Bố tôi và những kỷ niệm vui, buồn
Sat, 19/06/2021 - Lại Thế Lãng
Tôi không sống bên cạnh bố tôi nhiều bằng thời gian sống bên cạnh mẹ tôi. Trong suốt thời kỳ của tuổi thơ ở miền Bắc, tôi luôn sống bên cạnh mẹ trong lúc bố tôi đóng quân ở những đồn binh, chỉ được gặp bố những ngày bố tôi về thăm nhà. Từ ngày vào miền Nam trong lúc mẹ tôi và các em theo bố tôi di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì tôi ở lại Sài Gòn để đi học, chỉ có những tháng hè về với gia đình tôi mới có dịp sống gần bố tôi. Riêng trong thời gian bố tôi làm việc ở Cái Răng khoảng hai năm, tôi được về sống với gia đình để đi học ở Cần thơ là thời gian tôi ở cạnh bố tôi lâu nhất. Đến khi tôi gia nhập quân ngũ thì những ngày sống cạnh bố tôi lại càng hiếm hoi hơn.
Trong mắt người khác thì
có thể bố tôi là một người cha nghiêm khắc, nóng tính nhưng với tôi thì bố tôi
là một người cha có trách nhiệm, luôn quan tâm đến gia đình, luôn lo lắng cho
con cái, chỉ mong sao con cái được nên người. Tôi không nhớ lúc còn nhỏ tôi có
bị bố đánh đòn lần nào không nhưng nếu có, tôi cũng không buồn giận vì biết rằng
bố cũng chỉ vì muốn tốt cho tôi mà thôi. Là bởi vì quan niệm “thương con cho
roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi” tuy ngày nay không còn hợp thời nhưng
trong thời đại của bố tôi lại là “khuôn vàng thước ngọc” trong việc giáo dục
con cái. Nhớ lại ngày tháng cũ thì có lần tôi đã làm vui lòng bố tôi nhưng cũng
có lần đã làm cho bố tôi phải buồn lòng.
Tôi còn nhớ thời gian sống
với gia đình ở Cái Răng ông nội tôi thường dậy thật sớm để đọc kinh và mỗi lần
ông thức dậy ông không quên gọi tôi dậy để ôn bài và chuẩn bị đi học. Hôm đó là
ngày tôi thi Trung học ông tôi cũng gọi tôi dậy sớm nhưng bố tôi ngăn lại, nói
với ông nội “Hôm nay cháu đi thi, ông để cho cháu ngủ thêm ít nữa để cháu làm
bài cho tốt”. Câu nói của bố tôi đã làm tôi cảm động khiến tôi nhớ mãi. Năm đó
tôi thi đậu. Bố tôi vui lắm và hơn thế nữa bố tôi còn hãnh diện vì trong đơn vị
của bố tôi có một vị Trung úy cũng đi thi một lượt với tôi nhưng ông ta không đậu.
Nhưng cũng có một lần tôi
đã làm cho bố tôi buồn. Đó là lần bố tôi ra Nha Trang thăm gia đình tôi. Lúc đó
tôi đang giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh Tiểu khu Khánh Hòa. Một ông hàng xóm
ghé nhà nói chuyện với bố tôi rồi nhờ bố tôi nói để tôi can thiệp cho cháu của
ông ta đang ở một đơn vị tác chiến trong lãnh thổ Khánh Hòa được thuyên chuyển
về gần Nha Trang. Chiều hôm đó khi tôi đi làm về thì thấy ông ta đang ngồi nói
chuyện với bố tôi. Tôi vừa bước vào nhà
thì bố tôi chỉ vào chiếc ghế bên cạnh bảo tôi ngồi xuống. Bố tôi nhìn ông hàng
xóm như ngầm nhắc ông có gì muốn giúp đỡ thì hãy nói với tôi. Ông ta trình bày
sự việc. Nghe xong tôi trả lời ngay là việc đó ngoài thẩm quyền của tôi. Ông ta
tiếp tục năn nỉ và tôi đã trả lời dứt khoát là không thể được. Ngay lúc đó tôi
nhìn thấy nỗi thất vọng trên nét mặt của bố tôi, nỗi thất vọng còn lớn hơn nỗi
thất vọng của ông hàng xóm. Tôi giật mình và thấy hối hận vì đã làm cho bố tôi
bị bẽ mặt. Lẽ ra tôi phải tỏ ra khôn khéo hơn, cho dù không muốn thỏa mãn yêu cầu
của ông hàng xóm thì tôi cũng không nên hành xử thiếu tế nhị như vậy. Tôi cố vớt
vát bằng cách nói nước đôi rằng tôi sẽ tìm cách giúp nhưng được hay không thì
không chắc chắn. Bố tôi không vui hơn tí nào vì đoán biết tôi chỉ hứa cho qua
và sẽ chẳng làm gì với cách nói của tôi.
Sau ngày mãn tù “cải tạo”
tôi nghĩ phải làm điều gì đó cho bố tôi vui. Năm đó tôi và vợ tôi thu xếp về
thăm bố mẹ tôi vào một dịp Tết. Sáng Mồng Một khi mọi người đi lễ về, tôi tập
trung tất cả các em và các cháu lại. Tôi mời bố mẹ tôi ngồi trên hai chiếc ghế
rồi thay mặt con cháu chúc Tết bố mẹ tôi, sau đó tôi bước ra trước sân đốt môt
phong pháo. Bố tôi có vẻ ngạc nhiên và cảm động vì đây là lần đầu tiên chúng
tôi qui tụ lại để chúc Tết bố mẹ trong ngày đầu năm. Đây cũng là lần duy nhất
tôi làm được điều đó.
Mấy tháng sau trong một
ngày mưa gió, từ Nha Trang tôi nhận được điện tín báo tin bố tôi bệnh nặng. Tôi
tức tốc đi Cần Thơ rồi từ Cần Thơ đi đến nhà bố mẹ tôi. Bước vào nhà tôi thấy
nhà vắng vẻ khác thường. Tôi đưa mắt nhìn khắp nhà xem bố tôi đang nằm ở đâu
nhưng không thấy. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ tôi cho biết bố tôi hiện nằm tại bệnh
viện Cần Thơ. Mẹ tôi kể qua là khi bố tôi dùng liềm cắt lúa sơ ý cắt vào tay, bị
co giật vì nhiễm trùng uốn ván, đã được chở đi cấp cứu ở Cần Thơ. Mẹ tôi mếu
máo “Đứt tay là chuyện thường nhưng lần này sao lại tệ qúa như vậy. Không biết
ông ấy có làm sao không?”. Mẹ tôi còn kể lể nhiều nữa nhưng tôi vội vã quay trở
lại Cần Thơ. Tôi tới bệnh viện thì thấy các em tôi đang có mặt ở đó. Tôi nói mọi
người trở về lo công việc hàng ngày để một mình tôi ở lại với bố được rồi. Tôi được biết tình trạng của bố tôi
không được khả quan và vì không ăn uống gì được nên càng ngày càng yếu đi.
Hôm sau một ông bác sĩ đã
đứng tuổi dẫn một đám sinh viên y khoa đến bên giường bệnh của bố tôi. Ông ta
giảng giải cho đám sinh viên điều gì đó tôi không quan tâm nhưng tôi bỗng chú ý
khi ông nói với đám sinh viên rằng do bị run tay, một sinh viên thực tập trong
khi giải phẫu thực quản để truyền đồ ăn vào bao tử đã phạm vào khí quản. Tôi
nghe tới đó thì mắt tối sầm lại, tai ù, không đứng không vững nữa . Thì ra
nguyên do là ở chỗ đó. Tình trạng của bố tôi càng lúc càng tồi tệ hơn không phải
do vi trùng uốn ván hoành hành mà do người sinh viên tập sự kia gây nên. Tôi
căm phẫn đối với tên sinh viên hậu đậu kia một thì căm phẫn đối với ông bác sĩ
mười lần. Ông ta chính là người phải chịu trách nhiệm về bệnh trạng của bố tôi.
Ông ta là người thầy tắc trách, ông ta phải biết rõ trình độ học trò của mình
trước khi trao giao mổ vào tay người sinh viên chứ. Ông ta đâu có thể coi thường mạng người như vậy được. Cả ngày hôm ấy cứ
nghĩ đến chuyện này thì tôi lại thấy uất ức. Tôi căm phẫn ông ta đến cực độ.
Gần tối, y tá đến báo cho
tôi biết ngày mai bố tôi phải xuất viện vì bệnh viện không thể cứu chữa được.
Người này còn nói thêm có thể bố tôi sẽ ra đi ngay trong đêm nay. Đêm hôm đó
tôi ngồi bên giường bệnh nhìn gương mặt nhợt nhạt của bố tôi đang ở ngưỡng cửa
của sự sống và sự chết. Hơi thở của bố tôi mỗi lúc một yếu hơn không biết lúc
nào sẽ tắt hẳn để rồi bố tôi chỉ còn là cái xác không hồn. Tôi nghĩ miên man
không biết sau khi rời khỏi xác, linh hồn bố tôi sẽ đi đâu? Theo giáo lý Công
giáo, linh hồn người chết sẽ đến một trong ba nơi: Thiên đàng, hỏa ngục hay luyện
ngục. Tôi nghĩ phải là những linh hồn trọn hảo mới xứng đáng được lên Thiên
đàng ở bên Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, toàn mỹ. Bố tôi, như những người phàm
trần khác, làm sao trọn hảo được. Xuống
hỏa ngục là những người phạm tội trọng mà cho đến lúc chết vẫn không ăn năn hối
cải. Bố tôi chẳng phải là người trọn lành nhưng một đời theo Chúa, luôn tuân giữ
giới răn của Chúa thì không đến nỗi phải sa hỏa ngục. Vậy thì nơi chắc chắn
linh hồn bố tôi sẽ đến là luyện ngục, tức là nơi thanh luyện cho được tinh tuyền
để xứng đáng được ở cùng Chúa trên Thiên đàng.
Tôi ngước mắt lên trời
làm dấu Thánh giá đọc kinh cầu nguyện cho bố tôi, xin Chúa bớt phần phạt cho bố
tôi ở đời sau. Bất giác tôi nhớ đến câu chuyện vợ tôi kể cho tôi nghe khi bố
tôi đến Nha Trang thăm các cháu trong lúc tôi còn đang ở trong tù “cải tạo”. Vợ
tôi kể rằng giữa đêm khuya, bố tôi âm thầm quỳ trước bàn thờ hai tay giang thẳng,
cầu nguyện thật lâu. Tôi mường tượng ra dáng vẻ thành khẩn và khiêm nhường như
thế nào lúc bố tôi cầu nguyện cho con, cho cháu. Tôi nhớ tới lời Chúa dậy khi cầu
nguyện hãy tha thứ nếu như có bất bình với ai. Chúa còn dậy không được giận
ghét ngay cả với kẻ thù. Bỗng lòng tôi chùng xuống, không còn thấy căm ghét ông
bác sĩ kia nữa. Nghĩ cho cùng thì ông bác sĩ kia cũng không phải là kẻ thù và mọi
việc xẩy ra cho bố tôi cũng chỉ là điều ngoài ý muốn. Lòng tôi thấy thanh thản
hơn và rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Thức dậy vào buổi sang. Tôi vội
sờ tay vào người bố, tôi thấy vẫn còn nóng. Tôi biết bố tôi chưa chết. Tôi đến
văn phòng làm thủ tục xuất viện cho bố tôi.
Sau đó, lòng thanh thản,
tôi ghé qua phòng bác sĩ trưởng khoa. Vị trưởng khoa là một nữ bác sĩ người miền
Bắc, cô ta còn rất trẻ. Cô ta tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi gõ cửa bước vào phòng.
Tôi lên tiếng:
- Tôi là thân nhân của bệnh
nhân sẽ xuất viện hôm nay.
Cô ta lơ đễnh hỏi trong
lúc mắt vẫn nhìn xuống tập hồ sơ trên mặt bàn:
- Có việc gì không chú?
- Tôi đến để cám ơn . . .
Tôi chưa nói hết câu thì
cô ta ngẩng đầu lên, có vẻ như cảm thấy bị xúc phạm vì cho rằng câu
cám ơn của tôi hàm ý mỉa mai.
- Cám ơn? . . . Chú nói
cám ơn làm cháu thấy xấu hổ quá.
- Tôi chỉ muốn nói lời
cám ơn đến các bác sĩ và y tá vì đã chăm sóc cho bố tôi trong những ngày qua.
Cô ta nhìn thẳng vào mắt
tôi tỏ vẻ thông cảm:
- Xin chú đừng buồn. Không phải bác sĩ có thể
chữa khỏi hết mọi bệnh tật.
- Vâng tôi hiểu
Cô ta an ủi tôi:
- Đã là con người thì
không ai thoát khỏi một lần chết chú ạ.
- Cám ơn bác sĩ. Xin chào
bác sĩ…
Tôi nghĩ có lẽ cô bác sĩ
này là người vô cùng hiếm hoi trong cái xã hội chỉ biết đến tiền bạc, không còn
biết nhân nghĩa là gì. Vì cô ta còn biết thông cảm, biết nói lời an ủi trước những
hoàn cảnh đau buồn của người khác.
Tôi trở về chỗ bố tôi thì
gặp cô em họ hiện sống tại Cần Thơ. Khi được biết bố tôi phải xuất viện, cô bảo
tôi chờ để cô đi kiếm phương tiện di chuyển bố tôi. Ít lâu sau, cô trở lại bệnh
viện với chiếc xe Lambretta, loại xe chở khách trên những đoạn đường ngắn cùng
với một số vải sô để may áo và khăn tang. Trên đường đưa bố tôi ra xe, cô khóc
như mưa. Cô như muốn níu kéo không cho chiếc xe chuyển bánh đến nỗi chính tôi lại
là người an ủi cô, xin cô đừng buồn nữa.
Sau chặng đi bằng xe
Lambretta bố tôi còn phải di chuyển một chặng bằng thuyền để về đến nhà, vì đường
vào nhà không đủ rộng cho xe chạy. Bố tôi nằm bất động trên con thuyền chạy dọc
theo con sông hẹp, bên cạnh bố tôi là một đống vải sô bay phất phới mỗi khi có
cơn gió thổi qua khiến nhiều người ở hai bên bờ sông chú ý. Tôi thấy có người
nhìn lên thuyền và đưa tay làm dầu thánh giá, có lẽ họ đang cầu nguyện cho bố
tôi.
Ngày bố tôi chết bà con
trong giáo xứ tụ họp đọc kinh liên tục, giúp đỡ gia đình tôi từ việc đóng áo
quan cho đến những công việc khác trong lúc chúng tôi bối rối và rồi họ đã cùng
gia đình chúng tôi tiễn bố tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong thánh lễ an
táng cha xứ đề cập nhiều đến những việc bố tôi đã đóng góp cho giáo xứ. Một vị
trong ban Hành giáo chỉ cái giá để bức di ảnh của bố tôi nói rằng chính bố tôi
đã cho thực hiện cái giá đó để đặt di ảnh người qúa cố trong các thánh lễ an
táng, không ngờ bố tôi lại chính là người khánh thành cái giá đó.
Bố tôi mất đúng vào ngày
Lễ Lá. Cha xứ đến thăm nói với mẹ tôi rằng bố tôi chết đúng vào ngày Chúa Giêsu
vào thành Thánh Giêrusalem, bắt đầu vào Tuần Thánh, đúng là một ngày rất đặc biệt.
Mẹ tôi thích cái ý tưởng đó đã quyết định lấy ngày Lễ Lá làm ngày giỗ của bố
tôi mặc dù lịch Phụng vụ và lịch đời không phải lúc nào cũng khớp nhau. Chẳng hạn
năm nay ngày Lễ Lá đến trước 15 ngày so với ngày thực sự bố tôi qua đời.
Lúc còn sinh thời bố tôi
là người rất quan tâm đến mối liên hệ dòng tộc. Năm 1973 bố tôi cùng với một số
các bác các chú thành lập Hội đồng Gia tộc ấn định mỗi năm vào ngày 25 tháng 2
hay ngày mồng 3 Tết là ngày giỗ Tổ để các cháu chắt, chắt, chút, chít . . .
xa gần qui tụ lại cầu nguyện nhớ ơn Tổ tiên. Đồng thời thúc đẩy việc thu
thập thông tin làm lại cuốn gia phả họ Lại đã có nhiều thay đổi sau cuộc di cư
năm 1954. Tuy nhiên cho đến ngày bố tôi qua đời tôi vẫn chưa thấy cuốn gia phả
xuất hiện. Năm 2007 chú tôi (người em thứ hai của bố tôi) từ Texas đến thăm
tôi, trao cho tôi một tập giấy rời gồm 49 trang giấy đánh máy loại giấy thật mỏng
tức cuốn gia phả còn dở dang. Chú bảo tôi cố gắng hoàn thành cuốn gia phả theo
ý nguyện của bố tôi.
Từ cuốn gia phả chưa hoàn
thành này tôi được biết người đứng đầu dòng họ là cố tổ Lại Đức Thiệu và cũng
được biết cố tổ là một trong số 27 người đứng ra khai dựng làng Quỹ Nhất, quê
hương bản quán của dòng họ. Cuốn gia phả không cho biết trước khi góp phần khai
dựng làng Qũy Nhất cố tổ đến từ đâu nhưng theo suy đoán của tôi có lẽ cố tổ đến
từ một vùng đất ở bên Tàu. Tôi nghĩ như vậy vì họ Lại không phải là dòng họ thường
thấy ở Việt Nam. Hơn nữa từ ngày sang Mỹ tôi thường nhận được những cú điện thoại
gọi tới và khi nhắc ống nghe lên thì từ đầu giây bên kia xổ ra một tràng tiếng
Tầu nghe chẳng hiểu gì. Có lẽ họ tưởng tôi cũng là người Tầu như họ.
Cố tổ có ba người con
trai (đời thứ Hai). Đến đời thứ Ba thì ông nội tôi là người con trai thứ Hai
trong số 5 người con trai và 1 người con gái. Sang đời thứ Tư thì bố tôi là con
trưởng trong số 4 người con trai và 1 người con gái. Đến đời thứ Năm thì tôi là
con trưởng trong số 4 người con trai và hai người con gái.
Tôi cho rằng ở những đời
trước đã có người trong dòng họ bỏ quê quán đi làm ăn nơi khác rồi tứ tán khắp
nơi. Do vậy ngày nay tôi thấy ở Mỹ, Canada và ở Pháp đều có người mang họ Lại
mà tôi không rõ liên hệ họ hàng như thế nào.
Trên cuốn gia phả còn dở
dang, mỗi người từ đời thứ Nhất đến dời thứ Năm đều được ghi rõ lý lịch gồm:
tên, ngày sinh, nơi sinh, tên cha mẹ, ngày kết hôn, ngày chết, mồ mả ở đâu. . .
tôi chỉ việc copy lại những trang đã có sẵn này sau khỉ bổ túc ngày chết cho những
vị qua đời sau 1973. Nhưng tôi phải liên lạc với các anh, chị, em ở Việt Nam và
ở Mỹ tìm thông tin để bổ túc cho đời thứ Sáu trong cuốn gia phả. Cuối cùng thì
sau 34 năm cuốn gia phả dòng họ Lại đã được hoàn thành dày 72 trang giấy khổ
8X11. Tôi đã in và phổ biến trong dòng họ.
Suốt đời tôi chưa làm được
gì để đền đáp công ơn của bố tôi. Việc hoàn thành cuốn gia phả họ Lại, như lời
chú tôi nói, tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của bố tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét