Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Những bài học từ các buổi cử hành Thánh Thể của Kitô hữu ban đầu cũng dành cho chúng ta.

 

Những  bài  học  từ  các  buổi  cử  hành Thánh  Thể  của  Kitô  hữu  ban  đầu  cũng  dành  cho  chúng  ta.

LM Joseph Wimmer – Lại Thế Lãng dịch- Sun, 06/06/2021



Tại Bữa Tiệc Ly vào đêm trước khi bị đóng đinh Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ “Đây là Mình Ta. Đây là Máu Ta. Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Với những lời này Ngài đã biến lễ Vượt qua của người Do Thái cổ đại thành một lễ kỷ niệm giao ước mới và mối quan hệ mới với Đức Chúa Cha.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, các môn đệ và những Kitô hữu tiên khởi đã tụ họp lại để dùng bữa như Chúa Giêsu đã nói với họ. Lập lại lời của Chúa Giêsu “Đây là Mình Ta, đây là Máu Ta” họ đã biết về sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Chúa Giêsu đã không bỏ rơi họ! Dù đã ngồi trên thiên đàng, Ngài vẫn còn gần gũi, vô hình nhưng ở đó trong một mầu nhiệm nhưng có thật với tư cách là Chúa và anh em của họ.

Tuy nhiên những Kitô hữu tiên khởi biết rằng qùa tặng này không chỉ để cho họ hưởng thụ. Nó phải được chia sẻ với những người khác trong việc “bẻ bánh” trong sự hiệp nhất giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân của họ. Theo thánh Gioan, ngay cả Bữa Tiệc Ly bắt đầu bằng một bài học phi thường về sự phục vụ khiêm nhường: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13: 15)

Những truyền thống lâu đời nhất. Mặc dầu việc cử hành món qùa của chính Chúa Giêsu, đôi khi được gọi là Bữa tối của Chúa (1 Cr 11: 20) trong những ngày đầu tiên này người ta thường gọi là lễ “bẻ bánh”. Tại sao? Bữa ăn trong nhà của những người Do Thái thời cổ đại luôn bắt đầu bằng một lời chúc lành cho bánh bởi người chủ gia đình, người này sau đó sẽ bẻ bánh và chia cho mọi người trong bàn. Đó là một cách để cảm tạ Chúa về thức ăn và sự đoàn kết của các thành viên chung quanh bàn ăn. Bữa Tiệc Ly cũng đã bắt đầu theo cách tương tự và các Kitô hữu đầu tiên chỉ đơn giản gọi nó bằng nghi thức “bẻ bánh” ban đầu này. Mãi đến đầu thế kỷ thứ hai người ta mới biết đến “Bí tích Thánh Thể” một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là “tạ ơn”.

Không rõ những Kitô hữu tiên khởi đã tổ chức bữa ăn đặc biệt này thường xuyên như thế nào, nhưng có lẽ họ đã thực hiện ít nhất một lần mỗi tuần. Trong văn hóa Do Thái, ngày bắt đầu từ tối hôm trước vì vậy Chúa nhật hay là “ngày đầu tiên trong tuần” (Cv 20: 7; 1 Cr 16: 2) thật sụ bắt đầu từ tối thứ Bảy. Thánh Luca, trong việc mô tà cuộc sống của những Kitô hữu tiên khởi nói rằng họ “vẫn trung thành với sự dậy dỗ của các tông đồ về việc bẻ bánh, về tình bằng hữu và những lời cầu nguyện (Cv 2:42). Bằng việc liệt kê việc bẻ bánh với sự giảng dậy của các tông đồ và lời cầu nguyện, Luca cho thấy đó là một bữa ăn đặc biệt. Và bằng việc thêm tình bằng hữu trong danh sách, ông thêm vào chiều hướng quan trọng của việc những tín hữu chia sẻ cuộc sống của họ với nhau.

Một vài câu sau đó Luca nhắc lại “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” (Cv 2: 46). Một lần nữa ông đề cập đến một nghi thức thường xuyên “hàng ngày” liên quan đến một bữa ăn trong nhà của người nào đó và sự cởi mở trong việc chia sẻ nó một cách hào phóng với những người khác.

Chúng ta hãy còn có một cái nhìn thoáng qua về việc rước lể ban đầu trong sách Công vụ Tông đồ. Thánh Luca giải thích việc ông và Phaolô đã ở lại một tuần lễ tại Troas ở Tiểu Á và rằng Phaolô sắp khởi hành. Ông viết:

Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. Có khá nhiều đèn thắp sáng ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau. Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết. Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà!” Rồi ông lên lầu, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi. Người ta đưa cậu bé đang sống về và ai nấy được an ủi không ít. (Cv 20: 7- 12).

Rõ ràng Phaolô đã chủ tọa lễ “bẻ bánh” bắt đầu từ buổi tối và bao gồm một bài nói chuyện rất dài. Luca cho thấy rằng đó là một buổi phụng vụ chứ không chỉ là một bữa ăn đơn thuần khi ông nói về sự thắp sáng của “nhiều ngọn đèn”. Ngay cả câu chuyện của Êu-ty-khô cũng cho thấy một khía cạnh thiết yếu của buổi cử hành này: Sự kết hiệp với nhau chung quanh bàn tiệc của Chúa nhất thiết phải bao gồm sự quan tâm đến sức khỏe thể chất của nhau.

Bí tích Thánh thể vào buổi sáng. Vào nửa đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các buổi cử hành Thánh Thể Kitô giáo được tổ chức vào buổi sáng Chúa nhật và không còn là một phần của những bữa ăn chung nữa. Có lẽ đơn giản là vì đám đông trở nên qúa lớn hoặc có lẽ sự lạm dụng đã len lỏi trở lại các bữa ăn tối của cộng đồng. Đôi khi mọi người cầu nguyện suốt đêm và kết thúc buổi canh thức của họ bằng việc cử hành Thánh Thể vào buổi sáng. Sự hiểu biết của chúng ta về những thực hành này rất hạn chế nhưng chúng ta có một văn bản từ khoảng năm 150 sau Công nguyên, lời Tạ lỗi Đầu tiên của thánh Justin mô tả một buổi cử hành Thánh Thể Kitô giáo vào sáng Chúa nhật với phụng vụ được mô phỏng theo buổi lễ trong nguyện đường Do Thái. Ông viết:

Chúng tôi chào đón nhau bằng một nụ hôn. Sau đó bánh và một cái chén đựng rượu pha với nước được đưa tới trước người chủ tọa; người này nhận lấy và dâng lời cầu nguyện, tôn vinh Chúa Cha muôn vật qua danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần . . . Khi lời cầu nguyện ta ơn kết thúc, tất cả mọi người hiện diện đều tán thành bằng tiếng “Amen!” . . . Các phó thế phân phối bánh và rượu pha nước . . . Thức ăn này chúng ta gọi là “Thánh Thể” . . . vì chúng ta không nhận những thứ này như thể chúng là thức ăn và thức uống thông thường . . . Vì thức ăn mà lời cảm tạ đã được đọc trên đó đã trở thành Thịt và Máu của Chúa Giêsu nhập thể để nuôi dưỡng và biến đổi thịt và máu chúng ta.

Justin cũng bao gồm những lời thánh hiến và ghi chú rằng “những hồi ký của các tông đồ hay là những tác phẩm của các tiên tri” đã được vị chủ tế đọc và công bố “để khuyến khích và khích lệ chúng ta noi gương những điều tuyệt vời mà chúng ta đã nghe”. Một cuộc quyên tiền được thực hiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn: các góa phụ, trẻ mồ côi, người ốm đau, người xa lạ và những người khác. Họ thậm chí còn đọc kinh Lậy Cha với nhau. Theo nhiều cách, mô tả này phản ánh cấu trúc của Thánh lễ như là vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Lời cầu nguyện và lời huấn dụ của các Giáo phụ. Bản văn hoàn chỉnh sớm nhất về phụng vụ Thánh Thể mà chúng ta có  đã được viết bởi thánh Hippolytus của Rôma vào khoảng năm 215 sau Công Nguyên. Được mô phỏng theo những lời nguyện của người Do thái sau bữa ăn, nó bao gồm lời thánh hiến và tưởng nhớ công việc cứu độ của Chúa Giêsu. Giờ đây, với sự cải cách của công đồng Vaticanô II, lời nguyện cổ xưa này đã được phục hồi và ngày nay được sử dụng như Kinh nguyện Thánh Thể II.

Ngoài những lời cầu nguyện cụ thể, qùa tặng Thánh Thể của Chúa Giêsu đã truyền cảm hứng cho những tác giả Kitô giáo thuở ban đầu nhấn mạnh lời ngợi khen và cảm tạ một cách vui mừng, và nhắc nhở các tín hữu về nhu cầu hiệp nhất và bác ái.

Thánh I-Nhã, Giám mục của Antioch bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền Rôma vào khoảng năm 107 sau Công Nguyên và bị kết án bằng cách lôi ra cho thú dữ vì niềm tin của ông. Trên đường tới Rôma ông đã viết bảy lá thư, trong đó có một số mô tả về Bí tích Thánh Thể: “Hãy cẩn thận khi tham dự chỉ trong một Bí tích Thánh Thể, vì chỉ có một thịt của Chúa Giêsu và một chén để liên kết chúng ta trong máu của Ngài, một bàn thờ, giống như chỉ có một giám mục” “Uớc muốn của tôi về bánh của Thiên Chúa là thịt của Chúa Giêsu Kitô và tôi ước muốn uống máu của Ngài là tình yêu không thể hư được”. Trong những lá thứ này I- Nhã nhắc nhở mọi người về điều răn gấp đôi của tình yêu và nói thêm: “Những ai tự xưng mình là Kitô hữu không chỉ bởi những gì họ nói nhưng bởi những gì họ thực hành”.

Thánh Leo Cả, Giám mục của Rôma người đã đối mặt với Attila the Hun vào năm 452 sau Công Nguyện đã giảng nhiều bài giảng về việc chăm sóc cho những người cần được giúp đỡ. Vị Giám mục cũng nhấn mạnh đến thực tế của sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể và sự liên kết thân mật của chúng ta với Ngài: “Ngay cả miệng lưỡi của trẻ sơ sinh cũng không thể giữ yên lặng trước sự thật về Mình và Máu Chúa Kitô trong nghi thức rước Rước lễ. Vì trong sự phân phối thần bí của việc nuôi dưỡng tâm linh đó, những gì được cho và lấy thuộc về loại mà chúng ta nhận được sức mạnh từ thức ăn trên trời truyền vào thịt của Đấng đã trở thành thịt của chúng ta”

Những bài học này của những người Kitô hữu tiên khởi cũng áp dụng cho chúng ta nữa. Họ kêu gọi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui khiêm tốn và lòng biết ơn trong tâm hồn chúng ta, nhưng cũng phải mở rộng tâm hồn trong tình yêu quảng đại đối với người chung quanh chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện trong nhiều cách, vinh hiển bên hữu Đức Chúa Cha, trên bàn thờ trong Thánh lễ, trong tâm hồn chúng ta và ngay trong “sự che dấu nỗi đau buồn của người nghèo nhất trong những người nghèo” (Mẹ Têrêsa)./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét