại nhất” của tất cả những hồng ân Thiên
Chúa đã ban cho chúng ta. (1 Cr 13: 13). Trên thực tế, nếu bạn mở ra bất cứ
trang nào trong bất cứ lá thư nào của ông, bạn sẽ thấy rằng Phaolô dậy rằng biểu
hiện cuối cùng của tình yêu thương này là Chúa Giêsu.
Mỗi ngày Ngài bước đi
trên trần thế, Chúa Giêsu đã minh chứng tình yêu thương của Ngài qua lời nói và
việc làm của Ngài – bằng cách chữa lành bệnh tật, tha thứ cho người tội lỗi và
công bố lời hứa thiên đàng. Chắc chắn có những ngày Ngài cảm thấy kiệt sức,
nhưng Ngài vẫn kiên trì. Chắc chắn có những ngày Ngài cảm thấy thất vọng về đức
tin yếu kém của các môn đệ, nhưng Ngài tiếp tục dậy dỗ họ. Rồi, khi thời giờ đến,
Ngài đã đi đến biểu hiện vĩ đại nhất của tình yêu: Ngài đã tự hiến mình trên thập
giá.
Bằng mọi cách có thể,
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng tình yêu thương Kitô giáo tự chứng minh trong
phục vụ thực tiễn hàng ngày. Chẳng hạn chúng ta có thể hình dung việc Chúa
Giêsu rửa chân cho các môn đệ là một cử chỉ tuyệt vời và cảm động. Rửa chân cho
một ai đó là việc hèn hạ, thấp kém. Đó là công việc dành cho đầy tớ trong nhà
hay mỗi người tự lo cho mình.
Rồi khi Ngài đã hoàn tất,
Ngài nói với các môn đệ “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13: 14). Ngài xác minh rằng
tình yêu Kitô giáo thường là công việc thấp kém và đôi khi là một công việc hèn
hạ, nhưng đó là lời kêu gọi vĩ đại nhất mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể
có.
Yêu thương: hoa trái của Thần Khí. Phaolô đã nói rõ rằng
tình yêu thương mà ông thúc giục tín hữu Côrintô chấp nhận là tình yêu thương
hoàn hảo và bất diệt của Thiên Chúa. Ông đã nói rõ rằng yêu thương anh chị em
chúng ta trong Chúa Kitô không chỉ là vấn đề về quyết định riêng của chúng ta
và khả năng của con người mà còn là tình yêu thương đã “đổ vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần” (Rm 5: 5). Hay như thánh Gioan đã viết “chúng ta hãy yêu
thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4: 19)
Chúng ta càng kết hiệp với
Thần Khí mỗi ngày thì việc phục vụ lẫn nhau càng dễ dàng hơn, càng dễ tha thứ
cho những người đối xử bất công với chúng ta, và chúng ta đối xử với mọi người
với sự tử tế và lòng tốt – cho dù chúng ta bị đối xử như thế nào. Thật không phải
luôn dễ dàng, và không thể giải quyết mọi vấn đề; nhưng chúng ta vẫn có thể tin
rằng Chúa Thánh Thần luôn gần gũi chúng ta để củng cố chúng ta và ban cho chúng
ta ân sủng để tiếp tục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét