Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

BÍ TÍCH THÁNH TẨY VÀ ƠN CỨU ĐỘ

 

BÍ  TÍCH  THÁNH  TẨY  VÀ  ƠN  CỨU  ĐỘ

 Hỏi: Xin Cha giải thích: bí tích rửa tội đã đủ cho ta được phần rỗi chưa? Nếu chưa, còn phải làm gì thêm nữa để được cứu độ?

Trả lời: Trong Tin Mừng các Thánh Mác cô và Gioan, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh sự quan trọng và cần thiết của Phép Rửa như sau:

“Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16:16)

Nơi khác, Chúa cũng  nói rõ:

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3:5)

Như thế đủ cho thấy Phép Rửa (Baptism) quan trọng và cần thiết như thế nào cho phần rỗi của con người. Sở dĩ thế vì tất cả những ai sinh ra trong trần thế này đều vướng mắc không những tội tổ tông (original sin) do Nguyên Tổ để lại hậu quả nặng nề mà còn phạm thêm những tội cá nhân khác vì bản chất yếu đuối của mình nữa. Nhưng nhờ phép Rửa, con người được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân khác và  được tái sinh trong sự sống mới  để được hy vọng sống hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa. (x. SGLGHCG, số 1263).

Thánh Phaolô cũng dạy rằng: qua phép rửa, chúng ta được mai táng trong sự chết của Chúa Kitô để rồi “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta cũng được sống đời sống mới.” (Rm 6:3-4).

Đó là tất cả những lợi ích thiêng  liêng và sự cần thiết của Phép Rửa cho phần rỗi của mọi người chúng ta.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là rửa tội rồi, như thế đã đủ chưa, đã bảo đảm chắc chắn được ơn cứu độ chưa hay còn phải làm gì nữa thì mới được phần rỗi?

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần đọc lại lời dạy sau đây trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:

“Nhờ phép Rửa tội, tất cả mọi tội đều được tha, từ  tội nguyên tổ đến mọi tội cá nhân, cũng như tất cả mọi hình phạt của tội. Tuy nhiên, nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội lỗi vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những sự yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối  trong tính tình v.v…  cũng như sự hướng chiều về tội lỗi mà Truyền Thống gọi là nhục dục (concupiscence) hay còn gọi cách ẩn dụ là ‘lò phát sinh tội lỗi’ (= fomes peccati) còn để lại cho con người phải vật lộn với nó. Nó không thể làm hại những người không chiều theo nó mà còn can đảm chống lại nó với sức của mình nhờ ơn sủng của Chúa Kitô. Quả vậy, ‘người lực sĩ điền kinh sẽ không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ.’  (2 Tm 2:5)” (x. Sđd, số  1263-1264).

Câu giáo lý trên đây có nghĩa thế nào?

Trước hết, Giáo Hội nói rõ cho chúng ta biết là phép rửa, tuy rửa sạch mọi tội lỗi, từ tội nguyên tổ cho đến tội cá nhân, nhưng không đổi mới hoàn toàn bản chất của con người đã bị băng hoại vì hậu quả của tội nguyên tổ (original sin). Nói khác đi, phép rửa không trả lại cho con người “tình trạng công chính hay ngây thơ ban đầu” ( original innocence or justice),  một tình trạng ơn phúc đặc biệt  mà Adam và Eva đã sống trước khi phạm tội. Ở tình trạng này, hai ông bà không thể sa ngã được  vì yếu đuối như con người ngày nay. Nhưng họ đã phạm tội vì đã sử dụng ý chí tự do (free will) mà Thiên Chúa đã ban và hoàn toàn tôn trọng cho con nguoi xu dung. Nghĩa là Chúa đã không ngăn cản họ phạm tội vì Ngài muốn tôn trọng quyền tự do lựa chọn của họ. Ngài cũng vẫn  tiếp tục tôn trọng như vậy đối với con người ngày nay.Vì thế mới có vấn để thưởng phạt được đặt ra cho con người về mọi việc mình làm trong cuộc sống trên đời này.

Mặt khác, như giáo lý đã dạy trên đây, tội được tha, được rửa sạch nhờ phép rửa nhưng hậu quả của tội còn tồn tại trong bản tính yếu đuối của con người. Nghĩa là, sau khi được rửa tội, người ta vẫn bị chi phối bởi  khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi, về sự dữ, sự xấu. Ngoài ra, con người vẫn có ý chí tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng khi người ta muốn sử dụng. Cho nên,  cơ hội phạm tội vẫn còn đầy rẫy và đeo đuổi con người mãi cho đến giờ phút cuối cùng trong cuộc sống trên đời này.

Thêm vào đó, ma quỉ “thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh  em hãy  đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh  em trên trên trần gian này đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1 Pr 5:8-9)

Đó là tất cả tình trạng của con người ngày nay sau khi  đã được tái sinh trong sự sống mới nhờ phép rửa. Được tái sinh và tha thứ mọi tội lỗi một lần qua phép Rửa rồi,  nhưng sau đó người ta vẫn có thể phạm lại những tội cũ và nhiều khi còn tệ hại hơn trước nữa vì những lý do nêu trên.

Cụ thể, đó là trường hợp những người đang sống theovăn hoá su chet , đang lường đảo, gian ác,  sống vô luân, lỗi công bình và bác ái ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày nay. Trong số họ, chắc chắn có những người đã được rửa tội khi còn bé hay mới gia nhập Giáo Hội sau này. Đặc biệt đang có rất nhiều người Công Giáo ở Mỹ đã ly dị hay bỏ vợ già để về Việt-Nam cưới những cô gái trẻ, đáng tuổi con cháu mình để mua vui đốn mạt, bất chấp liêm sỉ và đạo đức! Như thế phép Rửa đâu có ích gì và bảo đảm chút nào  cho phần rỗi của những loại người này, nếu họ cứ tiếp tục con đường phi luân, vô Đạo đó.

Vậy, rửa tội phải đi kèm với đời sống đức tin, đức cậy và đức mến để “trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa”  như Thánh Phaolô đã dạy. (x.Pl:15) Nghĩa là phải có quyết tâm chừa bỏ tội lỗi và sống theo đường lối của Chúa.

Bao lâu chúng ta còn sống trong thân xác có ngày phải chết này thì bấy lâu ta còn phải đương đầu với những thử thách, cám dỗ của ma quỉ, thế gian và xác thịt.

Chỉ trong viễn ảnh chiến thắng mọi nguy cơ của tội lỗi và quyết tâm sống đời sống mới mà phép rửa đã mở ra,  người ta mới có hy vọng được cứu rỗi mà thôi.

Tóm lại, rửa tội rồi cũng ví như  vận động viên đựợc ghi tên tranh tài ở Thế Vân Hội Olympic. Được ghi tên đi dự không có nghĩa là chắc chắn sẽ đoạt giải, chiếm huy chương vàng mang về.  Đây chỉ là ước mơ của mọi lực sĩ mà thôi. Muốn đoạt giải, phải vận dụng mọi khả năng kỹ thuật và thi đấu đúng luật chơi thì mới mong đoạt giải  vinh thắng (x 1Tm 2:5).

Cũng vậy, muốn được cứu rỗi thì điều kiện tiên quyết là phải có đức tin và được rửa tội. Nhưng sau đó, phải lớn lên trong những đòi hỏi của phép rửa ở mọi chiều kích.

Cụ thể, phải thực hành tốt những cam kết khi lãnh bí tích quan trọng này. Đó là tin và yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, xa tránh tội lỗi, quyết tâm từ bỏ ma qủi và mọi việc thuộc về chúng. Nếu không, phép Rửa sẽ trở thành vô ích cùng với Công nghiệp Cứu chuộc vô giá của Chúa Giêsu-Kitô. Nói khác đi, phép Rửa và Công nghiệp Cứu chuộc của Chúa Kitô chỉ có ích cho những ai thành tâm thiện chí sống đời sống mới được tái sinh nhờ phép rửa và tích cực cộng tác với ơn Chúa cho đến chung cuộc mà thôi,   vì “ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 24:13)

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô  Tôn Huấn, MA, DMin (Doctor of Ministry=Tien Si Su Vu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét