Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Tại sao chúng ta nên đọc kinh Mân Côi


Tại  sao  chúng  ta  nên  đọc  kinh  Mân  Côi

Thu, 08/10/2020 -  Lại Thế Lãng

 


Tôi nhớ rõ những năm ngay sau Công đồng Vaticanô II. Nửa sau của những năm 1960 là thời gian thú vị được là một người Công giáo – có thể nói như vậy. Không ai biết được triển vọng tiếp theo là gì.

Về mặt thực hành thánh lễ đã trở thành, ít nhất về bề ngoài, khác nhau đáng kể so với thánh lễ trước đó mà bất cứ ai ở thời kỳ đó còn sống đều còn nhớ. Thánh lễ tốt nghiệp cho trường trung học Công giáo của tôi là một điển hình. Thánh lễ trước Vaticanô II, linh mục và cộng đoàn cùng hướng mặt về một hướng, và tất cả những lời nguyện đều được đọc bằng tiếng Latinh. Tuy nhiên trong mấy năm ngắn ngủi sau đó, linh mục và những người tham dự thánh lễ cùng hướng mặt vào nhau, và những kinh nguyện trong thánh lễ được đọc bằng ngôn ngữ của giáo dân. Quan trong nhất là sự nhấn mạnh vào thao tác của thánh lễ đã thay đổi để giáo dân trong các hàng ghế không còn chỉ là những khán giả hay những người quan sát những gì vị chủ tế đang làm trên bàn thờ, nhưng bây giờ họ tham gia đầy đủ và có ý thức trong phụng vụ.

 Trong hàng thập kỷ trước Vaticanô II, viêc giáo dân đọc kinh Mân Côi trong thánh lễ là không lạ. Dù mọi người được khuyến khích theo dõi những kinh nguyện trong thánh lễ ở trong sách lễ cá nhân, và có rất nhiều người làm như vậy. Nhưng cũng không phải là không bình thường khi thấy có ai đó với tràng hạt trên tay đang lặng lẽ đọc kinh Mân Côi trong lúc linh mục cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh, và những bé trai giúp lễ (không bao giờ là con gái) đáp lại linh mục cũng bằng tiếng Latinh thay cho Cộng đoàn. Tuy nhiên đã có một thời sau Vaticanô II, người Công giáo được thông báo – trực tiếp hay gián tiếp – rằng đọc kinh Mân Côi trong thánh lễ chắc chắn là không ổn và nhiều năm sau Vaticanô II, ý tưởng đọc kinh Mân Côi bất cứ khi nào đã không được nhiều người Công giáo tán thành. Tôi nhớ lại tôi đã có một tràng chuỗi trong tay từ khoảng năm 1970 cho tới 1985. Tràng chuỗi cũ tuyệt vời đó tôi mua tại Đan viện Giệtsimani đã bị  quên lãng ở trong ngăn kéo những năm đó. Sau đó vì những lý do nhiệm màu từ trong tâm và  chuyển động của ân sủng thiêng liêng, tôi đã trở lại với kinh Mân Côi.

 

Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện cân bằng

Trong mười lăm năm tôi không đọc kinh Mân Côi, đức tin của tôi vẫn năng động – nghiên cứu thần học, viết sách và những bài viết về những chủ đề thần học có tính đại chúng. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy rằng đức tin của tôi, mặc dầu vẫn mạnh mẽ, đã mất đi yếu tố cảm xúc và sùng mộ. Tin rằng đã đến lúc để tôi khôi phục lại những cảm xúc trong đời sống tâm linh, bao gồm một yếu tố sùng mộ trong việc cầu nguyện, tôi đã trở lại kinh Mân côi. Và kết qủa là tôi đã rất hạnh phúc. Một đức tin với một yếu tố năng động là một đức tin cân bằng, lành mạnh. Không có nó, đức tin của tôi chỉ là một “cuộc du ngoạn ở trong đầu”.

 Điều cuối cùng tôi muốn làm ở đây là giảm nhẹ địa vị của lý trí trong đức tin. Có rất nhiều những vị thánh lớn, những người có trí năng để làm điều đó. Đức tin chân chính không nên đưa chúng ta đến việc ngừng suy nghĩ hay lơ là những tài năng trí tuệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đồng thời, đức tin bao gồm xúc động hay cảm giác. Cảm xúc của chúng ta có liên quan đến đức tin và tâm linh nữa. Đó là tại sao những thực hành đạo đức có liên quan đến đời sống đức tin hàng ngày – và cách tốt nhất và vinh dự nhất, đặc biệt đối với người Công giáo là kinh Mân côi.

 

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện toàn diện

Kinh Mân Côi không chỉ là một phương tiện tuyệt vời đem đến cho đức tin một yếu tố cảm xúc lành mạnh, nó còn là lời cầu nguyện thần học bao quát. Sau thánh lễ, kinh Mân Côi là lời cầu nguyện đạo đức đầy đủ nhất của người Kitô hữu. Trong một cảm giác rất thật, kinh Mân Côi có mọi thứ căn bản nhất đối với cái nhìn của người Kitô hữu về cuộc sống và thế giới: một cử chỉ thành tâm gợi lên và đặt chính chúng ta trong sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi (dấu Thánh giá); tín điều cổ xưa nhất tức là bản văn đức tin Kitô giáo (kinh Tin kính các Thánh Tông đồ); lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dậy chúng ta trong các Tin Mừng của thánh Mát-thêu và Luca (kinh Lạy Cha); thành tâm nhắc nhở những biến cố then chốt trong đời sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (các mầu nhiệm); cầu nguyện với Mẹ Maria (kinh Kính Mừng); những lời nguyện ca ngợi Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (kinh Sáng Danh); và một lời nguyện cầu khẩn, ca ngợi và cầu xin Đức Trinh nữ Maria (kinh Lạy Nữ Vương).

 Kinh Mân Côi cũng là riêng biệt của đạo Công giáo – không chỉ bởi vì phần lớn người Công giáo đọc kinh Mân côi. Thỉnh thoảng cũng có người Tin Lành đọc kinh Mân Côi, đúng vậy nhưng việc này tương đối hiếm. Nếu có điều gì để phân biệt bạn là người Công giáo với những người không phải Công giáo là bạn có cỗ tràng hạt. Kinh Mân Côi là đặc trưng của người Công giáo bởi vì nó dựa trên những gì người Công giáo suy niệm trên hai nguồn gốc không thể tách rời là Tin Mừng và Thánh Truyền – một dấu chỉ khác của sự cân bằng thần học của kinh Mân Côi. Trong tất cả hai mươi mầu nhiệm thì có mười tám mầu nhiệm tức biến cố thánh thiêng trong đó kinh Mân Côi bắt nguồn từ Tin Mừng còn hai mầu nhiệm đến từ Thánh Truyền (mầu nhiệm thứ tư và thứ năm sự Mừng)

 Để hiểu được sự phụ thuôc lẫn nhau giữa Tin Mừng và Thánh Truyền, trước hết chúng ta cần nắm được bản chất và sự quan trọng của chữ viết. Thánh Truyền là thuật ngữ chúng ta dùng để trưng dẫn những truyền đạt niềm tin, giáo lý, nghi thức,Tin Mừng và đời sống của Giáo hội. Giáo lý của Giáo hội Công giáo viết rằng "Qua Thánh Truyền ‘Hội Thánh qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin’" (78). Chúng ta thường phân biệt giữa Thánh Truyền và truyền thống cá nhân là những thực hành thay đổi theo tục lệ “thích nghi cho những nơi khác nhau và những thời kỳ khác nhau”, trong đó Thánh Tuyền được biểu lộ” (83)

 Thánh Truyền là đời sống của Giáo hội – nghĩa là tất cả chúng ta – ngay từ khi khởi đầu cho tới ngày nay. Đó là trải nghiệm liên tục của cộng đồng Kitô hữu và sự hiểu biết về Chúa Kitô phục sinh trong suốt nhiều thế kỷ. Hơn nữa, đó là tất cả tầm quan trọng của sự thật và xác thực về trải nghiệm đó. Như định nghĩa ở trên ghi, một trong những biểu hiện đầu tiên và cơ bản nhất của Thánh Tuyền chính là Tin Mừng. Vì nó là trải nghiệm của giáo hội sơ khai phản ánh trên những biến cố nền tảng của giáo hội – đặc biệt, sự thụ thai, sự sinh ra, đời sống, những lời dậy dỗ, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu – đã đưa đến hoặc sinh ra Tân Ước. Thật vậy, đó là phần của Thánh Truyền mà Kinh Thánh như chúng ta biết, bao gồm những tài liệu mà nó làm ra, không phải ai khác. Vì vậy, tất cà những ai chấp nhận Kinh Thánh Kitô giáo, cho dù có nhận ra hay không, cũng chấp nhận Thánh Truyền.

 

Trong cuộc tiếp kiến chung vào tháng Tư năm 2006, ĐTC Bênêđíctô đã giải thích

 Thánh Truyền là cộng đồng tín hữu tập họp chung quanh những chủ chăn chân chính qua lịch sử, một cộng đoàn Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng, đảm bảo một sự kết nối giữa kinh nghiệm của niềm tin các tông đồ sống bởi cộng đồng ban đầu của các tông đồ và kinh nghiệm của Chúa Kitô hiện nay trong Hội thánh của Ngài.

Làm rõ ý nghĩa sự kết nối đó một cách tuyệt vời, ĐTC tiếp tục nói rằng “Thánh Truyền là một dòng sông sống” kết nối tín hữu với Chúa Kitô.

 Trong những ngôn từ khác, Thánh Truyền không dừng lại một khi tín điều của Tin Mừng đã được thiết lập, nói phỏng chừng, trong cuối thế kỷ thứ tư. “Cộng đồng tín hữu” với Chúa sống lại “tập họp chung quanh những chủ chăn chân chính” đã tiếp tục và ngày nay vẫn tiếp tục và phát triền sự hiểu biết của Giáo hội về kinh nghiệm đó. Qua căn bản của Tin Mừng và Thánh Truyền, kinh Mân côi là lời cầu nguyện sống động nuôi dưỡng sự mật thiết giữa chúng ta với Chúa Kitô sống lại, Đấng tiếp tục thổ lộ với chúng ta qua Tin Mừng, thánh lễ và các bí tích.

 

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tập trung vào Chúa Kitô trong bối cảnh các thánh thông công

 Môt phần của sự suy tư liên tục về trải nghiệm đức tin của Giáo hội liên quan đến vị trí của Maria, mẹ Chúa Giêsu, trong đời sống của Giáo hội. Kinh Mân Côi đôi khi bị sử dụng như là bằng chứng buộc tội người Công giáo là đang tôn thờ một thụ tạo mà lẽ ra chỉ thích hợp với một mình Thiên Chúa. Tất nhiên, hầu hết người Công giáo đều biết rất rõ. Người Công giáo chân chính chỉ tôn kính Maria; chúng ta không thờ phượng hay tôn thờ Maria. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng được thờ phượng và tôn thờ. Hơn nữa, kinh Mân Côi – mặc dầu được thiết lập trong bối cảnh của Maria – thực ra là lời cầu nguyện tập trung vào Chúa Kitô. Kinh Mân Côi tập trung vào điều mà các nhà thần học gọi là “biến cố Chúa Kitô” đó là đời sống, sứ vụ rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là lời cầu nguyện suy niệm được lập ra để đem những biến cố này đến sự chú ý của chúng ta, lập đi lập lại, bởi vì những biến cố đó là những thời khắc then chốt trong lịch sử cứu độ, và đối với người Kitô hữu là những biến cố nền tảng trong lịch sử của cộng đồng Kitô giáo. Còn gì tuyệt vời hơn một hình thức cầu nguyện cho phép mọi người được gọi chính mình là một môn đệ của Chúa sống lại?

 Là mẹ của Chúa chúng ta, thật ra là môn đệ đầu tiên của Ngài, Maria đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển giáo hội, và sự tôn kính dành cho Maria là một phần của Thánh Truyền của giáo hội được trao cho chúng ta từ các tông đồ. Về cơ bản, việc tôn kính Maria có liên quan trong bối cảnh của tín điều Công giáo về các thánh thông công. Trong ngắn gọn, tín điều này chỉ đơn giản nói rằng cộng đồng tín hữu là giáo hội vượt trên không gian và thời gian. Vì vậy, chúng ta thuộc về một cộng đồng tồn tại trong cả thế giới này và thế giới tiếp theo, một cộng đồng được tạo ra từ những người phấn đấu, bởi ân sủng của Thiên Chúa, để sống như là những môn đệ của Chúa Kitô trong thế giới này dù với vô số những bất toàn nhưng là những môn đệ trung thành của Chúa Kitô, Đấng đã đi trước chúng ta vào thế giới vĩnh hằng. Một số người giữ một địa vị danh dự trong đời sống công khai của giáo hội, đứng đầu là Đức Trinh nữ Maria, mẹ Chúa Giêsu.

 Cùng lúc với việc chúng ta xin cầu nguyện cho nhau trong thế giới này, chúng ta cũng có thể và nên khẩn cầu các thánh ở trên thiên đàng cầu cho chúng ta nữa – và thật hợp lý, người đầu tiên trong các thánh, Đức Trinh nữ Maria, giữ một địa vị đặc biệt trong số các vị chúng ta xin cầu nguyện. Như vậy, lời cầu nguyện xin mẹ Maria chuyển cầu, trong bản chất, không khác biệt với việc chúng ta xin cầu nguyện cho nhau. Điều đặc biệt duy nhất của việc cầu nguyện với Maria hay bất cứ vị thánh nào là chúng ta xin vị nào cầu nguyện cho chúng ta. Ngay khi chúng ta đặt một giá trị đặc biệt trên lời cầu nguyện của một người đặc biệt thánh thiện trong cuộc sống này, chúng ta đặt  một giá trị còn cao hơn trong lời cầu nguyện của các thánh – và đứng đầu trong các thánh là mẹ của Chúa sống lại.

 Khi chúng ta đọc kinh Mân Côi, chúng ta xác định rõ chính mình ở giữa cộng đồng vĩnh cửu to lớn này, và chúng ta cầu khấn Đức Mẹ cầu cho chúng ta nhân danh chúng ta và nhân danh của tất cả những ai chúng ta cầu nguyện cho. Trong ý nghĩa này, đọc kinh Mân Côi là cầu nguyện với và cầu nguyện trong toàn thể Giáo hội, Giáo hội trong thế giới này và trong vĩnh hằng, Giáo hội trần thế và Giáo hội trên thiên đàng. Về phương diện thần học, một trong những hoạt động chúng ta tham gia vào khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là cử hành thực tế mà tín điều các thánh thông công đề cập tới.

 Bối cảnh của kinh Mân Côi, vì thế, là cộng đồng của Giáo hội tồn tại trong thời gian, không gian và vĩnh hằng. Nhưng tâm điểm và trung tâm của kinh Mân Côi là Chúa Giêsu Kitô, Chúa của thời gian và không gian và Chúa của sự vĩnh hằng. Đối với Ngài kinh Mân Côi hướng dẫn chúng ta, và trong sự hiện diện của Ngài mà kinh Mân Côi đặt cho chúng ta trong sự đồng hành của Ngài, chúng ta và của Đức Mẹ.

 

Kinh Mân côi là lời nguyện nuôi dưỡng tâm linh

Thực tế là kinh Mân Côi hướng dẫn lời cầu nguyện của chúng ta đến Chúa Kitô trong sự đồng hành của mẹ Ngài, là lành mạnh đối với tâm linh của người nam và tâm linh của người nữ - có khác nhưng là những lý do bổ túc. Kinh Mân Côi nuôi dưỡng trong tâm linh của cả người nam lẫn người nữ một chiều kích nữ giới lành mạnh, bởi vì đó là lời cầu nguyện đặt trọng tâm vào Chúa Kirtô có liên quan đến Maria, như vậy là khung cảnh nữ giới. Kinh Mân Côi tập trung vào Chúa Kitô nhưng nguyên thủy của kinh Mân Côi – kinh Kính Mừng – ca ngợi Đức Trinh nữ và xin Đức Mẹ cầu nguyện cho chúng ta.

 Đối với người nam, đọc kinh Mân Côi nuôi dưỡng một sự tán thưởng và tôn trọng sâu sắc hơn đối với tất cả  mọi thứ thuộc về nữ giới. Qua mỗi kinh Kính Mừng, kinh Mân Côi đặt một người nam trong sự hiện diện tinh thần và rất thật của người phụ nữ đã trở thành mẹ, và vẫn là mẹ của Chúa Kitô. Một thiếu nữ đặc biệt đã trở nên cực kỳ quan trọng trong sự cứu rỗi của chúng ta chính xác bởi vì bà vẫn là một phụ nữ. Vì vậy, tất cả phụ nữ - bởi vì họ là phụ nữ, đều chia sẻ danh dự và nhân phẩm của người thiếu nữ đó. Đó là một thiếu nữ mà Đấng tạo hóa của vũ trụ đã chọn và Ngài chờ đợi tiếng nói của người thiếu nữ đó, trước khi tiến trình cứu rỗi có thể tiếp tục.

 Đối với người nam, đọc kinh Mân Côi là biểu tỏ chính mình, thể xác và linh hồn đối với người phụ nữ Maria. Và bởi vì tất cả người nữ đều chia sẻ trong nhân phẩm nhân loại của Maria, người nam khi đọc kinh Mân Côi – nếu anh ta thật sự hiểu được những gì anh ta đang làm, và vẫn mở lòng cho sự thật của những gì anh ta đang làm – không thể không tăng tiến trong sự nhậy cảm đối với nhân phẩm của tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ mà anh ta sống với hoặc làm việc cùng. Một người đàn ông như vậy đang dần dần đào sâu khả năng của mình để yêu thương và tôn trọng vợ mình, nếu đã kết hôn, hay với chị em của mình và những người phụ nữ mà anh ta làm việc cùng - đúng hơn là với tất cả các phụ nữ anh ta gặp hàng ngày. Họ bày tỏ những phẩm chất nữ tính giống như mẹ của Con Thiên Chúa. Vì vậy đối với một người nam đọc kinh Mân côi và thực sự hiểu được những gì anh ta đang làm sẽ không thể khinh thường hay bôi nhọ phụ nữ trong bất cứ cách nào hay có suy nghĩ về người phụ nữ là kém cỏi hơn mình.

 Nếu kinh Mân Côi dẫn dắt trái tim người nam đến việc tôn vinh, chào đón và tôn trọng phụ nữ như là bình đẳng và thành phần bổ túc, kinh Mân Côi cũng hướng dẫn người nữ - với những lý do tương tự - để tôn trọng và tôn vinh chính mình bởi vì họ là phụ nữ. Đối với một phụ nữ đọc kinh Mân Côi là tự đặt mình trong sự hiện diện tinh thần và rất thật của người phụ nữ mà đức tin sâu sắc của người đó đã làm cho kế hoạch cứu độ thế gian của Thiên Chúa có thể thực hiện được. Thiên Chúa của It-ra-en đã ra dấu cho bà nhưng để bà tự do chọn lựa điều bà muốn. Tiếng xin vâng của bà là mẫu mực cho tất cả chúng ta – người nam và người nữ - để nói xin vâng với bất cứ kế hoạch nào của Thiên Chúa cho cuộc sống của chúng ta. Khi một phụ nữ tự đặt mình trong sự hiện diện của người phụ nữ mạnh mẽ, dịu dàng, hấp dẫn, làm kinh ngạc này, bà mở lòng mình ra cho ảnh hưởng và sự hướng dẫn của người phụ nữ này, người rất dũng cảm hợp tác với ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa.

 Một người nữ đọc kinh Mân Côi là người phụ nữ thấy rõ không có lý do gì để hạ thấp bất cứ ai, bất kể giới tính của họ. Đồng thời bà trân trọng món quà của bản chất nữ giới như là bình đẳng trong nhân phẩm và sự bổ sung cho bản chất nam giới của người nam. Điều cuối cùng một người phụ nữ đọc kinh Mân Côi có khả năng làm- nếu cô ta  hiểu đầy đủ những gì cô ta đang làm – là trở nên phụ thuộc vào người nam, không có vấn đề gì về những giả định một số người nam mang trong đầu về người phụ nữ.

 Trong một thời đại mà bạo lực chống lại phụ nữ - thể xác và tinh thần – không phải là không bình thường, kinh Mân Côi có thể và nên là nguồn sức mạnh và động lực cho phụ nữ để ấp ủ và nuôi dưỡng nhân phẩm được Thiên Chúa ban cho. Những phụ nữ đọc kinh Mân Côi biết rằng người nữ cầu bầu cho họ chắc chắn hiểu được là một phụ nữ có ý nghĩa gì. Nói cách khác, kinh Mân Côi là lời cầu nguyện cho nữ quyền, và những người phụ nữ cũng như những người phái nam cầu nguyện và sống cho kinh Mân Côi là những người bênh vực phụ nữ trong ý nghĩa của ngôn từ tốt nhất và đúng nhất.

 “Phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ” có nghĩa là đương nhiên người nữ và người nam là phương tiện để bổ túc cho nhau trong khi chia sẻ bình đẳng nhân phẩm, bình đẳng các quyền lợi và bình đẳng về quyền làm người – không hơn không kém. Và “những người bênh vực cho nữ quyền” là những người nam và những người nữ sẵn sàng đứng lên và làm việc trong những cách thực tế, trưởng thành, không vô lý đem sự thừa nhận về sự bình đãng này đến những nơi và những tình huống mà nó bị lãng quên, bị từ chối hay là bị bỏ qua. Tất nhiên “người bênh vực nữ quyền” không được đề cập ở đây đối với bất cứ ai nghĩ rằng người phụ nữ cao hơn nam giới cũng không ai nên nghĩ người nam cao hơn phụ nữ.

 Để nói rằng kinh Mân Côi là lời cầu nguyện của nữ giới có nghĩa là những ai đọc kinh Mân Côi nhìn nhận sự bình đẳng và sự bổ sung của người nữ và người nam và được chuẩn bị để sống và làm việc với sự bình đẳng và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những ai đọc kinh Mân Côi đều biết giải đáp hay trả lời cho những câu hỏi và những vấn đề thần học thực hành có liên quan đến những vai trò giới tính trong việc quy định xã hội hay văn hóa và ngay cả trong giáo hội.

 Thật ra, những người đọc kinh Mân Côi có nhiều khả năng hơn những người muốn lẩn tránh chủ nghĩa giáo điều, dù cho từ cánh tả hay từ cánh hữu, bởi vì đọc kinh Mân Côi là mở lòng mình ra với mầu nhiệm nhập thế tối hậu – đi vào bản chất con người và lịch sử con người về mầu nhiệm thiêng liêng mà chúng ta gọi là Thiên Chúa mà Thư thứ nhất của thánh Gioan (4: 8) định nghĩa là tình yêu. Để mở lòng ra với mầu nhiệm này là biết được một tình yêu lấp đầy nơi sâu kín nhất của trái tim con người chính xác bởi vì nó vượt xa trí tuệ con người. Vì thế, chủ nghĩa giáo điếu – trong hiệu quả, mặc nhiên, kiêu căng đòi hỏi sự bất khả ngộ của con người – không còn là một lựa chọn. Chỉ có sùng kính khiêm nhường và ngôn ngữ thầm lặng mới tạo thành một sự đáp trả thích hợp đối với tình yêu này và mầu nhiệm này.

 Đọc kinh Mân Côi vì vậy, là lành mạnh về mặt tâm linh và tâm lý đối với cả người nam và người nữ. Nó lành mạnh đối với người nam bởi vì kinh Mân Côi ngấm sâu vào trái tim và linh hồn của một người nam trong nhân phẩm của nữ giới và trong sự hiện diện của người nữ Maria. Nó cũng lành mạnh đối với người nữ bởi vì kinh Mân Côi ngấm sâu vào trái tim và linh hồn của người nữ trong nhân phẩm của nữ giới và trong sự hiện diện của người phụ nữ Maria. Như vậy, những người nam đọc kinh Mân Côi với sự hiểu biết tăng tiến để tôn trọng và tôn vinh tất cả phụ nữ nhiều hơn. Và như vậy, những người nữ đọc kinh Mân Côi với sự hiểu biết tăng tiến để tôn trọng và tôn vinh chính họ nhiều hơn.

 

Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện có tính con người và giác quan

Nhưng hãy còn nhiều điều để nói về giá trị của việc đọc kinh Mân Côi. Một lý do quan trọng nữa để đọc kinh Mân Côi là tính chất thể hiện của nó. Bởi vì theo thói quen kinh Mân Côi luôn bao gồm việc sử dụng những hạt trong tràng chuỗi hay là một vật khác thay thế cho tràng chuỗi, kinh Mân Côi là cách gợi cảm đáng kể để cầu nguyện. Để cầu nguyện với tràng chuỗi là phải có vật nào đó để nắm giữ. Như vậy, cầu nguyện trở thành nhiều hơn chỉ là tư tưởng, lời nói và việc làm của cơ thể; nó trở thành một hoạt động thể chất. Bạn cầm một tràng hạt, bạn cảm nhận được những hạt với ngón tay của bạn và bạn di chuyển những hạt qua những ngón tay từ hạt này đến hạt khác. Tay của bạn cùng cầu nguyện với tâm trí, lời nói và phần còn lại của cơ thể. Vì vậy kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện thể hiện bởi vì nó liên quan đến cảm giác tiếp xúc của bạn.

 Vào những lúc buồn bã hay lo âu hoặc là những khoảnh khắc hạnh phúc hay vui mừng, bạn có thể được an ủi khi có tràng hạt để bám vào, để chờ đợi, để giúp bạn tập trung. Đó là một lý do, không nghi ngờ rằng kinh Mân Côi vẫn còn rất phổ biến sau nhiều thế kỷ đối với nhiều con cái của đức tin.

 Kinh Mân Côi là loại loại cầu nguyện nhịp nhàng, lập lại mà các tôn giáo đông phương đề cập đến như là “chất dính”. Đó là sử dụng sự lập lại của một kinh đơn độc để giúp người cầu nguyện vừa tập trung vào sự chú ý của mình vừa đi sâu hơn. Sự lập đi lập lại của kinh Kính Mừng, đặc biệt cho trí óc  - khi đọc to, thành tiếng - có điều gì đó để làm. Trí óc chúng ta có xu hướng giống như một chảo bắp rang: nổ bốp- bốp- bốp, suy nghĩ, ý tưởng bắt đầu lang thang trong tất cả mọi hướng, thường không kiểm soát được, khi ý định là cầu nguyện. Trong khi trí óc có ý thức đang bận rộn với sự lập lại của kinh Kính Mừng, trái tim, một tâm điểm lắng đọng hơn, có thể len lỏi vào sự hiện diện của nguồn gốc và mục tiêu tối thượng của chúng ta: Thiên Chúa ba ngôi Cha, Con và Thánh Thần, Đấng là tình yêu, từ bi, thương xót, tha thứ và đem lại bình an.

Nhưng, bạn có thể hỏi, trong việc sử dụng lời cầu nguyện lập đi lập lại liệu chúng ta có vi phạm lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của thánh Mátthêu “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”? (Mt 6: 7) May thay, nhờ những giáo huấn của Giáo hội cũng như những kiến thức của học giả Kinh Thánh, chúng ta biết được câu trả lời là không. Điểm chính của lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm là để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không cần lập đi lập lại những lời cầu xin với Thiên Chúa vì ngại rằng Thiên Chúa có thể không nghe được lời cầu xin của chúng ta. Đây không phải là mục đích của việc lập lại những lời kinh Mân Côi. Việc lập lại là cho chúng ta, không phải cho Thiên Chúa. Chúng ta lập lại kinh Kính Mừng đơn giản như là một cách để giữ tập trung trong khi chúng ta cầu nguyện và để nuôi dưỡng những gì chúng ta gọi là một “trạng thái siêng năng cầu nguyện”. Không nên nghĩ rằng nếu chúng ta lập lại những lời kinh Mân Côi, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin của chúng ta bởi vì chúng ta “nhiều lời”

 Sau cùng, có thể có người nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta nên đọc kinh Mân Côi vì Đức Trinh nữ Maria, trong những lần hiện ra đã hướng dẫn chúng ta. Đây là một lý do không chắc chắn. Đồng thời, chúng ta phải nhớ rằng Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận hay tin tưởng vào những cuộc hiện ra đã được phê chuẩn bởi thẩm quyền Giáo hội. Đối với những ai trong chúng ta chấp nhận với sự biết ơn và vui mừng về tính xác thực của những nơi Maria hiện ra, chẳng hạn Fatima và Lộ Đức, lời khuyến cáo của Đức Mẹ về việc đọc kinh Mân Côi được hoan nghênh, Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, cho dù dựa vào những lần hiện ra này, chúng ta không bao giờ được quyền phô trương về kinh Mân Côi với bất cứ ai, ngay cả với người Công giáo.

 

Hãy đọc kinh Mân côi vì bất cứ hay tất cả những lý do đã được thảo luận. Để đơn giản, chúng ta có thể nói rằng đọc kinh Mân Côi là một ý tưởng đẹp đẽ bởi vì nó cân bằng, toàn diện, tập trung vào Chúa Kitô, nuôi dưỡng tâm linh, phương cách hoàn toàn con người để cầu nguyện. Tóm lại là rất tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét