Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

NỖ LỰC SỐNG THÁNH THIỆN - Các Thánh Nam Nữ

 

NỖ  LỰC  SỐNG  THÁNH  THIỆN

Các  Thánh  Nam  Nữ

Lễ Trọng

(Kh 7:2-4.9-14; 1 Ga 3:1-3; Mt 5:1-12a)

Lm Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb-Vietcatholic



Ai trong chúng ta cũng được mời gọi nên thánh.

Chúng ta thường nhìn các vị thánh như những người “ngoại thường.” Tuy shine, chúng ta biết rằng họ cũng là những con người bình thường

như chúng ta. Chúng ta đã có lần nghe nói: Vị thánh nào cũng có một quá khứ [tội lỗi], và tội nhân nào cũng có một tương lai [để thay đổi và nên thánh]. Hôm nay chúng ta cùng với

Giáo Hội mừng kính trọng thể các thánh Nam Nữ. Làm thế nào mà họ nên thánh? Chúng ta hãy để lời Chúa cho chúng ta những chỉ dẫn cần thiết để nên thánh.

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta viễn cảnh trên trời và những người được cứu độ, hay đúng hơn là những người được nên thánh. Con số là “một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc con cái Israel” (Kh 7:4). Con số này ám chỉ đến 12 chi tộc Israel cũ và 12 chi tộc Israel mới [đây là kết quả của 12x12]. Như vậy, ai trong

chúng ta cũng được mời gọi nên thánh. Nói cách khác, Công Đồng Vaticanô II cho biết nên thánh là ơn gọi phổ quát của hết mọi người tín hữu. Điều này được làm sáng tỏ trong những lời sau của Thánh Gioan: họ đến từ “mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7:9-10). Tác giả sách Khải Huyền định nghĩa những vị thánh là “những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14). Những lời này cho thấy, để nên thánh, chúng ta phải trải qua cơn thử thách lớn lao, đó là những khó khăn của ngày sống, và thanh luyện chính mình trong hy tế thập giá của Chúa Giêsu. Nói cách cụ thể hơn, những khó khăn thử thách trong đời sống hằng ngày là phương tiện qua đó chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong đau khổ của Ngài hầu thanh luyện chính mình khỏi những vết nhơ tý ố, để trở nên xứng đáng cho Thiên Chúa.

Về phần mình, Thánh Gioan, trong bài đọc 2, cho biết những người được nên thánh là những người nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Họ là những người con Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1). Bên cạnh đó, họ là những người không thuộc về thế gian: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” Cuối cùng, họ là những người giống với Chúa Giêsu: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3:2-3). Chúng ta đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu như thế nào?

Thánh Mátthêu trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay những người được xem là thánh.

Họ là những người được chúc phúc. Họ là ai?

Thứ nhất, họ là những người có tâm hồn nghèo khó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Cái nghèo khó ở đây không chỉ mang tính cách vật chất. Điều Thánh Mátthêu muốn nói ở đây là “tâm hồn” hay “tinh thần nghèo khó.” Điều này cho thấy những người giàu cũng có tình thần nghèo khó và những người nghèo chưa chắc đã có tâm hồn nghèo khó. Một người có tâm hồn nghèo khó là người xem Chúa là gia nghiệp duy nhất của mình, là người hoàn toàn để cho mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, là người xem mọi sự mình có đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, những người này luôn sống trong tâm tình tạ ơn và tôn vinh vì những kỳ công Chúa thực hiện trên cuộc đời họ.

Thứ hai, họ là những con người hiền lành: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Đây là những người sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, đó là trở nên như Ngài trong sự hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11:29). Sự hiền lành của họ không mang tính nhu nhược, tức là du di cho những sai phạm [đến Chúa và anh chị em].

Sự hiền lành của họ là hoa trái của một con tim kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa để rồi kín múc nơi Ngài sự cảm thông và tha thứ.

Thứ ba, họ là những người sầu khổ và than khóc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Sầu khổ và than khóc ở đây không chỉ vì những chuyện buồn trong cuộc sống của mình. Trên hết, sự sầu khổ và than khóc ở đây là dấu hiệu của sự sám hối: sầu khổ và than khóc cho tội của mình và cho người khác, than khóc cho những bất công đang xảy ra trong xã hội, than khóc cho những xúc phạm mà con người ngày hôm nay phạm đến Chúa.

Thứ tư, họ là những người khao khát sự công chính: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Mátthêu, người công chính là người luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, họ là những người lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành. Đây là những người chỉ có một mối bận tâm, đó là khao khát thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Thứ năm, họ là những người tỏ lòng thương xót người khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Sự thương xót ở đây không mang tính cảm xúc. Nó gồm hai yếu tố: (1) cảm được nỗi đau của anh chị em mình [đau cùng nỗi đau của anh chị em mình], và (2) làm một cái gì đó để làm giảm đi nỗi đau hoặc làm tan biến nỗi đau của anh chị em mình. Đây là một sự thương xót mang tính hành động.

Thứ sáu, họ là những người có tâm hồn trong sạch: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Những người này là người có tâm hồn đơn sơ, không chạy theo những đam mê của dục vọng. Họ yêu Chúa với một con tim không phân chia. Để rồi kín múc từ tình yêu Thiên Chúa, họ yêu anh chị em của mình với một tình yêu trung thành và quảng đại.

Thứ bảy, họ là những người xây dựng hoà bình: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Những người này khác với những người “gìn giữ” hoà bình. Họ là những người “mang lại” hoà bình ở những nơi có chiến tranh và xung đột.

Nơi đâu có sự hiện diện của họ, ở đó có sự bình an và hoà thuận. Đây chính là món quà phục sinh mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ của Ngài. Như vậy, những người này là những người mang nơi mình sứ điệp của đời sống mới, sứ điệp của sự phục sinh.

Thứ tám, họ là những người bị bách hại: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Chúng ta cần lưu ý rằng nguyên nhân họ bị bách hại không gì khác ngoài việc sống một đời sống công chính, đó là luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Những ai làm theo ý mình mà bị bách hại thì không thuộc vào nhóm này. Những vị thánh là những người luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và đem ra thực hành, đồng thời sẵn sàng chịu mọi sự đau khổ và chống đối xảy ra trong quá trình thi hành thánh ý Chúa.

Thứ chín, họ là những người sẵn sàng chịu mọi sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12a). Sống cho Chúa Giêsu và làm chứng cho Ngài luôn gặp phải rất nhiều chống đối, nhất là trong một thế giới tục hoá như ngày hôm nay. Tuy nhiên, những ai luôn chiêm ngắm Chúa Giêsu và xem những điều mình chịu như một chia sẻ trong những đau khổ của Chúa Giêsu, thì người đó sẽ được vinh hiển với Ngài.

Chúng ta thuộc nhóm nào trong những nhóm người sống thánh mà Thánh Mátthêu đã đưa ra? Nếu chúng ta chưa thuộc nhóm nào, hãy bắt đầu từ hôm nay! Đứng chờ đến lúc quá muộn.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét